Trang nhà > Văn chương > Nghiên cứu > Trần Huy Liệu - là chứng nhân, là câu hỏi của thế kỷ hai mươi
Trần Huy Liệu - là chứng nhân, là câu hỏi của thế kỷ hai mươi
Thứ Tư 10, Tháng Sáu 2009
Là cuốn sách nằm trong Tủ sách danh nhân của Nhà xuất bản Kim Đồng, nhưng đọc cuốn Trần Huy Liệu – cõi người của nhà văn Trần Chiến, tôi chắc bạn đọc lớn tuổi cũng không thể dửng dưng. Không thể dửng dưng bởi nhân vật của cuốn sách là Trần Huy Liệu – một trong những yếu nhân của thời lập quốc (Phó Chủ tịch Uỷ ban Dân tộc giải phóng), người được giao soạn thảo bức Quân lệnh số I trong Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám năm 1945, vị Trưởng đoàn của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam mới (cùng Nguyễn Lương Bằng và Huy Cận) vào kinh đô Huế tước ấn kiếm của vua Bảo Đại trong lễ thoái vị của hoàng đế Việt Nam cuối cùng (30 tháng 8 năm 1945) và …kết cuộc, trước khi mất (27/ 7/1969) trong khi đang diễn thuyết về ngày Thương binh - Liệt sĩ) là Viện sĩ Viện trưởng Viện Sử học. Không thể dửng dưng còn bởi những chuyện xung quanh cuộc đời một “con người của thế kỷ XX” - thế kỷ có thể nói là có nhiều biến cố nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam: Nho tàn, nước mất, những người Cộng sản đứng lên giành chính quyền, 30 năm khói lửa…, “không dễ tìm hiểu, hiểu rồi không dễ viết ra, viết ra rồi vẫn khó xuất hiện ở dạng toàn vẹn”- nói theo cách nói của tác giả cuốn sách.
Như nhiều thiếu niên “con nhà tông” khác ở tổng Hào Kiệt, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định xưa (mảnh đất đã sinh ra những Văn Cao, Văn Ký, Vũ Cao, Vũ Tú Nam và… cả Bà chúa Liễu Hạnh!), từ nhỏ Trần Huy Liệu đã phải gánh trên vai sứ mạng “báo thư cừu” tức là trả mối hận đèn sách cho cha và anh. Việc không thành, ông phải bỏ cuộc trong kỳ thi Hương cuối cùng năm Ất Mão 1915 vì một lý do rất không đâu vào đâu ngay ở trường thi Mỹ Trọng!... Rồi lấy vợ đẻ con ở cái tuổi non “anh”, già “thằng”. Không thể sống cuộc sống của một anh giáo làng tù túng và đói nghèo nơi đồng chiêm nước đọng ông đã giã biệt vợ con “hành phương Nam” bắt đầu cuộc đời làm báo, viết báo vừa kiếm ăn vừa thực thi lý tưởng của mình, cụ thể hơn là vừa kiếm kế sinh nhai vừa làm một “nhận đường” xuyên thế kỷ, cuộc nhận đường của một người trước sau vẫn chỉ là “người dân tộc trong căn cốt, dù là trong phong trào Thanh Niên, Quốc dân đảng hay là người Cộng sản” với đầy những tù đầy, bắt bớ, nghèo túng, chia ly, chết hụt (68 năm, 4 lần là suýt làm mồi cho cá biển lúc thiếu niên, ngã hang ở Côn Đảo, máy bay địch đuổi dưới chân đèo Kháng Nhật và một lần chết lâm sàng); thậm chí là cả “lên voi xuống chó”. Nhưng đó là một cuộc đời đáng để người đời sau chia sẻ, ngưỡng mộ, noi gương.
Chia sẻ với ông về những nỗi gian truân trong cuộc sống sinh nhai, tù tội, trong những lần “đứt gánh giữa đường”, những khi “chó cắn áo rách”, những cuộc tình dang dở (“đứt gánh tình”), những giấc mộng bất thành (“Ý kiến già, điều kiện non”)… Ngưỡng mộ ông về đức tính cương trực, thẳng thắn, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm; đặc biệt là tinh thần hiếu học. Trong chương “người tù chăm học”, tác giả Trần Chiến cho biết: “Vào Nam Kỳ, xứ thuộc địa của Pháp, sinh sống, thực hành chí hướng đều bằng chữ nghĩa”, cái đức “mọt sách bẩm sinh” của Trần Huy Liệu được bộc lộ, phát huy rất rõ. Vào tù, ra khám ông vẫn học. Tôi muốn ngả mũ trước Trần Huy Liệu khi đọc những dòng sau của Trần Chiến: “Côn Đảo tuy xa nhưng không phải không có liên lạc. Nhân vợ một mã tà về Sài Gòn, nhắn Tý (bà vợ cả của Trần Huy Liệu- NVB) đang bán rau ở chợ Bến Thành gửi cho một quyển từ điển Larousse. Thay cho những mảnh báo tiếng Tây, anh (Trần Huy Liệu- NVB) có hẳn một người bạn nhỏ dày cộp, cầm nặng tay, có điều giấu giếm khó. Một chương trình nghiêm ngặt được đặt ra: mỗi ngày học 200 từ với đầy đủ nghĩa đen, nghĩa bóng, nghĩa rộng. Gốc dừa, vườn chuối, bãi cát là vở, mẩu gạch, khúc tre làm bút, đâu đâu cũng chi chít chữ viết. Trong một tháng, Liệu học được 6000 chữ…Hai năm ở Hòn Cau, vốn tiếng Pháp của anh tăng vùn vụt ..anh em tù phục lăn, gọi anh là pho tự vị sống” (tr.87).
Trần Huy Liệu “con người của thế kỷ XX ” từng can dự vào nhiều sự kiện lịch sử, từng diện kiến, từng “nhận định” về nhiều sự kiện, nhân vật đương thời (trong đó có “ hai cụ Phan ” - Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, có Chủ tịch, Tổng Bí thư Đảng lại có cả hoàng đế cuối cùng Bảo Đại…). Với biến cố nào, với ai ông cũng có những nhận xét, đánh giá vô cùng chính xác và công tâm – những nhận xét đánh giá của ông có lúc được xem là “tả khuynh”, vì “bị tình cảm cá nhân chi phối”. Tôi đặc biệt tâm đắc với tài liệu “Dự thảo tổng kiểm thảo” tại đợt chỉnh huấn cán bộ tại chiến khu Việt Bắc 1952 – 1953 cũng như “nhật ký” của Trần Huy Liệu mà Trần Chiến đưa ra nói phản ánh những quan niệm của ông về việc kháng Pháp, việc giải tán Đảng, việc tiến hành cải cách ruộng đất….Trong Nhật ký đề ngày 18 tháng 5 năm 1953 ông viết, sau khi dự một cuộc đấu tố về: “4 giờ rưỡi, mít tinh giải tán, mình ra về trong đám quần chúng, nhưng không nhặt được một dư luận nào thêm. Nhọc mệt, bực bội. Một vài ấn tượng xấu trong cuộc mít tinh vẫn ám ảnh trong đầu mình”. Rõ ràng là trong ông đã cảm thấy có gì không ổn, lo ngại về chủ trương “phóng tay” phát động quần chúng cũng như thói tham lam, tăm tối của đám đông nông dân mình còn khi được giác ngộ …Tôi cho đó là cơ sở đầu tiên để Trần Huy Liệu viết “Xét lại hồ sơ giai cấp địa chủ”- một công trình nghiên cứu “mong dựng lại một sự thật lịch sử; đồng thời mong cống hiến một phần nào cho công tác sửa sai lúc này” và… cũng là công trình khiến ông phải “uống cạn chén đắng” sau này!... Tôi còn đặc biệt tâm đắc với ông trong cương vị Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt – Trung khi sang thăm nước bạn, dù trong “thế” phải giữ gìn ông vẫn có thể trả lời ngoại trưỏng Trần Nghị khi ông này ghé tai hỏi: “Các đồng chí có sợ chúng tôi không? ” rằng: “Các đồng chí cứ nhìn lại lịch sử! ”
Đọc Trần Huy Liệu – cõi người của Trần Chiến bạn đọc không chỉ gặp một nhân vật lịch sử Trần Huy Liệu, “một con- người- tìm- kiếm”, mà còn thấy một Trần Huy Liệu- nhà báo, nhà thơ tài ba, vừa sắc sảo vừa lãng mạn, vừa sâu sắc lại vừa bay bổng. Bình sinh, Trần Huy Liệu người thấp bé, chân đi khập khiễng, mắt lại mang di chứng của một thời “ba vành sơn son ”, nhưng giọng nói thì lại vô cùng truyền cảm, hồn thơ lại vô cùng lai láng, nghĩa là rất đa tình. Giọng nói ấy, tâm hồn ấy của ông đã làm xao xuyến bao trái tim phụ nữ. “Đa mang nên phải đèo bòng”, đời ông là cả một thiên tình sử. Phải vững tay chèo lắm mới giữ được “hai kinh vững vàng”. Vất vả và đầy lo toan, nhưng bù lại đời đã dành cho ông một mối tình dở dang nhưng đẹp (với bà Thu Tâm- Phạm Thị Bách, tác giả thiên hồi ức Những ngày xa xưa ấy xuất bản ở Hoa Kỳ năm 1996) đủ để “nuôi dưỡng hồn thơ” cho ông; đồng thời đời cũng ban tặng cho ông hai bà vợ (bà Tý và và Sửu – tức bà Nguyễn Thị Hy “hoa hậu phố Hàng Đường”, ái nữ của quan đốc học Hà Đông Nguyễn Văn Ngọc tác giả Tục ngữ phong dao Việt Nam, Cổ học tinh hoa…”) suốt đời yêu ông, vì ông và đã sinh hạ cho ông những người con tài năng, hiếu đễ. Và cũng chính những người đàn bà này đã là những người “đứng sau sự thành đạt” của ông, góp không chỉ mồ hôi nước mắt, mà còn cả danh dự để ông hoàn thành chức phận một Phó Chủ tịch Uỷ ban Dân tộc giải phóng, đại biểu Quốc hội; một viện sĩ, yếu nhân trong “quốc sử quán”…nước nhà; đồng thời viết ra những trước tác để đời như: Anh hùng khứ quốc (1927), Một bầu tâm sự (1927), Loạn Thái Nguyên (1935), Sơ thảo lịch sử Cách mạng cận đại Việt Nam (1950), Lịch sử 80 năm chống Pháp – 2 quyển (1956- 1957), Nguyễn Trãi (1966), Lịch sử Thủ đô Hà Nội – Chủ biên (1967), Thơ Trần Huy Liệu (1977), Hồi ký Trần Huy Liệu (1991)… trong đó có những tác phẩm được Nhà nước trao Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1.
Viết Trần Huy Liệu – cõi người, Trần Chiến không “ỷ” vào lợi thế không ai có được là có trong tay cả kho tư liệu (cả tư liệu vật thể và tư liệu phi vật thể) và sống rất gần – có thể nói là bên cạnh nhân vật của mình (Anh tâm sự: “tìm kiếm con người Trần Huy Liệu là việc không dễ, thấy rồi không dễ viết ra…”); đồng thời, anh cũng không bị “lệ” vào cái khuôn mẫu bấy nay vốn quen thuộc của những người viết chuyện danh nhân cho trẻ em. Đọc Trần Huy Liệu - cõi người không hề gặp những trang kiểu “ tự kể chuyện”, cũng như những dòng “ trích ngang” tiểu sử lý lịch của nhân vật; thậm chí cả nhứng đoạn trích lời kể của các nhân chứng cùng thời, hay thân quen với Trần Huy Liệu cũng rất hiếm. Tác giả đã rất chủ động và tự tin khi đặt bút viết. Không chỉ “nắm” chắc thời thế mà nhân vật sống, Trần Chiến còn tỏ ra rất “ thuộc”, rất hiểu danh nhân “ khai quốc” Trần Huy Liệu vì thế Trần Huy Liệu – cõi người là cuốn sách tải chở nhiều ý tưởng, nhiều suy nghĩ của tác giả nhưng cũng rất dễ đọc. Lâu lắm tôi mới lại được đọc một cuốn sách danh nhân cuốn hút như vậy!
Ngô Vĩnh Bình (VNQĐ)
Xem online : Con người tìm kiếm