Andy Warhol và trào lưu POP’ ART

Nhà quay phim Andy Wahol

Cuộc triển lãm đồ sộ dành cho các tác phẩm hội hoạ của Andy Warhol ở cung Grand Palais, Paris, từ 18-03 đến 13-07-2009, đã đem lại nhiều thông tin quý hiếm về nghệ thuật và cuộc đời của người thủ lĩnh của trào lưu POP’ ART ở Mỹ, ra đời vào những năm 60 của thế kỷ trước.

Nghệ thuật của Andy Warhol, chỉ nói riêng về phần hội hoạ, tưởng như đơn giản, ít ra về mặt hình thức, nhưng thực ra chứa đựng nhiều điều bí ẩn mà sau bao nhiêu năm người ta vẫn không giải thích được một cách thoả đáng.

10 Marilyn. In lưới trên giấy 1967

Cho đến bây giờ, người ta vẫn không hiểu hết ý nghĩa, mục đích của những bức tranh tiêu biểu nhất của Andy Warhol: từ chai Coca Cola, hộp xúp nhãn hiệu Cambell’s, đến những bức chân dung của các siêu sao, Marilyn Monroe, "Liz" (Taylor), "Jackie" (Kennedy), Elvis Presley, v.v. Đây là một sự phê phán, một sự đồng loã, hay chỉ đơn giản là một hình thức minh hoạ cho cái xã hội Mỹ vào những năm 60?

Riêng tôi, thiên về cái ý minh hoạ, mặc dầu đây cũng chỉ là một sự đánh giá chủ quan. Chính Andy Warhol đã từng nói: « Những tác phẩm của tôi chỉ là để minh hoạ cái xứ sở mà tôi yêu mến, là nước Mỹ ». Nhưng hiểu nghệ thuật của Andy Warhol như vậy, thì tôi cho rằng cũng hơi đơn giản.

Hình thức nghệ thuật và ý nghĩa trong tranh

Mặt khác, Andy Warhol đã từng tuyên bố: « Tranh của tôi chỉ là những gì tôi vẽ trên mặt vải mà thôi, ở đằng sau không có gì hết ». Chắc ý ông muốn nói: trên tranh của ông, ngoài những cái gì con mắt ta nhìn thấy, thì đừng tìm kiếm một ý nghĩa sâu xa nào khác cả.

Tuy nhiên, các đối tượng mà Andy Warhol vẽ, đều đã mang nặng một ý nghĩa xã hội rồi, đó là những đồ vật, những nhân vật nổi tiếng, mà ai cũng biết. Nhưng người ta vẫn muốn tìm hiểu: vì sao ông lại quan tâm đến những đối tượng ấy? Hơn nữa, chúng ta sẽ thấy rằng, bản thân con người của Andy Warhol, với những hoạt động đa dạng và quan niệm sống của ông, đã là một hiên tượng không đơn giản rồi, thì làm sao tác phẩm nghệ thuật của ông lại không phức tạp được?

Thật ra, những bí ẩn trong nghệ thuật của Andy Warhol nằm ở ngay trên cái bề mặt của mỗi tác phẩm, và không chỉ ở trên mặt vải mà thôi, mà còn ở những hoạt động nghệ thuật khác của ông, bởi Andy Warhol đã từng gắn bó với rất nhiều lãnh vực : quảng cáo, hội hoạ, nhiếp ảnh, điện ảnh, tivi, báo chí, nhạc, người mẫu, v.v.

Có thể nói rằng, tất cả những hoạt động nghệ thuật đan chen với nhau ấy, mà Andy Warhol đã từng đứng ra gánh vác, phối hợp, điều khiển trong giai đoạn ông mở xưởng vẽ lấy tên là « The Factory », đều có chung một nét nghệ thuật: đó là hình ảnh – tất cả cho hình ảnh, và không phải hình ảnh chụp nguyên xi thông qua ống kính nhiếp ảnh, - dù là hình ảnh do chính ông chụp, hay lấy từ báo chí - mà là hình ảnh được tô vẽ thêm, chủ yếu bằng màu sắc (ở một kích thước nhỏ hơn, thời nay chúng ta hay làm việc này bằng kỹ thuật Photoshop, nhưng thời của Andy Warhol, tất cả đã chỉ được thực hiện bằng tay, với kỹ thuật in lưới - sérigraphie). Andy Warhol ưa thực hiện các tác phẩm một cách máy móc, và nhân bản lên bằng kỹ thuật sérigraphie. Ông đã từng nói: tôi chỉ muốn là một cái máy.

Quan niệm nhân bản những bức tranh khổ vuông với kích thước khiêm tốn lên bằng kỹ thuật sérigraphie, để rồi ghép lại thành những bức tranh lớn, có hai mục đích gắn liền mật thiết với nhau: mục đích thứ nhất, là làm to bức tranh lên để tăng sức thuyết phục; mục đích thứ hai, là làm cho bức tranh sinh động, giàu nhịp điệu. Nhìn "10 bức chân dung của Marilyn Monroe", người ta thấy bức tranh như rung động với các ô vuông, mỗi ô là một bức chân dung, mặc dầu xuất phát từ cùng một tấm ảnh, nhưng đã được tô điểm một cách khác nhau bằng màu sắc.

Đằng sau những hình thức diễn đạt nói trên, là cả một quan niệm nghệ thuật gắn liền với con người sinh lý của Andy Warhol, với cái nhìn của ông về mặt nghệ thuật, cũng như về mặt xã hội, đặc biệt là cái xã hội tiêu thụ ở đỉnh cao nhất của nó vào những năm 60 ở Mỹ, với tất cả những cái hay, cái dở, một xã hội mà trong đó người ta coi trọng đồng tiền hơn tất cả những gì khác (đến mức mà đối tượng của một trong những tác phẩm hội hoạ của Andy Warhol là biểu tượng của đồng đô-la), và người ta coi trọng các siêu sao, các nhân vật nổi tiếng, v.v. Bản thân Andy Warhol đã từng nói thẳng với các cộng tác viên của mình rằng: ông coi trọng đồng tiền, ông vẽ là để kiếm cho thật nhiều tiền, và ông coi trọng các giá trị trong cái hệ thống đẻ ra các siêu sao, và các nhân vật nổi tiếng.

Lộ trình nghệ thuật

Andy Warhol, tên thật là Andrew Warhola, sinh ngày 6-08-1928 ở tỉnh Pittsburg, thuộc tiểu bang Pennsylvania, Mỹ. Bố mẹ là người gốc Do thái Tiệp, di cư sang Hoa Kỳ năm 1913. Andy Warhol lớn lên và được học hành bình thường ở Pittsburg. Lúc nhỏ thích vẽ, và rất say mê tất cả những gì do Hollywood sản xuất. Sau được vào học trường Carnegie Institute of Technologie – lớp dạy về design. Trong thời gian nghỉ hè, thường phải đi làm việc để kiếm sống, khi thì ở một xưởng sửa chữa xe hơi, khi thì ở một cửa hiệu buôn bán.

Warhol: Mao, 1973. Polymer, in lưới

Andy Warhol tới New York vào năm 1949, ở tuổi 21. Năm 1952, lần đầu tiên triển lãm tranh của mình. Lúc này Andy Warhol làm việc trong ngành quảng cáo và rất thích phong cách vẽ trong các truyện tranh (BD/Bandes Dessinées).

Năm 1962, Andy Warhol thực hiện bức chân dung của Marilyn Monroe và một số tác phẩm khác, như: Chai Coca Cola, Hộp xúp nhãn hiệu Cambell’s, với kỹ thuật in bằng khung lụa (sérigraphie), và bắt đầu nổi tiếng từ đấy.

Là một người đồng tính, Andy Warhol giao thiệp rộng rãi trong giới văn nghệ sĩ ở Mỹ. Trong số các bạn bè của ông, có các tên tuổi lừng lẫy, như: Bob Dylan, Mick Jagger, Lou Reed (nhạc), Basquiat, Keith Haring (hoạ), v.v. Có thể nói, ông là một trong những nghệ sĩ năng động và làm việc nhiều nhất ở New York vào những năm 60-80 của thế kỷ trước.

Ông mất ngày 22-02-1987 tại New York.

Môi trường nghệ thuật và những ảnh hưởng

Nếu ta đặt câu hỏi : cái gì đã ảnh hưởng lên nghệ thuật của Andy Warhol, thì trước hết không thể nào không nghĩ đến trào lưu POP’ ART đầu tiên, ra đời ở London (Anh), vào những năm 50. Chính cái tên gọi của trào lưu POP’ ART ở Mỹ đã thừa hưởng cái tên gọi này. Ảnh hưởng đó chủ yếu là cái ý tưởng "đem cuộc sống vào nghệ thuật", đặc biệt là đưa các hiện vật của đời sống hàng ngày vào tác phẩm nghệ thuật. Ý tưởng này sẽ là ngọn đuốc soi đường cho cả trào lưu POP’ ART lẫn trào lưu Tân Hiện Thực. Các hoạ sĩ của hai trào lưu này, sẽ, mỗi người một phong cách, đi sâu khai thác cái ý đó, và tìm nguồn cảm hứng ở những biểu hiện của đời thường : từ các nhãn hiệu quảng cáo, các truyện tranh (BD), đến các vật dụng thông thường.

Jasper Johns, Painted Bronze (1960)

Xa hơn nữa, là ảnh hưởng của những ý tưởng của trường phái « dada », đặc biệt là của Marcel Duchamp, đã đưa các vật dụng đời thường lên thành đối tượng nghệ thuật – Andy Warhol đã có dịp gần gũi Marcel Duchamp ở New York vào những năm 60, trước khi nhà hoạ sĩ này qua đời.

Trực tiếp hơn, người ta nghĩ đến Jasper Johns, thuộc trào lưu Tân Hiện Thực, với bức hoạ vẽ cây quốc kỳ của Mỹ (Flag, 1954), và đặc biệt là với tác phẩm điêu khắc « Painted Bronze » (1960), thể hiện hai hộp bia đặt cạnh nhau. Đây cũng là một vật dụng mà Jasper Johns nhìn thấy thường ngày và dùng để đựng các cây cọ - cũng như thể hộp xúp Cambell’s đối với Andy Warhol. Có thể tác phẩm của Jasper Johns đã gợi cho Andy Warhol một cảm hứng cụ thể ?

Trào lưu POP’ ART

Những năm đầu của thập niên 60 chính là một giai đoạn bản lề quan trọng cho sự phát triển của nghệ thuật ở Mỹ và cả ở Âu châu, vì thị trường tranh trong một thời gian dài bị bế tắc, nay đã mở ra đúng vào lúc đó ở New York, để đón nhận các trào lưu nghệ thuật mới.

Ở Mỹ, cùng với cá nhân Andy Warhol, còn có cả một nhóm hoạ sĩ thuộc cùng một trào lưu, mà sau này được gọi là POP’ ART, với những tên tuổi, như: Jim Dine, Rauschenberg, Oldenburg, Lichtenstein, Segal, Wesselmann, Rosenquist, v.v. Từ Âu châu sang, có các hoạ sĩ của trào lưu « Tân hiện thực », với: Arman, Christo, Klein, Hains, Raysse, Rotella, Spoerri, Tinguely, v.v. Một cuộc triển lãm chung đã được thực hiện tại New York với hai nhóm nghệ sĩ này.

Hộp xúp Cambell’s (1962). Acrylique, in lưới 50,8x41,6cm

Nhóm POP’ ART mà sau này Andy Warhol được coi như là thủ lĩnh, thực chất là gì ? Từ đâu mà ra ? Ảnh hưởng của nó lên các ngành nghệ thuật khác và lên các sinh hoạt xã hội thời đó và sau này ra sao ?

Cái tên POP’ ART thực ra đã xuất hiện ngay từ 15 năm trước ở Anh, nhân dịp triển lãm tác phẩm của nhà điêu khắc Edward Paolozzi vào năm 1947. Chữ POP’ ART là do Lawrence Alloway, một nhà phê bình nghệ thuật người Anh đặt ra, dựa vào thành ngữ thông dụng: « popular culture » (văn hoá dân gian/văn hoá quần chúng). Có lẽ nên hiểu POP’ ART là nghệ thuật nhằm đi tới quần chúng, hơn là nghệ thuật quần chúng. Một số tác phẩm hội hoạ thuộc trào lưu POP’ ART Anh, xuất hiện vào những năm 50, cũng trong tinh thần đưa hiện thực của đời sống thường ngày vào nghệ thuật.

Song, theo Rauschenberg, một hoạ sĩ tài năng thuộc trào lưu POP’ ART sau này ở Mỹ, thì mục đích mà họ nhắm là rút ngắn khoảng cách giữa nghệ thuật và đời sống.

Andy Warhol là người đã thực hiện được cả hai mục tiêu trên một cách hữu hiệu, độc đáo, và quy mô nhất.

Năm 1962, khi Andy Warhol cho ra mắt công chúng những tác phẩm nổi tiếng, với đối tượng là « Hộp xúp nhãn hiệu Campbell’s », hay chai Coca Cola, in lưới, quần chúng và giới văn nghệ sĩ hẳn đã bị một phen sửng sốt! Điều này cũng dễ hiểu, vì người ta không chờ đợi một tác phẩm nghệ thuật mà đối tượng lại là một biểu hiện thông thường nhất của đời sống hàng ngày: một hộp xúp với nhãn hiệu mà ai cũng nhận ra ngay, vì là thức ăn hàng ngày của họ, từ người sang đến người hèn. Cũng như chai Coca Cola, được vẽ cao bằng đầu người.

Quả là nội dung của một tác phẩm nghệ thuật mà bị « thông thường hoá » đến mức ấy, thì thật là "hết ý"! Còn hơn cả bức hoạ Olympia nổi tiếng của Manet cách đấy đúng 100 năm.

Nhưng cái chủ ý thật sự của Andy Warhol là gì? Phải chăng, đây cũng chỉ là một ý tưởng nằm trong quan niệm « tân hiện thực », hay « đađa », nghĩa là tác giả không nhìn hộp xúp nhãn hiệu Cambell’s như là một hộp xúp nữa, mà chỉ như một mô típ thẩm mỹ? Cũng như chai Coca Cola. Cũng như chân dung Marilyn Monroe, được nhân lên thành nhiều bản trong những ô vuông?

Hay là tác giả đã chỉ nhìn thấy ở Hộp xúp nhãn hiệu Cambell’s, ở chai Coca Cola, hoặc ở Marilyn Monroe,... những biểu tượng nói lên bản chất của một xã hội tiêu thụ? Nhưng còn những bức chân dung khác: Mao, Lenine, Jesus, La Joconde, v.v.? Điều chắc chắn, là người ta không thể không nhìn thấy ở các tác phẩm hội hoạ của Andy Warhols một ngôn ngữ mới, một kích thước mới, khác với những gì trước đó, kể cả phong cách "Tân Hiện Thực".

Dẫu sao, chọn những hiện vật quen thuộc nhất, hiện thực nhất trong đời sống, để làm đối tượng vẽ, Andy Warhol đã đi đến tận cùng của xu hướng POP’ ART và Tân Hiện Thực, và đã thể hiện lên một quan niệm nghệ thuật bằng những hình thức thuyết phục nhất, mạnh mẽ nhất. Không có gì châm biếm, hời hợt ở đằng sau hết, mà chỉ là sự thể hiện một cách triệt để một ý tưởng nghệ thuật.

Nhưng không lẽ cái nội dung chủ yếu của mỗi tác phẩm của Andy Warhol chỉ là cái ý tưởng thẩm mỹ của nó? Nếu như vậy, thì quan niệm của Andy Warhol không khác gì lắm với quan niệm của các hoạ sĩ trừu tượng? Nhưng Andy Warhol không phải là một hoạ sĩ trừu tượng, bởi ông cần những hình ảnh của đời thường để diễn đạt, cho dù những điều được diễn đạt trên mặt tranh chỉ là hình ảnh, không mang một ý nghĩa nào khác ngoài nó, từ cái chai Coca Cola, đến chân dung của Marilyn Monroe, Liz Taylor, hay Elvis Presley, v.v. Nhưng tại sao lại chọn chai Coca Cola? Cũng như, tại sao lại chọn Marilyn Monroe?

Có lẽ cái lý do chính, đối với Andy Warhol, là vì chai Coca Cola đẹp, về mặt design, và là một biểu tượng đối với mọi tầng lớp dân chúng ở Mỹ, từ sang đến hèn. Nếu như chai Coca Cola là biểu tượng của loại nước ngọt mà hầu như tất cả mọi người đều yêu thích (ít ra là ở Mỹ), hoặc đều biết đến, thì Marilyn Monroe là biểu tượng của cái đẹp khêu gợi, giàu nữ tính. Cả hai đều được coi như là những « siêu sao » trong cái xã hội tiêu thụ, là xã hội Mỹ thời ấy. Như vậy, thì dù Andy Warhol có không muốn có một ý nghĩa nào trên các bức tranh của ông, thì bản thân những hình ảnh của chai Coca Cola, hay khuôn mặt của Marilyn Monroe, tự chúng cũng đã nói lên một thông điệp nào rồi.

Tạm gạt bỏ sang một bên sự nhập nhằng về ý nghĩa của những thông điệp ấy đi, liệu người ta có thể có được một sự đồng cảm, đồng thuận nào trên cái hình thức nghệ thuật của những tác phẩm của Andy Warhol không?

Đây chính là một trong những vấn đề mấu chốt: với một cách nhìn lạnh lùng, và cách thể hiện gần như máy móc, nghệ thuật của Andy Warhol có gây được cảm xúc cho người xem không?

Dẫu sao, người ta cũng phải công nhận rằng: Andy Warhol đã đem lại cho nghệ thuật một ngôn ngữ thể hiện mới mẻ, sáng sủa, trực tiếp và hiệu quả, phù hợp với những nhu cầu mới của xã hội về mặt thẩm mỹ trong các phương tiện thông tin, cũng như với cái gu, và tâm thức của con người ở vào thời đại điện tử và truyền thông.

Không lấy gì làm lạ là nó đã có một ảnh hưởng lớn đến nhiều khâu hoạt động nghệ thuật, đặc biệt là các khâu: design, quảng cáo, nhiếp ảnh, điện ảnh, truyền thông, v.v. những khâu gắn liền với đời sống xã hội hiện đại, ở khắp mọi nơi trên thế giới và từ suốt mấy thập kỷ nay.

Văn Ngọc (Diễn Đàn)