Huyền thoại và triết học (Kỳ 1)

Minh hoạ truyện Lạc Long Quân, Âu Cơ và 100 người con

Đối với người sơ khai, huyền thoại là sự thật, và họ tin như vậy... Người sơ khai có triết lý mà không có triết học.

I. Nguồn gốc của triết học

Có hai giả thuyết về sự xuất hiện của con người trên trái đất

Thuyết thứ nhất - thuyết cố định - cho rằng con người đã được tạo hoá dựng lên và từ đó cho đến nay con người không có có gì thay đổi.

Thuyết tiến hoá, trái lại, cho rằng con người hiện tại là kết quả của một quá trình biến hoá, khởi từ những con vật nhân hình (les anthropides). Hầu hết các nhà khoa học nghiêng về giả thuyết thứ hai này. Tuy nhiên chưa có nhà khoa học nào khẳng định được lúc nào, giai đoạn nào trong đó đã xẩy ra sự chuyển hoá quyết định khiến con vật kể trên kia thành con người. Vấn đề không cần đặt ra ở đây và ta chỉ cần xác định yếu tố quyết định sự biến đổi về phần này - yếu tố làm cho con người khác con vật đó là sự đột khởi của tự do, của ý thức. Tự do, ý thức như vậy là hai đặc tính của con người với tư cách là người.

Tuy nhiên lúc đầu, con người còn ở trong tình trạng sơ khai, thấp kém và hồn nhiên, nhất là chưa giác ngộ phản tỉnh, chưa biết “trở về mình”, chưa biết mình là ý thức, là người khác con vật. Do đó nếu hiểu triết học là nỗ lực suy nghĩ về mình về vị trí của con người trong vũ trụ... một cách mạch lạc và hệ thống thì hẳn là con người sơ khai chưa có triết học.

Nhưng nếu hiểu triết học là triết lý, là một thái độ trước cuộc đời và thái độ bao hàm một ý nghĩa (dù ban đầu chưa khai triển thành ý niệm, hệ thống...) thì con người bất luận ở trình độ nhận thức nào đi chăng nữa cũng đều có những thái độ, những quan niệm về nguồn gốc con người, nguồn gốc vũ trụ, thiên nhiên... Vậy, người sơ khai có triết lý mà không có triết học (vì chưa có phản tỉnh một cách hệ thống). Triết lý ở đây không phải thuần tuý là ý tưởng, kiến thức, mà là một thái độ sống. Thái độ sống này xuất hiện dưới hình thức tư tưởng, tập tục, lễ nghi, tôn giáo, chế lập xã hội... nhất là huyền thoại hay thần thoại (có yếu tố thần linh).

II. Định nghĩa huyền thoại và thái độ huyền thoại

Đối với chúng ta bây giờ, huyền thoại hay thần thoại là một câu chuyện, một lời nói huyền hoặc, hão huyền và có tác dụng huyền diệu người khác. Huyền thoại là cái không thật, hoang đường, bịa đặt, tưởng tượng. Nhưng đối với người sơ khai, huyền thoại là chân lý, sự thật, và họ tin như vậy.

Trong những xã hội mà huyền thoại còn sống động, đang thịnh hành, người sơ khai thường phân biệt huyền thoại (chuyện có thật, lời có thật), dính líu tới nguồn gốc thế giới, vũ trụ, nhân vật: Thần linh, ma quỷ, siêu nhiên, hoặc dính líu tới những anh hùng dân tộc làm những cử chỉ lạ lùng (chống lụt, chống đói, chống thú dữ... cứu nhân độ thế) với những chuyện không thật. Chẳng hạn thổ dân Pawnee phân biệt chuyện thật (thần thoại) với chuyện không thật (ngụ ngôn, dính líu tới sinh hoạt của cầm thú).

Thái độ huyền thoại (những đặc điểm)

Huyền thoại thường kể lại những việc làm của những nhân vật linh thiêng, do đó nó có tính chất thần linh và vì thế gọi là thần thoại do thần linh làm: Thần sét, thần lửa, thần mưa, thần gió, thần bể...

Những thần thoại có tính cách linh thiêng vì kể lại nguồn gốc loài người, vũ trụ, tổ tiên, liên lạc trực tiếp tới sự sinh sống của người đang sống, trong khi những chuyện không thật chỉ liên quan đến những sinh hoạt, cử chỉ của cầm thú thảo mộc. Chẳng hạn, những dân tộc ven biển thường sinh sống bằng nghề chài lưới có huyền thoại sau đây:

Thuở xưa, có một vị thần đã dạy cho tổ tiên bộ lạc cách đánh cá, và chính Thần đó đã làm việc đánh cá đầu tiên, để rồi từ đó nhân dân trong bộ lạc bắt chước. Dù mang tính cách linh thiêng, nội dung huyền thoại vẫn hiển nhiên, không thể nghi ngờ được, chỉ việc tin, không bao giờ thắc mắc. Đặc điểm của huyền thoại là coi sự thật như là một hiển nhiên tuyệt đối. Không có vấn đề vì huyền thoại giải đáp mọi vấn đề trước khi đặt ra: Đã tin thì cứ thế mà tin. Do đó không thể có tiến bộ, thay đổi. Người sống bằng huyền thoại là sống trong trạng thái ngừng động, an nghỉ, bất động, bất di bất dịch hoàn toàn, cố định, cứ như thế mãi mãi. Lối sống của nhiều thổ dân như Pygmé bên Phi Châu hay Úc cứ tiếp tục mãi từ thời Tiền sử cho đến bây giờ vì họ sống bằng Huyền thoại.

Đối với niềm tin ở Huyền Thoại, bao giờ cũng có một thái độ có tích chất tôn giáo (kính trọng), tôn sùng, không dám đụng đến (đứng xa mà nhìn, cung kính), nói đến vì sợ phạm thượng.

Huyền thoại không do suy luận trừu tượng, cũng không phải là một nhận thức thuần tuý nhưng là một thái độ sống cụ thể, một quan niệm về cuộc đời sống động mà không hề biết có quan niệm đó. Người cổ xưa đồng hoá với những quan niệm về cuộc đời. Và bởi vì cuộc đời thần thoại có tính chất thầ linh nên thái độ sống này có tính chất tôn giáo.

Người ta sống niềm tin thần thoại và biểu lộ nó bằng một nghi lễ (rite), một thờ cúng. Nghi lễ là một cách thế kể lại, hiện thực niềm tin, thần thoại làm cho sự kiện đã qua (lúc cấu tạo trời đất, sinh thành con người...) trở thành hiện tại.

Khi làm hiện thực một niềm tin bằng một lễ nghi, không phải chỉ để tưởng niệm một việc đã qua, nhắc lại nó nhưng là thực hiện tại, làm cho nó trở thành sống động trong hiện tại... Cũng như bên Thiên Chúa giáo, khi linh mục làm lễ, đọc lại câu: "Này là mình ta" thì không phải chỉ nhắc lại một sự kiện lịch sử tích Thánh Thể bằng một cử chỉ phụng vụ (geste liturgique, tế tự, lễ bái với một thái độ trang nghiêm, kính cẩn trong một thánh đường ban đêm).

Vì thế, khi đề cập đến thần thoại, người sơ khai không ngồi kể như chuyện cho vui, cũng không phải bất cứ ai cũng được phép kể (cũng như lễ nghi tôn giáo thường được dành cho những người được chọn, trong phái nam như linh mục, tu sĩ, mục sư...).

Ở nhiều thổ dân, đề cập đến thần thoại là làm một cử chỉ tôn giáo và không bao giờ làm trước mặt đàn bà trẻ con mà chi do những người già cả, trưởng tộc như Piddington nhận xét về dân Karadjeri: “Những thần thoại linh thiêng không thể cho đàn bà biết thường liên quan đến nguồn gốc vũ trụ, và nhất là đến những thể chế, những lễ nghi”.

Thần thoại như vậy có nghĩa là lập lại (répétition), khẳng định lại (réaffirmation du même), nhắc đi nhắc lại cũng vẫn một cử chỉ mà ý nghĩa là hiện tại hoá.

Những ngày lễ có mục đích lặp lại một cách trọng thể, đặc biệt những thần thoại bằng những lễ nghi có một ý nghĩa đặc biệt trong đời sống dân tộc. Trong những buổi lễ, người ta thường mừng lễ hết sức tưng bừng (nhảy múa, reo hò, ca hát, phung phí sức lực, tiền tài…) để biểu lộ niềm tin một cách mãnh liệt đầy đủ có khi hàng tuần lễ liền.

Thái độ huyền thoại cũng có tính cách hồn nhiên

+ Hồn nhiên có nghĩa là hoà hợp, hoà đồng, đơn thuần, chưa có phân ly, phân biệt, vì chưa có ý thức phản tỉnh. Với con người sơ khai, tư tưởng, suy nghĩ, cảm nghĩ, cảm xúc chỉ là một.

+ Chưa phân biệt con người với vũ trụ, thiên nhiên, vạn vật, người khác.

+ Chưa phân biệt ý thức về thân xác của mình, tinh thần và vật chất, ý chí và thân xác. Do đó chưa phân biệt tĩnh động, biến dịch trường tồn thời gian, vĩnh cửu.

Vũ trụ đối với người so khai là thiên nhiên, cụ thể, trong giới hạn tầm lĩnh hội của con người. Họ không có một ý niệm về không gian sống động, không gian cư ngụ mà thôi, giảm lượng và những gì chung quanh họ. Họ không tin là họ ở trong không gian vì họ là không gian, họ tự coi như một yếu tố cấu tạo không gian. Họ cũng không biết họ là Tài, khác với người khác (ý thức về sự khác biệt, cách biệt về mình như một đơn vị, một cá nhân). Họ không có bản ngã riêng, không có ý thức cá nhân, không có tên riêng, do đó không có tự ái cá nhân khoe khoang, tự đắc, ích kỷ.

Theo Lévy-Bruhi: “Ý thức mà người sơ khai có về cá thể của mình bị bao phủ trong một tĩnh tự mà yếu tố nổi bật là cảm tưởng cho rằng cá nhân thuộc về một tập thể, và tập thể mới là cá thể đích thực, còn họ chỉ là một phần như những phần của một đoàn thể xã hội.”

Về điểm này Leenhardt cũng nhận định: “Con người chỉ biết mình nhờ liên hệ với người khác. Con người chỉ xác định mọi vị trí của mình từ những mỗi liên hệ đó.”

Người sơ khai cũng có ý thức về thời gian biến đổi, họ sống trong hiện tại. Họ hoà đồng với thiên nhiên, vũ trụ, với ngưới khác, với chính mình. Họ sống trong viên mãn và hạnh phúc (mà có khi không biết) hoặc có khổ cũng không biết mình khổ, nói khác, họ không khổ cũng không sướng, vì chưa có ý thức. Do đó, có ý thức là mất sự hoà đồng hoà hợp và đau khổ vì không đạt được lý tưởng. Sự tưởng nhớ không thôi cái trạng thái hoà đồng nguyên thuỷ thường được biểu lộ qua những chuyện thần tiên.

Người sơ khai như vậy không đối lập với thiên nhiên cũng không muốn chinh phục thiên nhiên. Những sự kiện xảy ra đều đã được giải thích theo những niềm tin (thần thoại) nên không còn gì thắc mắc. Cũng vì vậy, chưa có cần lao (là nỗ lực nhằm biến đổi thiên nhiên), chưa có kỹ thuật. Sự cần lao của họ thường là lấy cái sẵn có trong thiên nhiên (hái lượm, săn bắn) tương tự loài vật.

Họ cũng thiếu ý thức về mình như một cá nhân, cũng chưa đối lập với người khác nên không cần biểu lộ, khẳng định bản ngã mình và đòi người khác phải công nhận. Do đó, chưa cần đến những tổ chức kinh tế và chính trị. Trong xã hội văn minh, mỗi người đều muốn người khác là đối tượng thoả mãn ước muốn của mình. Do đó mà có cạnh tranh ráo riết. Ai cũng muốn biến đổi người khác thành đầy tớ phục vụ cho mình là chủ. Nhưng nếu mình muốn đè đầu cưỡi cổ người ta thì ngược lại người ta cũng muốn ý như vậy. Mà nếu cạnh tranh ráo riết quá thì đưa đến chỗ bạo động, đổ máu. Đành dung hoà quyền lợi bằng cách nhượng bộ, hoà giải, điều đình để tạo lập một hoà ước, khế ước, đó là nguồn gốc của những tổ chức xã hội, pháp lý, kinh tế.
Thực ra mặc dù đã có những khế ước như vậy, người ta vẫn xoay sở, lừa lọc nhau. Tất cả đều do tinh khôn, ý thức mà ra cả.

Người bán khai, trái lại, chưa có ý thức nên cũng chưa có “tư tưởng bi đát về cuộc đời”, họ sống hồn nhiên vì họ không thấy sống là bị bỏ rơi, chết là đi vào hư vô và cuộc đời này phi lý.

Phân loại huyền thoại

Người ta chú ý đến điểm này: các dân tộc sơ khai ở nhiều vùng khác nhau, ngôn ngữ khác nhau, có những thần thoại khác nhau, nhưng cũng có nhiều thần thoại giống nhau về nội dung, ý nghĩa (chỉ khác nhau về câu chuyện, hình tượng).

Chẳng hạn thần thoại của những dân tộc thiểu số Hmong, Bana, Giarai, một số giáo sĩ ngoại quốc đã thấy nhiều thần thoại của những dân tộc này có những nét giống câu chuyện Noe thoát nạn hồng thuỷ, lại cũng có một tháp Babel y hệt như trong Kinh Thánh. Loại thần thoại quan trọng hơn cả là những thần thoại liên quan đến nguồn gốc vũ trụ, nhân sinh.

1. Những thần thoại về việc sáng lập vũ trụ vạn vật. (thiên nhiên, loài người, cây cỏ, sông núi, biển, đất đá...). Vũ trụ sau đó biến thiên ra sao?

Theo người Tây Tạng thì vũ trụ do một cái Trứng Lớn và loài người dòng họ Tây-tạng từ đó mà có, như Ariane Mac Donald đã khảo sát: “Từ bản chất năm yếu tố chính, phát sinh một Trứng lớn. Rồi 18 cái Trứng khác từ lòng đỏ cái Trứng lớn đó mà ra… Cái trứng ở giữa 18 cái kia tự tách ra khỏi và bắt đầu đẹp lạ lùng. Cho nên người ta gọi nó là Vua Ye-Smon. Hoàng hậu Tchu-Lchag sinh hạ một đứa con có phép hoá thân.

Ở nhiều dân tộc người ta tin việc đọc, xưng hô những thần thoại kể nguồn gốc này kèm theo những nghi lễ có thể chữa bệnh, hoặc để phù trợ cho những việc làm của con người được thành công, kết quả như các thần linh xưa đã làm (khi sinh nở). Khi một đưa trẻ vừa ra đời, người ta mời một người đã được coi như vẫn tiếp xúc với thần linh đến đầu giường, đọc thần thoại về sự sáng tạo và loài cầm thú rồi mới để cho con bú. Sau này, nếu đứa bé đòi uống nước lại phải mời người đó đến đọc thần thoại về nguồn gốc nước. Khi đứa bé bắt đầu ăn được, người đó phải đến đọc thần thoại về sự sáng tạo hoa quả, ngũ cốc.

Ở Việt Nam có thần thoại về Thần trụ trời giải thích nguồn gốc trái đất (xem "Lược khảo về thần thoại Việt Nam" của Nguyễn Đổng Chi). Thần sinh ra giữa một khoảng không gian mù tịt hỗn độn (nhiều dân khác cũng có). Thần đào đất và đá lên để đắp một cái cột chống trời. Khi trời và đất chia đôi, trời đã khô cứng rồi, thì thần phá cột đi lấy đát đá ném tung khắp nơi, những đất ấy hoá thành núi, đảo, cồn. Chỗ lấy đá nay là biển cả.

Thần Biển: Hình dạng như một con rùa khổng lồ nằm im một nơi không sinh không diệt. Khi thần hít thì nước tuôn vào bụng, thở thì nước phì ra hiện tượng thuỷ triều. Mỗi lần thần cựa quậy thì sinh ra sóng thần.

Nữ thần Mặt Trời và Mặt Trăng là hai chị em được Ngọc Hoàng phân công cho đi chiếu sáng, xem xét sự lập công của dân gian. Họ có một chồng chung là con gấu. Gấu ta thỉnh thoảng tìm đến với 1 trong 2 vợ, thành hiện tượng nhật thực và nguyệt thực.

2. Nguồc gốc loài người

Những thần thoại Bà mụ, Rắn già rắn lột …

3. Nguồn gốc dân tộc:

Chuyện Lạc Long Quân....

4. Thần thoại về tận thế, cứu cánh vũ trụ thường kể vũ trụ suýt bị tiêu huỷ ra sao trong dĩ vãng (hồng thuỷ, Sơn tinh, Thuỷ tinh…) vì những tai nạn kinh khủng. Lý do của những tai nạn kinh thiên động địa này là sự giận giữ của thần linh, các thần đánh nhau hay muốn chấm dứt thế giới này. Trong tương lai, cũng có thể bị tiêu diệt, một thế giới mới khai sinh ra.

5. Thần thoại có tính cách luân lý, thần thiện, ác

Ngoài cõi trần còn có cõi trời, cõi Nước (thuỷ phủ), cõi âm (âm phủ).

Thần chia làm 2 hạng: tốt, đáng kính, đáng yêu, xấu, đáng ghét, đáng sợ. Cả hai hạng Thần đều có thất tình như người. Ông Thiện, ông Ác cũng thường có chuyện tranh chấp nhau mà kết cuộc bao giờ Thiện cũng thắng Ác.

6. Thần Thiện Thần Ác ở đây điều khiển đời sống luân lý của mỗi người

Thần thoại bầy tỏ sự mơ ước tuyệt đối, luống nhớ cái Hoàn tất toàn Thiện, khát vọng cãi vĩnh viễn, Trường Tồn, Bất Biến (Tiên thoại, Phật thoại) ra khỏi cái sinh, diệt sống chết lên cõi bồng lai tiên cảnh là thế giới vô cùng tốt đẹp, sung sướng. Ước mơ được thành Tiên, lấy Tiên, lên tiên, ở với tiên, chốn Thiên Thai. Tiên ở đây là biểu tượng của cái Đẹp, cái Tốt, cái vĩnh cửu không hề có trên đời này.

Chức năng công dụng của huyền thoại

Thần thoại trong đời sống người cổ sơ bao hàm, chi phối, chỉ đạo mọi sinh hoạt của con người cũng như mang lại cho họ một ý nghĩa sống. Thần thoại ở đây không phải là một thứ Triết Lý hiểu như một tri thức thuần tuý (biết để mà biết) mà là một đạo sống hiểu như toàn thể những nhận thức, chân lý, lễ nghi, tập tục, tôn giáo. Malinowski đã viết:

“Nhìn như một cái gì sống động, thần thoại không phải chỉ là một giải thích nhằm thoải mãn một sự tò mò khoa học, nhưng là câu chuyện làm sống lại một thực tại nguyên uỷ, và nó đáp lại một nhu cầu tôn giáo sâu xa, những khát vọng luân lý, những ràng buộc và mệnh lệnh xã hội, và ngay cả những đòi hỏi thực tiễn. Trong những nền văn minh sơ khai, thần thoại đóng một vai trò cần thiết, nó biểu lộ nâng cao và qui định thành luật lệ. Nó bảo vệ những nguyên tắc luân lý và buộc thực hành những nguyên tắc đó. Nó bảo đảm tính chất hiệu nghiệm của những nghi lễ và đề ra những luật lệ thực tiễn cho con người vâng theo. Do đó, thần thoại là một yếu tố quan trọng của văn minh nhân loại. Không phải là một chuyện hoang đường, trái lại nó là một tại linh động mà người ta luôn luôn phải hướng tới. Không phải là một lý thuyết trừu tượng hay một phô diễn ảnh tượng nhưng là một quy định luật lệ đích thực của tôn giáo sơ khai và của đạo lý thực tiễn… Tất cả những câu chuyện đó đối với con người sơ khai đều biểu lộ một thực tại nguyên ủy, giàu ý nghĩa hơn thực tại hiện có và ấn định đời sống trực tiếp, những sinh hoạt và số phận nhân loại. Điều mà con người hiểu về thực tại đó sẽ bày tỏ cho nó ý nghĩa các lễ nghi và những bổn phận luân lý, đồng thời cách thế phải thực hiện những lễ nghi, bổn phận trên”.

Trích: Đưa vào triết học, Nguyễn Văn Trung (Nam Sơn xuất bản - 1972)