NGUỒN GỐC VIỆT CỦA TÊN 12 CON GIÁP

DẦN,*KÍNH, KỄNH (PHẦN 9)

Dần 寅 là từ Hán Việt (HV) chỉ thời gian từ 3 đến 5 giờ sáng, hay tháng một và cũng chỉ hướng ENE (Bắc Đông Bắc). Dần còn là chi thứ 3 trong 12 con giáp mà con vật tượng trưng là hổ (cọp). Thoạt nhìn thì Dần và cọp beo chẳng có gì liên hệ, nhưng khi tra ra những cách đọc khác nhau thời Cổ Đại thì sẽ thấy nhiều tương quan rất thú vị. Ngoài ra, các cách khắc / viết trên Giáp Cốt Văn, Kim Văn không thấy chỉ một loài vật nào hết, cũng như các cách khắc / viết thời Thượng Cổ của tên 12 con giáp: điều này cho thấy rằng Dần là một cách ghi lại âm ‘ngoại quốc’ (con cọp) trong vốn từ Trung Hoa (TH) mà thôi:

Phần sau sẽ cho thấy tương quan ngữ âm Dần - *kính - kễnh (tiếng Việt cổ, con cọp) rõ nét hơn, một đóng góp của tộc Việt vào nền văn hoá cổ điển Á Đông mà rất ít người nhận ra.

Nên phân biệt số chỉ bậc thanh điệu đi ngay sau chữ khác với số ghi phụ chú (superscript / hay là [..]) trong bài.

1. Giới thiệu tổng quát

Hổ hay cọp, hùm được coi như là vua sơn lâm, biểu tượng sức mạnh và tính dũng cảm. Một cách xem ảnh hưởng của loài cọp vào văn hoá là khảo sát sự hiện diện của chúng qua ca dao, thành ngữ hay tục ngữ - đầu tiên là từ Trung Quốc vì tài liệu khá nhiều so với Việt Nam (VN).

1.1 Văn hoá Trung Hoa

Hổ lạc bình dương bị khuyển khi : 虎落平陽被犬騎

— cọp xuống đất bằng bị chó khinh thường (không còn dụng võ được như Cá trên cạn)

Điệu hổ ly sơn : 調虎離山

— đưa cọp ra khỏi núi, một sách lược để làm đối thủ yếu đi...

Toạ sơn quan hổ đấu : 坐山觀虎鬥

— ngồi ung dung trên núi để xem hai con hổ đánh nhau - một sách lược để tiêu diệt các đối thủ mạnh hơn mình …

Hổ độc bất cật nhi (có tài liệu ghi là hổ độc bất thực tử) : 虎毒不吃兒 / 虎毒不食子

— cọp dữ không ăn thịt con

Hổ ngoạ phùng nhân thực, nhân cùng khởi đạo tâm : 虎餓逢人食 人窮起盜心

— cọp đói gặp người bắt ăn, cũng như người nghèo khổ thì sinh lòng trộm cắp

Hổ tử hùng tâm tại : 虎死雄心在

— cọp chết nhưng tính anh hùng vẫn còn

Bất nhập hổ huyệt, nan đắc hổ tử : 不入虎穴難得虎子

— không vào hang hùm làm sao bắt được hùm con?

Quần hồ bất cập độc hổ : 群狐不及獨虎

— một bầy cáo không bằng một con cọp dữ

Mãnh hổ nan địch quần hồ : 猛虎難敵群狐

— hổ mạnh như không địch lại một bầy khỉ - sự đoàn kết gây sức mạnh

Dưỡng hổ di hoạn : 養虎遺患

— nuôi cọp trong nhà, đến khi cọp lớn lại bị cọp ăn thịt (như: Nuôi ong tay áo)

Hồ giả hổ uy : 狐假虎威 - cáo mượn oai cọp, ý nói dựa hơi áp bức người

Hổ phụ vô khuyển tử : 虎父無犬子 - hổ cha không có (sinh) chó con

Hổ khẩu bạt nha : 虎口拔牙 - rút răng cọp từ miệng cọp (ý nói mạo hiểm)

Hổ môn vô khuyển chủng : 虎門無犬種 - trong gia đình hổ không có chó

Hổ phụ lân nhi : 虎父麟兒 - cha hổ sinh ra con lân

Hổ đầu phách dăng/nhăng : 虎頭拍蠅

— phủi ruồi trên đầu con hổ, làm việc thiếu suy nghĩ, không đáng, nguy hiểm ...

Mãnh hổ ly sơn /-lạc sơn : 猛虎離山 / 猛虎落山 - hàm ý không có đất dụng võ

Hổ lang chi quốc : 虎狼之國 - ý chỉ nước còn bán khai (dân tộc thiếu văn minh)

Hổ phụ sinh hổ tử : 虎父生虎子hổ cha sinh ra hổ con (như: hổ phụ vô khuyển tử )

Hổ nhi quán giả : 虎而冠者 - người ác độc đội lốt anh hùng (hổ)

Hổ hàm loát (liệt) tu / hộ khẩu loát tu : 虎頷編須 / 虎口捋須

— vuốt râu hùm (ý nói làm việc nguy hiểm - để ý có nhiều câu nói cùng một ý này)

Hổ đầu xà vĩ : 虎頭蛇尾 - đầu hổ đuôi rắn (ý nói ban đầu thì tốt (mạnh) nhưng kết thúc thì dở (yếu) – cũng như: Đầu voi đít chuột

Hổ nhập phàn long : 虎入樊籠 - hổ trong chuồng (lồng), không còn đất dụng võ

Hộ khẩu đoạt thực : 虎口奪食 - lấy miếng ăn từ miệng cọp (ý nói làm việc nguy hiểm)

Hộ khẩu mịch thực : 虎口覓食 - tìm thức ăn từ miệng hùm

Hộ khẩu dư sanh : 虎口餘生 - thoát chết trong đường tơ kẽ tóc

Hộ huyệt lang oa / hổ quật lang oa : 虎穴狼窩 / 虎窟狼窩

— vào chỗ nguy hiểm (vào sào huyệt của hổ và lang sói)

Hổ nhập dương quần : 虎入羊群 - hổ (dữ) trong đám dê (hiền lành)

Hổ huyệt long đàm : 虎穴龍潭 vào chỗ nguy hiểm

(sào huyệt của hổ và chỗ ở - đầm sâu - của rồng)

Hổ khiếu long ngâm : 虎嘯龍吟 - hổ gào (gầm) và rồng hét

Hổ cứ long bàn : 虎躆龍盤 - nơi (chỗ) ở quan trọng (chiến lược)

Hổ phấn long tương : 虎奮龍驤 - hình dạng hùng dũng

Như hổ thiêm dực : 如虎添翼 - thêm cánh cho hổ

Kỵ hổ nan hạ / thế thành kỵ hổ 騎虎難下 / 勢成騎虎

— tình trạng leo lưng cọp (ý nói nguy hiểm)

Hổ bối (bội) hùng yêu : 虎背雄腰 - dáng người lực lưỡng (khoẻ mạnh như dũng sĩ)

Vân (sanh / sinh) tòng (tùng) long, phong (sanh) tòng hổ : 雲生從龍 風生從虎

— mây theo rồng, gió theo hổ - các cơ hội cho người anh hùng làm nên sự nghiệp1)

Nam thực như hổ, nữ thực như miêu : 男食如女食如貓 - tư tưởng phong kiến cho rằng con trai phải ăn ngấu nghiến so với con gái phải ăn cho thong thả (nhỏ nhẹ) !

Hoạ hổ bất thành phản loại cẩu : 畫虎不成 反類狗 - vẽ hổ không giống mà lại giống con chó, ý nói phải tự lượng sức mình (không quá khả năng dễ đi đến thất bại)

Hoạ hổ hoạ bì nan hoạ cốt (tri nhân tri diện bất tri tâm) : 畫虎畫皮 難畫骨 (知人知面 不知心) - cũng như: Chiếc áo không làm nên thầy tu (ý nói không nên chỉ chú ý đến bề ngoài) …v.v…

Và các cách nói1, 2 như hổ bộ 虎步 (bước đi oai hùng như cọp), hổ cứ 虎躆 (cọp ngồi, địa thế hiểm yếu), hổ huyệt 虎穴 (nơi cọp ở), hổ môn (cửa ra vào dinh tướng), hổ đầu (đầu hổ, tướng mạo oai dũng), hổ cốt 虎骨 (xương hổ, cao hổ cốt là một loại thuốc Bắc), hổ bôn 虎賁 (đám quân sĩ mạnh, dũng sĩ), tướng sĩ dũng mãnh còn gọi là hổ tướng, hổ sĩ, phòng giam tử tội là hổ lao 虎牢, công cụ dùng để hành hình tử tội là hổ đầu lao 虎頭牢, hổ bảng 虎榜 (bảng ghi tên người đậu tiến sĩ), hổ phù 虎符 (phù hiệu hành quân có hình con hổ cắt ra làm hai, một nửa vua giữ, một nửa giao cho tướng chỉ huy)…v.v.. Một số câu nói khác1 là mắt trừng như hổ 眜瞪如虎, luỡng hổ tương đấu 兩虎相鬥, nóí hổ biến sắc (tâm lý con người khi nói đến chuyện nguy hiểm là mặt biến sắc), làm ma giúp hổ (đồng loã làm việc xấu xa), bảo hổ cho da, trông mèo vẽ hổ, vẽ hổ giống chó, nhổ răng cọp, nghé con mới sinh không sợ cọp, mông hổ không sờ được, lên núi bắt hổ dễ - mở miệng xin người khó, hổ kéo xe - ai dám đuổi, hổ cũng có lúc ngủ gật, hổ gầy nhưng gan hùm …v.v…

1.2 Hổ trong ngôn ngữ Việt Nam

Có nhiều thành ngữ, tục ngữ … còn truyền tụng trong dân gian liên quan đến loài cọp. Sau đây là m
Đuổi hùm ra cửa trước, rước sói cửa sau

— cho kẻ ác khác vào sau khi đuổi kẻ ác trước!

Thả hổ (cọp) về rừng - tạo cơ hội cho người ác tung hoành, hay để lại hậu hoạn (câu này cũng thông dụng trong văn hoá TH)

Vào hang hổ - vào chỗ nguy hiểm

Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn - câu 2516 trong truyện Kiều, rất phổ thông nói lên tâm lý con người: dù tài giỏi hay khoẻ mạnh đến đâu nhưng khi thất thế thì cũng như những người bình thường khác. Miệng hùm nọc rắn ở đâu chốn này - câu 2016. Truyện Kiều dùng chữ hùm 6 lần, không thấy dùng các chữ hổ, cọp, kễnh, khái…

Vuốt râu hùm - xỉa răng cọp : làm các việc nguy hiểm

Rừng già lắm voi, rừng còi lắm hổ - kinh nghiệm của thợ săn

Hùm chết để da, người chết để tiếng - nói lên ích lợi của loài hổ và con người ngay cả sau khi chết

Hổ đội lốt thầy tu - kẻ giả đạo đức

Chưa qua truông đã trật lọ cho khái - chưa qua khỏi núi mà đã tỏ vẻ khinh thường cọp (ý nói việc chưa hoàn thành mà đã lên mặt kiêu cãng2) - khái là con cọp

Chớ thấy hùm ngủ vuốt râu, đến khi hùm dậy đầu lâu chẳng còn (VN Tự Điển, 1954)3

Và ...

Cáo đội lốt cọp; Cọp tha ma bắt; Ky cóp cho cọp nó ăn3

Râu hùm hàm én; Chúa sơn lâm (chỉ con cọp), sơn tinh, sơn quân;

Hổ lang (cọp và sói, các loại người ác độc);

Thế cỡi hổ (cũng như ngồi lưng cọp): thế phải liều (nguy hiểm), không làm cũng chết

Hùm mất hươu hơn mèo mất thịt - cũng giống như câu: Trèo cao té đau

Hùm tinh đỏ mỏ - chỉ loài độc ác như loài hổ dữ

Hổ lui lang tới : hết nạn này đến nạn kia …

Mèo tha miếng thịt xôn xao, kễnh tha con lợn thì nào thấy chi - Hay

Dạy con con chẳng nghe lời, con theo ông kễnh đi đời nhà con ... (kễnh là con cọp)

Tranh ngũ hổ - Thường thấy trên bàn thờ2: hổ vàng ngồi giữa, hai bên là hổ trắng, đỏ, xanh, đen - đây là kết quả của niềm tin dân gian chứ thiên nhiên không có như vậy!

Bạch hổ (hổ trắng)

— là loài hổ rất hiếm, còn gọi là Mohan hay tên đặt cho con cọp (đực) nuôi lông trắng ở Rewa (Ấn Độ). Tuy loài cọp trắng rất ít thấy, các truyền thuyết ở Á Châu có lúc đề cập đến loài hổ trắng như là tôtem (được thờ như thánh thần) cho bộ lạc Ba (bā BK) ở Trung Hoa, thần đạo Ấn đầu thai, hoàng tộc đảo Java và Sumatra tin vào tổ tiên là loài cọp trắng … Bạch Hổ là một trong bốn chòm sao trong thiên văn cổ TH, liên hệ mật thiết tới bộ lạc Ba. Bộ lạc Ba thật ra gồm nhiều tộc từng sinh sống bằng nghề đánh cá và săn bắn ở khu vực Tứ Xuyên, bị Tần thôn tính vào năm 316 TCN. Các di vật của bộ lạc này thường có hình con cọp, cũng như hòm hình thuyền, trống đồng đặc biệt (gọi là chúnyú, thuần vu) dùng để liên lạc khi đánh trận …v.v… Để ý nhà thơ Khuất Nguyên có tổ tiên thuộc bộ lạc Ba và những bài thơ có thể liên hệ đến khu vực sinh sống của dân Ba ngày xưa – xem thêm bài tóm tắt về văn hoá dân tộc Ba ở địa chỉ trên mạng http://www.china.org.cn/english/2003/Jun/67858.htm. Dân tộc Di (yí BK, hay LôLô, Ngolok) cũng tự cho mình là con cháu loài hổ1, lấy hổ đặt tên đất, tên người. Họ cho trẻ con đeo thú bộng hổ, đội mũ đầu hổ, mang giày đầu hổ... Dân tộc Di cũng dùng 12 con giáp để chỉ thời gian – xem thêm nhiều chi tiết trên mạng http://www.china.org.cn/e-groups/shaoshu/shao-2-yi.htm

Các thành ngữ, tục ngữ trên cho thấy hình bóng loài hổ đã thấm sâu vào vãn hoá dân gian ở TH cũng như VN từ thời xa xưa. Thành ra, ta phải đi sâu hơn vào cấu trúc âm thanh và chữ
viết (Hán) của Dần, Hổ … để có thể tìm ra nguồn gốc tên gọi 12 con giáp chính xác hơn.

1.3 Các liên hệ mở rộng về âm và nghĩa của Dần

Dần 寅 HV viết bằng bộ miên 宀, giọng Bắc Kinh (BK) bây giờ là yín, yí (mất phụ âm cuối -n) so với giọng Quảng Đông (QĐ) jan4, giọng Hẹ jin2, ji2, rin2, ri2 jen5 … có các nghĩa theo tự điển Từ Nguyên (Bắc Kinh, 2004) là (1) chỉ thời gian trong ngày, tháng, năm (2) cung kính (3) tiền tiến – và không bao giờ có nghĩa là con cọp trong tiếng Hán! Chính vì vậy mà tiếng TH thường dùng các từ kép như Dần Hổ 寅虎, Tý Thử 子鼠 … để cho biết nghĩa cổ của các từ này.

Câu nói thường gặp trong văn hoá TH là ‘Dần ngật Mão lương’ 寅吃卯糧 - nghĩa là năm Dần ăn lương năm Mão (năm Mão sau năm Dần) - hay là ăn hết đồ dự trù (cho năm sau), thu không đủ chi …

Nghĩa cung kính4 恭敬 của Dần còn thấy trong các cách dùng như dần lượng 寅亮 (kính tưởng), dần nghị 寅誼 (tình bạn đồng liêu, như thành ngữ dần nghị thâm hậu - tình bạn đồng liêu nồng nàn), dần tiễn 寅餞 (tiễn biệt một cách cung kính), dần uý 寅畏 (kính sợ) …v.v…

Tuy nhiên, cũng có những chữ khác rất gần âm Dần như:

— 夤 yín, yí, yā BK (di, dần HV, bộ tịch hợp với chữ dần bên dưới, nghĩa là sâu xa, kính trọng…),

— 諲 yīn, zhēn BK (nhân HV - bộ ngôn hợp với chữ nhân – là kính trọng6),

— 闉 yín BK (ngân/ngôn - bộ môn hợp với chữ ngôn - nghĩa là kính trọng (chữ hiếm6)

— 景 jĭng (cảnh HV ... cũng có nghĩa là cung kính) và đương nhiên có chữ

— 敬 jìng BK (kính HV, viết bằng bộ phộc) …

Tất cả các dữ kiện trên cho thấy âm jing (đọc như ching/trinh giọng Bắc) và yin (đọc như dinh giọng Nam, phụ âm đầu ngạc hoá) đều có thể chỉ âm kính cổ hơn. (Để ý thêm cách đọc tương đương của kinh, tức là 涇 kênh).

Các chữ Hán 猄, 犭更, 犭庚 (âm kinh, canh, BK jing, geng...) đều chỉ con CHÓ, không phải con cọp (như 獍 jing4, kễnh), cho thấy: Dần (hay *kính cổ hơn) chỉ (có thể) là cách ghi ÂM tiếng nước ngoài (Việt cổ) chứ không phải là tiếng Hán!

Chữ kính 獍 HV, viết bằng bộ khuyển hợp với chữ cánh nghĩa là loài cọp beo rất ác độc (ăn thịt người, ăn thịt mẹ nó khi mới sinh ra - theo Khang Hi) mà tiếng Việt cổ còn duy trì dạng kễnh. Kễnh viết bằng chữ 獍 kính trên, theo cuốn ‘Lý hạng ca dao’5 (里巷歌謡 bảng chép tay thuộc kho sách Viện Hán Nôm).

Chữ Kính HV rất ít thấy dùng trong tiếng TH hiện nay - tần số dùng6 là 443 trên 430747376, có thể phản ánh khuynh hướng xa dần (đào thải) các từ có nguồn gốc phương Nam; cũng như tên 12 con giáp chẳng hạn, càng ngày càng xa dần nghĩa nguyên thuỷ (ngoại quốc) của chúng là tên loài vật.

Không những Dần có thể là *kính-kễnh (con cọp, nguồn gốc phương Nam), nhưng hổ 虎 HV cũng có thể đã từng có gốc phương Nam qua tương quan k-h (hổ - cọp, khai):

— hạp / hợp 合 cáp (một đơn vị đo lường), hồ cầm 胡 cò (đàn-), hộ 户 cửa, hồ 狐 cáo, 谷 hộc - cốc, 糊 hồ - 膠 keo, ...

Trường hợp cậy kể cũng lý thú: tại vì nó cùng họ với chữ Ỷ 倚 (yi3 BK) - âm phù của nó đẻ ra các dạng khác là: ky, kỳ, kỷ, ký, kỵ = cậy!? Còn chữ 似 tựa (âm dĩ) còn có âm khác là: tì, dựa, ... chắc cũng thuộc nhóm này. Cuối cùng ta có cả một loạt chữ là: cậy (gậy) - kề - tì - tựa - dựa - nhờ - ỷ.

So với tiếng Katu (kooq là cọp), tiếng Bahna (cop cop là con cọp). Thật ra thì phụ âm gốc luỡi k, kh vẫn còn duy trì trong cách gọi chi thứ 3 của tiếng Khme (khal), Thái / Xiêm ขาล (khán) … cho ta thấy tương quan d-k/kh để truy nguyên.

Xem thêm tương quan k-h trong bài “Nguồn gốc Việt Nam của tên 12 con giáp - Hợi-gỏi-cúi (phần 5)” và địa bàn sinh sống của loài cọp, cũng như các liên hệ phương Nam của chữ hổ7 - mà ít ai biết đến!

Trong vốn từ TH lại còn một chữ 虔 đọc là qián BK, kin4 (Quảng Đông), kien2 (Hẹ) viết bằng bộ hổ 虎 hợp với chữ văn 文 (4 nét) – nghĩa là dáng cọp đi, kính trọng … mà tiếng HV là kiền8. Đây là một gạch nối cho thấy liên hệ rất xa xưa của kính-kiên và loài kễnh, mối dây liên hệ này càng ngày càng mờ dần như dân số của loài cọp trên thế giới.

Loài cọp9 đang bị hiểm hoạ diệt vong như địa bàn sinh sống càng ngày càng thu hẹp lại - hãy xem bảng thống kê sau đây:

Năm Số cọp (trong rừng) Dân số thế giới
1920 khoảng 100 000 con khoảng 1.9 tỷ
1993 khoảng 4730 đến 6700 con khoảng 5.5 tỷ người

Có người tiên đoán rằng đến năm 2010 thì sẽ không còn loài cọp trong rừng hay đồng hoang nữa! May thay, với truyền thống Á Đông của 12 con giáp, hình ảnh và truyền thuyết về loài cọp vẫn nằm trong tâm tý và vãn hoá các dân tộc Á Đông – dù rằng loài cọp chắc sẽ trở thành những con vật ‘ngoan ngoãn’ được nuôi trong chuồng, gánh ‘xiếc’ hay sở thú, rất khác biệt với môi trường sống nguyên thuỷ của loài thú này!

Loài cọp đã gắn bó với truyền thống văn hoá rất lâu đời của Á Đông, nên cũng có lúc ‘tham gia’ vào chính trị! ‘Con cọp giấy’ là cụm từ với nguồn gốc Hán là ‘chỉ lão hổ’ 紙老虎 (zhĭlăohŭ), từng được chủ tịch Mao Trạch Đông dùng để chỉ nước Mỹ (Hoa Kỳ) vào nãm 1956 - sau đó Thủ Tướng Nga Nikita Khrushchev cũng có phê bình thêm là ‘… nước Mỹ là cọp giấy, nhưng có rãng (vũ khí) nguyên tử...’ - trích từ trên mạng Wikipedia, chủ đề ‘Paper tiger’ (cọp giấy, trang mạng này được cập nhật ngày 19/10/2007).

2. Phụ âm đầu d- của Dần

Phụ âm đầu của Dần là d- (tức âm [z] / [j] theo tiếng Việt hiện đại), tương ứng với y- giọng Bắc Kinh (theo cách phiên âm pinyin thông dụng bây giờ).

Mức độ ngạc hoá (palatalisation) có thể biến đổi như d-nh: dòm-nhòm, dịp-nhịp, dúm-nhúm ... ở đầu lưỡi hay ngược lại, các phụ âm cuối luỡi (ng-, velarisation) cũng có thể hình thành, như:

— yàn 岸 ngạn, yè 業 nghiệp, yí 宜 nghi, yín 吟 ngâm, yú 愚 ngu, yù 玉 ngọc, ...

và có khi mất hẳn phụ âm đầu10 đi như:

— yīn 陰音 âm, yìng 應 ứng, yōu 優 ưu, yuān 冤怨 oan/oán, yuē 約 ước …

Các ngôn ngữ Nhật, Đại Hàn, giọng Thượng Hải (Ngô), Đài Loan (Minnan) đều cho thấy phụ âm đầu d- mất đi cho ra dạng in hay ing thay vì yín (Dần) - so với khuynh hướng ngạc hoá của giọng Bắc Kinh, Hẹ, Quảng Đông, Hán Việt.

Giọng BK Âm HV
Yín 寅 Dần (chi thứ 3)
Yăn 演 diễn (diễn biến, diễn nghĩa…)
葉 diệp (lá)
Yòng 用 dụng, dùng
Yùn 孕 dựng (có chửa, mang thai)
Yáng 羊 dương (dê, cừu)
Yín 銀 ngần (bạc)
業 nghiệp
牙 nha (rãng) – liên hệ đến ngà
Yuè 樂 nhạc (âm nhạc)
一 nhất (một)

Phụ âm đầu d- của Dần 寅 còn được tự điển Khang Hi ghi nhận là ‘dặc (yì BK) chân-/ di chân thiết’ cho thấy âm đầu d- (giọng Nam Bộ bây giờ) đã từng hiện diện khi chữ Dần nhập ngược vào tiếng Việt, cũng như tên 11 con giáp khác. Tương đồng giữa các âm thanh tiếng Hán đời Đường và tên 12 con giáp (Hán Việt) cho thấy là tiếng HV nhập vào khoảng đời Đường Tống trở lại, và có hệ thống rõ ràng hơn.

Tuy nhiên, nếu đi ngược dòng thời gian về thời tiên Tần và trước đó nữa, phụ âm đầu d- có thể đã từng đọc như các âm cuối luỡi k/g- hay ng-, kh- … như đã viết trong phần 1.3:

Ẩn 隱 HV (yĭn, yìn BK yan2 QĐ) có nghĩa là giấu mà các dạng khác hơn có thể là cẩn (với phụ âm k- đầu là một tiền tố/prefix), mà tiếng Việt vẫn còn dạng kín. (Cũng có thể "kín" (-mít) là do chữ 謹 cẩn (-mật) mà ra.11) Các phụ âm cuối lưỡi khác như ng- cũng có thể hiện diện để cho ra dạng ngầm. Chữ ẩn viết bằng bộ nạch (tật/bệnh) với chữ ẩn HT có nghĩa là nghiện/ghiền. Giả thuyết về tiền tố k- trong tiếng Hán Thượng Cổ (có thể là ảnh hưởng của họ ngôn ngữ Nam Á) đã được các tác giả William Baxter và Laurent Sagart đưa ra trong bài viết `Word formation in Old Chinese` (Packard, 1998). Các tác giả trên ghi nhận cách đọc chữ quân (yún BK, viết bằng bộ bao – nghĩa là đều - thường gặp với bộ thổ hơn) và chữ quân (jūn BK, viết bằng bộ kim với chữ quân HT – nghĩa là ba mươi cân ...): âm cổ *kwin (jūn BK) là do tiến tố k- thêm vào âm *win (yún BK). Điều này không thấy rõ trong tiếng HV vì cả hai chữ này đều đọc là quân. Các thí dụ khác là quỷ (từ uy mà ra), quốc (từ vực mà ra) ... Các dữ kiện trên đều cho thấy khả năng yín (Dần) có dạng kính/kễnh mà tiếng Việt vẫn còn duy trì. Một dữ kiện đáng được ghi nhận ở đây là tương quan giữa chữ duẫn (doãn, yǐn BK nghĩa là cai trị, quản lý) và chữ quân (jūn BK, viết bằng bộ khẩu hợp với chữ duẫn) : có thể liên hệ đến khun/kun (tiếng Mường) là lãnh tụ không? Các tương quan thú vị này cần phải được tra cứu thêm để thêm phần chính xác. Xem thêm cuốn `ABC Etymological Dictionary of Old Chinese’ của tác giả Axel Schuessler về các âm phục hồi của tiếng Hán Cổ (NXB University of Hawaii Press, 2007).

Dẫn 引 HV (yĭn BK) nghĩa là giương ra, kéo ra, dẫn (dụ) mà tiếng Việt còn duy trì một dạng cổ hơn là khiến (tức là khiển 遣 HV).

Sau đây là một số thí dụ khác cho thấy tương quan d - k/g - ng khi so sánh giọng đọc BK bây giờ (như yín) với các giọng đọc địa phương:

2.1 yín BK 吟 ngâm HV (như ngâm thơ), các phương ngữ TH phía Nam có khuynh hướng duy trì âm cổ k/g/ng- như ngam4 (QĐ), ngim2 (Hẹ), gim5 (Đài Loan) … Chữ ngâm có thể viết bằng bộ khẩu hợp với chữ kim 唫 (kim loại) hay kim 吟 (nay)

2.2 yín BK 狠 ngoan HV (cũng có các cách đọc BK khác như hén, yán) so với hen2, ken2 (Hẹ) viết bằng bộ khuyển 犬(犭) hợp với chữ cấn 艮 hài thanh, nghĩa là ác độc … Chữ cấn (thứ bảy trong bát quái) thường được dùng làm thành phần HT để tạo ra các chữ Hán khác như yín BK 銀 ngân HV (bạc, tiền) viết bằng bộ kim hợp với chữ cấn đọc là ngan2, ngan4 (QĐ), ngiun2 , niun2 (Hẹ); yín, hén BK 垠 ngân HV (bờ cõi) viết bằng bộ thổ hợp với chữ cấn đọc là ngiun2 (Hẹ); yín BK 齦 ngân HV (lợi, nướu răng) viết bằng bộ xỉ (răng) hợp với chữ cấn HT đọc là ngan4, han2, an4 (QĐ), ken3, ngiun2 (Hẹ) - chữ này cũng như 齗 ngân HV viết bằng bộ xỉ hợp với chữ cân/cấn (cái rìu, búa) có nghĩa là cắn, so với yín, kĕn BK ngan4 QĐ … Ngay cả chữ 艮 cấn (bộ thủ thứ 138) cũng có thể đọc là yín, gèn, gĕn
BK gien5, gen5 (Hẹ) gen3 (QĐ) …

2.3 yín, qīn, qìn BK 欽 khâm HV (khâm phục) viết bằng bộ khiếm hợp với chữ kim (kim loại) có các cách đọc yam1 (QĐ), kim1 (hẹ)

2.4 yín, qín BK 芩 cầm HV (một loại cỏ dùng làm thuốc) - viết bằng bộ thảo hợp với chữ kim (nay) có các cách đọc kim2 (hẹ), kam4 (QĐ)

2.5 kăn, xián BK 臽 hãm, khảm HV (cái hố, hầm) - kháp (ngắt) - 焰 diệm / 閻 diêm:

…v.v…

Thành ra ta có cơ sở để đưa ra một dạng âm cổ của yín (Dần) là *kan/*kian hay kễnh, với phụ âm đầu là k- mà tiếng Việt còn vết tích qua dạng kễnh.

2.6 Ngoài ra còn có khả năng chữ Dần 寅 vốn là chữ 更 (cánh) viết lộn (hãy so sánh chữ miễn (mãn-mèo) 免 viết lộn thành 兔 thỏ). Xem cách viết/khắc cổ trên giáp cốt văn/kim văn ta thấy cả hai chữ này có hình bàn tay dân lên (cung kính) dưới một mái nhà – thêm vào đó là nghĩa của canh là một phần năm giờ ban đêm (đêm năm canh ngày sáu khắc) cũng như cách dùng để chỉ thời gian của Dần. Đây là một đề tài cần được tra cứu chi tiết thêm để làm sáng tỏ mối dây liên hệ giữa Dần-kính-cánh/canh nếu có thì đã từng xẩy ra từ thời Thượng Cổ. Vấn đề là tìm ra các di chỉ, tài liệu chính xác cho thấy cách dùng lẫn lộn của các chữ cánh-kính-Dần; Thí dụ như trường hợp của các chữ miễn-thố : văn tự cổ thời Xuân Thu không có khác biệt. Chữ thố trên bia khắc thời Hán và chữ miễn (mãn) trong đề từ khắc hoạ ở nhà thờ Vũ Lương thời Đông Hán đều nói ’Thần phục kiếm tử, dĩ thố kỳ tử’ (dĩ miễn kỳ tử hay dĩ thố kỳ tử đều có nghĩa là khích lệ con cái) theo cuốn Ngữ Lâm Thú Thoại (Triệu Bá Bình, Thời Học Tường chủ biên – bản tiếng Việt NXB Văn Hoá Thông Tin – Hà Nội 2005).

3. Nguyên âm â của Dần

Nguyên âm i của giọng BK bây giờ tương ứng với nguyên âm â của tiếng HV

Giọng BK Tiếng HV
Yĭn 隱 ẩn (kín)
Yìn 印 ấn (in)
Xín 尋 tầm (tìm)
Jĭn 謹 cẩn (cẩn thận)
Jīn 巾 cân (khăn)
Mín 民 dân
Yín 銀 ngân (bạc)
Xīn 新 tân (mới)
Qīn 侵 xâm (xâm lược)

...v.v...

Cũng như một số nguyên âm i của giọng BK tương ứng với i Hán Việt và a HV như xìng BK là 姓性 tính/tánh (thành phần HT là sinh/sanh), xīn 心 BK (tim/tâm), qián BK 乾 (kiền/càn), xín (xún) BK 尋 (tìm/tầm) …. Cho thấy khuynh hướng của nguyên âm đầu (độ mở nhỏ) trở thành nguyên âm sau với độ mở lớn hơn: thành ra kính (jìng BK, con cọp dữ ăn thịt người) liên hệ đến cánh (thành phần HT) và kễnh có cơ sở giải thích.

4. Phụ âm cuối -n của Dần

Đa số các ngôn ngữ chung quanh khi mượn tên 12 con giáp từ tiếng TH đều duy trí âm cuối -n. Tiếng Khme có dạng khal với âm cuối -l, một biến âm thường gặp của âm đầu luỡi tắc -n.

5. Thanh điệu (huyền) của Dần

Các âm BK với thanh thứ nhì (second tone, thanh dương bình) liên hệ đến thanh huyền hay thanh ngang (thanh trầm/trọc) tiếng Việt nếu không có các phụ âm tắc cuối (-c/p/t); Các phụ âm cuối tắc giới hạn thanh điệu để cho thanh sắc hay nặng như jí 集 (tập, tụ tập), jí 吉 (cát, tốt), shí 實 (thật, thực), shí 十 (thập) …

Giọng BK Tiếng HV
Yín 寅 Dần (chi thứ 3)
Jué 絶 tuyệt (hết, cùng …tuyệt vọng)
河 hà (sông)
Jié 桀 kiệt (xuất sắc)
Huáng 黄 hoàng (vàng)
胡 hồ
Lóu 樓 lâu (lầu)

…v.v…

Với phụ âm đầu d- , thanh điệu11 thường là trầm (hay trọc) – nên ‘dặc chân thiết’ (theo Khang Hi) đọc là Dân hay Dần HV.

So sánh với:

— 兔 tú BK (thố) - thỏ (dấu hỏi với phụ âm đầu th-) nhưng

— 圖 tú BK là đồ (bản vẽ, mang dấu huyền với phụ âm đầu đ-),

— 疑 yí BK - nghi, ngờ …

Liên hệ kính-kễnh (không có âm "kểnh") qua thanh điệu còn thấy trong các cặp từ:

— vú-nhũ 乳, sóng-lãng 浪, phá-bể-vỡ 破, múa-vũ 舞, phế-phổi 肺, cuốn-quyển 卷, cảnh-kiểng 景, khá-khả 可, khó-khổ 苦, chúa-chủ 主, ký-gởi 寄, chủng-giống-trồng 種, phóng - phỏng 倣 (bắt chước) …

6. Tóm tắt các dữ kiện chính và kết luận cho phần 9

6.1 Khi xem cách viết / khắc cổ của chữ Dần 寅, ta thấy hình người ở dưới mái nhà (bộ miên), đưa (dâng) hai tay lên một cách cung kính. Đây chính là nghĩa nguyên thuỷ của Dần trong vãn hoá và ngôn ngữ ‘chính thống Trung Hoa’, không có dính líu gì đến loài cọp. (Xin hãy xem hình ở đầu bài.)

Tình hình hoàn toàn khác hẳn khi ta xem cách viết / khắc cổ của chữ hổ:

các nét khắc trên giáp cốt văn, kim văn cho thấy hình của loài thú có hai hàm lớn (dùng để cạp mồi) và cái đuôi dài đặc biệt của loài cọp: điều này cho thấy chữ Dần có thể đã được dùng để ký âm, một âm thanh ngoại quốc (nguồn gốc phi-Trung Hoa) chỉ con hổ. Điều này cũng là một căn bản của lý luận cho rằng tên 12 con giáp không phải là tiếng Hán (cổ), mà là từ tiếng Việt cổ qua liên hệ Dần -*kính/kánh - kễnh.

Khi xem các cách viết / khắc cổ của các chữ Tý, Sửu … Hợi, ta cũng thấy không có dính dáng gì đến các con giáp12, nhưng lại có nhiều tương quan đến các tên gọi loài thú liên hệ trong tiếng Việt.

6.2 Theo ‘Tả Truyện - Tương Công Thập Tứ Niên’ chép việc nước Tần sai người sai người đi thanh toán quý tộc Khánh Hổ và Khánh Dần (đây là tập quán cổ, cha con và anh em có tên khác nhau ý nghĩa giống nhau) - do đó ta có thể suy luận rằng hai chữ Dần và Hổ thời Tần tương ứng với nhau. Vấn đề là hổ được dùng để chỉ con cọp thời đó13 rồi, còn dùng chữ Dần làm chi? Điều này cho thấy quá trình ký âm đã cho ra chữ Dần. Nhìn rộng ra thì ta sẽ thấy các chữ (Hán) Tý, Sửu, Dần … Hợi đều từng là những thành phần hài thanh rất tích cực trong quá trình cấu tạo chữ Hán.

6.3 Tiếng TH phải dùng từ ghép Dần-Hổ để cho thấy con cọp gắn liền với Dần, điều này tiếng Việt không cần, vì ta đã có tương quan d-k hay Dần -*kánh - kễnh.

Giống như các tương quan khác như:

Tý=chuột, Mão=mèo, Ngọ=ngựa, Sửu=trâu … (TH dùng từ ghép Tý-Thử, ...)

Tên 12 con giáp rất gần với tên gọi 12 con thú mà chúng tượng trưng dựa trên cơ sở ngữ âm vững chắc: chữ Hán (cổ) đã đóng một vai trò quan trọng trong quá trình giải mã nguồn gốc tên 12 con giáp, cũng như hoàn thành chức năng ký âm của một hệ thống chữ viết.

6.4 Một số từ lắp láy như cập kễnh, khập khễnh ... hàm ý không hạp, không ăn khớp trong tiếng nói hàng ngày cho thấy mối liên hệ gắn bó giữa cập (cạp) và kễnh : cách dùng chung này không phải là ngẫu nhiên vì cả hai chữ đều có thể từng chỉ loài cọp14.

Tóm lại, các dữ kiện ngữ âm cho thấy Dần đã từng có âm *kian (hay kễnh), vì nhập ngược vào tiếng Việt từ tiếng Hán khoảng thời Đường Tống nên theo hệ thống âm thanh Trung Hoa thời Trung Cổ. Các thay đổi tự nhiên của ngôn ngữ (của Hán và Việt) làm cho ta khó nhận ra tương quan của Dần-kễnh, tuy nhiên qua các dữ kiện ngôn ngữ bên trên ta thấy liên hệ Dần-*kính-kễnh có cơ sở giải thích vững chắc hơn.

7. Phụ chú và phê bình thêm

Hùm hay hồm (theo tự điển Việt-Bồ-La, 1651), chữ Nôm viết bằng bộ khuyển hợp với chữ hàm (ngậm): 犭+含 cho thấy hình ảnh con cọp đang giữ (cạp) mồi: những dữ kiện dùng âm tượng hình của tiếng Việt cần được khảo sát sâu xa hơn trong các ngôn ngữ Nam Á. Hùm chỉ con cọp có thể là hờm trong cách nói hờm tướng (tướng dữ như cọp).

Một số tác giả như William G. Boltz lại đề nghị dạng âm cổ phục nguyên của Dần rất khác với *kính-kễnh - xem thêm bài viết “The Old Chinese Terrestrial Rames in Saek” trong cuốn “Studies in the Historical Phonology of Asian Languages”, Current issues in Linguistic Theory 77, NXB John Benjamins (1991). Bernhard Karlgren đề nghị dạng *diơn so với dạng *rin của Li Fang-kuei dựa trên các phương ngữ Thái Lan …v.v…

Những đề tài khác cần được nghiên cứu thêm là nguồn gốc của loài hổ ở khu vực Đông Nam Á, cũng như các vùng hoạt động và quá trình di cư để cho có môi trường sinh thái hiện nay… Thí dụ như loài hổ Nam TH (South China tiger, Hoa Nam Hổ) đã tuyệt chủng và được xem như là loài hổ gần với gốc nhất (gọi là stem tiger) – xem thêm các tài liệu trên mạng Internet như TigerHeaven@groups.msn.com hay tìm qua chủ đề ‘tiger evolution’ (quá trình tiến hoá của loài cọp).

(1) trích từ cuốn “Văn hoá về 12 con giáp” tác giả Thường Tuấn 常峻 (Đại Học Thượng Hải) - bản dịch tiếng Việt - NXB Tổng Hợp TP HCM (2005)

(2) theo cuốn “12 con giáp” chủ biên Vũ Ngọc Khánh, Trần Mạnh Thường - NXB Hội Nhà Vãn - Hà Nội (1998). Ngũ hổ kinh tế (economic Tigers) thường chỉ các nước Nhật Bản, Đài Loan, Tân Gia Ba, Đại Hàn và Hồng Kông. Ngũ hổ Tướng chỉ năm vị tướng tài thời Tam Quốc - được Lưu Bị 劉備 ban cho vì công trạng hiển hách

(3) “Việt Nam Tự Điển” - Việt Nam Văn Hoá Hiệp Hội (thừa kế Hội Khai Trí Tiến Đức) - in năm 1954

(4) xã hội phong kiến TH đề cao nguyên tắc ‘trọng nghĩa khinh tài’, tư tưởng Khổng Mạnh như ‘tiên học lễ hậu học văn’ phát triển mạnh, thành ra có nhiều từ chỉ sự kính trọng trong vốn từ HV như tôn, khâm, sùng, trọng, cẩn, kính, nguỡng …v.v…

(5) theo “Tự Điển chữ Nôm” - chủ biên Nguyễn Quang Hồng - Viện Nghiên Cứu Hán Nôm - NXB Giáo Dục (Hà Nội, 2006).

(6) theo tự điển tiếng TH và tiếng Anh trên mạng: www.chinalanguage.com ghi nhận tần số dùng, các giọng địa phương so với giọng BK, các dị dạng.

(7) trong tự điển từ nguyên Hán-Tạng trên mạng (the Tower of Babel), tác giả Sergei Starostin (cố giáo sư Ngôn ngữ học Nga Sô) cũng ghi nhận rằng ‘có thể chữ hổ trong tiếng Hán có nguồn gốc Nam Á’. Ông cũng trích dẫn công trình của một học giả Nga khác là Ilia Peiros, tác giả cuốn ‘Comparative Linguistics in Southeast Asia’ – Pacific Linguistics Series C-132, Canberra (Úc) - NXB Australian National University (Đại Học Quốc Gia Úc) in nãm 1998, cũng đưa ra kết luận tương tự về âm hổ có nguồn gốc Nam Á.

(8) theo tự điển Từ Nguyên (Bắc Kinh, 2004) thì nghĩa xưa nhất của kiên là ‘uy mãnh kính’ (cái uy của con kính / cọp dữ). Tác giả Huệ Thiên cũng bàn về cấu tạo của chữ
hổ và các từ liên hệ như kiên (kiền), ngược, hý, thao… chương ‘Con hổ - chữ & nghĩa trong tiếng Hán’ trong cuốn ‘Những tiếng trống qua cửa nhà sấm’. Một điều đáng chú ý trong bài viết này là loài cọp đã mang ‘tính chất chính trị’ từ thời Khổng Tử qua câu nói ‘Hà chính mãnh ý hổ dã’ (các trò khá nhớ lấy, chính trị hà khắc còn ghê gớm hơn hổ) trang 285 (sđd).

(9) các dữ kiện về loài cọp được trích từ Wikipedia (chủ đề tiger/cọp) trên mạng được cập nhật vào ngày 23 tháng 10 nãm 2007. Cách phân loại loài cọp: Kingdom (Animalia, giới : động vật), Phylum (ngành: Chordata), Class (Mammalia, lớp: động vật có vú), Order (Carnivora, bộ: động vật ăn thịt), Family (Felidae, họ: mèo), Genus (Panthera, chi: cọp beo), Species (Panthera Tigris, lọại: cọp). Để ý sư tử thuộc cùng chi (Genus Panthera) nhưng khác loại (Species Panthera Leo) - và là 1 trong bốn loại mèo lớn (big cats): cọp (tiger), sư tử (lion), báo (beo, leopard) và beo đốm Mỹ (jaguar). Địa bàn sinh sống của sý tử là đồng cỏ với cây cối thưa (savana) - khác với loài cọp thường thấy ở rừng rậm trên núi … Vấn đề phân loại (thú vật) một cách khoa học rất quan trọng để tránh ngộ nhận về sau, cũng như tạo ra nhiều huyền thoại phức tạp và khó tìm ra nguồn gốc chính xác. Thí dụ như loài rồng chẳng hạn: chưa ai thấy và diễn tả chính xác hình dáng của chúng (lúc ba móng, bốn móng…). Singapore (Tân Gia Ba) là địa danh khi hoàng tử Malay Ammals tưởng lầm là mình đã thấy sư tử trên đảo - nên đặt tên đảo là Singa Pura vào thế kỷ 13 (tiếng Phạn: Singha = sư tử, Pura = phố xá) - và từ đó Singa Pura trở thành Singapore hiện tại. Hình dạng giống nhau của thỏ và mèo cũng có thể là một nguyên nhân đưa đến cách dùng khác nhau giữa TH và VN - xem thêm bài viết ‘Mão-Mẹo-mèo’ (phần 4).

Người đọc có thể tìm trên mạng Internet nhiều tài liệu liên hệ đến loài cọp, như bản báo cáo về địa bàn hoạt động cùng dân số càng ngày càng giảm của loài cọp ở Trung Hoa: ‘Taming the Tiger Trade’ các tác giả là Kristin Nowell và Xu Ling 徐玲, NXB TRAFFIC East Asia (Hong Kong, 2007). Các kết quả phân tích hoá học và y học trong bản báo cáo trên cho thấy cao hổ cốt không có công dụng gì rõ ràng trừ yếu tố tâm lý. Vấn đề bắt cọp để lấy xương làm thuốc, da cọp để trang trí hay y phục làm cho dân số loài cọp càng ít thêm.

(10) phụ âm đầu d- (j) còn có thể trở thành âm môi-răng v- khi đứng trước nguyên âm sau u (độ mở nhỏ) vì môi đã tròn sẵn, dễ trở nên v- như yuán-viên/vườn, yuè-việt/vượt, yún-vân (mây), yŭn-vẫn (chết), yuăn-viễn (xa), yŭ-vũ (mưa), yù-vu (khoai sọ) …v.v…

(11) theo tác giả Lê Ngọc Trụ trong “Tầm Nguyên Tự Điển” – NXB Thành Phố HCM (1993)

(12) trừ hình khắc của chữ Hợi trên giáp cốt văn: có vẻ hơi giống hình một con thú có chân và đuôi (chỉ có một hình là hơi giống trong các hình khắc - xem thêm bài viết số 5 về Hợi-gỏi-cúi). Ta có thể coi đây như là một sự trùng hợp ngẫu nhiên vì có rất nhiều nét khắc khác nhau (không đồng nhất) cho một chữ - điều quan trọng là không có một nét khắc/vẽ/viết trên giáp cốt văn, kim văn … cho thấy hình dạng của loài thú mà 12 con giáp biểu tượng! Kết quả này khá dễ hiểu khi so sánh với rất nhiều tương quan ngữ âm giữa tên gọi (âm thanh) của từng con vật liên hệ đến tiếng Việt Cổ, Hán Việt, Hán Cổ và ngay cả tiếng Việt bây giờ: các tên HV Tý, Sửu, Dần … Hợi chỉ là cách ghi lại âm các tên (thú) không có trong tiếng Hán!

(13) phần này dựa vào cuốn ‘Tìm hiểu ý nghĩa & lịch sử 12 con giáp’ của Kỳ Anh - NXB Thanh Hoá (2006). Cũng theo tự điển Từ Nguyên (Bắc Kinh, 2004) - Thuyết Văn Giải Tự còn ghi rằng ‘huấn vi ? - sơn thú chi quân’ 山獸之君 (cho thấy ngay vào thời Hán thì cọp đã là vua của các loài thú trong rừng núi). Theo một số tài liệu (trên mạng) thì hổ là vua sơn lâm ở Á Đông mà thôi, còn sư tử mới là vua của muôn thú ở phương Tây - nhưng cũng có lúc chính heo rừng (lúc hăng máu) mới là đáng sợ nhất - xem thêm bài viết số 5 về Hợi-gỏi-cúi.

(14) tác giả Lê Gia trong cuốn `Tiếng nói Nôm na’ (NXB Văn Nghệ - Thành Phố HCM – 1999) cũng cho rằng cọp liên hệ đến cạp, hay cáp...`Loài vật thường há lớn miệng mà đớp ngưòi ta’. Cọp còn là một dạng của cạp (hé, gé BK - viết bằng bộ môn với chữ hạp HT), nghĩa là cửa nhỏ bên hông, cửa nách. Thành ra đi coi cọp là đi coi hát bằng cách vào cửa hông hay cửa sau ... không phải đi bằng cửa chính phải mua vé tốn tiền!

Nguyễn Cung Thông