Trang nhà > Giáo dục > Viết > Các quy tắc chính tả quốc ngữ
Các quy tắc chính tả quốc ngữ
Thứ Sáu 8, Tháng Năm 2009
Các định nghĩa
Các định nghĩa sau đây đóng vai trò quan trọng cho việc xây dựng các quy tắc chính tả:
Âm tiết
Âm tiết là đơn vị phát âm tự nhiên nhỏ nhất trong ngôn ngữ. Trong tiếng Việt, một âm tiết bao giờ cũng được phát ra với một thanh điệu, và tách rời với âm tiết khác bằng một khoảng trống. Trên chữ viết, mỗi âm tiết tiếng Việt được ghi thành một "chữ". Ví dụ: hoa hồng bạch gồm 3 chữ, hoặc 3 âm tiết.
Nguyên âm
Các nguyên âm là a, ă, â, e, ê, i, o, ô, ơ, u, ư, và y. Ngoài ra, các nguyên âm có dấu phụ là ă, â, ê, ô, ơ, và ư.
Bán nguyên âm
Chỉ có 3 trường hợp của oa, oe, uy thì có o và u là bán nguyên âm, đóng vai trò đệm cho nguyên âm. Có nghĩa là o và u không được xem là nguyên âm trong tổ hợp 3 âm tiết trên.
Phụ âm
Các phụ âm là b, c, d, đ, (f), g, h, (j), k, l, m, n, p, q, r, s, t, v, (w), x, và (z). Các chữ f, j, w, và z không thuộc về chữ cái tiếng Việt, nhưng được sử dụng trong nhiều từ mượn.
Tổ hợp phụ âm
Các phụ âm ghép chuẩn là ch, gh, kh, ng, ngh, nh, ph, th, tr, gi, và qu. Đôi khi có người cũng viết dz thay vì d vào đầu chữ. Ngày nay, các tổ hợp phụ âm không được nhìn là chữ riêng khi sắp xếp theo chữ cái, cho nên những từ điển mới bỏ ch ở giữa ca và co, nhưng một số từ điển cũ, như là Từ-Điển Thông-Dụng Anh-Việt Việt-Anh của Nguyễn Văn Khôn năm 1987, bỏ ch đằng sau co.
Chú ý: gi và qu là tổ hợp bán phụ âm. Tại đây, i và u không là nguyên âm, mà chỉ là một bộ phận của phụ âm bất khả phân li.
Đặt dấu thanh
Có nhiều quan điểm khác nhau về việc vị trí đặt dấu thanh, quan điểm tương đối hợp lí hiện nay như sau:
Với các âm tiết [-tròn môi] (âm đệm /zero/) có âm chính là nguyên âm đơn: Đặt dấu thanh điệu vào vị trí của chữ cái biểu diễn cho âm chính đó. Ví dụ: á, tã, nhà, nhãn, gánh, ngáng...
Với các âm tiết [+tròn môi] (âm đệm /w/, được biểu diễn bằng "o, u") có âm chính là nguyên âm đơn thì cũng bỏ dấu thanh điệu vào vị trí chữ cái biểu diễn cho âm chính. Ví dụ: hoà, hoè, quỳ, quà, quờ, thuỷ, nguỵ, hoàn, quét, quát, quỵt, suýt...
Với các âm tiết có âm chính là nguyên âm đôi:
Nếu là âm tiết [-khép] (nguyên âm được viết là: "iê, yê, uô, ươ"; âm cuối được viết bằng: "p, t, c, ch, m, n, ng, nh, o, u, i") thì bỏ dấu lên chữ cái thứ hai trong tổ hợp hai chữ cái biểu diễn cho âm chính. Ví dụ: yếu, uốn, ườn, tiến, chuyến, muốn, mượn, thiện, thuộm, người, viếng, muống, cường...
Nếu là âm tiết [+khép] (nguyên âm được viết là: "ia, ya, ua, ưa") thì nhất loạt bỏ dấu vào vị trí chữ cái thứ nhất trong tổ hợp hai chữ cái biểu diễn cho âm chính. Ví dụ: ỉa, tủa, cứa, thùa, khứa...
Phân biệt vị trí đặt dấu thanh điệu ở tổ hợp "ua" và "ia":
Với "ia" thì thì phân biệt bằng sự xuất hiện hay vắng mặt của chữ cái "g" ở đầu âm tiết. Có "g" thì đặt vào "a" (già, giá, giả...), không có "g" thì đặt vào "i" (bịa, chìa, tía...). Trường hợp đặc biệt: "gịa" (có trong từ "giặt gịa" và đọc là zịa).
Với "ua" thì phân biệt bằng sự xuất hiện hay vắng mặt của chữ cái "q". Có "q" thì đặt vào "a" (quán, quà, quạ...), không có "q" thì đặt vào "u" (túa, múa, chùa...). Hoặc để giản tiện cho việc làm bộ gõ, có thể coi "qu" như là một tổ hợp phụ âm đầu tương tự như "gi, nh, ng, ph, th"... Khi đó, sẽ coi "quán, quà, quạ"... như là những âm tiết có âm đệm /zero/.
Quy tắc sử dụng chữ I và Y
Trừ tên riêng, đề xuất tương đối hợp lí cách dùng hai chữ i-ngắn và y-dài hiện nay là như sau:
Đối với các âm tiết có phụ âm đầu /ʔ/, âm đệm /zero/, âm chính /i/ và âm cuối /zero/, thì có hai cách viết:
- Dùng "i" trong các trường hợp từ thuần Việt, cụ thể là: i - i tờ; ì - ì, ì ạch, ì à ì ạch, ì ầm, ì oạp; ỉ - lợn ỉ, ỉ eo, ỉ ôi; í - í a í ới, í oắng, í ới; ị - ị, béo ị.
- Dùng "y" trong các trường hợp còn lại (thường là từ Hán-Việt), ví dụ: y - y tế, y nguyên, y phục; ỷ - ỷ lại; ý - ý nghĩa, ý kiến...
Đối với các âm tiết có âm đệm /zero/ và âm chính /ie/ thì dùng "i". Ví dụ: ỉa, chịa, đĩa, tía... kiến, miền, thiến... Trừ trường hợp có âm đầu /ʔ/ và âm cuối không /zero/ thì dùng "y": yếm, yến, yêng, yêu...
Đối với các âm tiết có âm đệm /w/, âm chính là /i/ hoặc /ie/ thì dùng "y". Ví dụ: huy, quý, quýt... khuya, tuya, xuya... quyến, chuyền, tuyết, thuyết...
Việc biểu diễn nguyên âm /i/ trong các trường hợp còn lại (âm đệm /zero/) thì dùng "i". Ví dụ: inh, ích, ít... bi, chi, hi, kì, khi, lí, mì, phi, ti, si, vi... bình, chính, hít, kim, lịm, mỉm, nín, phình, tính, sinh, vinh...
Việc biểu diễn âm cuối /-j/ không có gì thay đổi, vẫn dùng "y" trong các trường hợp có nguyên âm chính ngắn: (bàn) tay, (thợ) may, tây, sấy... và dùng "i" trong các trường hợp còn lại: (lỗ) tai, (ngày) mai, cơi, coi, côi...
Xem online : Luật chính tả ghi ngữ âm tiếng Việt