Học ngoại ngữ bằng... “thiền”

Trước khi đến gặp ông, tôi đã đọc khá nhiều thông tin về ông, về những phương pháp đổi mới giáo dục, cơ mà vẫn e ngại không “đủ vốn” trò chuyện cùng ông... Tìm đến A17 tập thể Đồng Xa, người dân quanh vùng chỉ vòng vèo, đi mãi chẳng biết đâu mà lần... Nhưng khi hỏi địa chỉ của “ông giáo Thiền”, ai cũng nhiệt tình chỉ dẫn. Lên đến tầng 4, một cụ bà nhường đường cho tôi. Sau lời cảm ơn và cẩn thận hỏi thăm GS Lê Khánh Bằng, tôi nhận được một nụ cười hiền: Đấy là ông nhà tôi...

Học ngoại ngữ bằng... “thiền”

Cụ ông cao dong dỏng, khuôn mặt quắc thước ra mở cửa... GS Bằng là đây! Ông chẳng có vẻ gì của một người đã ngoài 80 tuổi, vui vẻ, nhanh nhẹn. Ông bảo: "Chúng ta trò chuyện 20 phút thôi nhé. Chiều nay tôi có lớp...”.

Giáo sư “thiền”

Năm 2003, dân học ngoại ngữ và cánh sắp đi du học truyền nhau một phương pháp học rất lạ, “thiền” để học ngoại ngữ, và kết quả thì ngoài sức tưởng tượng. Nhiều người sau 1-2 tháng “luyện” theo phương pháp này đã tiến bộ trông thấy; một số giỏi đến mức có thể giao tiếp như người bản địa.

Hồi ấy tôi không tin và xem đó là một loại thông tin... vỉa hè. Tuy nhiên khi tiếp xúc với GS Lê Khánh Bằng, tôi “ngộ” ra một điều: Sức óc con người thật vô hạn, và con người có thể làm được cả những điều tưởng như... vô lý nhất. GS Bằng cho biết, từ những năm 1980, ông và nhiều đồng nghiệp đã nghiên cứu phương pháp “thiền”.

Gọi là “thiền” cho nó... dân tộc, chứ thực chất đó là một phương pháp tập trung suy nghĩ, tư duy không cho tạp niệm xen vào trong quá trình học tập, giúp ý chí sáng suốt, thanh thản, phát huy cao độ nội lực của con người. Cũng theo GS Bằng, cùng với sự lấn lướt của văn hoá nghe nhìn, giới trẻ hiện nay thường mất tập trung, dễ bị lệ thuộc vào các phương tiện kỹ thuật hiện đại, lười suy nghĩ và ghi nhớ kém.

Rất nhiều cử nhân, thạc sỹ chuyên ngành ngoại ngữ hẳn hoi nhưng khi giao tiếp, nghiên cứu khoa học có sử dụng ngoại ngữ đều rất yếu... Bên cạnh đó, phương pháp giảng dạy nhiều năm vẫn theo giáo trình, nặng về ngữ pháp mà ít gắn với thực tế cuộc sống, chưa nhiều tình huống vận dụng trao đổi ngôn ngữ với chính người bản địa.

Từ kinh nghiệm bản thân, học và giao tiếp tốt 6 ngoại ngữ và quá trình thử nghiệm trên nhiều đối tượng, học sinh tiểu học, THPT đến sinh viên, người cao tuổi, GS Bằng cho rằng: Việc nhiều người “mất” khả năng giao tiếp, sử dụng ngoại ngữ là do người đó chưa tạo nên vùng ngoại ngữ trong vỏ não.

Khi trẻ em học ngoại ngữ, trung khu ngoại ngữ được hình thành hài hoà trên vùng trung khu tiếng mẹ đẻ, song với người lớn tuổi học ngoại ngữ, 2 trung khu này tách biệt nhau.

Do đó việc khắc ghi lên vỏ não một vùng ngoại ngữ đòi hỏi quá trình tự học tập, đều đặn 1-2 giờ/ngày, lúc học chỉ được nghĩ và nói bằng ngoại ngữ để chủ động ức chế trung khu tiếng mẹ đẻ... Cách học đó sẽ tạo vùng ngoại ngữ trong vỏ não chỉ sau 5-6 buổi, mỗi buổi cách nhau 1 tuần.

GS Bằng đưa cho tôi tập sách mà ông tâm huyết viết ra, có thể đây là một trong những phương pháp dạy, học hiệu quả và hấp dẫn nhất thế giới... Ông nhớ lại: Năm 1986, tôi được trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ mời dạy một lớp tiếng Bồ Đào Nha cho giáo viên để đi làm chuyên gia giáo dục ở Angola.

Tôi đã yêu cầu người học phải suy nghĩ bằng ngoại ngữ. Lúc đó, một số học viên từng là giáo viên ngoại ngữ cho rằng học để suy nghĩ được bằng ngoại ngữ là một điều rất đúng, rất tốt nhưng không thể thực hiện được.

Từ đó tôi tập trung nghiên cứu vấn đề này và đã thử nghiệm, vận dụng nhiều phương pháp hiện đại kết hợp với các phương pháp cổ truyền, đặc biệt với phương pháp thiền. “Thiền” không đồng nghĩa với tôn giáo, ai cũng có thể sử dụng nếu biết kết hợp tác dụng của “thiền” với tư duy của trí não và áp dụng trong dạy và học ngoại ngữ.

Năm 1995, tôi bắt đầu mở lớp “thiền” học tiếng Anh, Pháp cho một số người có nhu cầu; ở đây phải nói chính xác, tôi không chỉ truyền bá kiến thức mà chủ yếu là dạy cách học, cách tư duy, cách tạo nên vùng ngoại ngữ trong vỏ não.

Phương pháp dạy của tôi là giúp người học có mục đích, học cho mình, biết hệ thống hoá những kiến thức đã học rồi tổ chức theo trật tự logic và ứng dụng vào cuộc sống, làm lợi cho cuộc sống từ chính những kiến thức đó.

Tôi muốn người học phải tự suy nghĩ bằng ngoại ngữ ở trong đầu, sau đó bật nói thành phản xạ chứ không phải ấp úng... Quá trình thử nghiệm đến năm 2009 với 32 khoá học, trên 500 người đã thành công cùng tôi. “Thiền” đã giúp chúng tôi đạt kết quả cao trong học tập không chỉ với học ngoại ngữ mà ở nhiều bộ môn chuyên ngành khác. Tôi chợt ồ lên.

Một chuyện quá bất ngờ, tựa như điều cao siêu đã, đang tồn tại trong đời sống văn hoá Việt vậy. Đấy có thể là nguyên nhân tạo ra những hoài nghi xung quanh mục đích, hiệu quả phương pháp học của GS Bằng?

Và tất nhiên để có được sự tin cậy, ông đã nghiên cứu rất nhiều phương pháp giảng dạy tiên tiến trên thế giới, vận dụng những kiến thức văn hoá dân gian, từ đó đưa ra chứng luận, viết nhiều sách và có những buổi thuyết trình trước các nhà khoa học nhằm làm sáng tỏ hơn phương pháp dạy của mình.

Mọi thứ trở thành “Chuyện thường ngày ở khu tập thể” khi GS Bằng vẫn thường xuyên dạy học, ai nghèo thì miễn phí, cốt người đó hiếu học và quyết tâm học để có ích cho xã hội.

Không ngưng nghỉ tư duy

GS Lê Khánh Bằng sinh ra trong một gia đình danh giá ở Hương Sơn, Hà Tĩnh, cha ông từng làm đến Tham tri Bộ Lễ trong triều đình nhà Nguyễn. Có lẽ vậy mà ngay từ nhỏ, ông đã được chọn học ở Quốc học Huế.

Ông bảo: "Từ nhỏ tôi theo học hệ cổ điển, được học tiếng Pháp, Anh, La tinh và thế hệ anh em hồi đó học rất giỏi. Năm 17 tuổi tôi tham gia tiền khởi nghĩa, sau đó đi bộ đội, là cán bộ tuyên truyền Mặt trận Huế, bộ đội thông tin liên lạc Liên khu 4. Năm 1948 tôi được cử đi học chuyên khoa Huỳnh Thúc Kháng, ban Văn học, và gắn cuộc đời với sự nghiệp giáo dục cũng như dành tâm huyết cho công cuộc đổi mới, cải cách giáo dục."

Từ hồi đó, GS Bằng đã nhận thấy nhiều hạn chế của phương pháp giáo dục truyền thống “thầy là trung tâm” và đã cùng một số GS đầu ngành nghiên cứu, đề xuất những phương pháp cải tiến, đổi mới trong giảng dạy nhằm đem đến hiệu quả giáo dục cao.

Tuy nhiên, như tôi hỏi ông: Tại sao đến giờ, sau 40-50 năm, mọi chuyện vẫn... dậm chân tại chỗ? Ông bảo, âu cũng bởi sự ngại thay đổi của nhiều cấp quản lý giáo dục cũng như thói quen của học sinh, chỉ nghe, học một cách thụ động, dập khuôn...

Nguyên là tổ trưởng bộ môn Lý luận dạy học, khoa Tâm lý giáo dục, Đại học Sư phạm Hà Nội, chủ nhiệm đề tài cấp Nhà nước “Cải tiến phương pháp giảng dạy trong các trường Đại học và Cao đẳng”, ông cho biết: Cách dạy cũ là truyền đạt thông điệp, truyền thụ tri thức một chiều cho học sinh hoàn toàn đi ngược với những thành tựu tâm lý học và giáo dục học.

Ngày nay, người ta học không chỉ để thừa hành, học máy móc bằng nghe, nhìn mà học bằng cách làm, kỹ năng ứng dụng thực tế. Vì thế quan điểm “lấy học sinh là trung tâm” có thể sẽ làm khó chịu, gây phản ứng, song đó là con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất. Giáo dục phải là Quốc sách.

Chúng ta đã cải tiến phương pháp giảng dạy, cải cách SGK nhưng cái gốc cơ bản là thay đổi lề lối thi cử thì lại e sợ. Đổi mới thi cử dẫn đến nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường. Sẽ không còn chuyện giáo viên nặng về thuyết trình, giảng giải, thầy nói, trò ghi một cách thụ động.

Không còn chuyện giáo viên ngại đổi mới phương pháp giảng dạy vì bị cho là “lập dị” mà sẽ ở vai trò then chốt, đúng vị trí là người hướng dẫn học sinh tự tìm hiểu, sáng tạo. Và tất nhiên sẽ không còn chuyện học sinh khi ra đời, không có kiến thức, không biết làm việc...

Có lẽ vì niềm tin thế mà dù đã ở tuổi xưa nay hiếm, GS Bằng vẫn không ngừng nghỉ nghiên cứu rất nhiều tài liệu quốc tế, đúc rút kinh nghiệm và đưa ra nhiều phương pháp dạy và học độc đáo, hiệu quả. Ông vẫn không dừng việc viết sách, nói ra những điều được cho là hạn chế tư duy sáng tạo và phát triển của học sinh và đề xuất nhiều ý kiến xác đáng cho ngành giáo dục.

Ông bảo: Đã đến lúc người dạy phải tính đến nhu cầu, nguyện vọng của người học, đến những đặc điểm tâm sinh lý và cấu trúc tư duy của từng người. Coi trọng việc phát huy cao độ tính tích cực và nội lực của người học, tổ chức cho học sinh hoạt động độc lập và theo nhóm (thảo luận, làm thí nghiệm, quan sát vật mẫu, phân tích số liệu...).

Từ đó, học sinh vừa tự nắm vững các tri thức, kỹ năng mới, đồng thời được rèn luyện về phương pháp tự học, được tập luyện phương pháp nghiên cứu, sáng tạo.

GS Lê Khánh Bằng khép cửa và lui vào căn phòng nhỏ đơn sơ, tiếp tục công việc còn dang dở. Hình như hôm nay ông có lớp ở Trung tâm phát triển tự học, hay lớp cao học về phương pháp dạy và học trong trường đại học...

Tôi biết, ông vẫn đau đáu một nỗi, làm sao có thể dạy HS-SV phương pháp học không mất nhiều thời gian mà vẫn hiệu quả, để các em có nhiều thời gian giải trí, vui chơi, phát triển bản thân một cách toàn diện. Dường như GS Bằng chưa muốn nghỉ ngơi. Ông vẫn muốn góp sức mình, được ngày nào tốt ngày ấy, như lời ông nói, cho cuộc sống này.

Hà Bảo Lâm (ANTĐ)


  • 5 bước chuyển vào trong (thư giãn và tập trung tư tưởng cao độ), đọc to 3-5 lần đúng trọng âm và ngữ điệu để tạo nên một khu vực hưng phấn mạnh; đọc to vừa, đúng ngữ điệu, tốc độ nhanh dần 3-5 lần; đọc mấp máy môi có âm thanh và ngữ điệu nhỏ 3-5 lần, tốc độ nhanh nhất; đọc trong óc, môi không mấp máy nhưng vẫn phải cảm thấy âm thanh và ngữ điệu cho đến khi thuộc, tốc độ ngày càng cao; đọc trong óc nhiều lần để hằn sâu vào trong vỏ não theo trình tự: nhẩm đọc trong óc từ từ sau đó tăng dần lên đến mức nhanh nhất...
  • 5 bước chuyển ra ngoài (đọc trong óc; đọc mấp máy môi; đọc to vừa, tốc độ nhanh và rất nhanh; đọc to đúng trọng âm, đúng ngữ điệu với tốc độ nhanh
    nhất không sai sót; tập trung tư tưởng cao độ, viết ra giấy với tốc độ nhanh nhất, tối thiểu 2 dòng/phút hoặc trình bày thật lưu loát, diễn cảm)...
  • Vấn đề cần trình bày sẽ được nghe, nói, đọc, viết ra trong óc vài lần, tạo nên một chuỗi các yếu tố tư duy, khi bạn động đến một mắt xích nào đó thì cả chuỗi đó sẽ bật ra ngay lập tức. Đó chính là “đột phá một điểm, khai thông toàn diện”.