Tháng Ba kết thúc quý I-2009 không mấy sáng sủa

Áp-phich Hội nghị Cấp cao G-20 2009 tại London

Thế giới bước vào năm 2009 với tâm trạng bất an và tháng Ba kết thúc quý I vẫn chưa thấy xuất hiện tia sáng nào. Những thông tin chẳng lành về cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu vẫn tràn ngập các phương tiện thông tin đại chúng, tiếp tục là chủ đề bàn thảo, tranh cãi trên chính trường nhiều nước và tại tất cả các diễn đàn quốc tế.

Hội nghị Cấp cao ASEAN 2009 tổ chức tại Thái Lan. Ảnh: Dantri

Hầu hết các nước, trước hết là các nước CNPT vốn là đầu tầu của nền kinh tế thế giới đều rơi vào tình trạng tăng trưởng âm, thương mại toàn cầu sụt giảm sâu nhất trong mấy chục năm, nạn thất nghiệp lan nhanh như bệnh dịch, chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy, chủ thuyết của phái “tân tự do” bị đem ra mổ xẻ và thiên hạ đang tìm kiếm học thuyết kinh tế mới.

Ở nhiều nước bùng phát những bất ổn chính trị-xã hội, một số chính phủ đổ nhào do không đối phó được một cách hữu hiệu với khủng hoảng… Nói tóm lại, kịch bản diễn biến và hệ luỵ của cuộc khủng hoảng lần này không khác mấy với cuộc đại suy thoái 1929-1933. Chỉ có điều còn đem lại sự an ủi ít nhiều là cuộc khủng hoảng lần này chưa đến nỗi trầm trọng như cuộc đại suy thoái nửa đầu thế kỷ trước.

Nếu lần trước sản xuất sụt giảm 2 con số thì lần này mới âm ở mức 1 con số. Nếu lần trước tỷ lệ thất nghiệp lên tới trên dưới 25% thì lần này ở các nước CNPT còn đang ở mức dưới 10%. Nếu lần trước ở tất cả các nước CNPT đều thay đổi chính quyền, đặc biệt ở Đức và ở Nhật các thế lực phát xít, quân phiệt lên nắm chính quyền đưa tới Chiến tranh thế giới thứ II, thì lần này các nước đang cố xúm nhau lại để tìm phương cách cứu chữa.

Hoạt động chuẩn bị Hội nghị Cấp cao G-20: Hé lộ chủ đề và lập trường của các bên

Và chính điều khác biệt cuối cùng này là niềm hy vọng cứu vãn tình hình. Trong tháng Ba dồn dập diễn ra các hoạt động chuẩn bị cho Cấp cao G-20, qua đó đã hé lộ các chủ đề và lập trường của các bên. Mỹ muốn châu Âu mở thêm hầu bao để kích thích kinh tế, châu Âu lại muốn tập trung cứu vãn hệ thống ngân hàng, Trung Quốc và Nga muốn cải tổ cơ bản các thể chế tài chính-tiền tệ quốc tế như WB, IMF và hạ bệ vị trí độc tôn của đồng đô-la Mỹ, thay bằng một đơn vị tiền tệ khác, điều mà đương nhiên Mỹ chống lại…Ta hãy nán đợi vài ngày nữa, khi các nhà lãnh đạo của 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi họp nhau ở London để xem binh tình ra sao.

Kinh tế đã vậy, còn cục diện chính trị thế giới diễn ra hai chiều hướng căng dịu trái chiều nhau. Đã xuất hiện một số biểu hiện Nga - Mỹ và Nga-EU tìm cách làm lành với nhau vì nói gì thì nói, hai bên vẫn cần nhau cả về kinh tế lẫn chính trị-an ninh. Nga không thể phát triển nếu không có công nghệ, thị trường Âu-Mỹ, nguồn tài nguyên và thị trường Nga vẫn rất hấp dẫn đối với Âu-Mỹ, không có Nga chắc Mỹ và NATO cũng khó lòng giải quyết được nhiều vấn đề quốc tế, trước mắt là những mắc mớ ở Trung Cận Đông…

Trong cơn khủng hoảng này người ta nói nhiều đến vị trí của các nền kinh tế mới nổi. Đặc biệt là Trung Quốc và mối quan hệ Trung-Mỹ, thậm chí nhiều người còn nói đến sự xuất hiện của cặp G-2, tức là quan hệ Trung-Mỹ. Quả thật tính tuỳ thuộc giữa hai bên khá khăng khít, Trung Quốc nay đã trở thành chủ nợ lớn nhất của Mỹ(!).

Trong cơn khủng hoảng này Mỹ trông đợi Trung Quốc tung thêm tiền trong kho dự trữ ngoại tệ khổng lồ của mình để mua trái phiếu của Mỹ, để đỡ phần gánh nặng. Ngược lại, Trung Quốc lo ngại Mỹ tiêu quá nhiều tiền đẩy đồng đô-la tụt dốc sẽ làm giảm giá trị nguồn dự trữ của mình. Ấy là chưa kể nhiều vấn đề quốc tế, nhất là các vấn đề châu Á, trước mắt là vấn đề phi hạt nhân bán đảo Triều tiên không thể không có vai trò Trung Quốc.

Một biểu hiện đáng quan tâm nữa trong tháng này là chính quyền của ông Obama đưa ra một loạt tín hiệu muốn cải thiện quan hệ với những nước vốn bị chính quyền Bush coi là thù nghịch như Cuba, Iran, Syrie, đưa ra “chiến lược mới” ở Afghanistan, thể hiện chủ trương điều chính sách lược của Hoa kỳ sau những thất bại nặng nề của cính quyền cũ.

Dịu thì có dịu phần nào song xem ra các bên vẫn tìm cách thử sức, lấn lướt nhau như EU ký thoả thuận về việc nâng cấp đường dẫn khí đốt qua Ucraina nhưng lại phớt lờ nước cung cấp là Nga làm cho Nga nổi đoá, tầu khoa học của Mỹ trên biển Đông bị tàu Trung Quốc cản phá, gây thêm lo ngại về điểm nóng này…

Không khí ở Đông Bắc Á nóng hẳn lên do quan hệ liên Triều xấu đi nghiêm trọng. CHDCND Triều Tiên công bố chủ trương phóng tên lửa chưa rõ để đưa vệ tinh lên quỹ đạo hay thử tên lửa tầm xa. Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ phản ứng gay gắt, Nhật Bản thậm chí chuẩn bị bắn chặn nếu tên lửa hoặc mảnh tên lửa bay vào đất Nhật.

Nhiều vấn đề nêu trên chắc sẽ là đề tài trao đổi, mặc cả bên lề Cấp cao G-20 ở London. Như người ta hay nói: “Hãy chờ xem!”

Hội nghị Cấp cao ASEAN

Điểm lại tháng Ba không thể không nhắc tới sự kiện quan trọng ở khu vực sát sườn nước ta là Hội nghị Cấp cao ASEAN. Đây có thể coi là một mốc lịch sử trên con đường thắt chặt sự liên kết trong ASEAN sau khi Hiến chương đầu tiên đã có hiệu lực từ 15/12/2008.

Để đưa Hiến chương vào cuộc sống Hội nghị đã quyết định sớm hình thành các Hội đồng về ba trụ cột chính trị-an ninh, kinh tế, văn hoá-xã hội cũng như Uỷ ban đại diện thường trực và cơ chế giải quyết tranh chấp. Hội nghị cũng đã thông qua cả một lộ trình để hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 – một mốc quan trọng trong tiến trình nhất thể hoá ASEAN.

Đứng trước những thách thức mới do cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đặt ra, ASEAN bày tỏ chính kiến của mình với G-20 đồng thời quyết định tăng giá trị Sáng kiến Chiêng mai từ 80 tỷ lên 120 tỷ USĐ, đẩy mạnh hợp tác về năng lượng, lương thực, phòng chống thiên tai…Tới đây, giữa tháng Tư ASEAN sẽ họp riêng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc theo cơ chế 10+3 và 10+1 cũng để gia tăng hợp tác đối phó khủng hoảng.

Trong khi đó các nền kinh tế vốn được coi là các “con hổ” châu Á đang ngập sâu vào suy thoái, chính trường Thái Lan lại biến động với các cuộc biểu tình rầm rộ bao vây Trụ sở Chính phủ, chỉ có khác là lần này lực lượng mặc áo đỏ ủng hộ cựu Thủ tướng Thakshin thay cho đội quân mặc áo vàng thuở nào đã đưa ông Abishit lên ghế Thủ tướng. Ở Malaixia, Thủ tướng Ba-da-uy tự nguyện từ chức nhường ghế cho ông N.Ra-dắc để cứu vẫn uy tin của Đảng cầm quyền UMNO, Inđônêxia bước vào cuộc chạy đua để tiến tới tổng tuyển cử mới, Thủ tướng Lý Hiển Long của Singapore thực hiện cuộc cải tổ nội các khá sâu rộng…

Trong lúc khó khăn này hơn lúc nào hết các nước Đông Nam Á cần sự ổn định và chung sức chung lòng thực hiện những biện pháp đã thoả thuận ở Cấp cao để vượt qua khủng hoảng kinh tế.

Như vậy là gánh nặng của tháng Ba sẽ trút sang tháng Tư với mot loạt sự kiện quan trọng và nhân dân các nước có quyền mong đợi những hội nghị ấy không chỉ nói mà sẽ có những hành động cụ thể theo hướng đẩy mạnh hợp tác vì hoà bình và phát triển.

Hồ Vũ (VNN)