Vài ngộ nhận về trường tư

Cổ phần hoá trường học, tăng học phí đang làm dư luận nóng lên. Lắm người ủng hộ, nhiều kẻ phản đối. Theo tôi, tăng học phí lúc này là ngược với chính sách kích cầu. Dẫu sao cũng là dấu hiệu đáng mừng rằng các ý kiến khác nhau có cơ hội được đối chất, được tranh luận.

Bài này muốn góp ý để xoá đi vài ngộ nhận về trường tư hay để dấy lên những tranh cãi mới. Tôi hy vọng cả hai, vì không có tranh luận thì khó biết đúng sai.

Nhưng hãy bắt đầu với vài sự ngộ nhận (người khác có thể coi là minh triết, hãy tranh luận một cách văn minh). Sự ngộ nhận đầu tiên là về khái niệm. Các khái niệm cả thế giới đều dùng, thì chúng ta lại vẽ ra các từ mới, thuật ngữ mới, có khi hơi kỳ quái, chẳng giống ai, để tỏ ra mình "sáng tạo" mà chẳng nghĩ rằng bằng cách đó chúng ta có thể gây ra sự hiểu lầm cho rất rất nhiều người, thậm chí cho cả chính mình!

Cổ phần hoá, xã hội hoá là những ví dụ tiêu biểu. Thậm chí "xã hội hoá" ở ta có nghĩa gần như ngược 180 độ với cách hiểu thông thường của cả thế giới (kể cả so với cách chúng ta hiểu 20 năm trước).

Ngộ nhận thứ hai, người ta nghĩ cơ chế thị trường có thể giải quyết vấn đề giáo dục đào tạo. Cơ chế điều phối chủ yếu trong lĩnh vực giáo dục đào tạo không phải là cơ chế thị trường, tuy cơ chế thị trường cũng có thể hoạt động và cần tận dụng các mặt mạnh của nó như kích thích cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả.

Thế nhưng cơ chế thị trường có các khuyết tật rất lớn trong lĩnh vực giáo dục (và các lĩnh vực xã hội khác) mà tất cả các kinh tế gia ở khắp nơi, thậm chí các nhà hoạch định chính sách ở các nước có nền kinh tế thị trường tự do nhất, đều thừa nhận.

Ngộ nhận thứ ba là sự không phân biệt rõ ràng giữa việc cung cấp dịch vụ giáo dục (dạy học) và cấp tài chính cho giáo dục. Việc đầu (cung cấp dịch vụ) có thể do các tổ chức khác nhau (trường công, trường tư) thực hiện. Các tổ chức này phải được tự chủ, phải cạnh tranh với nhau để thu hút người học, phải minh bạch hoặc bị Nhà nước, xã hội dân sự và học sinh buộc phải minh bạch. Đấy là tận dụng những nét tốt của cơ chế thị trường trong giáo dục.

Việc cuối, việc cấp tài chính, do Nhà nước và người nhận dịch vụ (học sinh hay gia đình học sinh) cùng chi trả (ở cấp phổ thông, Nhà nước chi là chính, tốt nhất là gia đình và học sinh không phải chi đồng nào; người học trả tỉ lệ cao hơn nếu học nghề) nhưng Nhà nước có trách nhiệm chính (bằng các chính sách, hỗ trợ, học bổng, tín dụng,...) để tạo điều kiện cho tất cả mọi người đều có cơ hội học hành và đào tạo.

Bây giờ hãy bàn đến sự ngộ nhận về khái niệm trường tư. Chúng ta thường nghĩ rằng trường tư là thuộc sở hữu của một hay một nhóm cá nhân cụ thể, hoạt động vì lợi nhuận cho những người đó, được con cháu họ thừa kế. Nói cách khác trường tư được quan niệm như một doanh nghiệp tư nhân.

Minh chứng cho cách suy nghĩ này là rất nhiều ý kiến ủng hộ việc cổ phần hoá trường học, là ý kiến của những người có trọng trách cho rằng cần cổ phần hoá 15-20 đại học, là điều lệ mẫu đại học tư do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Đấy là cách nghĩ rất Việt Nam.

Trên thế giới người ta không hoàn toàn nghĩ như vậy. Trường tư, ở các nước khác, là trường không phải của nhà nước, nó có thể là của một tư nhân, của một nhóm tư nhân hay của một tổ chức phi chính phủ (thí dụ, nhà thờ, các tổ chức tôn giáo khác, các hội đoàn), thậm chí thuộc một cộng đồng (làng, xã).

Trường tư do các cá nhân cụ thể sở hữu thường chiếm tỉ lệ nhỏ. Ngộ nhận tiếp theo với trường tư là: người ta nghĩ trường tư thì hoạt động vì lợi nhuận. Có các trường tư hoạt động vì lợi nhuận, song đại đa số trường tư hoạt động phi vụ lợi. Ngay cả các trường do một cá nhân lập ra cũng thường không hoạt động vì lợi nhuận, người lập ra nó không hưởng lợi nhuận (nếu có) của trường, cũng chẳng để lại trường đó cho con cháu như của thừa kế.

Thí dụ, Đại học Trung Âu do G. Soros bỏ 400 triệu euro lập ra tại Budapest năm 1991, nhưng là một trường hoạt động phi vụ lợi, do một hội đồng những người quản thác điều hành, được hưởng các ưu đãi thuế ở mức cao nhất, nó phục vụ xã hội chứ không phải mang lại lợi nhuận cho Soros hay con cháu ông ta.

Các trường tư danh tiếng của Mỹ như Havard, Stanford, MIT,... và các trường tư danh tiếng của các nước khác cũng tương tự như vậy. Như thế ở các nước đó tuyệt đại bộ phận trường tư là của xã hội, chứ không phải là của những con người cụ thể và mang lại lợi nhuận cho họ.

Tất nhiên sẽ nhiều người hỏi, ai lại bỏ tiền riêng ra làm như vậy? Họ có thể là những người thánh thiện. Không ít người như vậy, họ rất đáng kính, đáng ca ngợi. Song một động lực rất lớn để họ làm vậy chủ yếu là do chính sách thuế của nhà nước tạo khuyến khích. Các khoản tiền hay tài sản bỏ ra (đầu tư) cho giáo dục [văn hoá, nghệ thuật, y tế] được miễn thuế thu nhập, không bị đánh thuế thừa kế (đôi khi rất cao ở các nước phát triển).

Các đại học tư danh tiếng trên thế giới là các trường như vậy. Ta không thể tìm thấy một cá nhân cụ thể nào sở hữu nó cả. Trường tư cũng không phải chủ yếu do chính người bỏ tiền ra điều hành mà do một hội đồng các nhà quản trị giáo dục quản lý và điều hành. Cải cách giáo dục cũng gắn với cải cách thuế và những cải cách khác! Nói thế để thấy, nên rất thận trọng và phải tìm hiểu kỹ trường tư là thế nào. Cách hiểu trường tư của chúng ta khác quá xa so với thế giới. Hiểu sai khái niệm có thể phải trả cái giá rất đắt.

Các trường tư hoạt động phi vụ lợi được miễn thuế, thậm chí được cấp đất không phải trả tiền để xây trường và đất đó chỉ được dùng làm trường học chứ không thể được dùng làm việc khác. Cũng có, không nhiều, các trường tư hoạt động vì lợi nhuận (các trường đào tạo ngắn hạn, dạy nghề), chúng phải hoạt động như các tổ chức vì lợi nhuận (doanh nghiệp).

Như vậy các tổ chức cung cấp dịch vụ có thể rất đa dạng về sở hữu, về loại hình. Nên khuyến khích và tạo điều kiện cho chúng hình thành, phát triển và hoạt động cạnh tranh lành mạnh với nhau, buộc chúng phải có trách nhiệm giải trình với những người có lợi ích liên quan: Nhà nước, học sinh, cộng đồng và xã hội. Cổ phần hoá, thực ra là tư nhân hoá, trường học không phải là giải pháp tốt để giải quyết vấn đề giáo dục.

TS Nguyễn Quang A (LĐCT)