Đông Tác

Blog

Trang nhà > Khoa học > Ngôn ngữ > MỘT SỐ THUẬT NGỮ XÃ HỘI HỌC

Terms of sociology

MỘT SỐ THUẬT NGỮ XÃ HỘI HỌC

Thứ Hai 19, Tháng Ba 2007

TÂM LÍ-NGÔN NGỮ HỌC:

phân ngành ngôn ngữ học nghiên cứu các quá trình hoạt động nói năng từ góc độ tâm lí học: quá trình sản sinh và quá trình thẩm nhận các phát ngôn, quá trình tiếp nhận tiếng mẹ đẻ hay ngoại ngữ.

XÃ HỘI-NGÔN NGỮ HỌC:

phân ngành ngôn ngữ học nghiên cứu các vấn đề có liên quan đến bản chất xã hội của ngôn ngữ, các chức năng xã hội của nó và các tác động của xã hội đối với ngôn ngữ.

THỐNG KÊ-NGÔN NGỮ HỌC:

bộ môn ngôn ngữ học sử dụng các phương pháp thống kê để nghiên cứu các quy luật số lượng của ngôn ngữ tự nhiên được bộc lộ trong các văn bản. Phương pháp thống kê được áp dụng để nghiên cứu ngôn ngữ ở trên mọi cấp độ. Kết quả thống kê có tác dụng đối với việc xác định phong cách tác giả và tác phẩm, xác định những kiến thức tối thiểu và căn bản về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp... trong việc dạy tiếng, cũng như xử lí thông tin tự động, trong công việc mã hoá và dịch tự động.

THẦN KINH-NGÔN NGỮ HỌC:

bộ môn khoa học kết hợp tri thức của cả thần kinh học lẫn ngôn ngữ học để nghiên cứu và phục hồi những kĩ năng và thói quen ngôn ngữ đã bị suy giảm (hoặc bị phá vỡ) ở những người bệnh, tức là nghiên cứu các bình diện tâm lí - ngôn ngữ học của bệnh suy giảm ngôn ngữ.

THÀNH NGỮ HỌC:

bộ môn ngôn ngữ học nghiên cứu cấu trúc, lịch sử hình thành và đặc điểm chức năng của hệ thống các thành ngữ có trong một ngôn ngữ.

HÌNH THÁI HỌC:

bộ môn ngôn ngữ học nghiên cứu các phạm trù ngữ pháp của từ, các phương thức và hệ thống hình thức biểu thị của các phạm trù đó.

TỪ ĐIỂN HỌC:

bộ môn ngôn ngữ học nghiên cứu mặt lí thuyết và mặt thực hành của công việc biên soạn các loại từ điển.

TỪ VỰNG HỌC:

bộ môn ngôn ngữ học nghiên cứu các từ và các đơn vị tương đương với từ trong vốn từ vựng của một ngôn ngữ.

TỪ NGUYÊN HỌC DÂN GIAN:

sự cố gắng tìm kiếm một hình thái của từ để làm căn cứ duy lí cho việc giải thích ý nghĩa của từ đương đại, bất chấp đặc điểm nguồn gốc của nó. Vd. thành ngữ "chân đăm đá chân chiêu" được giải thích là "chân nam đá chân xiêu".

TU TỪ HỌC (TTH):

bộ môn ngôn ngữ học nghiên cứu các cách thức diễn đạt có hiệu quả nhất, ra đời từ thời cổ đại Hi Lạp do các nhà triết học như Platon, Democrite, Aristote khởi xướng và về sau được Cicero (106 - 43 tCn), Virgile (70 - 19 tCn) tiếp tục phát triển, bàn về cách tạo nên lời văn hoa mĩ và các thuật hùng biện. Nội dung TTH cổ đại gồm: cách thu thập tài liệu, cách bố cục (một bài văn phải được cấu tạo và sắp xếp theo đúng trình tự: nhập đề, phân tích, khẳng định, phản bác, kết luận), cách diễn đạt (học thuyết về ba phong cách: phong cách cao quý, gồm ngôn từ dùng trong anh hùng ca; phong cách vừa, gồm ngôn từ dùng trong miêu tả lao động nông nghiệp; phong cách thấp gồm ngôn từ dùng cho đời sống hằng ngày; các mĩ từ pháp như ẩn dụ, hoán dụ, phúng dụ, khoa trương, vv.), kí ức và phát âm. Thời kì cận đại và hiện đại, TTH vẫn được duy trì và phát triển.

(theo Từ điển Bách Khoa Việt Nam)