Đông Tác

Blog

Trang nhà > Lịch sử > Cổ đại > Thời đại Hán-Việt (1)

Thời đại Hán-Việt (1)

Chủ Nhật 17, Tháng Năm 2009

Xem mục lục ở sau Lời mở đầu Việt Nam khai quốc

DI SẢN MÃ-VIỆN

Sau khi Hai Bà Trưng qua đời, Mã Viện dành gần hết năm 43 để thiết lập nền hành chính của nhà Hán ở đồng bằng sông Hồng và chuẩn bị cho xã hội địa phương tiếp nhận sự cai trị trực tiếp của nhà Hán. Những hoạt động của ông chia làm ba giai đoạn. Giai đoạn một, ông chi phối những gì còn lại từ di sản chính trị nhà Tiền Hán. Giai đoạn hai, ông quyết tâm thành lập chế độ Hán ở các cấp hành chính quận và huyện. Giai đoạn ba, ông đưa người dân đi vào chế độ mới bằng hợp ước cá nhân.

Mã Viện thấy huyện Tây Vu có 32.000 hộ dân, nhiều hơn 1/3 của tất cả số hộ dân đăng ký trong đồng bằng sông Hồng, theo cuộc kiểm kê năm 2. Huyện Tây Vu là nơi đặt trị sở của triều đình Cổ Loa, vẫn là một trung tâm chính trị quan trọng, kể từ ngày còn vua An Dương Vương. Một "nhà vua Tây Vu" đã bị giết chết vào năm 110 TCN, khi quyền hành nhà Hán được thiết lập lần đầu ở Giao Chỉ. Hơn nữa, Hai Bà Trưng đầu tiên đã đóng quân ở Tây Vu. Mã Viện nhận thấy như vậy là Huyện Tây Vu rộng, không tương xứng với những huyện khác, bèn bãi bỏ Tây Vu và chia nó ra thành hai huyện mới. Ngoài việc san đồng đều diện tích các huyện, biện pháp này của ông còn nhắm mục tiêu xoá bỏ tất cả mọi tưởng nhớ đến di sản chính trị của vùng này trước kia.

Sách chép rằng: "Đi đến đâu là Mã Viện lập quận huyện đến đấy để cai trị với những thị trấn có hào lũy bao quanh, với những vùng phụ cận. Ông cho đào mương để dẫn nước vào ruộng cho dân ở đó cầy cấy". Ta thấy có hai điều đáng được cứu xét. Một là để cho những binh sĩ Hán được an cư hầu bảo vệ các quan chức Hán. Việc nói đến những thị trấn có hào lũy bảo vệ và những vùng phụ cận, những con mương mới để dẫn thủy nhập điền cho phép chúng ta nghĩ đến những người vừa là nông dân, vừa là lính. Một hào lũy bao quanh thị trấn cũng ít tác dụng nếu không có binh sĩ trấn đóng. Đồng thời, nếu binh sĩ không trồng trọt lấy được lương thực ăn thì sẽ là một gánh nặng tài chính vượt ngoài khả năng của bộ máy hành chính ở nơi hẻo lánh này.

Những đồn lính Hán có thể đã được nuôi sống bởi những sắc thuế thu được của dân địa phương. Nhưng do việc thu thuế trước kia chưa được áp dụng; rằng chỉ mới gần đây, vùng này mới bị loạn lạc; và số binh sĩ bố trí tại hào lũy dùng vào việc thành lập quận huyện cũng tương đối phải nhiều, ta cũng có thể suy luận rằng cũng có một số binh sĩ được cấp cho ruộng đất để cầy cấy; họ vừa tự nuôi thân vừa cung cấp luôn cho cả chính quyền mới đang phải phấn đấu để ổn định. Việc cấp đất cho binh sĩ vì vậy là một khích lệ để giữ họ "ở yên tại chỗ". Những binh sĩ phải trú đóng ở nơi xa quê hương tất sẽ có tiềm năng bất mãn. Nếu được cấp ruộng đất họ sẽ ổn định và sẽ quan tâm đến các vấn đề địa phương. Điều này được ngụ ý khi các sử gia đề cập đến những con mương đào để giúp ích cho những người sống bên trong các thị trấn và những vùng phụ cận, nơi chính quyền quận huyện được thành lập.

Điều thứ nhì được hàm ý trong văn bản nói về các mương dẫn thủy là các quan cai trị Hán nay nắm quyền kiểm soát trực tiếp đất trước được coi là ruộng Lạc. Nếu có một số mương được người Hán cũng đào, thì chúng ta phải cho rằng tất cả đều được họ săn sóc chăm nom bởi vì các hệ thống không thể điều hành tốt nếu không được kiểm soát có phối hợp. Như vậy có nghĩa là nhờ chiến thắng, Mã Viện đã có cơ hội chiếm được những ruộng từ tay các Lạc hầu.

Cuối cùng thư tịch cũng chép rằng Mã Viện có "nói đến hơn 10 điều khác biệt giữa các quy chế Việt Nam và Hán. Ông giải thích rõ ràng cho người Việt hiểu những quy chế cũ dành cho họ để trói buộc họ vào bổn phận. Vì thế, người Lạc Việt thi hành những gì đã được tướng quân Mã Viện quy định." Các quy chế này nói đến những luật hình sự và những luật dân sự, không bị lẫn lộn với những luật lệ có tính cách chính trị của triều đình Hán mà Tô Định trước đây đã ép Thi Sách phải tuân theo, do đó đã châm ngòi cho cuộc nổi dậy của Hai Bà. Sử chép rằng Mã Viện chỉ đơn giản ghi lại những khác biệt giữa các quy chế Hán và Việt mà không tỏ ý định muốn sửa đổi những khác biệt đó. Điều này ngụ ý là ở thời này người Việt Nam không bị tan nát hay mất tinh thần vì sự chinh phục của Mã Viện mà vẫn tiếp tục sinh tồn như là một xã hội có tổ chức với những khuôn mẫu riêng biệt của mình về luật lệ hôn nhân, thừa kế và trật tự công cộng.

Tuy các Lạc hầu không còn được nghe nói đến nữa, nhưng không có nghĩa là họ bị giết hay bị đuổi đi. Chúng ta đã thấy nhiều người Việt bị bắt và bị chặt đầu sau trận đánh Lãng Bạc, và khoảng từ 3000 đến 5000 người nữa về sau bị bắt và chết ở Cửu Chân. Nhưng lại có ghi là 10.000 người đã đầu hàng Mã Viện ở Lãng Bạc. Vì chỉ có hàng trăm gia đình được biết là đã bị lưu đầy sang Trung Quốc nên dường như có 1 số khá đông đi theo Bà Trưng mà vẫn còn được sống sót và ở lại Việt Nam sau khi đã qui hàng. Những người này chắc chắn là được Mã Viện dùng hầu hết vào những chức vụ địa phương, bởi vì ông không có cách nào khác để có đủ số nhân viên làm việc tại các quận huyện hầu trực tiếp cai trị được dân chúng.

Điều này nói rõ thêm lý do tại sao Mã Viện "giải thích rõ ràng" những luật lệ cũ. Câu nói này rất quan trọng và nó ám chỉ rằng những người nào bất tuân sẽ bị chặt đầu. Còn những Lạc hầu nào quy thuận sẽ được tha. Họ sẽ không bị giết theo như luật pháp triều đình Hán đòi hỏi. Để đáp lại ân huệ ấy, họ phải tuân theo luật pháp.

Chắc chắn Mã Viện đã rất cảm động khi ông ban hành ân huệ này. Bởi vì ông cũng cần đến họ để duy trì trật tự ở cấp bậc thấp nhất trong chính quyền. Những "chiếu chỉ" mà Mã Viện "giải thích rõ ràng" đều nói đến những luật lệ về chính quyền quận và huyện mà trên lý thuyết đã có từ năm 111 TCN, khi nhà Hán đầu tiên thiết lập quận, huyện ở Việt Nam. Chúng ta có thể nghĩ rằng "những luật lệ cũ ấy" đã được những quan chức như Tích Quang thêm thắt về nội dung và hình thức. Những cải cách thời Vương Mãng đã đưa ra những nỗ lực để thi hành luật lệ hành chính cấp quận huyện. Và kết quả của nó lúc ấy có lẽ được biểu hiện trong những điều vẫn xác nhận luật căn bản của chính quyền Hán trong khuôn khổ xã hội Việt nam cổ.

Động từ "trói buộc" trong câu nói "giải thích rõ ràng những luật lệ cũ cho người Việt Nam nghe để trói buộc họ" hàm ý một hợp đồng hay khế ước giữa Mã Viện và những Lạc hầu bị chinh phục. Và gồm một lời hứa chính thức hay một lời thề rằng họ sẽ tuân theo những luật lệ ấy. Và danh từ "thi hành" trong câu "từ đó Lạc Việt thi hành những gì tướng quân Mã Viện quy định" có nghĩa là thi hành những gì hầu đáp ứng mệnh lệnh do cấp trên ban ra. Và điều đó lại lập thêm một bằng chứng nữa về một quan hệ hợp pháp được định nghĩa rõ ràng mà các Lạc hầu thất thế phải theo. Đoạn viết "những gì tướng quân Mã Viện quy định" hàm ý một tiêu chuẩn về cách cư xử được thiết lập như một quy luật hành chính dành cho các thế hệ về sau.

Ảnh hưởng của cá nhân Mã Viện đối với lòng tưởng nhớ ông của toàn thể dân chúng Việt Nam rất lớn. Một Thứ Sử đời nhà Đường ở thế kỷ 9 cũng mang họ Mã thấy sự tưởng nhớ này có đủ sức thuyết phục để ông coi Mã Viện như một bực tiền bối hầu tăng thêm uy tín của chính ông đối với người Việt. Nhiều truyền thuyết đã được thêu dệt quanh những thắng lợi lớn lao và thành tích siêu việt của Mã Viện được cho là đã thực hiện ở Việt Nam. Mã Viện là người có tài năng khác thuờng, một chiến sĩ cao tuổi rất gan dạ. Thật chẳng có gì khó để tưởng tượng đuợc rằng chính tiếng tăm của ông để lại ở Việt Nam tự nó là một yếu tố quan trọng trong việc thiết lập một chế độ mới để trực tiếp cai trị qua hệ thống quận huyện. Một trong những công trạng của ông về sau được dân gian đồn rằng ông có dựng một đôi cột đồng để đánh dấu ranh giới phía Nam của giang sơn nhà Hán. Có chuyện kể về những người đã đuợc Mã Viện cho định cư ở lại gần nơi cột đồng ấy. Người ta bảo rằng những người này mang họ Mã và vẫn dùng ngôn ngữ của họ mãi trong nhiều thế kỷ về sau. Và chuyện này gợi nhớ lại việc Mã Viện định cư người Hán ở lại Việt Nam. Di sản Mã Viện gồm hai khía cạnh: một, ông đã thiết lập được một nền hành chính ở cấp quận huyện; hai, ông đã đưa người Hán di cư vào trong xã hội Việt Nam. Chính quyền Hán bị lu mờ dần bởi sự xuất hiện của những đại gia đình mọc lên qua những cuộc hôn nhân hỗn hợp Việt Hán sau này.

NHỮNG ĐẠI GIA ĐÌNH HÁN VIỆT

Khi cuộc chinh chiến của Mã Viện hạ màn, một lớp người cầm quyền mới ra đời. Lớp người ấy xuất hiện từ số những người Hán di cư và những gia đình Việt Nam. Chúng ta đã thấy một số người Hán thuộc giai cấp thượng lưu chạy xuống miền Nam vào thời Vương Mãng rối ren. Nhiều người trong số này quay trở về Trung Quốc sau khi nhà Hán phục hưng; nhưng rõ ràng là đã có một số người Hán ở lại. Nhất là ở trong vùng thuộc Quảng Tây, Quảng Đông ngày nay. Và cả ở Việt Nam nữa, nhưng ít hơn.

Nhà họ Sĩ làm nên danh tiếng vào cuối thời Hán, gốc ở Sơn Đông, xuống định cư ở huyện Thương Ngô trong suốt thời kỳ Vương Mãng. Rồi nhà họ Lý, gốc của Lý Bí, người sau này khai sáng nền độc lập của Việt Nam ở thế kỷ 6, cũng đến từ Hoa Bắc cùng thời đó. Việc nổi dậy của Hai Bà Trưng chắc đã khiến cho hầu hết những người di cư ở Việt Nam lại bỏ trở về Trung Quốc. Nhưng chắc chắn cũng có một số quay trở lại Việt Nam vào lúc cuộc viễn chinh của Mã Viện chấm dứt. Cuộc di cư đầu tiên trong thời Vương Mãng có lẽ gồm những phụ nữ và trẻ em. Cho nên cộng đồng người Trung Quốc thượng lưu ở Việt Nam đã giữ được đặc tính của họ đến 1-2 thế kỷ sau.

Cuộc viễn chinh của Mã Viện đã đem đến một lớp người di cư mới. Đội quân của ông gồm 8000 binh sĩ ở miền Bắc và 12.000 dân quân mộ ở Quảng Tây, Quảng Đông. Sử chép Mã Viện trục xuất hàng trăm gia đình Việt Nam lên miền Bắc Trung Quốc, và chúng ta có thể tin chắc rằng ông cũng đã định cư nhiều binh sĩ của ông ở lại Việt Nam để làm nền móng cho chính quyền Hán. Một số trong những người này chắc về sau đã lấy vợ gốc Bắc, nhưng có thể cũng có người đã lấy con gái của những người di cư ở lại từ thời Vương Mãng. Và cũng lại có thể có nhiều người đã lấy vợ, con gái những gia đình bản xứ. Khi Tần Thủy Hoàng xâm nhập miền Nam ba thế kỷ trước đó, Triệu Đà đã yêu cầu vua cung cấp cho ông 30.000 phụ nữ từ miền Bắc Trung Hoa xuống để làm vợ cho binh sĩ của ông. Nhưng không có dấu tích nào là Mã Viện cũng thỉnh cầu triều đình như vậy cho binh sĩ Hán của ông tại Việt Nam.

Binh sĩ của Mã Viện không phải là những người có học như những người di cư thời Vương Mãng. Họ đem theo gươm giáo cung tên thay vì sách vở giấy bút. Có lẽ họ thấy dễ hội nhập với xã hội bản xứ và bị ảnh hưởng lây; nhất là nếu họ lại có đất đai sở hữu, họ ít có ý muốn trở về Bắc. Nhiều người có thể đã có cha mẹ thuộc 2 giống nòi; tức là con cái của ngưới Hán di cư lấy dân bản xứ vùng Lưỡng Quảng ngày nay. Sự quan tâm của những người này đến văn hoá Hán và lòng trung thành của họ với nhà Hán được duy trì, nhờ những trường hợp, cơ hội được phục vụ như viên chức trung và hạ cấp trong các cơ quan Hán, đặc biệt là trong ngành cảnh sát hay quân đội.

Việc định cư những binh sĩ Hán có liên hệ lâu dài đến việc cấp phát ruộng đất. Nói chung, trong thời kỳ hậu Hán, việc cấp phát sở hữu đất đai đã được thi hành, do đó phát sinh một số địa chủ có thế lực. Việc chính quyền đánh thuế về sau lại có khuynh hướng làm cho nông dân nghèo phải bán lại cho các thương nhân hay quan chức giàu có, rồi trở thành tá điền. Trung Quốc đã có những trường hợp này và có thể đã có trường hợp tương tự ở Việt Nam.

Đất đai sở hữu ở Việt Nam còn nằm trong chế độ cộng đồng các Lạc hầu dường như đã được hưởng một số quyền hành làng xã hay cộng đồng dành cho họ dưới hình thức nhân công, thực phẩm hay hàng hoá thủ công. Về phần họ, các Lạc hầu dâng nạp cho các ông chủ của mình những đồ cống nạp. Ta có thể suy rằng đó là những lợi tức đáng kể mà triều đình thời Tiền Hán đã thâu được.

Sau cuộc viễn chinh của Mã Viện, quan niệm về tư hữu tài sản và lợi tức nhà nước đều được áp dụng một cách tổng quát hơn, ít ra cũng ở trong khu vực quanh các trung tâm hành chánh. Những binh sĩ Hán định cư đều là những phương tiện trực tiếp để xây dựng một nền móng kinh tế xã hội mới theo kiểu Trung Quốc về sở hữu đất đai và thâu lợi tức. Ngoài việc này, còn việc các quan chức Hán thâu thuế những nông dân Việt Nam quá mức đến nỗi họ mang nợ rồi mua lại ruộng đất của họ và biến đất ấy thành tư hữu. Một giả thuyết nữa là các binh sĩ Hán có thể đuợc cấp những đất công đã bị tịch thu. Dân địa phương bị mất đất giờ đi khai khẩn những vùng mới được giao cho họ với tư cách là tài sản riêng. Trong bất cứ trường hợp nào, quan niệm tư hữu tài sản bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam vào thời này và làm nền móng kinh tế cho lớp Hán-Việt cầm quyền. Nhất định không phải là tất cả, và có lẽ cũng không phải là hầu hết, những đất công đưọc đổi thành tư như thế, nhưng cũng đủ để gây nên hậu thuẫn hay sự ủng hộ cho lớp cầm quyền mới. Những thay đổi ấy, phần nhiều xảy ra ở những khu vực phụ cận các trung tâm lớn của Hán, nơi vào lúc đó được thuận tiện nhất cho việc trồng lúa nước. Đó là những nơi mà những ngôi mộ cũ bằng gạch xây theo kiểu Hán đã đào được.

Khoảng 120 ngôi mộ bằng gạch xây kiểu Hán, có niên đại từ hậu bán thế kỷ 1 sang suốt thế kỷ 2; và có thể là tới tận cuối thế kỷ 4 hay 5, đã được đào thấy ở Bắc Việt Nam. Những ngôi mộ này và đồ vật chôn theo trong mộ cung cấp cho chúng ta những bằng chứng để phân tích đời sống của giới cầm quyền mới ở Việt Nam vào thời đó.

Về kiểu và cấu trúc xây cất, những ngôi mộ ấy cho ta thấy những nét đặc trưng của thời Hán. Hơn nữa, ngoài một ít ngoại lệ, những vật tìm thấy trong mộ không nói lên điều gì là Việt Nam cả, mà lại cho thấy chúng giống y như những vật thấy ở trong các mộ Hán đào được ở lưu vực sông Hoàng Hà. Điều này chứng tỏ là lớp cầm quyền ở Việt Nam đã chính thức chấp nhận gần như hoàn toàn văn hoá Hán.

Phần vật chất tìm thấy qua những đồ vật chôn trong các mộ là những nét văn hoá rất cao. Không những có đồ vật trang điểm bằng thủy tinh; vật dụng bằng đồng, bằng đất nung; gươm bằng sắt; và những đồng tiền đúc thời Vương Mãng và Hậu Hán. Lại còn có cả bàn cờ; nhạc cụ; gương soi; nghiên mực và chân đèn. Như thế, tất người chết chôn trong các mộ đó phải là người có học và có một cuộc sống xã hội cao và khác nhau.

Tuy không có một cái trống đồng Đông Sơn nào thấy trong các mộ, nhưng một số vật, nhất là chân đèn, có thể nói lên một sự pha trộn ảnh hưởng của Hán với địa phương. Vật nổi tiếng nhất là một chân đèn có tượng người đang quỳ, tìm được trong ngôi mộ số 3 ở Lạch Trường. Chân đèn này là hình một người hầu với khuôn mặt man mác không rõ nét Trung Quốc, lại có 10 nhạc công lùn kèm theo. Dường như đó là sản phẩm mỹ nghệ địa phương. Việc những chân đèn mang sắc thái địa phương như thế phản ánh không gì hơn là một mốt thời trang của địa phương. Nó cũng có thể chỉ dẫn cho thấy việc sử dụng thời giờ giải trí, hay những thú vui giải trí trong đêm theo văn hoá địa phương.

Những ngôi mộ lại cũng chứa đựng cả những mô hình các trại làm đồ gốm và cho thấy người chết lúc sinh thời là địa chủ giàu có nhờ nông nghiệp. Những mô hình các ngôi nhà; vựa thóc; giếng; lò gạch, được sắp xếp như nằm trọn trong một vòng rào, một pháo đài, cộng với những kiến trúc được đặt lên trên các ngọn tường mà phải có thang mới vào đuợc.

Những mô hình này giống như những mô hình được thấy ở Trung Quốc, rõ rệt nói lên rằng những đại gia đình địa chủ giàu, sống sung túc ở thời hậu Hán, cũng có những hậu sinh giống họ ở Việt Nam. Rất nhiều điều được biết về những đại gia đình Hán ấy.

Họ xuất thân là những thương nhân giàu có hay quan chức có thế lực thường hay tích tụ đất đai, hạ nông dân xuống hàng thấp kém như nông nô, tá điền, hay gia nhân hầu hạ có khế ước. Những đại gia đình này bảo trợ một nhóm người riêng hay lui tới nhà mình, gọi là "môn khách", gồm các bậc danh sĩ; sĩ phu; chuyên gia kỹ thuật; gián điệp, và cả những kẻ sát nhân. Lại cũng nuôi cả những đạo quân riêng để bảo vệ mình. Những gia đình như thế dường như đã hiện hữu sau cuộc viễn chinh của Mã Viện với tư cách là người bảo hộ cho chính quyền quận huyện của Hán ở Việt Nam.


Gạch nung khắc hoạ những sinh hoạt trong khuôn sân một gia đình quan chức Hán giầu có, với tường rào, phòng khách, phòng ngủ, bếp, chuồng nuôi gia súc, giếng, và chòi canh. Chủ và khách ngồi uống trà trong khi gà chọi ngoài sân.

Bằng chứng của sự việc này được thấy ở Tám Tho, một khu vực gần Thanh Hoá ngày nay, trong quận Cửu Chân ngày xưa – đấy có tám lò gạch cùng thời với những ngôi mộ xây bằng gạch được đào thấy. Gạch và những đồ đất nung trong các mộ ở Trung Quốc cũng giống như những thứ thấy được trong các lò gạch ở Tám Tho. Trong một lò, tìm thấy một con dấu ấn có 3 chữ "Quân Nghi Quan" dùng để in lên những viên ngói lợp nhà. Quân là "ông/ngài"; Nghi là "nên/hợp pháp" và quan là "quan chức". Con dấu này cho thấy có hai địa vị được kính trọng vào thời đó: địa vị xã hội và địa vị chính quyền. Nó cho ta thấy người chôn trong mộ là những người Hán-Việt lớp thượng lưu, xưa có giữ chức vụ hành chính nào đó trong chính quyền.

Việc tìm thấy con dấu ấn ở trong các lò gạch cũng biểu lộ rằng cái lò ấy là tài sản, hoặc được kiểm soát bởi nhà cầm quyền trong khu vực. Có thể nó thuộc thẩm quyền nhà nước, hoặc là một tài sản sở hữu tập thể của những gia đình thuộc lớp cầm quyền. Nó lại cũng có thể thuộc về cả hai nếu đó là dấu hiệu rằng xã hội thời Hậu Hán có khuynh hướng tiến tới việc những đại gia đình có sở hữu nhiều đất đai.

Những ngôi mộ phần nhiều nằm ở những chỗ đất trũng phì nhiêu, đã được tìm thấy từng nhóm có khi nhiều đến 30 ngôi ở trong một nơi giống như một nghĩa trang. Một nghĩa trang hàm ý một xã hội ở một vùng đã được ổn định và lớp cầm quyền tự coi mình là thành phần của xã hội đó. Rõ ràng họ không muốn được chôn ở những nơi khác. Có những người đã nghĩ rằng lớp cầm quyền ấy là những người Hán di cư trở thành những lãnh đạo địa phương, hoặc là lớp cầm quyền bản xứ muốn bắt chước kiểu chôn cất của Hán. Một lời giải thích khác hợp lý hơn nữa là họ không phải hoàn toàn là người Hán hay người bản xứ, mà lẫn lộn cả hai. Việc chôn cất gần nhau trong cùng một nghĩa trang chứng minh mạnh mẽ rằng những người được chôn ở đó cùng chung một quan điểm địa phương như nhau.

Những người cầm quyền chôn ở đó là người đã được ổn định trong kinh tế và xã hội địa phương. Họ đã đến định cư trong những vùng đồng bằng thịnh vượng ở Bắc Việt Nam và không có ý định trở về Trung Hoa nữa. Nay được chôn ở đấy có nghĩa là họ coi đây là quê hương, bởi vì hài cốt của lớp cầm quyền người Hán theo lệ bao giờ cũng phải được đem về quê hương, bất kể là họ chết ở đâu.

Đường xá xa xôi giữa Việt Nam và miền Bắc Trung Quốc, cùng với những rối loạn chính trị thường xảy ra nhất định đã làm nản lòng người muốn hài cốt của mình được đưa về quê ở Hoa Bắc. Có hai ngôi mộ ở Cửu Chân đã là đầu đề gây nên nhiều bàn tán. Hai ngôi mộ có vẻ là của một cặp vợ chồng. Ngôi lớn có thể là của người chồng, thấy rỗng không; trong khi ngôi nhỏ vẫn y nguyên, chưa bị động đến. Người ta giải thích rằng đó là trường hợp hài cốt của người chồng đã được đưa về quê, còn hài cốt của người vợ địa phương của ông ta để yên tại chỗ. Nếu đúng thế, đây là bằng chứng khác của một cuộc hôn nhân Hán-Việt; nhưng cũng có thể là ngôi mộ lớn, theo một vài dấu vết, đã bị phá phách bởi bọn ăn trộm mộ. Cho nên chưa đi đến kết luận cuối cùng được.

[... [1] ]

Xét theo những ngôi mộ bằng gạch và loại xã hội mà những nguời chết đó tiêu biểu, có thể suy rằng nếu Mã Viện quả thực có định cư binh sĩ của ông ở lại đất Việt, tình trạng này đã không tồn tại lâu, nhưng dần dà làm lợi cho những đại gia đình sở hữu nhiều ruộng đất. Những gia đình đó trở thành trọng tâm của nền chính trị địa phương vào lúc nhà Hán bắt đầu suy thoái, vào thế kỷ 2.

Ngoài những người di cư thời Vương Mãng và binh sĩ của Mã Viện, không còn chứng cớ trực tiếp nào nói về việc di dân của người Hán đến Việt Nam. Nhưng chúng ta có thể công nhận có sự xuất hiện của những tầng lớp di dân khác. Những danh sĩ lớp thượng lưu, những quan chức định cư có thể đã duy trì thể chất Hán tương đối mạnh mẽ. Chính ảnh hưởng văn hoá của họ đã được nhìn thấy qua những ngôi mộ gạch. Chúng ta có thể suy rằng một số những người này đã gởi con trai của họ về phía Bắc (là Trung Hoa) học hành. Và những người con trai đó, sau khi học xong, quay trở về Nam, cùng với vợ họ cưới ở miền Bắc. Thể chất Hán của lớp thượng lưu này nhất định đã được củng cố qua sự hiện diện của nhóm người lưu vong và những thành phần khác trong giới lãnh đạo Hán đã quyết định ở lại Việt Nam.

Mặt khác, nhóm người lưu vong có thể đã oán hận nhà cầm quyền Hán; và về mặt tâm lý, sẵn sàng cắt đứt quan hệ của họ với miền Bắc. Hơn nữa, những kẻ nhất quyết ở lại Việt Nam chắc chắn bao gồm nhóm quan chức bất mãn do đó hướng về một xứ xa xôi, xa cách hẳn với những trung tâm quyền lực của Hán.

Không phải tất cả những người di cư đều thuộc lớp cầm quyền. Chỉ có khoảng 120 ngôi mộ bằng gạch đã được đào thấy cho tới nay ở Bắc Việt Nam. Nhiều người di cư là binh sĩ, lao động và các chuyên gia. Những nguời này không giống nhóm người đã xây mộ để duy trì thể chất Hán của họ. Còn những người di cư ở giai cấp dưới nữa chắc đã gia nhập vào thế giới hỗn hợp được hình thành bởi cuộc hành chinh của Mã Viện. Nhiều người sẵn sàng và cũng rất muốn dung hoà tính cách chính thống Hán của họ bằng cách hội nhập vào xã hội địa phương. Chúng ta có thể cho rằng họ hành động như thế qua những vụ hôn nhân Hán-Việt và đứng ra làm đại diện của xã hội địa phương, suốt thời kỳ loạn lạc trong thế kỷ 2.

Nói chung, có thể nói được rằng những người Hán di cư là thành phần của xã hội địa phương và đúng ra họ không còn là người Trung Quốc nữa. Họ phát triển theo viễn tượng văn minh Trung Quốc. Họ đưa những từ ngữ và công nghệ vào xã hội Việt Nam. Nhưng họ lại triển khai một tư duy địa phương, phải nhờ cậy nhiều vào truyền thống địa phương. Ngôn ngữ Việt Nam vẫn tồn tại, và chúng ta có thể cho rằng sau thế hệ thứ nhất, thứ nhì, những người Hán di cư đã nói tiếng Việt. Xã hội Việt Nam nói chung vẫn tách riêng khỏi văn minh Trung Quốc. Và xã hội Hán-Việt giống như một chi nhánh của thế giới văn hoá riêng biệt đó. Những người Hán di cư bị Việt Nam hoá dễ hơn là ngưòi Việt Nam bị Trung Quốc hoá.

Tác giả: Keith Weller Taylor
Chuyển ngữ: Lê Hồng Chương
Source: Damau.org


Xem online : Thời đại Hán-Việt (chương 2, phần 2)


[1Người dịch bỏ sót, không dịch đoạn này