Những con hổ thuần hoá, những con rồng kiệt sức

châu Á

Không có gì bù đắp khiếm khuyết

Ở phương Tây, cuộc khủng hoảng kinh tế dẫn tới một thời kỳ suy thoái nghiêm trọng. Các thể chế tài chính vì muốn kiếm lời bằng việc chấp nhận số lượng lớn các khoản nợ nên đã điều chỉnh quảng cáo của chúng, gây ra sự sụt giảm khủng khiếp của giá bất động sản. Sẽ là đau đớn nhưng cần phải thay đổi. Cũng vậy, một quá trình tương tự cần được diễn ra tại các nền kinh tế châu Á – cân đối lại toàn bộ - từ đó giảm việc dựa vào xuất khẩu để tạo điều kiện thúc đẩy tiêu dùng nội địa.

Phản ứng ban đầu của các chính phủ đang lẫn lộn. Xứng đáng với uy tín của mình, các quốc gia châu Á đã nhanh chóng đối phó với suy thoái. Những nước từng trải trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997-1998 đều biết tầm quan trọng của hành động quyết đoán.

Trên toàn khu vực, gần 1 tỷ USD đã được dùng cho các biện pháp kích thích kinh tế. Trung Quốc tuyên bố gần 600 triệu USD cho gói kích cầu trong 2 năm (bất chấp những lo ngại về việc bao nhiêu trong số đó là tiền mới). Malaysia và Singapore cũng chi khoảng 8-9% GDP của mình để kích cầu.

Tuy nhiên, dù các kế hoạch trên dành một phần đầu tư trong các chương trình xã hội, nhưng phần lớn vẫn chi cho cơ sở hạ tầng (việc này là hữu ích bởi cho phép tuyển dụng các nhân công tay nghề thấp). Chưa đến 4% chi tiêu của Trung Quốc dành cho giáo dục và y tế. Nước này thậm chí còn tăng tiền hoàn thuế xuất khẩu cho các sản phẩm đòi hỏi nhiều nhân công, điều này tạm thời tạo niềm tin cho các nhà xuất khẩu song sẽ chỉ củng cố thêm tầm quan trọng của giao thương.

Thay vì thế, có nhiều chính sách quan trọng hơn mà các quốc gia châu Á có thể theo đuổi, trong thời kỳ đẩy mạnh nguồn nhân lực, cải thiện thu nhập và giảm tiết kiệm. Một cố gắng dài hạn chắc chắn tích cực sẽ là thúc đẩy giáo dục.

Đơn giản hơn việc xây thêm trường mới, điều mang tính sống còn là tăng các khoản cho sinh viên vay hiện đang rất nhỏ, và mở rộng các chương trình tài trợ hiện có. Điều này không chỉ giảm gánh nặng tài chính trên vai người nghèo mà còn giúp thế hệ trẻ kéo dài thời gian trả nợ chi phí giáo dục trong suốt quá trình lập nghiệp. Bằng cách này, các bậc phụ huynh có thể dành dụm thêm tiền để tăng chi tiêu trong nước. Đây là một ví dụ điển hình cho thấy các dịch vụ tài chính ít ỏi ở châu Á, chứ không hoàn toàn là sự thiếu thốn về cơ sở vật chất, đã kìm nén nền kinh tế trong nước như thế nào.

Các quốc gia châu Á cũng sẽ phải cải thiện cơ cấu thị trường lao động của mình và tăng lương tối thiểu. Dù suy thoái dường như không phải là lúc thích hợp để tăng chi phí kinh doanh, chưa bao giờ đây là thời điểm lý tưởng, nhưng những cơ hội tốt thì không có sức ép. Lương không tăng là một lý do khiến thu nhập hộ gia đình tính trên GDP trên thực tế giảm ở toàn châu Á trong những năm vừa qua.

Tương tự, tỷ lệ tiết kiệm cao trong khu vực một phần xuất phát từ sự bấp bênh trong thu nhập. Hầu hết các hợp đồng lao động ở châu Á đều là không chính thức. Phần lương chính thức và phần trả lương thường xuyên chỉ chiếm khoảng 40% tổng ngân sách lương ở Indonesia, Philippines và Thái Lan, trong khi ở Trung Quốc chưa đạt 15%. (Ngược lại, con số này là 90% ở các quốc gia nhóm G7). Điều này tạo sự mềm dẻo cho các công ty nhưng đồng nghĩa với sự bấp bênh của người làm công ăn lương.

Thay đổi cấu trúc thị trường lao động và nhân công được trả lương có thể thúc đẩy toàn bộ nền kinh tế và làm gia tăng tiêu dùng nội địa. Đây là kinh nghiệm của Mỹ đầu những năm 1990, khi Henry Ford (người sáng lập hãng xe hơi Ford) tuyên bố ông muốn trả cho nhân công đủ tiền để mua mỗi người một chiếc xe hơi của hãng ông.

Đầu năm 1914, Ford đã tăng lương tối thiểu từ mức 2USD lên 5 USD/ngày và cho nhân công nghỉ hai ngày cuối tuần – hành động khiến ông bị các nhà công nghiệp khác chỉ trích. Mục tiêu của Ford là giảm tốc độ thay thế nhân công, tăng sản lượng, và tạo ra thị trường mới đồ sộ cho xe hơi của ông. Ý tưởng “chủ nghĩa tư bản thực dụng” của Ford đã được nhiều người khác noi theo, giúp tạo ra một tầng lớp người tiêu dùng đông đảo ở Mỹ. Một cuộc cách mạng người tiêu dùng gần như thế cần được áp dụng ở châu Á, và tăng lương là bước đi đầu tiên.

Điều quan trọng nhất, các quốc gia châu Á cần xây dựng mạng lưới an sinh xã hội bền vững. Thiếu sự bảo đảm kinh tế cơ bản là nguyên nhân lớn nhất khiến châu Á tiết kiệm nhiều đến vậy, và giảm sự tiết kiệm này có thể “mở khoá” cho tiêu dùng. Tuy nhiên, cần nhiều thời gian để làm được điều này, các hệ thống phúc lợi xã hội thực sự sẽ đòi hỏi nguồn tài chính ban đầu thích đáng và người dân phải được hưởng thụ rồi mới thay đổi thói quen tiết kiệm của mình.

"Quỹ tài sản xã hội"

Một cách để làm được điều trên là tạo ra một “quỹ tài sản xã hội”. Giống như một “quỹ tài sản của nhà nước” đầu tư dự trữ ngoại tệ của mình ở nước ngoài vì lợi ích chung, quỹ này sẽ nhận một phần tiền đặt cọc của chính phủ tại các doanh nghiệp nhà nước và chia cho từng hành động xã hội như giáo dục và y tế. Các nhà nước châu Á đang sở hữu tài sản trị giá hàng chục đến hàng trăm tỷ USD trong các doanh nghiệp nhà nước, từ các công ty dầu khí, viễn thông đến các công ty thuốc lá. Chia một phần lớn các tài sản này cho một quỹ đặc biệt sẽ chứng tỏ cam kết của chính phủ trong cải cách xã hội.

Tại một số nơi, tạo ra một mạng lưới an sinh xã hội bền vững sẽ là đặc biệt khó khăn. Tại Trung Quốc chẳng hạn, ý tưởng về một hệ thống lương hưu rộng lớn dựa vào nhà nước – nhờ đó nhân công được trợ cấp hưu trí – sẽ vấp phải vấn đề nhân khẩu học: tỷ lệ sinh ở Trung Quốc đã giảm song tuổi thọ lại tăng cao khủng khiếp.

Nhờ chính sách sinh một con, trong ba thập kỷ qua số người sống phụ thuộc (gồm trẻ em và người già) tính trên đầu nhân công đã giảm một nửa – một nhân tố góp phần tạo ra tăng trưởng kinh tế của nước này. Nhưng trong ba thập kỷ tới, con số này sẽ tăng thêm 50%. Không có gì chắc chắn rằng lực lượng lao động trong tương lai, đang thu hẹp dần, sẽ muốn hoặc có thể chịu được gánh nặng dân số già đang ngày một đông hơn.

Cuối cùng, việc thẩm tra mô hình xã hội của châu Á trong nửa thế kỷ tới sẽ là một nhiệm vụ lớn như cải cách các nền kinh tế châu lục này trong nửa thế kỷ qua. Đó sẽ là một quá trình lâu dài và khó khăn nhưng phải bắt đầu từ bây giờ.

Ổn định xuất khẩu

Trong bản đánh giá thường niên của Ủy ban đặc biệt về Tình báo của Thượng viện Mỹ, công bố hồi tháng 2/2009, Giám đốc cơ quan tình báo quốc gia Mỹ Dennis Blair xác định cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu “là mối lo ngại an ninh của Mỹ trong tương lai gần”.

Lo ngại lớn nhất của ông là “sự bất ổn đe doạ chế độ”, nhưng thương mại cũng nằm trong danh sách này. “Không như cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998, bản chất đồng bộ trên toàn cầu của sự suy thoái này có nghĩa là các quốc gia sẽ không thể xuất khẩu cách họ thoát khỏi suy thoái”, ông giải thích. Các vấn đề này “khiến Mỹ khó đạt được các mục tiêu dài hạn hơn, như mở các thị trường vốn nhà nước và tăng cầu nội địa ở châu Á”.

Nếu suy thoái kéo dài và các quốc gia trong khu vực không thể cải cách, hậu quả đối với châu Á sẽ rất sâu rộng. Chủ nghĩa bảo hộ thương mại sẽ dễ dàng làm xói mòn toàn cầu hoá, như trong thời Đại Suy thoái, khi các mức thuế nặng đã làm giảm tới 2/3 thương mại toàn cầu.

Từ tháng 10/2008, khoảng 66 biện pháp hạn chế thương mại đã được đề xuất trên thế giới và 47 biện pháp đã được áp dụng. Các biện pháp này có ở khắp các nước, từ đạo luật “Buy American” đến việc Ấn Độ cấm đồ chơi của Trung Quốc. Các đạo luật như vậy sẽ làm chậm lại sự phục hồi kinh tế của bất cứ nước nào, và châu Á sẽ phải hứng chịu tác động nặng nề nhất.

Hơn nữa, sự nghèo đói đang gia tăng ở châu Á. Hơn 600 triệu người trên toàn khu vực này sống trong điều kiện cực nghèo. Năm nay, khoảng 60 triệu người vừa mới thoát nghèo sẽ trở lại cảnh túng quẫn. Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), con số này có thể tăng thêm 100 triệu người vào năm 2010 nếu kinh tế thế giới không phục hồi. Tiền kiều hối của lao động từ nước ngoài gửi về, vốn góp một phần đáng kể vào thu nhập trên toàn châu Á, giờ đã sụt giảm thảm hại. Cuộc khủng hoảng kinh tế xuất phát từ các nước giàu đang có nguy cơ trở thành khủng hoảng nhân đạo ở bất cứ đâu trên hành tinh.

Cải cách thất bại cũng sẽ có thể khiến lo lắng lớn nhất của Giám đốc cơ quan tình báo quốc gia Mỹ trở thành hiện thực. Thái Lan vẫn ở trong một tình huống nhạy cảm: người biểu tình áo đỏ ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, vốn được sự ủng hộ rộng rãi ở khu vực nông thôn nhờ chính sách dân túy của ông, đang đe doạ chính phủ của Thủ tướng Abhisit Vejjajiva, người chủ yếu nhận được sự ủng hộ của giới giàu có ở đô thị. Ấn Độ đã phải chứng kiến các chủ doanh nghiệp bị bắt làm con tin và một trường hợp đã bị đám đông sát hại. Điện thoại di động và internet đã tạo điều kiện dễ dàng hơn để tổ chức biểu tình.

Trung Quốc là một trường hợp đặc biệt. Hiện nay, các cuộc lộn xộn giới hạn ở những nhà máy, những vấn đề và khu vực đặc biệt. Các quan chức Trung Quốc ít lo ngại về khoảng 20 triệu người lao động nhập cư vừa mất việc (đối tượng lao động này thường xuyên không có việc làm ổn định) hơn là về khoảng 6 triệu sinh viên đại học tốt nghiệp mỗi năm và phải đi tìm việc làm. Càng nhận thức việc này muộn bao nhiêu thì bức tranh kinh tế càng lớn bấy nhiêu, và sinh viên có truyền thống dẫn đầu sự thay đổi xã hội ở Trung Quốc.

Mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu của châu Á chưa bao giờ là câu trả lời duy nhất cho câu hỏi các nền kinh tế khu vực này sẽ phát triển như thế nào. Nhưng ngay khi nó xảy ra, rất khó để chuyển hướng sang một sự cân bằng hơn. Mô hình này đã vận hành rộng rãi, và một phần tư thế kỷ qua đã chứng kiến tăng trưởng thương mại gấp đôi GDP toàn cầu. Như giờ đây, mô hình này đã hết thời.

Không ai có lợi khi nhìn thấy châu Á bị xáo trộn. Một châu Á thịnh vượng có thể thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu, tạo ra sự ổn định khu vực, và giúp giải quyết các điểm nóng như Triều Tiên. Việc châu lục này sẽ đương đầu với cuộc khủng hoảng hiện nay như thế nào – và phương Tây có thể giúp gì được cho họ - sẽ xác định mức độ và thời gian của các khó khăn kinh tế châu Á. Châu lục này sẽ vẫn tự hào về các nền kinh tế mạnh trong thế kỷ này, nhưng một mô hình kinh tế bền vững hơn, theo hướng nâng cao nhu cầu tiêu dùng nội địa, phải được tìm ra. Nếu không đạt được mục đích cao cả này thì các vấn đề của châu Á sẽ trở thành vấn đề của toàn thế giới.

Brian P. Klein, Kenneth Neil Cukier * (Foreign Affairs)

Quốc Thái dịch (TVN)

* Brian P. Klein là một nghiên cứu sinh của Hội đồng các vấn đề quan hệ quốc tế có trụ sở tại Nhật Bản. Kenneth Neil Cukier là một phóng viên về tài chính và doanh nghiệp ở Tokyo của tạp chí The Economist.