GS Vĩnh Sính

Đối xử Minh thần Chu Thuấn-Thuỷ ở Việt Nam và Nhật Bản

Tại sao một học giả có tầm cỡ như Chu khi tìm đến đất Thuận Quảng nhưng vẫn không có ai nhận chân được giá trị, phải chờ đến khi sang Nhật Chu mới phát huy được sở học và tài năng của mình ? Vấn đề không có chính sách dài hạn tuyển dụng và nung đúc nhân tài phải chăng chỉ là vấn đề ở đất Thuận Quảng vào giữa thế kỷ hay cũng chính là căn bệnh ngặt nghèo tác hại nền học thuật trên toàn cõi đất nước từ mấy trăm năm nay ?

Vào giữa thế kỷ 17, sau khi người Mãn Thanh lên nắm quyền ở Trung Quốc, nhiều trung thần của nhà Minh không chịu thần phục nhà Thanh bỏ trốn sang Nhật Bản, Việt Nam cùng các nước Đông Nam Á khác nhằm mưu tìm cơ hội khôi phục nhà Minh. Trong số những Minh thần này, có một trưng sĩ (người có tài được tiến cử ra giúp triều đình chứ không qua đường thi cử) tên là Chu Thuấn-Thuỷ rất đáng được chú ý. Sử liệu Trung Quốc và Nhật Bản cho biết trước khi sang Nhật định cư vào năm 1658, Chu đã nhiều lần theo tàu buôn đến Việt Nam. Trong khoảng thời gian ở nước ta, không những sở học của Chu chẳng có ai nhận chân được giá trị, thậm chí có lúc Chu còn bị giam giữ và hăm doạ đến tính mạng. Chu đâm ra chán ngán, rời Việt Nam và sang định cư ở Nhật với tư cách là một học giả Nho học cho đến khi mất (1682). Trước khi rời Việt Nam, Chu có viết một ký sự về khoảng thời gian sống ở đất Thuận Quảng (Thuận Hoá – Quảng Nam) mang tên là “An-Nam cung-dịch kỷ-sự” (Ký sự về việc phục dịch ở An Nam; 1657).[1] Trong thời gian ở Nhật, Chu được nhiều người mến mộ tài năng nên đã có dịp thi thố sở học của mình và đã góp phần xứng đáng vào việc nghiên cứu Nho học ở Nhật lúc bấy giờ. Ngày nay, ở Trung Quốc và Nhật Bản tên tuổi của Chu còn được nhắc nhở đến khá nhiều, trong lúc đó ở Việt Nam không mấy ai biết đến. Bài này có mục đích giới thiệu đôi nét về Chu Thuấn-Thuỷ và “An-Nam cung-dịch kỷ-sự” cùng một vài tài liệu khác có liên hệ đến Việt Nam.

Chu người Dư Diêu (cùng quê với Vương Dương-Minh) tỉnh Chiết Giang, sinh năm 1600 vào đời Vạn Lịch nhà Minh. Tên thật của Chu là Chi-Du, hiệu là Thuấn-Thuỷ, tổ tiên hình như có liên hệ với Minh Thái-Tổ Chu Nguyên-Chương. Vì chán cảnh quan trường thối nát, Chu hồi trẻ đã nuôi chí giúp đời (kinh-thế tế-dân) và nhất quyết không chịu đi thi, chỉ theo thầy đọc sách ở Tùng-giang-phủ (Nam Kinh). Tuy không đi thi, nhưng sở học và tài năng của Chu được xa gần đánh giá rất cao. Năm 1638, Chu được Học-chính giám-sát ngự-sử ở Tô Tùng (Tô Châu và Tùng Giang) chọn là nhân vật “văn vũ toàn tài đệ nhất” và tiến cử lên Bộ Lễ làm “ân cống sinh”. Thượng thư Bộ Lễ lúc bấy giờ sau khi đọc bài viết của Chu, khen là “khai quốc lai đệ nhất”(hay nhất từ khi nhà Minh được khai sáng).

Khi quân phản loạn của Lý Tự-Thành công phá Bắc Kinh (1644), Minh Nghệ-Tôn phải thắt cổ tự tử, di thần nhà Minh là Sử Khả-Pháp lập Phúc-Vương Do-Tùng (tức Hoàng-quang đế) ở Nam Kinh. Có điều lạ là lúc này Chu được Phúc-Vương vời ra giúp hơn mười lần nhưng lần nào Chu cũng nhất mực khước từ, đến nỗi phải bị hạch tội là không giữ lễ quân thần. Phải chăng Chu muốn giữ một tư thế độc lập trong nỗ lực phục hồi nhà Minh ? Sau khi Phúc-Vương bị quân Thanh bắt sống (1645), nhóm Trương Quốc-Duy lập Lỗ-Vương Dĩ-Hải làm Giám quốc ở Chiêu Hưng. Chính Giám quốc Lỗ-Vương là người đã ban chiếu ân xá cho Chu vào năm 1657. Tuy Chu không bao giờ giải thích vì sao trong khoảng 12 năm từ 1646 cho đến 1658, Chu đã từ Chu Sơn (Chiết Giang) bôn ba sang An Nam (chủ yếu chỉ miền Thuận Quảng lúc bấy giờ) ít nhất 5 lần và Nhật Bản (Nagasaki) 7 lần, ta có thể phỏng đoán rằng mục đích các chuyến đi của Chu là để tìm cách yểm trợ phong trào phục Minh ở miền Nam Trung Quốc.

Căn cứ trên những tài liệu Trung Quốc và Nhật Bản, Chu đã đến An Nam 5 lần sau đây :

(1) 1646, từ Nagasaki – An Nam, về Chu Sơn;

(2) 1651, từ Chu Sơn – An Nam;

(3) 1652, từ Nagasaki – An Nam, bị bệnh;

(4) 1653, từ An Nam – Nagasaki (tháng 7), từ Nagasaki – An Nam (tháng 12);

(5) 1654, từ An Nam – Nagasaki (tháng giêng), từ Naga-saki – An Nam, bị thổ huyết rồi lưu trú tại Việt Nam; 1656 : từ An Nam định đi Áo Môn, nhưng không đi được, tiếp tục ở lại An Nam; 1657 : bị giam giữ, sau khi được thả về bị thổ huyết nặng; 1658 : từ An Nam đi Nagasaki (vào mùa hè).

Trong 5 lần đến An Nam, thời gian Chu lưu trú lâu nhất là khoảng 4 năm từ 1654 cho đến 1658. Khi tiếp xúc với phủ chúa Nguyễn vào năm 1657, Chu bị giam giữ một thời gian và có lúc suýt mất mạng. An-Nam cung-dịch kỷ-sự (viết năm 1657) là “hồi ký” của Chu viết về những sự việc xảy ra lúc này. Ta hãy xem Chu đã ghi lại những gì trong tập sách đó.

Chu cho biết là Chu nhận được hịch chiêu mộ người biết chữ (thức-tự) của “quốc vương” vào ngày 29 tháng giêng năm Đinh Dậu, năm thứ 11 đời Vĩnh Lịch nhà Minh, tức là năm 1657. Vì văn thư ở nước ta vào lúc này viết bằng chữ Hán, đối tượng chính của những đợt “tìm người biết chữ Hán” này thường là người Hoa. Ta biết rằng lúc này Chu đang cư ngụ ở Hội An (Faifo), vậy “quốc vương” ở đây là chúa Nguyễn, hay nói rõ hơn là chúa Nguyễn Phúc Tần (tức chúa Hiền; làm chúa từ 1648 đến 1687). Đây có lẽ là lần đầu tiên Chu tiếp xúc với phủ chúa, trước đó tuy Chu đã đến đất Thuận Quảng nhiều lần nhưng hình như không có liên hệ trực tiếp với chính quyền chúa Nguyễn. Khi nhận được hịch chiêu mộ và ra trình diện ngày 3 tháng 2, Chu bị “tống giam” (yểm-bổ) và bị đối đãi giống như “tù giặc nước ngoài bị bắt sống” (khấu-lỗ).

Sau đó, khi được dẫn đến nha môn, quan ra lệnh cho Chu làm một bài thơ khẩu hứng rồi viết lên giấy. Chu khăng khăng không chịu làm thơ, dùng bút viết giải thích như sau : “Tôi, Chu Chi-Du người Dư Diêu, Chiết Giang; chánh quán Tùng Giang, Nam Trực Lệ (tỉnh Giang Tô). Khi người Trung Quốc phải chịu cảnh nước mất nhà tan, trời nghiêng đất ngả, tôi không cam bím tóc theo giặc (Mãn Thanh), nên mới chạy trốn sang quý quốc từ 12 năm nay [2], lìa bỏ mồ mả cha ông, để lại vợ con. Khí giặc vẫn không suy, người Minh chúng tôi khó lòng về lại. Lòng tôi tan nát, ruột gan nóng như lửa đốt, làm thơ sao đặng. Xin coi điều tôi khai là đúng với sự thật”. Viên quan không tin, “dùng mọi cách để áp đảo Chu”, nhưng vì đã “sẵn sàng chết” nên Chu “vẫn giữ thái độ vẫn ung dung bình thản”.[3]

Khi biết Chu là “cống sĩ” (giống như “trưng sĩ”, nhưng trưng sĩ là cách gọi tổng quát), quan có ý xem thường, cho học lực của Chu không thể nào đọ được các vị khoa bảng nhà mình, nên mới hỏi : “Cống sĩ so với cử nhân tiến sĩ, bên nào lớn hơn ?”. Vì trước đó Chu đã từng bị một vị tiến sĩ ở nước ta làm “nhục”, nên Chu đoán ý của viên quan là “xem trọng tiến sĩ”, bèn đáp : « Quý quốc không hiểu ý nghĩa của việc thi cử nên mới hỏi như vậy. Cống sĩ là biệt danh của cử nhân, bởi vậy người ta thường nói “Cống sĩ của khoa... gì đó”. Giữa cống sinh và cử nhân tiến sĩ cũng có khác biệt, nhưng vấn đề không phải ở chỗ lớn nhỏ. Ở triều đình nước chúng tôi lúc đầu trọng “cống”, kể từ đời Thành Hoá (1465) và Hoằng Trị (1488)(nhà Minh) lại trọng giáp khoa (cử nhân và tiến sĩ), tức là lưỡng bảng. Ngay như cống sinh cũng đã bất đồng : có tuyển cống, có ân cống, có bạt cống, có tuế cống, có chuẩn cống, lệ cống, cao thấp khác nhau...» [4].

Ngày 8 tháng 2, Chu được đưa đến “ngoại doanh sa” để “mệnh kiến quốc vương”. Chu có chú thêm chỗ đóng binh (đồn binh) của quốc vương là “một cái gò lớn, đọc theo âm An Nam”. Theo Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, “Chính dinh” của chúa Nguyễn lúc bấy giờ ở thành Phú Xuân, và dinh ngoài là Dinh Cát (ở xã Ái Tử, huyện Đăng Xương [5], thuộc đất Thuận Hoá lúc bấy giờ; nay là huyện Triệu Phong tỉnh Quảng Trị). “Dinh Cát” cũng là âm Việt của “doanh sa”, phù hợp với lời thuật lại của Chu. Ngoài ra, Chu còn ghi là Chu rời Hội An “ngày hôm trước” (mồng 7 tháng 2), như vậy có lẽ Chu đã được dẫn từ Hội An ra Dinh Cát bằng thuyền.

Chu kể lại rằng hôm yết kiến quốc vương, “tất cả bá quan văn võ tụ tập có đến mấy ngàn người ở mái phải của cửa chính, tay cầm giáo mác xếp thành hình tròn”. Khi “muôn người đang trố mắt nhìn”, có lệnh bảo Chu “đi nhanh lên”, nhưng Chu “vẫn khoan thai từ từ đi vào cửa”. Đến trước chúa, Chu viết trên tấm lụa đã trải ra sẵn hai chữ “đốn-thủ” (xin kính cẩn cúi đầu). Quan hầu đứng cạnh chúa thấy Chu chỉ viết “đốn-thủ” nhưng không chịu lạy, bèn dùng gậy viết lên cát chữ “bái” (lạy đi !). Chu mượn gậy, viết thêm trên chữ “bái” một chữ “bất”, tức là “bất bái” (không lạy). Quan hầu “trợn mắt xắn tay áo, đến bắt Chu lạy, Chu gạt tay khiến quốc vương đại nộ”. Các quan văn võ nổi trận lôi đình, bảo Chu “cậy thế Trung Quốc là nước lớn, khinh nhờn nước nhỏ”, xin chúa cho giết Chu. Lại có y quan (giống như bác sĩ ngày nay) Lê Sĩ Khôi đến khuyên Chu : “Suy đi tính lại mà lạy quốc vương đi ! Không lạy tất bị chém đầu đấy !”. Chu trả lời : “Tôi là trưng sĩ của nhà Minh, sang đây tránh giặc. Vì chữ nghĩa (đối với nhà Minh) tôi không thể lạy quốc vương được... Mấy hôm trước, khi rời Hội An tôi đã chào vĩnh biệt các bạn bè thân thiết rồi, không phải đến đây mà bỏ ý chết. Hôm nay nếu tôi chết mà giữ lễ (với chúa cũ là Giám-quốc Lỗ-Vương) được thì tôi cũng ngậm cười nơi chín suối. Lọ là phải nói nhiều lời”.[6]

Trong “Thượng Giám-quốc Lỗ-Vương tạ-ân tấu-sớ” (Sớ tạ ơn tâu lên Giám quốc Lỗ-Vương) thảo sau khi được thả về Hội An và nhận được chiếu ân xá của Giám quốc, Chu giải thích rõ hơn lý do vì sao không chịu lạy chúa Nguyễn : “Thần nhiều lần nhận được chiếu sắc vời làm trưng sĩ của quốc gia, khác với những quan viên tầm thường khác, nếu quỳ gối lạy trước triều đình của một nước vị khai (di-triều) thì sẽ làm nhục quốc điển. Quốc vương không biết nghi lễ đó, nổi giận muốn giết thần”.[7]

Cũng cần nói thêm là ở Hội An, Chu không ở phố Khách mà cư ngụ ở phố Nhật, thuê nhà chung với ba người Nhật. Chủ nhà là Gombê (Quyền-binh-vệ), cũng là người Nhật. Sáng sớm trước khi bị dẫn ra Dinh Cát, Chu tắm gội sạch sẽ, rồi căn dặn cặn kẽ người nhà
phải làm gì trong trường hợp bị giết mà không về lại Hội An. Khi bị hăm doạ chém đầu vì không chịu lạy, Chu yêu cầu Lê Sĩ Khôi là sau khi giết Chu nếu được thì xây một tấm bia bên mộ khắc mấy chữ “Minh trưng quân tử Chu mỗ chi mộ” (Mộ của người họ Chu, người quân tử được nhà Minh vời ra giúp).

Vẫn theo lời thuật lại của Chu, sau đó quốc vương mật sai người vào Hội An nhiều lần để điều tra xem lời khai của Chu có đúng sự thực hay không. Khi biết rõ là Chu không có tội tình gì, các quan phủ chúa mới bỏ ý định giết Chu. Sau đó đến ngày 19 tháng 2, Chu được thư của chúa mời Chu ra giúp, trong thư có câu: “Thái Công (Vọng, tức Khương Tử-Nha) xưa phò nhà Chu dựng nên nghiệp vương, Trần Bình giúp nhà Hán (Lưu Bang Hán Cao-Tổ) hưng khởi”. Nhưng đối với Chu, lúc này thì đã cạn tàu ráo máng. Bởi vậy, trong thư trả lời viết cùng ngày hôm đó, Chu từ chối lời mời của chúa Nguyễn [8].

Tuy vậy, sang ngày 20 tháng 2 Chu nhận viết thay chúa Nguyễn một bài hịch kêu gọi người tài cán ra giúp để chống lại quân giặc (lỗ). Bài hịch này mang tên là “Đại An-Nam quốc-vương thư” (Thư viết thay cho An Nam quốc vương). Ta biết rằng vào lúc này chúa Nguyễn Phúc Tần một mặt vừa đánh nhau với Chiêm Thành ở vùng Phú Yên, một mặt đang giao chiến kịch liệt với quân chúa Trịnh Toàn ở vùng Hà Tĩnh, Nghệ An. Chữ “lỗ” dùng ở đây chắc hẳn để chỉ quân chúa Trịnh. Bài hịch có những câu như : “Nay quân giặc đã đến trước mắt, công trạng ở trong tầm tay. Hãy phất cờ phò tá lập nên huân nghiệp, làm sáng tỏ khí tiết trung nghĩa trong trời đất. Các ngươi sẽ được chia đất phân nhà, ban ngọc thưởng rượu. Vinh quang rạng rỡ tổ tiên, phúc trạch lưu truyền con cháu. Đấy không phải là vĩ nghiệp của đại trượng phu, và điều vui sướng của người trai có tài lạ (kỳ-nam-tử) hay sao ?” [9] .

Chu kể lại là khi từ Dinh Cát về lại Hội An thì đồ đạc trong phòng Chu bị kẻ trộm vào lấy sạch, không còn gì cả. Trong khi hàng xóm láng giềng ai cũng đinh ninh chủ nhà là thủ phạm, Chu vẫn một mực không chút tỏ ý nghi kỵ Gombê. Sau khi điều tra biết Gombê là người vô tội, lúc bấy giờ hàng xóm mới khen Chu không phải là người tầm thường[10]. Căn cứ theo thư Chu gửi Giám quốc Lỗ-Vương từ Hội An, sau đó Chu bị thổ huyết không ngừng, đến mùa hè năm sau (1658), Chu mới hồi phục để theo tàu buôn trở sang Nagasaki. Tại đây, Chu gặp được tri kỷ là Andô Shuyaku (Seian), gia nhân của Yanagawa-han (han giống như là một lãnh địa). Andô mến tài Chu, muốn mời Chu làm thầy. Nhưng lúc đó, nghe tin Trịnh Thành-Công đã cử quân Bắc phạt và đang uy hiếp Nam Kinh, Chu trở về Hạ Môn (tháng 10, 1658), cùng con thứ là Chu Đại-Hàm gia nhập hàng ngũ kháng Thanh. Rủi ro cho Chu, Đại-Hàm bị bệnh chết bất thình lình, và sau đó chẳng bao lâu lực lượng kháng Thanh đại bại ở Nam Kinh (tháng 7, 1659), bản thân Trịnh Thành-Công phải rút lui về đảo Kim Môn.

Tháng 10 năm 1659, Chu quyết định trở lại Nagasaki. Andô Shuyaku không những giúp Chu xin giấy phép cư trú đặc biệt mà còn tự trích ra một nửa bổng lộc của mình để giúp Chu. Qua sự khuyến khích của Andô, Chu viết tập Dương cửu thuật lược [11] (1661), kể lại nguyên nhân vì sao nhà Minh gặp hoạ mất nước.

Ở Nagasaki được 5 năm, Chu được tiến cử làm tân khách của Mito-han, một trong ba lãnh địa lớn nhất ở Nhật dưới thời tướng quân Tokugawa (Đức-Xuyên). Daimyô (giống như lãnh chúa) của Mito-han lúc bấy giờ là Tokugawa Mitsukuni (Đức-Xuyên Quang-Quốc, 1628-1700), người chủ trì việc biên soạn bộ Dai Nihon shi (Đại Nhật-Bản sử) đồ sộ, bộ sử này trên thực tế phải đến năm 1906 mới hoàn tất (gồm có 397 cuốn). Mitsukuni cũng là người chủ xướng học phái Mito (Mito-gaku), một học phái có ảnh hưởng sâu đậm đến những shishi (chí-sĩ) trong phong trào yêu nước dẫn đến Minh Trị Duy Tân. Ở Mito, Chu có may mắn là được Mitsukuni đối đãi hết lòng. Để đền ơn tri ngộ, Chu quyết định ở lại Mito và đem sở học của mình ra đóng góp cho đến khi tạ thế (1682). Mộ của Chu nay vẫn còn ở huyện Ibaragi (Mito-han ngày trước), bia mộ có đề “Minh-trưng quân-tử Chu-Tử mộ” (Mộ của Chu Tử, người quân tử mưu đồ khôi phục nhà Minh) đúng theo nguyện vọng của Chu từ khi còn luân lạc ở Việt Nam.

Lúc sinh thời, Chu giao du rộng rãi với các học giả trong học phái Mito, và đã góp phần không nhỏ vào việc trao đổi học thuật giữa Nhật Bản và Trung Quốc lúc bấy giờ. Về học vấn và tư tưởng, Chu đặc biệt chú trọng lối học thực hành (thực-học), tổng hợp ưu điểm của học thuyết Tống Nho có tính cách quy nạp và coi trọng kinh nghiệm, với ưu điểm của học thuyết Vương Dương-Minh có tính cách diễn dịch và nhấn mạnh về trực giác. Chu xem những lối học không mang lại lợi ích cho đời, cho dầu hào nhoáng đến đâu chăng nữa, cũng không khác gì đồ bỏ. Trong bức thư trả lời câu hỏi của Andô Shuyaku về “phương pháp đọc sách và viết văn”, Chu đáp : “Điều đáng quý trong học vấn là thực hành. Nhan Hồi [12] tuy học một biết mười, nhưng điều quan trọng là Nhan Tử đứng đầu về đức hạnh”[13]. Ngoài ra, Chu cũng đã từng căn dặn môn đệ : “Trên đường học vấn, những người chỉ muốn lập danh thì chẳng có ích gì. Phải áp dụng ngay cho chính bản thân mình”.[14]

Người viết bài này hy vọng sẽ có dịp giới thiệu toàn văn bản dịch quốc ngữ của “An-Nam cung-dịch kỷ-sự” và nội dung tư tưởng của Chu Thuấn-Thuỷ một cách đầy đủ hơn. Tạm thời, để kết luận bài giới thiệu này, có thể nói rằng mặc dầu những ngôn từ của Chu trong An-Nam cung-dịch kỷ-sự phảng phất không ít tư tưởng Trung Hoa [15] của tác giả, nhưng tập ký sự đồng thời phản ánh sâu sắc một số bài học lịch sử mà cho đến ngày nay vẫn còn đáng được cho chúng ta suy ngẫm.

Tại sao một học giả có tầm cỡ như Chu khi tìm đến đất Thuận Quảng [16] nhưng vẫn không có ai nhận chân được giá trị, phải chờ đến khi sang Nhật Chu mới phát huy được sở học và tài năng của mình? Vấn đề không có chính sách dài hạn tuyển dụng và nung đúc nhân tài phải chăng chỉ là vấn đề ở đất Thuận Quảng vào giữa thế kỷ [17] hay cũng chính là căn bệnh ngặt nghèo tác hại nền học thuật trên toàn cõi đất nước từ mấy trăm năm nay? Trên bước đường Nam tiến “hồ hởi” dưới thời Chúa Hiền, ta không khỏi thất vọng, tự hỏi vì sao các quan phủ chúa vẫn còn câu nệ bằng biếu và cái học rỗng tuếch đến thế? Mà xem ra tình trạng này cứ tiếp diễn từ đời này sang đời nọ mãi cho đến ngày nay. Phủ chúa Nguyễn có treo bảng tuyển mộ người biết chữ, có “cố gắng giảng tập võ bị, sửa sang binh khí, chiêu tập quân dũng cảm, tập trận voi, luyện thuỷ quân” (Lê Quý Đôn),[17] nhưng ngoài các chính sách nhằm đáp ứng những nhu cầu có tính cách ngắn hạn, ý thức tuyển dụng và nung đúc nhân tài nhằm xây dựng một nền thịnh trị lâu dài cho đất nước xem ra vẫn còn thấp kém. Để hoá ra chính quyền địa phương ở Nhật, ngay dưới thời “bế quan toả cảng”[18], vẫn có người nhìn xa thấy rộng để nâng đỡ nhà học giả lưu vong Chu Thuấn-Thuỷ !

GS Vĩnh Sính
Alberta University (Canada)

CHÚ THÍCH

1 An-Nam cung-dịch kỷ-sự, Chu Thuấn-Thuỷ tập (Bắc Kinh : Trung Hoa Thư cục, 1981), tập hạ.

2 Như đã trình bày ở phần trên, từ khi đến An Nam lần đầu vào năm 1646, Chu không ở luôn tại Thuận Quảng trong suốt 12 năm mà vẫn về Chu Sơn và sang Nhật nhiều lần, nên lời khai của Chu là “chạy sang quý quốc từ 12 năm nay” phải hiểu theo nghĩa là không lưu trú liên tục.

3 An-Nam cung-dịch kỷ-sự, trang 15.

4 Như trên, trang 16.

5 Lê Quý Đôn, Lê Quý Đôn toàn tập, Tập I : Phủ biên tạp lục (Hà Nội, Nxb Khoa học Xã hội, 1977), trg. 109, 144-145. Một số nhà nghiên cứu từ trước đến nay thường tưởng lầm rằng Dinh Cát ở Hội An.

6 An-Nam cung-dịch kỷ-sự, trang 18-19.

7 Chu Thuấn-Thuỷ tập (Trung Hoa Thư cục, 1981), Tập hạ, trang 32.

8 An-Nam cung-dịch kỷ-sự, trang 23-24.

9 Chu Thuấn-Thuỷ tập (Trung Hoa Thư cục, 1981), Tập hạ, trang 30.

10 An-Nam cung-dịch kỷ-sự, trang 29.

11 Có khi gọi là Trung nguyên dương cửu thuật lược. “Dương cửu” lấy từ câu “dương ách ngũ, âm ách tứ”(dương có 5 tai ách và âm có 4 tai ách, tổng hợp tất cả tai ách âm dương thành 9), dùng để chỉ “tai ách” hay “tai hoạ”. Văn Thiên-Tường đời Tống trong Chính-khí ca, có câu : “Hỡi ôi ! Tôi đang gặp dương cửu”.

12 Tức Nhan Uyên (514-483 trước CN), học trò giỏi của Khổng Phu Tử, trong cảnh hàn vi bao giờ cũng vui vẻ, an bần lạc đạo.

13 Đáp An-Đông Thủ-Ước vấn bát điều (Trả lời tám câu hỏi của Andô Shuyaku), Chu Thuấn-Thuỷ tập (Bắc Kinh : Trung Hoa Thư cục, 1981), Tập thượng, trang 369.

14 Thuấn-Thuỷ tiên-sinh hành-thực (Những hành động trên thực tế của Thuấn-Thuỷ tiên sinh, Chu Thuấn-Thuỷ tập, Tập hạ, trang 624.

15 Tư tưởng của dân tộc Hán xem văn hoá lâu đời của mình là tối cao và kỳ thị các dân tộc khác. ¦ thức kỳ thị các dân tộc lân bang thể hiện qua những tên gọi có tính cách miệt thị như: Đông di, Tây nhung, Nam man, và Bắc địch.

16 Ở Việt Nam Chu chọn đến đất Thuận Quảng không phải là không có lý do. Chen Ching-Ho (Trần Kinh-Hoà) có nhận xét là vì miền Bắc “tiếp giáp với các tỉnh Tây Nam Trung Quốc nên mỗi cuộc biến chuyển về quân sự cùng chính trị đều có tương quan mật thiết”. Bởi thế, vua Lê (trên thực tế là chúa Trịnh) “không thể không áp dụng” một “chính sách nghiêm lệ” đối với người Trung Quốc. Trong khi đó, ở Thuận Quảng, vì “cách xa Trung Quốc hơn” và “không có quan hệ lợi hại trực tiếp với Trung Quốc”, nên “chúa Nguyễn sẵn sàng tiếp nhận những di dân triều Minh”, và thi hành một chính sách “tương đối khoan hậu”. Xem “Mấy điều nhận xét về Minh-hương-xã và cổ-tích tại Hội-an”, Việt Nam Khảo cổ Tập san (Saigon), số 1 (1960), trang 3-5.

17 Phủ biên tạp lục, trang 56.

18 Tiếng Nhật là sakoku (tỏa-quốc). Chính quyền Tokugawa bakufu (mạc-phủ) ban hành lệnh cấm người Nhật đi ra khỏi nước và ai đã đi ra nước ngoài thì không được về lại trong khoảng 215 năm từ 1639 cho đến 1853. Chỉ có người Hà Lan, người Trung Hoa, và người Triều Tiên được phép buôn bán với Nhật Bản ở Deshima, một hòn đảo nhỏ nằm trong cảng Nagasaki.