Trang nhà > Lịch sử > Khảo cổ học > Phát hiện các sắc phong thời Tây Sơn
Phát hiện các sắc phong thời Tây Sơn
Thứ Hai 25, Tháng Năm 2009
Trong cuộc tổng điều tra, khảo sát các cổ vật, di vật lịch sử, văn hoá trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Trị, nhà bảo tàng tỉnh này đã tìm thấy hai sắc phong thời Tây Sơn. Trước đó 2 năm một điều tương tự cũng đã xảy ra ở Hải Dương.
Năm 1802, toàn bộ nhà Tây Sơn bị nhà Nguyễn lật đổ. Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi vua, lấy niên hiệu Gia Long, ban hành sắc lệnh thu hồi, phá hủy, tiêu hủy toàn bộ di vật liên quan đến Tây Sơn. Những ai phạm phải điều cấm đều bị xử chém, thậm chí tru di cửu tộc. Thế nhưng, sau hơn hai thế kỷ, những sắc phong thời Tây Sơn vẫn còn "sót" lại trên đất Quảng Trị, tại nhà thờ họ Mai, thôn An Mỹ, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh.
Ngày 18/5/2009, trong cuộc tổng điều tra, khảo sát các cổ vật, di vật lịch sử, văn hoá ở Quảng Trị do các cán bộ Bảo tàng tỉnh nghiên cứu tại nhà thờ họ Mai (thôn An Mỹ), nội dung của 2 đạo sắc trên được ông Lê Đức Thọ, Phó Giám đốc Bảo tàng Quảng Trị dịch ra tiếng Việt như sau: "Ông Mai Trọng Thông, người xã An Mỹ, huyện Minh Linh, phủ Quảng Thuận, trung thành với triều đình, chỉ huy Quân đội coi trọng nghĩa lớn. Trong thời gian thi hành công vụ rất có công lao. Nay thăng chức Anh liệt tướng quân chỉ huy quân với chức vụ: Phó sứ, tước lược tài bá. Điều khiển quân đội trong địa phận mình. Hết lòng với chức vụ đã giao. Không làm trái với quy định của triều đình. Cung kính thay nay ban sắc này. Ngày 19/2/1793. Năm thứ nhất niên hiệu Cảnh Thịnh".
Nội dung đạo sắc thứ 2 cơ bản giống với trước, đều ca ngợi một người, phong tặng vào 2 năm sau (ngày 16/10/1795), với chức vụ tước hầu.
Mặt trước của đạo sắc thứ nhất là long ẩn vân, màu chàm. Nền sắc màu vàng đất, 4 góc có vòng khoanh các hạt tinh tú. Mặt sau, trang trí tứ linh: long, ly, quy, phụng. Chính giữa và 4 góc có hồi văn chữ thọ.
Trong triện (nằm ở mặt trước long ẩn vân màu chàm, nền sắc màu vàng cháy) của đạo sắc thứ hai có 4 chữ Hán "Sắc mệnh chi bảo". Xung quanh là đường diềm có hồi văn hoa thị và hình lục giác. Mặt sau, ở 4 góc có hồi văn chữ thọ, chính giữa 2 chữ thọ liền kề; nền trang trí long phụng ẩn vân.
Cả 2 đạo sắc đều có chất liệu giấy dó mịn, kích thước 130cm x 50cm và 12cm x 50cm, có dấu triện màu đỏ ở mặt trước.
Theo Phan Thanh Bình (CAND)
Dấu tích và di vật của thời Tây Sơn đến nay còn rất ít và chủ yếu tập trung tại Bình Định và Phú Xuân nhưng ở Hải Dương năm 2007 người dân cũng đã phát hiện được hai di vật quý: một bát hương đá cổ và một đạo sắc phong Vua bà Đào Thánh Hồng Nương thuộc thời Tây Sơn.
Hiện cả hai di vật này được một gia đình nông dân ở thôn Đồng Tràng, xã Quang Phục, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương lưu giữ.
Đạo sắc phong là một bản viết lớn trên loại giấy quý có hình rồng chìm, trải qua hơn 200 năm vẫn không hề bị mục nát, theo đó phong vị thần rất lớn là Vua Bà Đào Thánh Hồng Nương Lê Thị Yến vào hàng Đại Vương cùng với các mỹ từ ban cho Thần. Đi kèm với đạo sắc phong này là cuốn Thần tích trong đó có ghi Vua Bà Lê Thị Yến người Bắc Ninh, được phong cấp Đại vương, sau khi bà mất, triều đình cho xây dựng một ngôi đền mang tên “Cung Từ Linh” tại Đan Tràng xã (nay là thôn Đồng Tràng), “đường con phượng giáp tam thôn” (nay là 3 thôn Đồng Tràng, Bích Lâm, Bích Cẩm- Tứ Kỳ- Hải Dương).
Đền xây theo hướng Nam, hình chữ Đinh, trong hậu cung ngoài tam quan. Khi đào móng xây nhà làm thảm len xuất khẩu đã đào được một bát hương đá chạm trổ khéo léo.
Hoàng Phương Thảo (VNN)