Chủ nghĩa địa phương và Lục triều (1)

DI SẢN THỜI KỲ HÁN-VIỆT

Vào đầu thế kỷ thứ 3, giới cầm quyền địa phương ở Việt Nam đã phát xuất từ những đại gia đình Hán-Việt. Theo một tài liệu của Việt Nam, tổ tiên của Lý Bí –vị lãnh đạo tranh đấu cho nền độc lập của Việt Nam ở thế kỷ 6– đã di cư đến Việt Nam từ Trung Quốc dưới thời Vương Mãng, và sau 7 thế hệ đã trở thành “người miền Nam.”Sĩ Nhiếp thuộc thế hệ thứ 6 từ tổ tiên đã di cư đến nuớc Việt cũng vào thời Vương Mãng, chúng ta có thể kết luận rằng chính trong thời đại Sĩ Nhiếp, gia đình họ Lý đã nhận thức được bản sắc mình là thuộc giống dòng Việt Nam.

Kinh nghiệm của gia đình họ Lý có lẽ không phải là kinh nghiệm duy nhất, mà chỉ phản ảnh một phần sự chuyển hướng tập thể của lớp cầm quyền địa phương từ trạng thái lệ thuộc vào các triều vua ở Bắc Trung Quốc đến sự chấp nhận một xã hội và một văn hoá địa phương biết tự thực kỳ lực. Sự sụp đổ của nhà Hán, và sự phân chia Trung Quốc sau đó ra thành 3 nước, tức là thời “Tam Quốc,” chắc chắn đã khuyến khích các gia đình Hán-Việt gia tăng những mối liên hệ của mình với xã hội địa phương và xác định quyền lợi của họ toàn diện hơn với quyền lực chính trị ở đó. Đấy là điều có lẽ đã được thực hiện dưới sự lãnh đạo của Sĩ Nhiếp. Một yếu tố quan trọng của sự chuyển hướng này là ảnh hưởng phổ quát của Phật Giáo như một lựa chọn thay cho văn minh Hán.

Vào cuối thế kỷ 3, nhiều chùa chiền Phật giáo đã được dựng lên ở Luy Lâu, đồng thời thành phần tu sĩ địa phương được gia tăng hơn 500 người. Mặc dầu đây là tài liệu duy nhất về Phật giáo Việt Nam kiếm được ở khoảng thời gian từ thời kỳ Sĩ Nhiếp đến thế kỷ 6, chúng ta vẫn có thể kết luận rằng việc dân chúng quy y theo Phật giáo được bành trướng mạnh trong thời gian đó. Các vị sư sãi chắc chắn thuộc thành phần các gia đình cầm quyền ở địa phương. Các thiền viện và chùa chiền là những trường học hay những trung tâm văn hoá, đồng thời là những nơi có tầm quan trọng về mặt kinh tế và chính trị. Các triều vua Hán vẫn tìm cách giám sát các thiền viện ấy, nhưng những nỗ lực này rất ít ỏi và tương đối ngắn ngủi. Có những nhà sư vẫn quan tâm đến các vấn đề chính trị. Sự tiếp xúc của các nhà sư Việt Nam với các cơ cấu Phật giáo ở miền Bắc nhất định là nguồn tin tức quan trọng cho các lãnh tụ địa phương khi họ muốn thách thức quyền hành của Trung Quốc.

Trong suốt 3 thế kỷ sau cái chết của Sĩ Nhiếp vào năm 226, những gia đình thuộc lớp cầm quyền ở Việt Nam liên tiếp chống lại quyền hành của các triều vua Trung Quốc. Những biến cố xảy ra vào thời kỳ này cho thấy hình ảnh của một lớp cầm quyền địa phương được ổn định, có thể tự mình đảm đương trách nhiệm hành chánh; quyền hành của các triều vua Trung Quốc đã trở nên suy yếu, khuyến khích sự quấy nhiễu của Lâm Ấp ở biên thùy phía Nam cũng như sự kháng cự mãnh liệt và công khai từ dân Việt. Những thời kỳ thái bình và thịnh vượng của Việt Nam là những thời kỳ mà các triều đại Trung Quốc bị suy yếu hay đang trải qua những biến chuyển. Những thời mà triều đại mới lên cầm quyền của Trung Quốc muốn thôn tính Việt Nam là những thời cơ có chiến tranh hay bạo loạn.

Những lãnh đạo mới của Việt Nam trong thời kỳ này đều có tổ tiên lai Hán-Việt. Ở một khía cạnh nào đó, họ tự cho mình thuộc thành phần của một vương quốc to lớn hơn; nhưng sẽ là một điều lầm lẫn lớn nếu chúng ta gọi họ là “người Việt gốc Trung Quốc”: hầu hết những gia đình này đã từng ở Việt Nam qua nhiều thế hệ và chắc chắn là họ nói tiếng Việt. Đồng thời, quan điểm chính trị của họ cũng được căn cứ trên những quyền lợi địa phương của xã hội Việt Nam.

Trong thời kỳ này, khi nói đến chính quyền địa phương ở Việt Nam, bất kể những lúc mà sự kiểm soát của triều đình Trung Quốc còn tương đối mạnh, hay vào lúc mà Việt Nam tự chủ hay có độc lập, chúng ta chú trọng đến hệ thống cai trị bởi những gia đình có nhiều ruộng đất và có thế lực. Các hồ sơ hành chánh từ thời đó cho thấy rằng số dân đăng ký kiểm tra ở Việt Nam giảm xuống hơi quá 25.000 hộ dân vào thế kỷ 4, và số dân ấy lại sụt xuống tới khoảng 10.000 hộ vào thế kỷ 5. Như vậy có nghĩa là những người nông dân đóng thuế, vì bị mất đất vào tay những đại địa chủ, đã bị gạt tên khỏi sổ thuế.

Như chúng ta sẽ thấy dưới đây, những gia đình có tiếng tăm ở Việt Nam tham gia vào chính quyền địa phương, và vào thời các vị vua Trung Quốc bị suy yếu, họ tự chọn lấy thủ lãnh cho mình. Triều vua nào khắc nghiệt, tàn bạo hay không khả năng thường hay phân cực lớp lãnh đạo này; chia thành những gia đình chống đối quan chức triều đình và những gia đình nghênh đón họ.

Giới cầm quyền địa phương phát hiện trong thời đại Hán-Việt trải qua nhiều biến đổi trong thời đại gọi là Lục Triều trụ trì ở Nam Kinh từ thế kỷ 3 đến thế kỷ 6. Những biến đổi ấy thoáng nhìn thì có vẻ như chuyện thường được tái diễn, nhưng chúng biểu lộ những manh mối về quá trình tiến hoá của xã hội Việt Nam dẫn đến tự chủ và độc lập.

NHÀ NGÔ

Năm 210, khi Tôn Quyền của nhà Ngô đưa Bộ Chất xuống miền Nam để nhận sự chào mừng tôn vinh của gia đình Sĩ Nhiếp, kinh đô của Giao Châu được dời từ Thương Ngô đến Nam Hải (Quảng Châu). Bộ Chất đóng ở Nam Hải, và sau khi nhà Ngô thành lập năm 221, ông đem một đạo quân 10.000 người từ Giao Châu lên Bắc để chống cự với Lưu Bị, người sáng lập nhà Thục ở Tứ Xuyên, lúc đó đang tiến xuống lưu vực sông Dương Tử. Sau khi đánh bại được Lưu Bị, Bộ Chất ở lại Hồ Nam để diệt trừ giặc cướp và trấn an dân chúng. Lã Đại được phái xuống thay cho Bộ Chất ở Nam Hải.

Sử chép Lã Đại là một người chính trực rất quan tâm đến công vụ và ông đi đến đâu là tiếng tăm của ông còn mãi ở đấy. Tuy nhiên, sự nghiệp của ông biểu hiện tâm địa nhỏ nhen khi ông mưu mô để tiêu diệt gia đình Sĩ Nhiếp.

Sĩ Nhiếp chết năm 226, thọ 90 tuổi. Triều đình Ngô lập tức phong cho con ông là Sĩ Huy làm Viễn An Tưóng Quân, một chức mà nhà Hán đã phong cho Sĩ Nhiếp. Thế rồi trong mưu toan bẻ gãy quyền lực của họ Sĩ, Sĩ Huy bị đổi xuống làm Thái Thú Cửu Chân, trong khi một người tên là Trần Thời lại được chuyển từ Nam Kinh xuống làm Thái Thú Giao Chỉ. Lã Đại khuyến cáo rằng vì lý do đường xá xa xôi giữa Nam Hải và Giao Chỉ nên Giao Châu phải được phân chia ra như sau: 4 quận phía Bắc được tách ra để làm Quảng Châu. Sau đó, Lã Đại được phong Thứ Sử Quảng Châu và một người là Đại Lương được phong Thứ Sử Giao Châu. Trần Thời và Đại Lương lên đường đi Giao Chỉ, nhưng khi đến biên giới, biên giới bị đóng không qua được. Hai ông bắt buộc phải lưu lại ở Hợp Phố.

Sĩ Huy quyết định rằng thời cơ và thì giờ đã đến để ông dứt ra khỏi bàn tay nhà Ngô. Giang sơn nhà Hán đã bị chia thành “Tam Quốc”, chẳng có lý do gì để ngờ vực rằng một nước thứ tư không thể được thành lập; nhất là trong trường hợp họ Sĩ rất được lòng dân; giàu có; tài giỏi; và về địa dư lại ở chỗ xa xôi hẻo lánh.

Tuy nhiên Sĩ Huy gặp phải sự chống đối mạnh mẽ của địa phương, cho rằng mưu tính của ông chắc chắn sẽ đưa đến một cuộc xâm lăng và rồi dân chúng sẽ bị đau khổ vì chiến tranh. Hoàn Lan, một quan chức có tiếng dưới trướng Sĩ Nhiếp, khuyên nên từ bỏ những tham vọng ấy đi và hãy nghênh đón Đại Lương đồng thời chấp nhận quyền hành của ông ta. Sĩ Huy nổi giận, ra hình phạt là cho binh sĩ quất roi đánh Hoàn Lan cho đến chết. Phản ứng tàn bạo của Sĩ Huy chứng tỏ đa số đồng ý với quan điểm của Hoàn Lan và Sĩ Huy muốn trừng trị Hoàn Lan để làm gương cho kẻ khác. Con trai của Hoàn Lan và người anh của ông là Hoàn Trí phản ứng lại bằng cách đem quân bản hộ của gia đình ra đánh Sĩ Huy. Sĩ Huy hạ lệnh đóng cửa thành và cố thủ ở bên trong. Hoàn Trí tấn công suốt mấy tháng trời mà không hạ nổi thành; cuối cùng phải xin hoà với Sĩ Huy và rút quân về. Gia đình họ Hoàn đại diện cho các quyền lợi địa phương và là những người nhìn thấy nguy hiểm nếu ủng hộ các tham vọng của họ Sĩ. Điều này cho thấy là số gia đình địa phương muốn duy trì khái niệm yên bình ở địa phương thay vì ủng hộ những tham vọng chính trị của bất cứ cá nhân hay gia đình nào. Những gia đình này tỏ vẻ tự tin ở khả năng của mình trong việc đương đầu nổi với các tướng Ngô.

Mặc dầu bị dồn vào thế phòng thủ ở bên trong thành, nhưng Sĩ Huy có khả năng cầm cự lâu hơn quân vây thành. Điều này chứng tỏ có một số gia đình địa phương ở trong thành, với quân tướng riêng của họ, có thể đã tán thành việc Sĩ Huy mưu tìm độc lập. Sự thử thách ý chí của đôi bên họ Sĩ lẫn họ Hoàn ở thế giằng co và ngay sau đó bị chế ngự bởi chuyện quân Ngô kéo đến.

Lã Đại xin được lệnh tung ra một cuộc viễn chinh để trừng phạt Sĩ Huy. Ông xuống thuyền đi theo đường biển từ Nam Hải, đem theo 3000 quân sĩ. Ông ước hẹn hội quân với Trần Thời và Đại Lương ở Hợp Phố. Một trong các cố vấn của Lã Đại cảnh cáo rằng,”Sĩ Huy có thể dựa vào uy tín của gia đình ông ta đã được rèn đúc từ bao thế hệ nay. Toàn thể Giao Châu theo ông ta. Vậy sẽ không phải là chuyện đùa với ông ta đâu.” Lã Đại trả lời:

Sĩ Huy sẽ không dự định được chuyện ta mang quân đến. Nếu ta dấu kín được quân sĩ và kéo quân đi bí mật rồi đánh úp một trận, ta chắc sẽ toàn thắng. Nếu như ta chùng chình, tiến quân chậm chạp khiến cho y biết mà đề phòng với lũy cao hào sâu, rồi cả trăm bộ lạc man di ở 7 quận sẽ hưởng ứng theo y; lúc ấy cho đến người tài giỏi nhất cũng không làm gì y được.

Lã Đại nhận thức rằng chỉ có đánh úp, bất ngờ mới có thể thắng nổi Sĩ Huy. Và để làm như thế, ông tìm cách tiếp xúc và lôi kéo được sự cộng tác của vài phần tử trong gia đình Sĩ Huy muốn công nhận bá quyền của Ngô. Bởi gia đình họ Sĩ từ xưa vẫn thấm nhuần một nền giáo dục là trung với vua, nên không phải là tất cả đều một lòng chống lại nhà Ngô.

Một người con của Sĩ Nghi tên là Quang lại có mặt ở Hợp Phố. Sĩ Nghi và Lã Đại
lại là bạn cũ từ ngày còn học ở trường, nên Lã Đại cho Quang làm phụ tá và sai đến tìm Sĩ Huy là chú y, hứa sẽ bảo đảm cho Sĩ Huy được toàn vẹn nếu y chịu đầu hàng. Sĩ Huy hết sức bất ngờ khi nghe tin Lã Đại đến nơi. Vì không kịp chuẩn bị và tin ở lời hứa của Lã Đại, nên Huy đem các anh em và các con, tất cả sáu nguời, mở cửa thành đón tiếp Lã Đại, vai áo để trần tỏ dấu hiệu quy thuận. Lã Đại tha thứ cho tất cả và bảo tất cả kéo vai áo lên rồi cho ra ở ngoài thành Luy Lâu. Sáng hôm sau, Lã Đại cho dựng 1 cái lều, rồi gọi người đến. Trước một cử toạ gồm những quan chức và tướng sĩ, Lã Đại đọc một bản cáo trạng buộc Sĩ Huy tội phản nghịch rồi hạ lệnh chém đầu hết.

Mặc dầu sáu cái đầu được đưa về tận kinh đô Ngô để trần tấu mọi việc đã làm tăng thêm tiếng tăm của Lã Đại, nhưng hành động lừa dối của ông đã gây nên sự phẫn nộ và chống đối mãnh liệt ở Giao Chỉ. Hoàn Trí bèn lôi kéo được một trong các bộ tướng của Sĩ Huy là Cẩm Lệ, rồi lãnh đạo các phần tử và dân chúng Giao Chỉ chống Lã Đại. Bởi vì trong mắt họ, Lã Đại là một người phản bội và tàn nhẫn. Nhưng Lã Đại là một tướng dũng mãnh nên đã đánh bại được địch thủ, Sau khi bình định đuợc Giao Chỉ, ông lại kéo luôn quân xuống Cửu Chân và ở đấy. Ông giết và bắt sống được tất cả 10.000 người. Những người thuộc gia đình Sĩ Huy còn sống sót về sau cũng bị bắt và xử tử hết.

Lã Đại ở lại Giao Chỉ trong 5 năm. Dưới quyền ông, 2 châu Quảng và Giao lại hợp thành 1 như cũ. Một trong hành động khác của ông là sai các sứ giả băng qua biên giới cai trị để bố cáo cho những vương quốc láng giềng biết về quyền lực của nhà Ngô. Để đáp lại, vua các nước Lâm Ấp và Phù Nam (ở hạ lưu sông Mekong) và Dương Minh (ở Bắc Campuchia ngày nay) đều gởi sứ bộ và đồ tiến cống đến. Một động lực quan trọng khác trong việc Lã Đại chinh phục Giao Chỉ là ý muốn kiểm soát được những ngôi chợ thương mại quốc tế lập ở đó. Ví dụ như vào năm 226, một sứ giả của La Mã đã tới Giao Chỉ và được đưa ngay đến triều đình Ngô. Những lợi tức thương mại mà trước kia chạy cả vào túi gia đình Sĩ Nhiếp, nay được đưa thẳng về kinh đô Ngô. Năm 229, Ngô lại sai sứ giả đến Phù Nam, nơi tụ họp những thương nhân đến từ Ấn Độ và những nơi xa xôi hơn nữa. Ngô cố vun đắp quan hệ của mình với miền biển Nam Hải để bù lại sự bị cô lập với nội địa trên đường vào trung tâm Á Châu.

Năm 231, Lã Đại được gọi về Bắc để dẹp một đám giặc khác đang làm loạn trong đất Ngô. Việc y theo sát quyền lợi nhà Ngô đã tách xa Ngô ra khỏi Việt Nam và dọn đường cho một cuộc nổi loạn quan trọng. Lã Đại không thành công trong việc bình định vùng biên giới phía Nam nơi vương quốc Lâm Ấp mới phát hiện trong quận Nhật Nam cũ. Mặc dù ông đã tạm thời dẹp yên được Cửu Chân, nhưng quyền hành của Ngô vẫn không được thiết lập ở đấy. Ngay sau khi ông rời khỏi Giao Chỉ, nhà Ngô lại sai một tướng khác là Chu Trì xuống để tiêu diệt và bình định bọn Việt (Yueh) man di ở Cửu Chân.

Kể từ khi có cuộc nổi dậy của Khu Liên từ một thế kỷ trước, quận Cửu Chân vẫn luôn luôn ở trong tình trạng sôi sục. Việc này có liên quan đến nước Lâm Ấp đang ngày một mạnh lên, khởi thủy từ huyện Tường Lâm ở vùng biên giới cũ. Lâm Ấp cứ bành trướng mãi ảnh hưởng của mình lên phía Bắc. Năm 248, Lâm Ấp đột nhập vào phần đất còn lại của Nhật Nam, chiếm thêm một phần lớn của quận này, nhập với lãnh thổ của mình và giao chiến với quân Trung Quốc ở gần biên giới Cửu Chân.

Dân chúng ở Cửu Chân bèn nhân cơ hội này nổi dậy, và Giao Chỉ nối gót theo sau. Nhiều tường lũy có thành bao quanh đã bị hạ. Ngô bèn sai tướng Lục Dận xuống để đối phó với tình hình. Lục Dận dùng chiến thuật vừa đánh vừa đàm để dẹp yên nổi dậy. Bằng một bố cáo tỏ lòng thành thật và ban phát ân huệ, Lục Dận dẹp yên được trên 3000 gia đình đi theo thủ lãnh nổi dậy là Hoàng Ngô. Sau đó, ông lại điều động binh sĩ xuống miền Nam và cũng dùng chiến thuật đó, ông thu phục được hơn 100 thủ lãnh và trên 50.000 gia đình.

Tuy nhiên, một đơn vị nòng cốt của quân nổi dậy vẫn còn ở huyện Cự Phong trong quận Cửu Chân, nơi mà năm 157, Chu Đạt đã lãnh đạo một cuộc nổi dậy. Nhưng nay một phụ nữ trẻ, gọi là Bà Triệu, đã tập hợp được dân địa phương nổi dậy và lãnh đạo đội binh tiến lên Bắc. Sau nhiều tháng cầm cự, Bà Triệu bị thua trận và bị giết.


Bà Triệu (tranh Đông Hồ)

Sử Trung Quốc không nói gì đến Bà Triệu; chúng ta được biết về bà do những nguồn sử liệu Việt Nam. Theo nguồn sử liệu này, những biến cố năm 248 đã được hai bên tiếp nhận rất khác biệt. Trung Quốc chỉ ghi lại những thành tích của mình là mua chuộc được một số thủ lãnh loạn quân bằng tiền bạc và những lời hứa. Cuộc chống cự do Bà Triệu lãnh đạo đối với họ đơn giản chỉ là một hành động của man di cứng đầu và tất nhiên là đã bị quét sạch, không liên quan gì đến lịch sử. Nhưng đối với Việt Nam thì cuộc nổi dậy của Bà Triệu được nhớ đến như một biến cố quan trọng nhất của thời kỳ đó. Sự lãnh đạo của Bà kích động sâu xa tri giác của dân chúng. Hình ảnh truyền thống của bà là một lãnh đạo đáng khâm phục và đặc biệt nhưng thực tiễn và gần gũi với thường dân, với cặp vú dài cả thước phải vắt lên hai vai mỗi khi cưỡi voi ra trận. Hình ảnh ấy đã được truyền lại suốt từ thế kỷ này đến thế kỷ khác. Sau khi Bà Triệu mất đi, bà được nhân dân Việt Nam thờ cúng. Chúng ta được biết đến Bà là nhờ sự kiện Bà vẫn được dân Việt Nam tưởng nhớ đến mãi.

Những biến cố năm 248 biểu lộ những khuynh hướng đa diện của lớp người cầm quyền ở địa phương thời ấy. Sự áp bức của nhà Ngô khiến cho tất cả đều chín mùi trong ý tưởng nổi dậy, và sự xâm lược của Lâm Ấp đem đến cơ hội này. Quân Ngô bị đánh đuổi ra khỏi nước; có một số những lãnh đạo loạn quân, nhưng chỉ có tên tuổi của một người được ghi lại: đó là Hoàng Ngô với khoảng trên 3000 gia đình theo ông. Hoàng Ngô là lãnh tụ đầu tiên phản ứng lại với “thuyết phục” của quân Ngô: căn cứ lực lượng của ông rõ rệt là ở xa trên miền Bắc và có lẽ ông rất nhạy cảm trước những lời kêu gọi của triều đình. Còn ở xa dưới phía Nam có độ 100 thủ lãnh với độ trên 50.000 gia đình theo họ.

Sự không nhất trí này là hiệu quả của chế độ khắc nghiệt của Ngô. Việc tiêu diệt gia đình Sĩ Nhiếp năm 226 đã đưa đến sự chống cự của lớp lãnh đạo Hán-Việt cũ cùng với đa số dân chúng nói chung. 10.000 người đã bị giết hay bị bắt. Chế độ tàn nhẫn của Ngô chắc chắn đã phân tán được lớp lãnh đạo các cấp Hán-Việt ở địa phương. Vì thế nên năm 248, đã không có một cuộc nổi dậy nào dưới sự lãnh đạo của riêng một người, mà ngược lại có rất nhiều thủ lãnh địa phương trong số đó có những người đã nhận được hối lộ hay bị hăm doạ.

Sau khi lớp nguời này đã bị vô hiệu hoá thì những lãnh đạo bản xứ có tiếng tăm vẫn tiếp tục cuộc đấu tranh. Bà Triệu là người phụ nữ cuối cùng lãnh đạo một cuộc nổi dậy được ghi trong lịch sử Việt Nam. Sự thất bại của Bà có thể đã chấm dứt sự nẩy mầm muộn màng của những lý tưởng chính trị được để lại từ thời các vị Lạc hầu, và vun xới bởi bầu không khí nới lỏng dưới thời Sĩ Nhiếp.

Chế độ của nhà Ngô đã làm chấn động lớp cầm quyền địa phương, lớp người đã phát triển dưới thời Hán và được mạnh lên dưới thời Sĩ Nhiếp. Hai lần họ nổi lên chống lại Ngô với sự ủng hộ của dân chúng. Nhưng trong khi cuộc nổi dậy năm 226 bị dẹp tan bằng vũ lực, lớp lãnh đạo Hán-Việt năm 248 lại bị Ngô đánh thất bại vì hối lộ và vì những lời đe doạ. Chỉ có những người ngoan cưòng nhất, mà nhất định không phải là lớp Hán-Việt, mới cầm cự đến hơi thở cuối cùng.

Trong thế hệ giữa hai cuộc nổi loạn, tầng lớp mới phò Ngô phát hiện trong đám dân Việt, và họ đã cho thấy rõ ảnh hưởng của họ. Chúng ta có thể cho rằng họ thuộc thành phần những người tị nạn ở giai cấp thượng lưu trong cuộc di cư thời Hậu Hán. Lớp dân lai Hán-Việt cũ và tầng lớp mới theo Ngô dường như không thể hoà giải được với nhau. Trong thập niên 260, lớp cầm quyền ở Việt Nam bị phân tán trong một cuộc nội chiến. Cuộc nội chiến này có liên quan đến những biến cố ở Trung Quốc và kết thúc thời đại “Tam Quốc” ở đó.

Tác giả: Keith Weller Taylor
Chuyển ngữ: Lê Hồng Chương
Source: Damau.org