Tìm hiểu hình tượng chó đá ở Việt Nam

Tạc tượng chó đá để chuẩn bị đón xuân. Ảnh: N.D.C.

Trong quan niệm của người Việt cổ thì chó là con vật có thể đem đến những điều may mắn và năm Tuất là một trong những năm luôn mang đến thuận lợi và nhiều niềm vui. Chẳng những trước đây mà cả hiện nay vẫn có tín ngưỡng dân gian về chó. Tục thờ chó của người Việt được thể hiện dưới hai hình thức. Một là chôn chó đá trước cổng nhà như một linh vật để canh cổng với ý nghĩ trừ tà, cầu phúc. Hai là đặt chó đá trên bệ thờ như một thần linh để cầu cúng, phụng thờ. Một số nơi gọi chó đá một cách kính cẩn là quan lớn Hoàng Thạch. Các nhà nghiên cứu cũng đã nhận thấy hình thức chó đá giữ vai trò canh gác là khá phổ biến ở Việt Nam.

Tại đền thờ quan Hoàng Thạch ở Địch Đình (Định Vĩ) – Đan Phượng, tỉnh Hà Tây, chính giữa bệ thờ là tượng quan Hoàng cao khoảng 1,4m trong tư thế ngồi, tay cụp, mắt nhìn thẳng về phía trước, miệng há, lưỡi thè ra che hàm răng dưới. Nhưng có người cho rằng “ngài” đang ngửa cổ lên trời cười vì khuôn mặt rất tươi. Xung quanh quan Hoàng Thạch là tượng 16 chó con kích cỡ không đồng đều, con nhỏ cao khoảng 15cm, con lớn nhỉnh hơn 30cm, tư thế rất linh động. Theo ông Nguyễn Chí Cương, Trưởng Ban di tích xã Phương Đình, đền thờ được tôn tạo từ năm 2000. Trước đó, quan Hoàng được đặt sâu trong đất chỉ nhô nữa thân lên. Vị trí 16 con chó hiện nay đều đặt không đúng như trước. Quan Hoàng nhìn về phiá Tây Bắc, hướng núi Ba Vì. Theo ông Minh Nhương, Trưởng VHTT huyện Đan Phượng thì “ngài” nhìn về đền thờ hai Bà Trưng ở Hát Môn (nơi đây cũng có hai tượng chó đá được thờ và trông về hướng Định Đình). Bệ thờ hiện nay được xây thành ngai đặt cao trên một gò đất bên cạnh chùa Phúc Khánh và đình làng. Trong đình làng, bên cạnh bài vị của Đức Linh Lang Đại Vương, Mãnh tướng Đại vương thì quan Hoàng Thạch có bài vị riêng là Hạ giới Đại Vương. Ngày nay, ngoài những ngày rằm và mùng một, dân trong làng thường đến đây hương khói xin thần phù hộ. Những đôi trai gái yêu nhau bị trắc trở, những người có tranh chấp, xung đột, những cặp vợ chồng có hiểu nhầm, va chạm cũng đến đây xin “ngài” soi xét, phù hộ. Sau khi khấn vái, người dân thường chém ngang cây chuối hoặc đập tan chồng bát mang theo với ý “thề độc”. Hàng năm, sau lễ Khai hạ (mùng 7 tháng Giêng âm lịch) dân làng Địch Vĩ mang lễ vật lên đền Hát Môn để hội tế. Như vậy, quan Hoàng Thạch ở Địch Vĩ không chỉ được thờ tại đền riêng mà còn được thờ trong đình như một “Thành Hoàng Làng”, người đã có công khai làng, mở xóm.

Cách Địch Vĩ khoảng 2km đường chim bay tại thôn Phù Trung, xã Thượng Mỗ - Đan Phượng cũng có một bệ thờ chó đá. “Ngài” cũng được dân địa phương kính cẩn gọi là “Ngài Hoàng Thạch”. Tuy không được thờ trong đình làng như ở Địch Vĩ, nhưng bệ thờ cũng được đặt cạnh đình làng (cả bốn bài vị được thờ trong đình đều là Thủy thần). Pho tượng chó đá ở đây cao lớn, được tạc bằng đá xanh, dáng linh hoạt, tai dỏng, miệng ngậm, mắt nhìn về hướng núi Ba Vì. Ngài được thờ với vai trò là người bảo vệ công lý và giữ gìn cho dân khang vật thịnh.

Đi qua Bát Tràng khoảng 10km, cạnh xã Kim Lan và xã Phụng Công nổi tiếng về làm gốm và cây cảnh, cũng có một làng thờ chó làm thành Hoàng làng. Khi lập đình, người dân đã đưa “ngài” vào thờ bằng một bức tranh khổ lớn như người lập công khai làng. Ngày nay, trong ngày lễ, bên cạnh bánh khảo, bánh giầy tế thánh, dân làng vẫn làm chè lam trộn mật để dâng “ngài”. Tại thôn Đại cùng xã trước đây có chùa Kẹo cũng thờ hai con chó đá nặng khoảng 3 tạ mỗi con. Nay chùa Kẹo đã thành đất tư nhân nhưng hai tượng chó đá này vẫn còn được thờ riêng trong một phần miếu. Dọc hai bờ sông trên đất Khoái Châu – Hưng Yên còn rất nhiều nơi có miếu, đền thờ chó đá.

Tục thờ chó đã có từ hàng nghìn năm. Ven hồ Trúc Bạch (Hà Nội) có đền Cẩu Nhi (chó con) xây vào thời nhà Lý. Vua Lê Thánh Tông cũng từng làm 2 bài thơ vịnh chó đá như sau (Hồng Đức quốc âm thi tập, thế kỷ 16):

I

Quyền trọng ơn trên trấn cõi ngoài
Cửa nghiêm [1] chôm chổm một mình ngồi
Quản bao sương tuyết nào chi kể
Khéo nhử cao lương cũng chẳng nài
Mặc khách thị phi giương tráo mắt
Những lời trần tục gác ngoài tai
Một lòng thờ chúa nghìn cân nặng
Bền vững ai lay cũng chẳng dời.

II

Lần kể xuân thu biết mấy mươi
Cửa nghiêm thăm thẳm một mình ngồi
Đêm thanh nguyệt dãi màng trông nguyệt
Ngày vắng ruồi bâu biếng ngáp ruồi
Cắn kẻ tiểu nhân nào đoái miệng
Chào người quân tử chẳng phe đuôi
Phỏng trong sức có ngàn cân nặng
Dấu nhẫn ai lay cũng chẳng dời.

Theo Nguyễn Tiến Cảnh (Mỹ thuật thời Lê sơ, nxb Văn Hoá, 1978, tr. 35) trước kia, hai bên cửa vào nội điện Lam Sơn có "hai con chó đá thô sơ". Phan Huy Chú cũng cho biết "ngoài cửa nghi môn có hai con chó ngao bằng đá rất thiêng" [2].

Bằng chứng chắc chắn hơn là con chó đá chầu trước đền thờ Đinh Tiên Hoàng, tại Hoa Lư. Theo nhà nghiên cứu nghệ thuật Bezacier thì con chó đá này được tạo dựng vào khoảng năm 1610 (Louis Bezacier, L’art vietnamien, Editions de l’Union française, 1955, tr.193).

Dường như lúc đầu, khoảng thế kỷ 15 hoặc sớm hơn nữa, người ta đặt chó đá để canh giữ chỗ thờ phụng vua.

Đời sau, nhiều làng bắt chước chôn chó đá để yểm trừ ma quỷ, bảo vệ dân làng. Ban đầu chôn ở cửa đình, cửa chùa, rồi dần dần chôn cả ở cổng làng, đường làng.

Linh mục Cadière (1918) cho biết :

Làng Nam Phổ Đông nằm trên đường từ Huế ra Thuận An có chôn 2 con chó đá. Một con để chắn hướng đòn ngang của ngôi đình làng Phú Khê nằm gần đó. Con kia để chắn hướng một con đường chạy qua bãi tha ma.
(Léopold Cadière, Croyances et pratiques religieuses des Vietnamiens, tập 2, Ecole française d’Extrême-Orient, 1992, tr.132, 133).

Dưới gốc đa già, bên cạnh con đường dẫn vào làng Hoàng Mai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội ngày nay) trước năm 1945, có chôn 4 con chó đá.

Tiếp theo làng quê, đến lượt các nhà giàu cũng chôn chó đá.

Xưa kia, cửa ngõ thường không làm đúng chính giữa nhà và sân để cho người ngoài đừng nhìn thẳng vào trung tâm nhà. Người ta cũng thường kiêng không nên để cho có con đường đâm thẳng vào nhà, hay là có đền chùa ở trước nhà. Nếu bất đắc dĩ không tránh được những điều kỵ ấy thì người ta chôn ở trước nhà một con chó đá hay là treo một cái gương ở trên cửa chính để yểm tà khí. (Đào Duy Anh, Việt Nam văn hoá sử cương, nxb Đông Nam Á tái bản, 1985, tr.179).

Kho thóc của thành Quảng Trị có chiếc đòn hướng vào dinh quan án sát. Người ta cho đắp một con chó (thần cẩu) đặt trên mái dinh để ngăn chặn ảnh hưởng của chiếc đòn kia (L. Cadière, sđd).

Hàng quý tộc chôn chó đá để canh giữ, bảo vệ chỗ thờ vua chúa. Nhà phong thuỷ chôn chó đá để thay đổi dương cơ, âm phần. Dân gian chôn chó đá để xua đuổi ma quỷ.

Nếu không tiện chôn hay đặt chó đá thì có thể gắn một tấm gương.

Tại Huế, gần bến Đông Ba có nhà bị đòn ngang của đền Quan Đế phía trước đâm thẳng vào. Chủ nhà cho gắn một tấm gương trên mái. Gương sẽ phản chiếu, đổi hướng đi của chiếc đòn ngang.

Bị một con đường phía trước hướng thẳng vào nhà người ta cũng cho đặt một tấm gương trên mái để tránh rủi ro. (L. Cadière, sđd).

Chùa Cầu ở Hội An là một di tích kiến trúc kiểu thượng gia - hạ kiều, cầu bên dưới - nhà bên trên. Kỳ lạ hơn nữa là có hai cặp tượng chó (Linh Cẩu) và khỉ (Thần Hầu) được thờ đăng đối hai bên đầu cầu. Có người cho rằng đó là cách ghi niên đại: khởi công vào năm Thân (con khỉ) và hoàn thành vào năm Tuất (con chó). Có người cho đó là những con vật mà người Nhật thờ tự trong nhiều công trình tín ngưỡng từ cổ xưa. Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di tích Hội An có ghi lại cặp câu đối như sau (nguyên câu đối được đắp bằng sứ ở mặt phía Đông Chùa Cầu, hiện nay không còn nữa) :

Thiên cẩu song tinh an Cấn thổ
Tử vi lưỡng tướng định Khôn thân

Tạm dịch: Hai sao Thiên cẩu trấn an đất Cấn / Hai tướng Tử vi định giữ cung Khôn.

Trong Kinh dịch, đất Cấn chỉ hướng Đông Bắc, cung Khôn chỉ hướng Tây Nam. Theo người xưa thì cặp Linh Cẩu chính là hai vị thần Trời cử xuống để canh giữ sự bình yên cho đất này và cầu bắc qua lạch nước nối hai xã Minh Hương và Cẩm Phô theo hướng Đông Bắc- Tây Nam. Nhìn cặp Linh Cẩu (một đực, một cái) cao to bằng chó thật, chân trước đứng, hai chân sau ngồi trên bệ như sắp nhổm lên, xông ra đương đầu với cái ác để bảo vệ sự an lành của nhân dân. Tượng làm bằng gỗ, nhưng tưởng như bằng đá bởi lớp sơn bên ngoài màu xám.

(Theo Vietpet)

[1Cửa nghiêm là chỗ thờ phụng trang nghiêm.

[2Chúng tôi có tham khảo Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú nhưng không thấy đoạn viết được Nguyễn Tiến Cảnh nói đến