Nhà Tấn xuống miền Nam
Xem mục lục ở sau Lời mở đầu Việt Nam khai quốc
Tấn Vũ Đế, người có công khai lập Triều đại nhà Tấn, đã tìm cách phục hồi các di sản Hán và thống nhất Trung Quốc. Nhưng ngay sau khi ông băng hà vào năm 290, Trung Quốc lại lâm vào cảnh nội chiến qua phân do tính hiếu chiến và ham quyền lực cố hữu của các hoàng thân quốc thích nhà Tấn. Vì nội chiến triền miên còn gọi là Loạn Bát Vương, Trung Quốc đã trở thành miếng mồi ngon cho những dân du mục từ chính biên thùy phía Bắc của họ. Vào khoảng thập niên thứ Nhì của thế kỷ thứ 4, những dân du mục từ phương bắc này đã lần lần chiếm trọn miền bắc Trung Quốc. Biến cố này đã gây ra hàng loạt các ảnh hưởng dây chuyền như việc dân quân nhà Tấn lũ lượt kéo nhau xuống miền Nam để tị nạn, kinh đô Trường An – nơi tập trung quyền lực của vương triều nhà Tấn trước đây – phải di dời xuống Nam Kinh là phần đất gần Việt Nam ngày nay hơn. Vì lẽ đó, giới cầm quyền địa phương của các vùng ở phía nam Trung Quốc đã buộc phải xét lại thái độ của mình sao cho phù hợp hơn với những đòi hỏi và tham vọng của Nam Kinh. Việc định hướng lại thái độ này đã kéo theo nhiều hệ lụy, rối ren, và bạo loạn nhiều năm sau đó.
Cũng cần nhắc lại, trong thời gian Tấn triều còn đang bận bịu với nội chiến và chưa bị dân du mục phương bắc vào chiếm trọn; ở miền Nam xa xôi, thế lực chính trị của nhà Ngô cũ được dần dần phục hồi vì ít bị triều đình nhà Tấn ở xa phiền hà nhũng nhiễu. Khi Đào Hoàng qua đời, nhà Tấn bổ nhiệm Ngô Ngạn, một quan chức của nhà Ngô cũ xuống thay. Ngô Ngạn đến Giao Châu đúng lúc dân chúng Cửu Chân đang nổi lên đánh đuổi viên Thái Thú sở tại. Sử Trung quốc và Việt Nam không nói nhiều về thân thế thủ lãnh của nhóm dân chúng nổi dậy này ngoài việc cho biết tên ông là Triệu Chi; và rằng sau đó Ngô Ngạn đã mau chóng bắt được ông, rồi đem xử chém.
Việc Triệu Chi nổi dậy ở Giao Châu không khác các cuộc nổi dậy hai thế kỷ trước đó. Đó là những cuộc nổi dậy bắt nguồn từ Cửu Chân và lan sang các vùng kế cận thuộc Giao Châu. Triệu Chi nhất định phải là một quan chức bởi vì ông cầm đầu những binh sĩ được huấn luyện đàng hoàng. Rất có thể Triệu Chi là tiếng vang cuối cùng của các cuộc nổi dậy chống nhà Ngô cũ trong đó có việc giết cha con Thái Thú Cửu Chân là Lý Tốn trước khi có cuộc can thiệp trực tiếp của nhà Tấn. Mặc dầu cái chết của Đào Hoàng được một số dân quanh quẩn ở đồng bằng sông Hồng thành thật để tang, các thủ lãnh địa phương từng bị thất bại cay đắng ở Cửu Chân lại coi đây là một dịp tốt để giành lại chính nghĩa. Vì triều đình nhà Tấn thì ở xa và suy yếu, do đó trở ngại duy nhất để các thủ lãnh địa phương giành lại quyền tự trị là việc đương đầu với thế lực của những đại gia đình nhà Ngô cũ vẫn còn nhiều ảnh hưởng ở miền Nam.
Không may cho Triệu Chi vì phải đương đầu với Ngô Ngạn, là một tay đảm lược, nên ông bị bắt và bị giết không lâu sau đó.Sau khi dẹp yên được Triệu Chi, Ngô Ngạn trực tiếp cai trị Giao Châu trong nhiều năm. Sử Trung Quốc chép rằng Ngô Ngạn đã thi hành hai biện pháp, vừa khoan dung, vừa uy dũng khiến các vùng đất ông đô hộ được yên ổn. Công thức đô hộ này cho thấy Ngô Ngạn tuy nghiêm khắc nhưng không tàn bạo.
Khi Ngô Ngạn xin người thay thế thi triều đình nhà Tấn sai Cổ Bí, con trai một tướng Ngô cũ xuống thay. Vì triều đình Tấn ở mãi miền Bắc lại đang có cơ nguy sụp đổ, nên Cổ Bí rất có thể là người được chính Ngô Ngạn tiến cử. Lúc ấy thế lực của các gia đình Ngô cũ khá ổn định nhưng với sự sụp đổ của miền Bắc và việc tràn xuống miền Nam của dân tị nạn thuộc giai cấp thượng lưu nhà Tấn đã khiến nhóm quý tộc Ngô cũ tại địa phương lâm vào tình thế khó xử vì yếm thế. Quan quân và dân chúng nhà Tấn mới di tản xuống phương Nam nhưng đã vội vã lấn chiếm đất đai và phô trương thanh thế. Tất nhiên là những giới cầm quyền nhà Ngô cũ cảm thấy họ bị lấn ép và mất dần quyền lợi về tay nhà Tấn. Dù chỉ ngắn ngủi, các thủ lãnh địa phương người Việt đã mau chóng khai thác các mâu thuẫn giữa Tấn và Ngô để và cố biến nó thành lợi thế cho mình trong các nhen nhúm giành độc lập.
Khi Cổ Bí chết, các lãnh tụ Giao Châu và các gia đình có thế lực địa phương đã đồng ý một cách đơn giản với nhau là đưa con ông là Cổ Sâm lên kế vị cha thay vì đợi chiếu chỉ bổ nhiệm chính thức từ nhà Tấn lúc đó đang hết sức rối loạn. Tuy nhiên giới cầm quyền Giao Châu dường như chưa được chuẩn bị để tách ra khỏi cái khuôn khổ đã được định sẵn từ bao đời trong những quan hệ hữu danh vô thực với triều đình phương Bắc.
Dòng họ Cổ lại đông con nhiều cháu cho nên khi Cổ Sâm chết, em là Cổ Thọ tạm thời lên thay vì giành được ưu thế sau những tranh chấp nội bộ giữa những người được gọi là “các quan chức ở Giao Châu." Nhằm củng cố quyền hành, sau khi nhậm chức Cổ Thọ đã giết luôn cả viên Trưởng Sử Hồ Triệu và những người về phe với họ Hồ.
Theo luật pháp vương triều Trung Quốc, Trưởng Sử làm phụ tá cho Thứ Sử. Trưởng sử có nhiệm vụ giám sát các công việc hàng ngày ở Giao Châu, chức vị này dường như đã được thay đổi để có thể đại diện cho những quyền lợi lớn hơn theo ý muốn của giới cầm quyền địa phương. Thực tế cho thấy sự tranh chấp giữa Hồ Triệu và Cổ Sâm chính là sự tranh chấp giữa các thế lực địa phương khi họ tự coi mình là đại diện cho một triều đình ở xa và đang suy yếu.
Sau khi Cổ Thọ giết Trưởng Sử họ Hồ, kẻ chống đối mạnh mẽ và có tiềm lực nhất đối với dòng họ Cổ còn lại lúc đó là Lương Thạc, một lãnh tụ địa phương có nhiều kinh nghiệm trận mạc. Thoạt đầu, Cổ Thọ lập mưu giết Lương Thạc nhưng Thạc thoát chết và huy động binh sĩ bản bộ chống trả và bắt sống được Cổ Thọ và ép y uống thuốc độc cho đến chết.
Nhiều năm sau đó, Lương Thạc tiếp tục cai trị Giao Châu. Sử Trung Quốc chép rằng ông lấy chức hiệu là Thái Thú Tân Xương. Tân Xương là huyện Mê Linh cũ, quê hương của các vua Hùng và hai Bà Trưng. Có nhiều binh sĩ trấn đóng tại Tân Xương vì nó nằm ở vị trí chiến lược cửa ngõ đồng bằng sông Hồng, nơi được coi là trung tâm chính trị cổ xưa nhất của Việt Nam,.
Có thể hiểu ngầm rằng tước hiệu Thái Thú Tân Xương được ghi trong các nguồn sử liệu Trung Quốc cho thấy ảnh hưởng quyền lực của Trung Quốc vẫn còn áp đặt lên Việt Nam vào thời kỳ này. Lương Thạc đã chứng tỏ là một trong những thủ lãnh kiên trì và thành công nhất trong số những thủ lãnh địa phương qua việc việc tập họp và lãnh đạo dân chúng ở địa phương chống lại Tấn triều trong thời gian Giao Châu bị Trung Quốc đô hộ. Tuy nhiên Lương Thạc vẫn thấy ông không có một phả hệ hay huyết thống và uy tín cần thiết. Để đạt được bình phong về phương diện chính thống đối với hoàng triều. Lương Thạc cho vời Thái Thú Thương Ngô là Đào Uy con của Đào Hoàng lên làm Thứ Sử. Mặc dù Đào Uy đứng ra chịu tiếng thần phục vương triều trong các quan hệ với vua Tấn khi phải tiếp đón các quan chức Tấn xuống miền Nam nhưng đứng về phương diện quyền hành ở Giao Châu, Đào Uy chỉ là một bình phong cho Lương Thạc mà thôi. Sử chép Đào Uy rất được lòng dân chúng vì rõ ràng ông thừa hưởng tiếng thơm của cha ông là Đào Hoàng. Nhưng chỉ ba năm sau, Đào Uy qua đời. Sau khi Đào Uy mất, cả em trai và con ông đều tranh nhau đòi giữ chức Thứ Sử, nhưng quyền hành thực sự vẫn nằm trong tay Lương Thạc. Thế lực nhà họ Đào ngày càng mờ dần trên sân khấu chính trị vì họ còn bị nhà Tấn triệu hồi lên miền Bắc do tình hình rối ren tại Quảng Châu.
Cũng như tại Giao Châu, tại Quảng Châu, làn sóng chống đối việc phô trương thanh thế và bành trướng xuống phương Nam của nhà Tấn được được dẫn đầu bởi Vương Chi là người thuộc gia đình Ngô cũ và có cha cùng anh trai từng làm Thứ Sử Quảng Châu. Mặc dầu gia đình họ Vương ở miền Nam đã tạo lập được tiếng tăm tốt trong số dân bản xứ qua bao nhiêu thế hệ cai trị, Vương Chi lập tức bị gạt sang một bên bởi những người nhân danh Tấn triều từ phương Bắc tràn xuống. Uất hận, Vương Chi thành lập một đạo quân lên đến 1.000 người sẵn sàng ứng chiến. Sử chép rằng các binh sĩ và nhân dân Quảng Châu đều nhất tề ủng hộ Vương Chi lên làm Thứ Sử và hoàn toàn "quay lưng lại" với người mà nhà Tấn bổ nhiệm.
Vương Chi tin ở tính cách chính thống của mình nhưng vẫn còn do dự trong việc triển khai các tham vọng của ông vì xét thấy ưu thế của các quan chức tị nạn từ phương Bắc xuống cùng với gia nhân và thân quyến của họ. Chính sự do dự của Vương Chi: biết là phải chống lại nhà Tấn, nhưng lại không dám công khai chống đối đã tạo nên nối bất bình và chia rẽ trong nội bộ gia đình họ Ngô cũ. Thái độ do dự của Vương Chi được biểu hiện rõ nét khi ông nắm được quyền kiểm soát Quảng Châu. Lo sợ trước phản ứng của nhà Tấn, Vương Chi đã tìm cách biểu lộ lòng trung thành của ông bằng cách xin được làm Thứ Sử Giao Châu. Yêu cầu của ông được chấp thuận ngay với điều kiện ông phải thân chinh đi đánh dẹp Lương Thạc ỏ Giao Châu.
Nghe tin Vương Chi được Tấn triều bổ nhiệm làm, Lương Thạc bèn cho con trai đến tiếp kiến Chi ở gần Uất Lâm, biên giới Quảng Châu và Giao Châu. Lấy cớ con trai Lương Thạc đến trễ, để thị uy, Chi đã nặng lời mắng nhiếc và đe doạ Lương Thạc. Khi nghe con trai về thuật lại thái độ ngạo mạn của Vương Chi, Lương Thạc đã nói như sau: "Cái thằng họ Vương này đã làm hỏng cơ đồ Quảng Châu, bây giờ còn viện cớ gì mà đến phá rối Giao Châu?" Thế là Lương Thạc ra lệnh đóng cửa biên giới không cho Vương Chi đi qua và cấm mọi người ở Giao Châu không được liên lạc với Vương Chi.
Không vào được Giao Châu mà trở về Quảng Châu thì không yên thân với nhà Tấn, Vương Chi đành lưu lạc như một kẻ làm loạn rồi cuối cùng phải vào vùng núi lánh thân và chết tủi nhục ở đó. Đào Khản, một bộ tướng của nhà Tấn, vì đã có công vãn hồi được trật tự Quảng Châu, nên mùa thu năm 318 y lại được chính thức bổ nhiệm việc cai quản Giao Châu.
Trong khi Lương Thạc đang phải bận đối phó với những hệ lụy của vụ Vương Chi thì ở Giao Châu
lúc đó nổi lên một nhóm người có cảm tình với Vương Chi. Phần lớn nhóm người này là những người Hán mới di cư xuống miền Nam sau khi miền bắc Trung Quốc bị dân du mục chiếm trọn. Họ bao gồm những thương nhân mơ tưởng là sẽ làm giàu nhanh chóng và dễ dàng một khi Giao Châu được Tấn triều thu phục; họ cũng có thể gồm những người của nhà Tấn tiên phong di cư xuống Nam, những gia đình Bắc phương danh giá với cả đoàn tùy tùng võ trang đi theo. Họ thường được gọi là những người "tạm trú" và họ luôn coi Vương Chi là Thứ Sử được bổ nhiệm chính thức bơi Tấn triều. Trong nhóm “người tạm trú” này có Đỗ Tấn, một võ tướng, đã tập hợp được một số thủ hạ trong nhóm này đem quân tiến đánh Lương Thạc nhưng bị Lương Thạc dẹp tan một cách dễ dàng. Sau việc này Lương Thạc càng lo sợ hơn những người "tạm trú" có bụng dạ nọ kia nên ra lệnh giết tất cả những tùy tùng của họ!
Sau diễn biến này, Lương Thạc đã nhanh chóng tự xưng là Thái Thú Giao Chỉ và cảm thấy tự tin hơn trong chức vị này. Tuy nhiên, vì những người "tạm trú" luôn bất tuân các mệnh lệnh mà ông ban hành Lương Thạc hiểu rằng ông cần phải tìm cách hợp pháp hoá địa vị của mình để được chấp nhận như là một chư hầu trong quy chế Tấn triều. Do đó Lương Thạc cho vời Tu Trạm về làm bình phong về pháp lý cho mình vì Tu Trạm có cha là Tu Tắc, người đã từng được nhà Ngô trước kia bổ nhiệm làm tổng chỉ huy quân sự ở Giao Châu nhưng về sau đã bị thiệt mạng khi mưu toan chiếm lại Giao Châu trong tay nhà Tấn vào năm 268. Hơn thế nữa, trong số các anh em của Tu Trạm đi theo Đào Hoàng tiến vào Giao Châu năm 271, có một người sau được bổ làm Thái Thú Hợp Phố cho nên gia đình Tu Trạm rất nổi tiếng ở Giao Châu. Mặc dù đã dùng con trai của Tu Tắc là Tu Trạm làm bình phong cho mình để tiêu biểu cho các quyền lợi của Giao Châu theo thể chế Tấn triều nhưng tự thâm tâm Lương Thạc vẫn tiếp tục theo đuổi mục tiêu độc lập của ông.
Tình hình Giao Châu được ổn định trong vài năm sau đó vì Đào Khản còn bận bịu với việc củng cố quyền hành của nhà Tấn ở Quảng Châu. Thế rồi đến năm 322, chủ nhân của Đào Khản, một viên tướng đang trông coi vùng lưu vực sông Dương Tử, lại phong một tướng tay chân của y là Vương Lượng làm Thứ Sử Giao Châu. Trước khi đi Vương Lượng được căn dặn rằng: "Tu Trạm và Lương Thạc là hai kẻ phản loạn, khi đến nơi phải trừ ngay." Vương Lượng đến Giao Châu không bị cản trở gì vì Lương Thạc chưa muốn so gươm với Đào Khản, kẻ đang cai trị Quảng Châu và tiếng tăm võ nghệ của y cũng đáng kể. Kế đến Lương Thạc cũng muốn tương kế tựu kế nghênh đón vị tân Thứ Sử một cách long trọng để dò xem sự việc tiến triển ra sao. Xét về thực lực thì Lương Thạc cũng rất mạnh nên Vương Lượng cũng chưa dám trực tiếp gây chuyện. Hơn nữa Lương Thạc cũng chưa dám tự xưng là Thứ Sử, nên giữa Lương Thạc và Vương Lượng hai bên chưa có chuyện gì gọi là căng thẳng ngoài mặt.
Mặt khác, Tu Trạm lại ở vào vị thế bấp bênh và nguy hiểm hơn vì không có thực lực. Những người tâm phúc trước đây của Tu Trạm lại thuộc loại đón gió trở cờ. Họ thấy rằng đi với Vương Lượng có lợi hơn vì Vương Lượng chính thức mang ấn tín Thứ Sử – bảo đảm được Tấn triều phương Bắc can thiệp nếu cần. Trong tình hình như thế Tu Trạm bèn quyết định rút lui về Cửu Chân cho được tương đối an toàn.
Từ Quảng Châu, Đào Khản điều nghiên rất kỹ tình hình ở Giao Châu bởi vì trách nhiệm của y là tìm mọi cách giúp Vương Lượng thi hành sứ mạng thu phục Giao Châu từ tay Lương Thạc. Trước tiên Đào Khản sai một sứ giả xuống Cửu Chân thuyết phục Tu Trạm quay về gặp Vương Lượng ở Long Biên. Khi Tu Trạm vừa đặt chân đến sảnh đường thì quân lính của Vương Lượng bắt lập tức. Lượng muốn đem giết Tu Trạm ngay nhưng Lương Thạc phản đối và nói: "Tu Trạm là con của một tướng quân cũ của Giao Châu này; nếu y có phạm pháp thì có thể đuổi chứ không thể giết". Vương Lượng trả lời: "Nghĩa tình của nhà ngươi với phụ thân hắn không liên quan gì đến công việc của ta." Thế rồi Vương Lượng đem Tu Trạm ra chém đầu để dằn mặt Lương Thạc. Từ câu chuyện này chúng ta có thẻ hình dung được những tranh chấp xung đột gay go như thế nào giữa giới trưởng giả nhà Ngô cũ và nhà Tấn mới.
Bất bình và nghi ngại trước việc Vương Lượng ra tay giết Tu Trạm, Lương Thạc bỏ về và chuẩn bị quân lương sẵn sàng ứng chiến. Đi trước một bước, Vương Lượng sai thích khách đến ám sát Thạc nhưng âm mưu của hắn bại lộ. Thế rồi Lương Thạc bèn đem quân vây kín Vương Lượng đang trấn thủ trong thành Long Biên. Dù Đào Khản tức tốc gởi viện binh từ Quảng Châu xuống nhưng Long Biên đã bị thất thú. Sử chép lại rằng khi mặt đối mặt với Vương Lượng, Lương Thạc đòi Vương Lượng trao lại cho ông cờ hiệu Thứ Sử nếu không sẽ chém đứt tay nhưng Vương Lượng nói: "Ta không sợ chết, há gì sợ mất một cánh tay" và khư khư giữ lấy không chịu nhả ra. Thạc bèn rút gươm chặt đứt cánh tay phải của Lượng và giật lấy lá cờ. Khoảng mười ngày sau, Lượng chết vừa đau đớn vừa tức giận.
Các thủ lãnh người địa phương ở Giao Châu thấy rằng họ không thể làm ngơ trước sự hiện diện ngày càng trâng tráo của nhà Tấn. Tấn triều lại ngang nhiên bổ nhiệm hết thứ sử này đến thứ sử khác nhưng một tân thứ sử vừa đến biên giới thì bị dân Giao Châu đuổi về, một thứ sử khác vừa được Tấn triều bổ nhiệm liền bị dân chúng nổi lên giết ngay. Tuy thế nhà Tẫn vẫn gia tăng áp lực với việc ủng hộ những người mới tị nạn từ phương bắc trong việc lớn tiếng đòi sát nhập hoàn toàn Giao Châu vào với Tấn. Mỗi lần xẩy ra đụng độ giữa dân địa phương và người tị nạn phương bắc là lại càng có nhiều binh sĩ Tấn kéo đến Giao Châu.
Sau cái chết của Vương Lượng, theo nhận định phần nào chủ quan của các sử gia Trung Quốc, vì tàn bạo nên Lương Thạc ngày càng gặp nhiều khó khăn và tuyệt vọng hơn nữa. Trên thực tế có thể Lương Thạc và những gia đình địa phương theo ông đều muốn chống lại sự thay đổi, nhưng họ không có cách gì quay ngược lại được cán cân vì làn sóng quân, tướng Tấn, và những kẻ phiêu lưu mạo hiểm ùn ùn kéo vào Giao Châu. Lợi dụng tình thế rối ren này, Đào Khản sai Cao Bảo, một bộ tướng của y, đến Giao Châu và chỉ trong một năm, Cao Bảo đã bắt được Lương Thạc, đem chém đầu và giao nộp thủ cấp Lương Thạc lên Nam Kinh.
Rõ ràng, Lương Thạc, xuất thân từ giai cấp nông dân bản xứ chân lấm tay bùn, chẳng phải văn quan cũng chẳng phải võ tướng, nhưng ông xứng đáng được coi như một nhân vật tiêu biểu trong lịch sử Việt Nam vì đã tập hợp và đoàn kết dân địa phương Giao Châu vào một mối vào thời kỳ mà thế lực Tấn triều đang suy yếu và lung lay. Lương Thạc sẵn sàng thoả hiệp, nếu cần, bao lâu mà ông và các người đi theo ông chưa bị dồn vào chân tường. Tiếc thay Lương Thạc đã bị giết khi cao trào tranh đấu cho quyền lợi người bản xứ chống lại những tham vọng từ phương bắc đang ở mức độ cao nhất. Xuyên suốt bề dày lịch sử Việt Nam, chúng ta thấy rõ rằng cuộc tranh đấu này vẫn còn tiếp tục cho đến ngày nay.
Lại nói về Đào Khản, mặc dầu được chính thức phong làm Thứ Sử Giao Châu, nhưng vì còn đang bận đánh dẹp giặc ở mạn Bắc, nên y đành để quyền cai trị một cách không chính thức Giao Châu vào tay Cao Bảo. Năm 325, Đào Khản lại được thăng lên một chức vụ cao hơn trong Tấn triều và năm sau đó, Nguyên Phương, một quan đại thần triều Tấn, được chính thức bổ nhiệm làm Thứ Sử Giao Châu thay cho Đào Khản. Vừa được bổ nhiệm, Nguyên Phương ngoài mặt giả vờ thiết tiệc nhưng thực tâm là tìm cách ám sát Cao Bảo. Nhưng Cao Bảo, do được mật báo, nên ra tay tấn công trước. Nguyên Phương may mắn thoát chết và chạy trốn vào nội địa Giao Châu. Sử chép rằng không lâu sau Nguyên Phương đột nhiên qua đời sau một cơn khát nước ghê gớm.
Tình trạng quyền lực ở Giao Châu tiếp tục không rõ ràng như thế phần chính liên quan đến một nhà vua mới ở Tứ Xuyên tên là Cheng Han. Là người mới cải đạo sang Lão giáo, vua Cheng Han nhân cơ hội có những rối loạn do nhà Tấn gây ra đã nổi lên để chống lại. Năm 328, khi Cheng Han đem binh từ Tứ Xuyên kéo ra đánh Tấn, thì ở Giao Châu cũng có một người tên Trương Liên kéo quân tiến đánh Quảng Châu. Quân sĩ của Trương Liên tiến lên mãi tận Thủy Hưng nhưng sau bị một tướng của Tấn đánh bại. Việc Trương Liên không chịu ở yên tại chỗ để chống cự nhà Tấn, mà lại tiến quân đánh đến tận kinh đô Tấn cho thấy là hành động của ông được khích động và hậu thuẫn bởi những ý đồ chiến lược lớn lao có liên quan đến việc Cheng Han tiến đánh Tấn cũng năm ấy. Có một số ý kiến cho rằng Trương Liên ngoài việc muốn đánh đuổi nhà Tấn ra khỏi Giao Châu và Quảng Châu mà còn bị thúc đẩy bởi những cảm tình với Lão Giáo, điều thường thấy trong số những người đối lập với Tấn triều ở Hoa Trung và Hoa Bắc thời bấy giờ.
Làn sóng chống đối nhà Hán hiện rõ trong tất cả những biến cố quan trọng ở miền Nam trong suốt thờì kỳ đó. Tất cả những phong trào chống đối, dù chỉ là tàn dư của những lớp thượng lưu nhà Ngô dưới quyền Vương Chi, hoặc những viên chức cấp thấp ở Giao Châu dưới quyền Lương Thạc, hay là liên minh chống Tấn rộng rãi của Trương Liên với Cheng Han, tất cả đều bắt nguồn từ mối căm thù mạnh mẽ với thể chế Tấn triều. Ngoài việc nổi dậy của dân bản xứ của những vùng đất bị lệ thuộc nhà Tấn, còn có những phong trào chống đối đương triều nhà Tấn khác có liên quan ít nhiều đến tầng lớp những người Tấn ly khai cấp tiến khi họ quyết định chọn các vùng phương nam Quảng Châu, Giao Châu như là nơi quê hương mới của họ.
Bằng phương cách nào mà cuối cùng Trung Quốc ổn định được việc đô hộ của họ ở Giao Châu đã không được sử sách ghi lại một cách chi tiết, nhưng rõ ràng tình hình đã trở nên sáng sủa hơn vào năm 336, năm mà Thứ Sử Quảng Châu sai một đạo quân đi đánh dẹp những bộ lạc ở Quế Châu. Thái Thú Tân Xương lúc đó là Đào Hiệp, thừa lệnh nhà Tấn, có tham dự trận này bằng cách dẫn một đạo quân tiến vào Vân Nam và chiếm được một thành trì trên đường tiến đến Tứ Xuyên. Đây có lẽ là một phần trong nỗ lực khoá chặt Giao Châu của nhà Tấn nhằm ngăn cản dân chúng địa phương không bị
khích động do việc nổi dậy của vua Cheng Han ở Tứ Xuyên mà mãi đến năm 347 nhà Tấn mới bị dẹp yên được.
Để củng cố quyền lực, nhà Tấn đã tìm cách thay đổi sâu đậm tại miền Trung và miền Nam Trung Quốc. Trước kia văn minh Trung Quốc chỉ hiện hữu ở những nơi có tầm quan trọng về chính trị và nơi có nhiều người có học thức sinh sống nhưng theo thời gian, những điều mới lạ dần dần lan tràn về miền quê qua trung gian của những người tị nạn phương Bắc. Tuy nhiên trong số những địa điểm ở miền nam, Giao Châu là nơi ít bị ảnh hưởng của chính sách đó bởi vì địa thế quá xa nên có ít dân chịu xuống miền Nam như thế. Và từ đó Giao châu, mặc dù xa xôi cách trở như đã nói ở trên, đã nghiễm nhiên trở thành một nơi ẩn náu lý tưởng cho những gia đình thượng lưu và quan chức nào muốn tránh những rắc rối với quan quân nhà Tấn. Phẩm chất của những người mới di cư đến Giao Châu tương đối cao. Một thí dụ rõ nhất là dòng họ Đỗ dần dần nổi tiếng ở Giao Châu vào thế kỷ thứ 4.
Cũng chẳng khác các đám quan chức Hán và Ngô trước kia, đa số đám quan chức Tấn khi mới được bổ nhiệm xuống Giao Châu cũng tìm mọi cách để vơ vét và làm giàu cho thật mau rồi hồi hương. Vơ vét tại Giao Châu và Quảng Châu chưa đủ, quan quân nhà Tấn còn kéo sang cả các nước lân bang ở sâu hơn phía nam. Đó là nguyên cớ của những cuộc chiến tranh với Lâm Ấp trong thế kỷ thứ 5 và thế kỷ thứ 6. Những cuộc chạm trán giằng dai này giữa quan quân nhà Tấn và Lâm Ấp đã gián tiếp đẩy người Việt Nam, về mặt tâm lý, vào một cái thế phải lệ thuộc và chịu ảnh hưởng của Trung Quốc nhiều hơn nữa.
Tác giả: Keith Weller Taylor
Chuyển ngữ: Lê Hồng Chương
Source: Damau.org