Lê Lựu và... Thời loạn

Tôi có nghe phong thanh, nhà văn của “Thời xa vắng” mới in một cuốn tiểu thuyết có tên là “Thời loạn”, phần vì cũng thích đọc tác phẩm của ông, phần vì thấy ông bấn bíu với cái Trung tâm văn hoá doanh nhân, lâu không viết, nên cũng tò mò muốn xem ông nhà văn quê mùa “lột xác” thành ông nhà văn Giám đốc như thế nào...

Tôi đi khắp các nhà sách ở Hà Nội hỏi mua, nhà sách nào cũng bảo: “Không có”, “Chưa thấy”. Gọi điện cho nhà văn Lê Lựu, bao nhiêu cuộc gọi mà đầu dây bên kia cứ “tò te tí”. Tôi quyết định mò đến Trung tâm Văn hoá doanh nhân, nơi nhà văn Lê Lựu làm Giám đốc, may ra kiếm được cuốn sách chăng...

Đến nơi mới hoá ra rằng, Nhà xuất bản Hội Nhà văn có in tiểu thuyết đó thật, nhưng chưa phát hành. Chả trách, tìm mãi mà không được. Còn cái nguyên nhân máy điện thoại của ông liên tục “tò te tí” là vì ông bảo phải thường xuyên tắt máy, nhất là buổi tối, vì bây giờ yếu rồi, ông phải nghỉ ngơi. Nhà văn Lê Lựu bây giờ vẫn đang là bệnh nhân của Bệnh viện 108, ông bảo lắm bệnh lắm, nào khớp, nào nhũn não, nào tiểu đường, ngày nào cũng phải tập thể dục, phải uống thuốc đông, tây y đủ cả.

Khi tôi đến Trung tâm cũng là lúc ông vừa đi tập thể dục về, nghe giọng ông nói thều thào, bước đi chống chếnh, phải có người dìu cũng đủ biết ông yếu thế nào. Ấy vậy mà ông vẫn điều hành được cả cái Trung tâm ấy, vẫn viết tiểu thuyết ầm ầm, kể cũng lạ. Tôi bảo, ông yếu rồi, sao không tự cho phép cái đầu của mình nó nghỉ ngơi, thì ông bảo, cái đầu ông vốn nó đã hiếu động, không nghĩ không được, nghỉ ngơi thấy khó chịu. Ông vừa đi tập thể dục vừa nghĩ, vừa nằm châm cứu vừa nghĩ rồi đọc cho các cháu nó đánh máy vi tính.

Nhà văn Lê Lựu khi làm Giám đốc vẫn vậy, vẫn chẳng khác gì cái ông nhà văn “quê mùa” trước đó. Vẫn quần áo tuềnh toàng, đi dép lê, đội mũ lưỡi trai trắng, chả cần caravat cổ cồn, chả cần cao đạo, ông vẫn giữ phong cách của một “nông dân”. Độ này, tuy ông có gầy yếu hơn trước, nhưng cái cách nói chuyện của ông thì không hề “già”, không hề “yếu”, vẫn hóm hỉnh lắm. Lúc nào ông cũng tự nhận mình là “nông dân”, là “dở hơi”, là “thần kinh”, là “vô duyên” rằng chưa ai cười đã cười, chưa ai khóc đã khóc.

Động tí là khóc, chả có cớ gì cũng khóc. Ông cứ nói thế chứ, nhưng cứ đọc “Thời loạn”, cứ nghe ông nói chuyện thì chả thấy “vô duyên” tý nào mà trái lại còn tỏ ra là một tay nhà văn lão luyện, tỉnh táo và có tài ứng biến hiếm ai bằng, văn phong hợp thời, thỉnh thoảng lại trổ tài châm biếm, hài hước bằng cách dùng từ lóng, nghĩa đen, nghĩa bóng, đóng ngoặc kép, rồi mở ngoặc kép cứ như cái cách mà tuổi teen bây giờ đối thoại với nhau ấy.

...

“Thời loạn” một cuốn tiểu thuyết mỏng thôi, chỉ hơn 100 trang, chính xác là 131 trang, nhà văn Lê Lựu có ý định viết cuốn tiểu thuyết này từ khi bắt đầu sang làm Trung tâm Văn hoá doanh nhân. Ông xây dựng một doanh nhân có cái tên rất buồn cười - Xanh Dương Lẫm Liệt. Nói chung các nhân vật trong “Thời loạn” đều có cái tên buồn cười. Nhân vật doanh nhân của ông hình thành tính cách từ nhỏ, khi 13, 14 tuổi nó đã biết yêu và nó yêu cho đến khi thành một tỷ phú.

Ông bảo rằng doanh nhân bây giờ cũng có nhiều dạng, có người đi lên bằng tài năng, bằng trí tuệ, nhưng cũng lắm kẻ đi lên bằng những mối quan hệ, tận dụng mối quan hệ của dòng họ mình, tận dụng bản thân mình, bất chấp tất cả, miễn có tiền. Mà chỉ có thời loạn thì mới sống được với nhau như thế. Rồi ông tiếc nuối, cái thời năm 59-60 khi ông đi bộ đội - cái thời đấy người ta ra trận mà cứ như đi hội, chả toan tính gì. Cái thời ấy không ai có thể tưởng tượng được bây giờ con người ta lại sống với nhau như thế, ăn ở với nhau như thế.

Khác với những cuốn tiểu thuyết trước, Lê Lựu viết ngắn gọn hơn, đọc nhanh hơn, cầm cuốn sách đọc một lèo là hết veo. Và cái lý mà ông giải thích cho cuốn tiểu thuyết mỏng ấy nôm na là: “Bây giờ viết thế thôi, người ta không có thời gian đọc đâu. Miễn là thông tin phải nhanh, mình viết tình huống nhân cách là chính, rườm rà ích gì. Với lại chẳng ai có quy định nhất thiết tiểu thuyết phải thế này, phải thế kia, hoặc 300 trang, 500 trang hoặc 10 trang.

Mỗi một tình huống, mỗi một câu chuyện nó phải có cách thể hiện thích hợp. Một cuộc sống nhanh chớp nhoáng trong tất cả mọi lĩnh vực như bây giờ người ta không có thời gian để ê a đọc như “Thời xa vắng” và “Mở rừng” của tôi như trước. Điều quan trọng lúc này cần thông tin có ý nghĩa chứ không cần nhấm nháp mãi một chi tiết”

— Mấy năm nay thấy sức khỏe đã yếu đi, rồi lại bôn ba, vất vả với vai trò của một Giám đốc Trung tâm Văn hoá doanh nhân, tưởng ông đã giã từ nghiệp viết rồi chứ?

— Giờ tôi già yếu thật, nhưng còn thở thì còn phải viết, không viết được bằng tay thì nhờ người đánh máy, đọc cho người ta viết, đến khi nào mất hết phương tiện truyền đạt cho người khác thì mới thôi không viết. Viết là nghiệp sống của mỗi nhà văn, dù bận đến mấy hoàn cảnh nào cũng không ai dứt bỏ được nghề đã theo đuổi.

— Sao lại là “Thời loạn”, sao ông không viết về những gì êm ái, dễ chịu hơn ấy?

— Viết văn bao giờ cũng phải căn cứ vào thực tế của đời sống. Ai cũng “bịa” trên cơ sở cuộc sống. Hiện ta đang sống “loạn” về đạo đức nhân cách, về chuẩn mực làm người, “loạn” về luật lệ. Giữa những cái “loạn ấy” thì làm sao viết “êm ái” được. Một thác nước đang chảy mà bảo những cánh hoa trên dòng nước ấy đứng một chỗ thì làm sao đứng được.

— Cho đến bây giờ, ông thấy mình thế nào: một nhà văn già, một ông Giám đốc thời thượng rất cập nhật thông tin, hay một ông nông dân có khiếu hài hước?

— Ông nông dân trong Lê Lựu thì dứt khoát là có rồi, có từ trong máu thịt. Tính cách hài hước hay bủn xỉn, keo kiệt, đểu cáng thì nó đã sinh ra từ thuở bé như thế rồi.

— Nghe nói ông còn mấy tập sách chưa trình làng?

— Tôi còn 3, 4 cuốn sách đang dở dang viết từ 5, 6 năm trước mà chưa xong chứ không phải bây giờ mới bắt đầu.

— Sau “Thời xa vắng”, “Thời loạn”, ông sẽ viết “Thời” gì nữa?

— Đến bây giờ thì có lẽ để sang thế giới bên kia, tôi sẽ viết “Thời chết tiệt”. (Cười)

— Xin cảm ơn nhà văn Lê Lựu - chúc ông sức khỏe!

Đinh Hương Bình (ANTĐ)