Giữ thức ăn an toàn trong mùa hè

Khí hậu nóng bức làm thức ăn rất mau bị hỏng, mà nếu vô ý sử dụng, bạn sẽ dễ bị ngộ độc thực phẩm. Để phòng tránh, cần hết sức chú ý đến việc bảo quản các loại thực phẩm cả sống và chín. Việc bảo quản thực phẩm cần được chú ý ở tất cả các giai đoạn: chọn lựa, chế biến, sử dụng và lưu trữ.

Món ăn nào, cách bảo quản nấy

Với các loại rau xanh: mua về rửa sạch, để nơi mát mẻ. Nếu chưa ăn ngay thì khi mua không nên chọn loại đã được ngâm hoặc tưới nước. Mua về cần nhặt bỏ bớt lá sâu, úng, sau đó gói trong giấy báo để nơi khô ráo, thoáng mát hoặc ngăn dưới của tủ lạnh. Không nên rửa hoặc ngâm nước vì nước làm rau mau úng và chất bẩn có thể ngấm vào rau khiến rau mau hư hơn.

Với bông cải (xúp-lơ), bắp cải, nếu không để được vào tủ lạnh, có thể dùng giấy báo gói kín, treo lên cao, để nơi thoáng mát, có thể để dành được từ 3 đến 5 ngày.

Với các loại củ, khi mua nên chọn loại khô ráo, để nơi mát mẻ, có thể bảo quản từ 2 đến 3 ngày tùy loại ; hoặc có thể cho vào ngăn mát tủ lạnh, thời gian bảo quản từ 5 đến 7 ngày.

Với các loại trái cây, mua về rửa sạch để chỗ mát. Với dưa hấu, dưa gang, nên mua trái nhỏ, vừa ăn để sau khi cắt ra là ăn hết. Nếu ăn không hết, nhớ dùng một miếng nilon đậy lên mặt dưa để giữ cho dưa không bị khô mặt hoặc làm giảm hương vị.

Thịt, cá là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng nên cũng là môi trường lý tưởng cho vi sinh vật phát triển. Ngoài các enzym, thịt cá còn dễ bị nhiễm độc do mầm bệnh từ con vật bệnh hoặc do vi sinh vật từ bên ngoài xâm nhập trong quá trình giết mổ, vận chuyển. Do đó, yếu tố đầu tiên khi nói đến bảo quản thịt, cá là cần chọn lựa loại có xuất xứ từ những cơ sở giết mổ được trang bị hiện đại, hợp vệ sinh và bảo đảm an toản vệ sinh thực phẩm.

Khi mua các loại thịt, nên chọn thịt tươi, màu hồng sáng, còn độ đàn hồi và kết dính tốt. Khi mua cá, chọn cá sống là tốt nhất. Mua về rửa sạch, để thật ráo nước. Đối với cá, cần cạo rửa sạch da cá, bỏ mang, ruột vì đây là môi trường tốt cho sự phát triển của các vi sinh vật.

Các loại thịt, cá làm sạch xong cho vào hộp đựng thực phẩm, đậy nắp kín, bảo quản trong tủ lạnh. Nếu chế biến ngay cũng không nên để bên ngoài ở nhiệt độ mùa hè quá một giờ, để trong tủ lạnh ngăn mát cũng không để qua ngày. Nếu cần, sau khi rửa sạch, tẩm ướp xong phải cho vào ngăn đông lạnh, có thể bảo quản lâu hơn. Tủ lạnh không để quá nhiều thực phẩm hoặc mở thường xuyên khiến nhiệt độ không đảm bảo cho việc bảo quản.

Đối với thịt cá dự trữ, nên chia ra thành các phần cho từng bữa ăn sao cho khi cần sử dụng phần nào thì chỉ rã đông phần đó, không để nguyên khối thực phẩm, rã đông rồi lại tái đông vì thịt, cá khi đã rã đông, chất dịch trong thịt, cá tiết ra là môi trường tốt cho vi sinh vật phát triển, nếu để đông trở lại sẽ gặp nguy cơ thực phẩm bị nhiễm khuẩn.

Nếu không có tủ lạnh, các bạn có thể dùng phương pháp ướp muối rồi gói thực phẩm trong khăn sạch đã nhúng qua dung dịch dấm (có thể để dành 2 ngày) hay ngâm trong nước mắm (có thể để dành được cả tuần).

Trường hợp sử dụng các loại thực phẩm đông lạnh, cần chú ý hạn sử dụng và điều kiện lưu trữ của từng loại. Với các loại thực phẩm có thể bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh như thịt nguội, giò chả, cần giữ nguyên trong bao bì và bảo quản theo hạn sử dụng in ở bao bì. Nếu đã mở ra, cần sử dụng hết trong ngày. Với các loại thực phẩm đã qua cấp đông như chả giò, thủy hải sản… mua về phải nhanh chóng cho ngay vào tủ đông để duy trì nhiệt độ ổn định sau một quá trình vận chuyển.

Tương tự thực phẩm đông lạnh, các thực phẩm cấp đông khi đã bị rã đông cần dùng ngay, không để đông lạnh trở lại. Thực phẩm tươi để trong ngăn đá tủ lạnh có thể để dành được 2-3 ngày. Tuy nhiên, với cách bảo quản này, vi sinh vật chỉ bị ức chế hoạt động nên vẫn phát triển làm ảnh hưởng đến chất lượng thực phẩm.

"Công thức vàng" bảo quản thực phẩm

Thịt, cá, tôm nếu chỉ làm chín một phần, bên trong chưa chín kỹ, để lại sẽ rất mau hỏng.

Đối với các loại hải sản như tôm, cua, sò, ốc… chỉ nên chọn loại còn sống và dùng trong ngày, đặc biệt là các loại cua, sò, ốc... cần chế biến ngay khi đang còn sống.

Trứng là loại thực phẩm dễ gây ra ngộ độc. Cách bảo quản trứng an toàn nhất vào mùa nóng là để trong tủ lạnh. Mua trứng về, dùng khăn ướt lau qua một lượt rồi cất trong tủ lạnh. Vào mùa hè, nếu để trong môi trường bình thường, không áp dụng biện pháp bảo quản nào, trứng tươi chỉ có thể để được từ 2 đến 3 ngày.

Cần chú ý không để lại các món trứng nấu chưa chín hoàn toàn vì trứng chưa chín hoàn toàn tạo điều kiện tốt cho khuẩn Salmonella hoạt động. Trứng được nấu chín cũng chỉ giúp giảm vi khuẩn hiện diện trong trứng, ví dụ chế biến thành món thịt kho trứng.

Cơm: nếu thời tiết mát mẻ, cơm nấu chín có thể để được từ sáng đến chiều, nhưng vào mùa nóng cơm rất dễ ôi thiu. Tốt nhất là nấu cơm bữa nào dùng hết bữa nấy. Khi phải để lại, cần chú ý không để thức ăn dính vào phần cơm trong nồi, không dùng vá xới cơm để múc thức ăn rồi lại xới cơm lại lần nữa. Cơm dùng xong để chỗ thoáng mát, đậy bằng rổ thưa hoặc cho vào tủ lạnh, ngăn mát.

Với các loại thức ăn đã nấu chín, nếu dùng không hết phải để lại thì cách tốt nhất là nấu sôi trở lại, sau đó mở nắp, để nguội rồi mới cho vào hộp cất vào tủ lạnh. Khi dùng lại, nên nấu sôi lại lần nữa và không tiếp tục lưu trữ lại lần thứ hai.

Trong trường hợp không có điều kiện để bảo quản thức ăn trong tủ lạnh, cần lưu ý:
- Để món ăn trong nồi, chỗ mát mẻ, không để gần bếp lò.
- Thức ăn nấu xong, ăn ngay. Nếu còn lại, không cho phần còn thừa chung vào nồi.
- Nếu cần bảo quản, phải nấu sôi món ăn trở lại, sau đó mở nắp cho mau nguội trước khi đem cất.
- Sau khi đã nấu sôi, không tiếp tục khuấy trộn, đảo thức ăn trong nồi.
- Vào mùa nóng, thức ăn để lại, sau khi đã đun sôi nên để chỗ mát, sau 6 tiếng cần đun sôi trở lại trước khi dùng.
- Các món nộm, trộn gỏi làm xong dùng ngay, không để lại quá 2 tiếng (kể cả nếu được bảo quản trong tủ mát)

Th.S Nguyễn Thị Diệu Thảo
(Phụ nữ Online)