Lịch sử và văn hoá Nhật Bản - những điểm giống và khác nhau với lịch sử văn hoá Việt Nam

Xin chào các bạn.

Như vừa được giới thiệu, tôi là Sakaba, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam. Tôi cảm thấy hơi hồi hộp khi nói chuyện trước đông đảo các bạn sinh viên tập trung tại đây ngày hôm nay. Vì không nói được tiếng Việt nên buổi nói chuyện hôm nay sẽ được thực hiện thông qua phiên dịch, do đó, tôi cũng lo lắng không biết có thể truyền đạt hết những điều mình muốn nói đến các bạn hay không. Thực ra, để chuẩn bị cho việc nhậm chức Đại sứ ở Việt Nam, gần 1 năm 4 tháng trước đây, tôi đã học tiếng Việt được khoảng 20 tiếng, nhưng sau đó, tôi phải đầu hàng vì khó quá. Đặc biệt phát âm tiếng Việt và tiếng Nhật rất khác nhau, vì vậy, dù tôi đã cố gắng phát âm tiếng Việt một cách chính xác, giáo viên người Việt Nam vẫn hoàn toàn không hiểu tôi đang nói gì, điều này thực sự làm tôi hết sức ngạc nhiên. Tôi có hai giáo viên dạy tiếng Việt, cả hai giáo viên đều là người Việt Nam, vậy mà với cùng một từ, cách phát âm của mỗi người lại khác nhau, đây cũng là điều làm tôi bối rối. Sau này, tôi mới biết hình như một giáo viên là người Hà Nội còn một giáo viên là người thành phố Hồ Chí Minh, và đối với một người mới học như tôi, sự kết hợp này dường như chưa phù hợp lắm. Nói vậy, song cho dù chỉ học một giáo viên, có lẽ tôi cũng sẽ đầu hàng, vì thế học một hay hai người thì kết quả cũng vẫn giống nhau mà thôi.

Các bạn sinh viên thân mến, lí do hôm nay tôi đến trường Đại học ngoại ngữ - Đại học quốc gia Hà Nội và có buổi nói chuyện cùng với các bạn chính là vì Trường Đại học ngoại ngữ có mối quan hệ đặc biệt với Nhật Bản. Ngoài ra, tôi cũng được biết, trường có dự định tổ chức khoá học thạc sĩ tiếng Nhật và văn hoá Nhật Bản từ năm 2009. Gần đây, tôi có dịp được cùng dùng bữa tối với thầy hiệu trưởng Nguyễn Hoà, và chúng tôi đều nhất trí quan điểm về việc tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa trường Đại học Ngoại ngữ và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam. Đặc biệt, tôi cũng đang cân nhắc về khả năng hợp tác dưới hình thức cung cấp các giáo trình về tiếng Nhật, văn hoá Nhật Bản hay phái cử chuyên gia Nhật bản sang Việt Nam.Theo đó, việc hôm nay tôi có mặt tại trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội, một trường đại học có mối quan hệ hết sức đặc biệt với Nhật Bản, để nói chuyện về “Lịch sử và văn hoá Nhật Bản”, là một niềm vui lớn đối với tôi.

Công việc của một đại sứ quả là bận rộn, khó có dịp được nói chuyện lâu với các bạn sinh viên. Thực sự, tôi thường chỉ có mặt tại các sự kiện và phát biểu chào mừng khoảng 5, 10 phút, hầu như chưa từng phát biểu dài trong thời lượng khoảng 1 tiếng. Do đó, đối với tôi, việc được nói chuyện một cách hệ thống về lịch sử cũng như văn hoá Nhật Bản là một cơ hội hết sức quý báu. Kể từ khi đến Việt Nam, tôi đã tham dự hơn 50 cuộc trả lời phỏng vấn của các phương tiện truyền thông Việt Nam, nhưng ngay cả những bài phỏng vấn dài cả tiếng đồng hồ cũng chỉ có một phần nội dung rất nhỏ được đăng tải trên báo, vì vậy, tôi không thể truyền đạt một cách hệ thống những suy nghĩ của mình thông qua các phương tiện truyền thông như vậy được. Cũng chính vì thế, trong suốt mấy tuần qua, tôi cảm thấy rất hào hứng và băn khoăn không biết nên nói với các bạn nội dung gì ngày hôm nay. Tôi không dám chắc rằng mình có thể truyền đạt được hết được những điều mình muốn nói hay không, vì thế, nếu có điều gì chưa rõ trong nội dung tôi nói, hay nếu có câu hỏi nào, sau khi kết thúc bài nói chuyện này, tôi sẽ bổ sung trong phần hỏi đáp.

Mở đầu

Tình trạng thiếu hiểu biết về lịch sử

Gần đây, tôi có dịp được xem bộ phim “Xích Bích”, một tác phẩm điện ảnh lớn nói về lịch sử Trung Quốc. Tôi nghĩ là các bạn cũng biết về bộ phim này, đây là tác phẩm điện ảnh do đạo diễn điện ảnh nổi tiếng của Trung Quốc dàn dựng cách đây một vài năm, trong khoảng thời gian từ năm ngoái đến năm nay, 2 tập của bộ phim đã được công chiếu rộng rãi. Nội dung phim lấy tích “Tam quốc chí” làm đề tài chính, bộ phim tái hiện trận chiến quyết liệt diễn ra vào năm 208 tính theo dương lịch, tại Xích Bích ở hạ lưu sông Trường Giang, khi đội quân liên hiệp Ngô-Thục ở phía Nam tiến đánh quân Ngụy ở miền Bắc Trung Quốc. Nhân vật chính của phim là Chu Du, tướng quân nhà Ngô, do nam diễn viên Trung Quốc Toni Leon thủ vai. Quả thật không có gì tuyệt vời hơn. Ở Nhật Bản, cũng có rất nhiều fan hâm mộ “Tam quốc chí”, đặc biệt, “Xích Bích” là một trận chiến hết sức nổi tiếng, vì vậy, có vẻ như rất nhiều người Nhật đã đến rạp chiếu phim hoặc thuê băng video về để xem bộ phim này.

Các bạn sinh viên thân mến, tại đây ngày hôm nay, nội dung tôi muốn nói chuyện với các bạn không phải là về bộ phim này. Đúng hơn, tôi muốn nói về Việt Nam thời kì này. Tôi có đọc sách lịch sử về Việt Nam và được biết rằng, giữa quân Ngô của Trung Quốc và Việt Nam có xảy ra một trận đại chiến diễn ra cũng vào thời kì nói trên, tức là vào khoảng nửa đầu của thế kỉ thứ 3. Vào thời kì này, Việt Nam chịu sự đô hộ của nhà Hán, song một người phụ nữ Việt Nam đã đứng lên, phản kháng lại ách đô hộ và nổi dậy chống lại nhà Ngô. Người phụ nữ này là Triệu Trinh Nương, vào thời đó còn rất trẻ, chỉ khoảng 20 tuổi. Bố mẹ mất từ khi bà còn bé, song thật may là bà còn có anh trai, anh trai của bà tên là Triệu Quốc Đạt. Chính người anh trai này đã hợp sức cùng bà chiến đấu với đại quân nhà Ngô tại khu vực là tỉnh Thanh Hoá hiện nay. Triệu Trinh Nương là một hình tượng đáng tự hào và được ghi lại vào các sách sử với tư cách là một nhân vật đã dẫn đầu cả đội quân Việt Nam hàng nghìn người. Đội quân của bà đã triển khai những trận đánh kiểu du kích qua hơn nửa năm, và khiến quân Ngô phải đau đầu nghĩ cách đối phó, song cuối cùng, với đội quân thưa thớt, bà cùng anh trai đã hi sinh một cách oanh liệt. Lúc đầu khi biết được câu chuyện này, tôi đã có một ấn tượng thực sự sâu sắc. Tất nhiên, trong lịch sử nghìn năm bị nhà Hán đô hộ của đất nước Việt Nam, cũng có rất nhiều trận chiến diễn ra, trong đó, đặc biệt phải kể đến cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, một câu chuyện hết sức nổi tiếng. Đây cũng là cuộc đấu tranh độc lập chống lại quân đô hộ vương triều nhà Hán bởi hai chị em gái người Việt, vậy mà, không hiểu sao, tôi vẫn thấy xúc động mạnh mẽ hơn trước cách khởi nghĩa, chiến đấu của bà Triệu Trinh Nương. Có thể nói, việc một người được coi là mới chỉ ở độ tuổi 20, một thiếu nữ sinh ra ở vùng quê nông thôn, dám mạo hiểm cả mạng sống của mình đúng như câu chữ ở đây thể hiện, để khởi nghĩa chống lại đại quân của Trung Quốc, không phải là một điều bình thường. Cũng có câu chuyện rất nổi tiếng kể về Jeanne d’Arc, một cô gái nông thôn đứng lên chống lại thế lực cai trị của Anh Quốc tại Pháp hồi thế kỉ 15, song quả thực, tôi không khỏi ngạc nhiên vì cách thời điểm này đến tận 1300 năm, ở Việt Nam cũng đã có những câu chuyện lịch sử như vậy.

Như vậy, điều mà tôi muốn nói ở đây là, khi người Nhật quan tâm đến lịch sử của Trung Quốc, chủ yếu chúng tôi chỉ chú ý đến những sự kiện xảy ra trong lãnh thổ Trung Quốc, đặc biệt, đối với “Tam Quốc Chí”, người Nhật mặc dù cảm thấy thán phục trước những chiến thuật hay các trận đánh hào hùng giữa ba nước Ngụy-Ngô-Thục, song hoàn toàn không hề quan tâm xem có những sự kiện gì diễn ra ở phía bên kia của mỗi nước, ví dụ như những sự kiện xảy ra giữa nhà Ngô và Việt Nam. Một khi quan tâm đến những chuyện đã diễn ra trong lịch sử, đây có thể coi là điều tất yếu. Người Việt Nam khi học về mối quan hệ giữa đất nước mình với Trung Quốc, không biết có quan tâm đến các nước có mối quan hệ với Trung Quốc hay không, ví dụ như mối quan hệ giữa Trung Quốc và bán đảo Triều Tiên hay với Nhật Bản chẳng hạn. Tôi thì cho rằng, có lẽ các bạn Việt Nam cũng chưa quan tâm đến những điều như vậy. Vừa xem bộ phim “Xích Bích”, tôi vừa băn khoăn, trăn trở không yên khi nghĩ về vấn đề này.

“Những sự kiện xảy ra ở phía bên kia” trong mối quan hệ Nhật-Việt

Trong buổi nói chuyện ngày hôm nay, tôi muốn giới thiệu đến các bạn hai câu chuyện về “những sự kiện xảy ra ở phía bên kia” trong mối quan hệ Nhật-Việt. Một câu chuyện kể về sự kiện mang tính lịch sử diễn ra vào nửa sau của thế kỉ 13. Thời đó, đất nước Mông Cổ hùng mạnh được hình thành ở đại lục Trung Quốc, bắt đầu tiến hành cuộc xâm lược trên quy mô lớn các nước láng giềng. Nhật Bản cũng trải qua cuộc tấn công xâm lược với quy mô lớn của thủy quân Nguyên Mông vào những năm 1274 và 1281, và gọi tên cuộc xâm lược này là “Cuộc tấn công Nguyên Mông”. Trong lịch sử của Nhật Bản, do đặc điểm địa lý tách biệt giữa đại lục và biển, hiếm khi xảy ra những cuộc xâm lược từ nước ngoài, “Cuộc tấn công Nguyên Mông” này chính là cuộc xâm lược Nhật Bản đầu tiên do thế lực ngoại quốc tiến hành xảy ra trên thực tế. May mắn thay, bão kéo tới, thủy quân của quân đội Nguyên Mông không thể tiếp tục trận đánh, và buộc phải rút lui 2 lần mà không thu được kết quả gì.

Mặt khác, tôi biết rằng Việt Nam đã chịu sự xâm lược của quân Nguyên Mông cũng chính vào thời kì nói trên. Tuy nhiên, cuộc xâm lược Việt Nam của quân Nguyên Mông đã bị đẩy lùi bởi sự nhanh trí, giỏi giang của tướng quân nổi tiếng Trần Hưng Đạo. Theo sách sử ghi lại, hồi đó, quân Nguyên có đại quân lên tới 50 vạn binh sĩ, vì thế, tôi đoán chắc hẳn, đối với Việt Nam, đây phải là một trận đánh quyết liệt vì sự tồn vong của đất nước. Bên cạnh đó, điều mà tôi thực sự quan tâm là mối quan hệ tương quan giữa hai sự kiện xảy ra tại Nhật Bản và Việt Nam như tôi vừa nói trên. Theo như những gì tôi được giải thích từ nhà sử học Việt Nam, khi tiến hành xâm lược Việt Nam lần thứ 3 vào năm 1287-1288, quân Nguyên đã phải chịu một cú giáng trả chí mệnh, và điều này cũng chính là nguyên nhân khiến quân Nguyên Mông phải dừng cuộc tấn công lần thứ 3 vào Nhật Bản. Chỉ vì chưa từng được dạy về mối quan hệ nhân quả này khi còn ngồi trên ghế nhà trường ở Nhật Bản, tôi thậm chí không biết rằng, vốn dĩ ban đầu, quân Nguyên Mông
thử xâm lược Việt Nam, song cả 3 lần tiến đánh đều chuốc lấy thất bại. Mỗi sự kiện riêng lẻ diễn ra tại Việt Nam, đất nước tiếp giáp ở phía Nam với Nhật Bản, quốc gia nằm ở biển Đông của Trung Quốc, trên thực tế có mối quan hệ nhân quả như thế nào, là điều mà ta cần phải chờ đợi lời giải đáp từ thành quả nghiên cứu lịch sử sâu hơn nữa, tuy nhiên, quan điểm nhìn nhận mà các nhà sử học Việt Nam chỉ cho tôi thấy, thực sự là một điều mới mẻ đáng ngạc nhiên.

Sự kiện thứ hai tôi muốn nói tới là một sự việc diễn ra khá gần đây, vào khoảng 100 năm về trước, tức là đầu thế kỉ 20. Lúc bấy giờ, Nhật Bản tiến hành một cuộc chiến tranh với quy mô lớn với tên gọi “Chiến tranh Nhật - Nga”, nhằm chống lại đế quốc Nga. Thời đó, Nhật Bản, một đất nước đang trên đà phát triển, đã triển khai một cuộc chiến đầy khó khăn để chống lại cường quốc Nga hùng mạnh, song điều làm nên chiến thắng của Nhật Bản chính là cuộc chiến giữa lực lượng hải quân hai nước, diễn ra tại vùng Biển Nhật Bản. Hải quân Nga được mệnh danh là hạm đội Baltic, thời đó, có thể coi là lực lượng hải quân mạnh nhất thế giới. Trong khi đó, thực lực của hải quân Nhật Bản hầu như không được biết đến, vì thế, rất nhiều chuyên gia trên thế giới đã dự đoán, phía Nga sẽ giành chiến thắng áp đảo. Thế nhưng, trong cuộc chiến trên thực tế, trái với dự tưởng, trận chiến kết thúc với chiến thắng tuyệt đối của hải quân Nhật, hạm đội Baltic của Nga hoàn toàn bị tiêu diệt. Trong nội dung giáo dục về lịch sử ở Nhật Bản, người ta nói nhiều về tài chỉ huy trận đánh xuất chúng của nguyên tướng quân Tougou Heihachirou, tổng tư lệnh của hải quân Nhật Bản lúc bấy giờ. Sau chiến tranh, ông được thờ ở đền như một vị thánh có tài điều binh khiển tướng. Khi tôi mới là học sinh phổ thông trung học, tôi đã không khỏi băn khoăn rằng, cho dù tài chỉ huy chiến đấu của ông có xuất chúng đến thế nào đi nữa, không biết, có phải thực sự hải quân Nhật đã thắng tuyệt đối trong trận chiến trước hải quân Nga, đội quân hùng mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ hay không. Cuộc chiến kết thúc với thắng lợi tuyệt đối của hải quân Nhật Bản, là một sự thật mang tính lịch sử, song lý do chiến thắng có phải hoàn toàn là nhờ tài chỉ huy của một vị tổng tư lệnh hay không, còn là một điều mà đâu đó có những chi tiết tôi cảm thấy chưa thực sự tin. Về sau, tôi đã hoàn toàn quên đi câu hỏi này, nhưng khi đến Việt Nam, tôi lại được nghe một người Nhật kể rằng khi hạm đội Baltic kéo quân vào cảng Cam Ranh của Việt Nam vào năm 1905, những thành viên tổ chức Việt Nam Duy tân Hội - một tổ chức thân Nhật Bản, đã trà trộn vào đội ngũ thực hiện công tác cung cấp bổ sung nhiên liệu, và nhồi nhét than bùn vào tàu chiến của Nga. Lý do này giải thích cho việc, rất nhiều tàu chiến của hạm đội Baltic đã gặp sự cố về động cơ, sau đó, rơi vào tình trạng không thể điều khiển tàu theo ý muốn trong trận chiến diễn ra trên biển Nhật Bản, và trở thành kẻ thất bại trước quân đội hải quân Nhật. Quả thực, vào thời kì đó, Việt Nam Duy tân Hội do Phan Bội Châu dẫn đầu, đã bắt đầu tiến hành phối hợp với phía Nhật để tạo dựng nên những phong trào nhằm giành lại độc lập cho nước nhà từ tay thực dân Pháp, vì thế cũng không thể phủ nhận khả năng những thành viên của hội, đã tiến hành các việc làm như tôi vừa đề cập ở trên, nhằm gây bất lợi cho phía Nga. Hạm đội Baltic trên đường hướng ra biển Nhật Bản, đã ghé vào cảng Cam Ranh để tiếp nhiên liệu, đây là một sự thật lịch sử, song quả thật, khi đó, điều gì đã xảy ra, đến giờ vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải đáp. Giả sử, câu chuyện kể về việc “Các thành viên của Duy tân Hội đã nhồi bùn vào chiến hạm của Nga” là sự thật, tôi nghĩ rằng, chắc hẳn rất nhiều người Nhật sẽ hết sức sửng sốt về điều này. Trong lịch sử, cũng có rất nhiều mối quan hệ nhân quả như vậy, do đó, chúng ta cần phải nhìn nhận với một quan điểm đa chiều. Đặc biệt, chúng ta cũng cần phải chú ý và quan tâm đúng mức đối với cả “những sự kiện xảy ra ở phía bên kia” về mặt địa lý.

Câu chuyện về lịch sử quan hệ Nhật- Việt

Các bạn sinh viên thân mến, tại buổi nói chuyện ngày hôm nay, tôi còn muốn mở rộng hơn nữa về phạm vi bài nói chuyện, nói cụ thể hơn là tôi muốn đề cập đôi chút về lịch sử mối quan hệ giao lưu lâu dài giữa hai quốc gia Việt Nam và Nhật Bản. Tôi đã đọc rất nhiều sách lịch sử về mối quan hệ của Nhật Bản và Việt Nam trước khi sang Việt Nam nhậm chức Đại sứ. Trong đó, sự kiện lịch sử lâu đời nhất được ghi chép lại là việc một văn nhân tên là Abeno Nakamaro, sang Trung Quốc (thời nhà Đường) và ở lại Hà Nội làm quan trong triều. Nhân vật Abeno Nakamuro này hoàn toàn không có tiếng tăm gì ở Việt Nam, song ở Nhật Bản, ông là một nhân vật hết sức nổi tiếng, luôn xuất hiện trong sách giáo khoa lịch sử sử dụng cho cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông. Thời còn trẻ, ông đến Trung Quốc với tư cách là sứ thần được phái cử sang nhà Đường, sau đó, ông làm quan trong triều đình của hoàng đế Huyền Tôn nổi tiếng, cuối cùng, ông được cử làm An Nam Tiết độ Sứ, và sống tại Hà Nội. Ông là một người có tài văn chương, nghệ thuật, để lại nhiều thơ ca, trong đó, có bài hát nói về nỗi lòng của người đang sống xa quê hương nhớ về Tổ quốc. Mấy bữa trước, tôi đã có dịp đến thăm Khu di tích Hoàng thành Thăng Long và được nghe câu chuyện về việc phát hiện từ trong lòng đất những mảnh bát đĩa khoảng thế kỷ thứ 8. Tôi trộm nghĩ: có khi đó là những bát đĩa mà Abeno Nakamaro đã từng sử dụng chăng? và tôi vô cùng say sưa trong niềm phấn khích đó.

Về mối quan hệ giữa Việt Nam với Nhật Bản được ghi nhận lại trong các sách giáo khoa của Việt Nam, tôi nghĩ, chi tiết “Chiếc cầu Nhật bản” hiện đang nằm ở phố cổ Hội An - Miền Trung Việt Nam, là ghi chép mang tính lịch sử lâu đời nhất. Đầu thế kỉ 17, triều Hậu Lê được mở ra, đây cũng là thời kỳ Trịnh Nguyễn phân tranh khốc liệt. Triều Nguyễn lấy cứ điểm là miền Trung Việt Nam, xây dựng Hội An trở thành thành phố thương mại và giao thương mạnh mẽ với nước ngoài. Chính vào thời kì này, rất nhiều thương nhân Nhật Bản ra vào thành phố, và hình thành nên “Phố của người Nhật”. Tạm thời, cho đến nay, những ghi chép để lại cho biết thời đó có khoảng một nghìn người Nhật đã sống tại thành phố này. Điều thú vị là, có một truyền thuyết còn lưu lại kể rằng, thời đó, công chúa nhà Nguyễn đã kết hôn với một thương nhân người Nhật, cô được gọi là “Quận chúa Anio” và đã sống tại thành phố Nagasaki, Nhật Bản. Cho đến nay, tại lễ hội lớn nhất tỉnh Nagasaki, truyền thống chuẩn bị một lễ rước “Công chúa Anio” mặc trang phục Việt Nam vẫn tiếp tục được kế thừa và duy trì. Với những cơ duyên mang tính lịch sử như vậy, 10 năm trước đây, khi phố cổ Hội An được UNESCO công nhận là di sản thế giới, rất nhiều chuyên gia Nhật Bản đã hợp tác và hỗ trợ, đồng thời, rất nhiều khách du lịch Nhật Bản đến thăm Việt Nam cũng bổ sung thêm vào lịch trình du lịch của mình điểm đến Hội An. Hơn thế, bắt đầu từ 6 năm trước, “lễ hội Nhật Bản” mang tên “Những ngày giao lưu văn hoá Việt Nam - Nhật Bản tại Hội An”cũng được tổ chức đều đặn vào tháng 8 hàng năm. Năm nay, lễ hội đã được quyết định sẽ diễn ra vào ngày 14-16 tháng 8, tôi cũng đang nỗ lực hết sức để góp phần giúp sự kiện này được tổ chức thành công.

Bước vào thời kì Cận đại, như tôi đã đề cập ban nãy, “Phong trào Đông Du” của Phan Bội Châu, nhà cách mạng nổi tiếng của Việt Nam là một dấu ấn không thể thiếu trong mối quan hệ giữa Việt Nam với Nhật Bản. Cụ Phan Bội Châu đã ở Nhật trong vòng 4 năm, từ năm 1905, và triển khai các phong trào giành lại độc lập từ tay chính quyền Pháp. Cụ có đề nghị Nhật Bản giúp đỡ sau khi quân Nhật vừa giành chiến thắng trong cuộc chiến với Nga, song thời đó, chính phủ Nhật Bản ưu tiên quan hệ ngoại giao với Pháp hơn, do đó, đã không thể hỗ trợ những phong trào của cụ Phan Bội Châu. Tuy nhiên, trong những người dân Nhật Bản, cũng có một nhân vật đã hỗ trợ cụ Phan Bội Châu cũng như nhiều sinh viên Việt Nam cả về vật chất lẫn tinh thần. Đó là Asaba Sakitaro, ông đã cung cấp nhiều tiền của cho nhóm của cụ Phan. Cụ Châu vô cùng biết ơn ông Asaba nên 10 năm sau, khi sang thăm lại Nhật Bản, tự tay Cụ đã dựng một tấm bia kỷ niệm ông. Ngày nay, nghe nói nhiều lưu học sinh người Việt Nam sang Nhật du học vẫn thường tới thăm tấm bia kỷ niệm này ở phía Nam, cách Tokyo khoảng 200km.

Cuối cùng là câu chuyện về Đại chiến thế giới lần thứ 2. Chắc các bạn đều biết rõ là từ năm 1940 đến năm 1945, quân Nhật đã chiếm đóng bán đảo Đông Dương. Nghe nói vào thời điểm tháng 8 năm 1945, có khoảng 4 vạn binh lính Nhật đã chiếm đóng toàn bộ bán đảo, nhưng cùng với việc bại trận, số binh lính này, chủ yếu dưới sự quản lý của Anh Quốc, đã lần lượt rút lui. Tuy nhiên có gần 1000 lính Nhật không muốn về nước và đã đào tẩu, nghe nói phần lớn trong số đó đã được thu nạp vào quân đội Việt Minh do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Một sự khôi hài của lịch sử là vào tháng 3 năm 1945, Nhật và Pháp mâu thuẫn với nhau, sau 5 tháng kể từ khi quân Nhật đuổi quân Pháp ra khỏi bán đảo Đông Dương thì lần này, đến lượt quân Nhật bại trận phải rút quân, vì vậy toàn bộ bán đảo trống trơn, kết quả là Việt Nam đã dễ dàng giành được độc lập dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đương nhiên, tôi hoàn toàn không có ý định coi việc chiếm đóng bán đảo Đông Dương của quân đội Nhật là chuyện bình thường, mà tôi luôn cho rằng việc quân đội Nhật làm người Việt Nam phải khốn khổ là sự thật không thể tha thứ. Gần đây, tôi đã gặp một ông lão người Nhật trước đã từng là lính Nhật sống ở Việt Nam. Năm nay ông 83 tuổi. Vào thời điểm tháng 8 năm 1945 ông là một chàng trai 20 tuổi, nghe nói ông đã từng sống ở ngoại ô Hà Nội và lúc đó là sĩ quan dự bị. Theo lời ông cụ kể thì vào quá trưa ngày 17 tháng 8, khi đang ngồi uống cà phê với một người lính Nhật khác tại một quán nước trong nội thành Hà Nội, tình cờ ông gặp một đám đông người Việt Nam đang reo hò “độc lập”. Họ nói với ông rằng “Nhật Bản, xin cảm ơn!”. Tôi nhận thấy, sự việc này chỉ ra rằng, thật mỉa mai vì Nhật Bản lại đóng vai trò
là chất xúc tác trong quá trình giành độc lập của Việt Nam. Hơn nữa, tôi cũng được biết sau chiến tranh, có tới 800 người, nguyên là lính Nhật đã gia nhập quân đội Việt Minh, hình như họ cũng đã truyền đạt cho lính Việt Nam cách sử dụng vũ khí mà quân Nhật trước đây để lại, đồng thời tham gia cả vào công tác chỉ huy tác chiến và đóng vai trò quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc bằng chiến dịch Điện Biên Phủ. Cách đây ba tuần, tôi đã được một nhà chính trị cao niên cho biết về những đóng góp của lính Nhật vào thời đó. Thời kỳ này, có rất nhiều sự kiện phức tạp diễn ra trong lúc cảnh loạn lạc cứ nối tiếp nhau xảy ra, có nhiều chuyện vẫn chưa được làm rõ, nhưng có một điều chắc chắn là, hai nước Nhật Việt đã có một mối quan hệ kỳ lạ, không thể diễn tả bằng luận thuyết đơn giản.

Lịch sử Nhật Bản và “Samurai” - Võ sĩ đạo

Nếu như người Nhật không biết nhiều về lịch sử Việt Nam, có lẽ người Việt Nam cũng không hiểu rõ về lịch sử Nhật Bản. Mục đích của cuộc nói chuyện ngày hôm nay không phải là học mà tìm hiểu sâu về lịch sử Nhật Bản về từng sự kiện trong từng thời kỳ, vì vậy, sau đây, tôi chỉ muốn nói qua về “Samurai”, “nhóm vũ trang” mà chắc hẳn các bạn cũng đã từng nghe nói, hay có lẽ nói đúng hơn là “nhóm những người có chung một nghề nghiệp”. “Samurai” thường hay xuất hiện trong những sách lịch sử của Nhật Bản với tên gọi “Võ sĩ”. Người ta cho rằng, hình thái đầu tiên của “Samurai” chính là “nhóm vũ trang” được thuê để bảo vệ trang viên của quý tộc vào khoảng thế kỉ thứ 8, thứ 9. Dần dần, đội ngũ này trở nên mạnh hơn, và khoảng thế kỉ thứ 10, thế kỉ 11, họ đã có được thực lực vượt trội hơn cả những quý tộc vốn là ông chủ của họ. Đến cuối thế kỉ thứ 12, họ chiếm được thực quyền từ tay quý tộc, và hầu như đã có thể xây dựng được một chính quyền trung ương tập trung quyền lực gọi là Mạc Phủ Kamakura, một chính quyền thống trị trên khắp nước Nhật. Cũng vì thế, những nhà lãnh đạo tối cao của Nhật Bản lúc bấy giờ không phải là thiên hoàng ở vị trí cao nhất trong giới quý tộc, mà quyền lực này thời đó thuộc về người đứng đầu trong lực lượng võ sĩ và được gọi là “Tướng quân”. Nói là “nhóm vũ trang” song đây không đơn thuần là một lực lượng quân sự, mà là một “đội ngũ có tri thức” được trang bị đầy đủ các kiến thức. Chính quyền nhà võ gọi là Mạc phủ Kamakura này kéo dài khoảng 150 năm, và xây dựng nên một hệ thống luật pháp cùng những quy định riêng, gọi là “Luật của nhà võ”. Những luật lệ này quy định cách sống cũng như các triết lý cơ bản đối với tập thể những người cùng làm công việc của một “võ sĩ”, với các nội dung kỉ luật cá nhân hà khắc, có thể nói là “tự hành xác”. Luật cũng có đề ra triết lý cơ bản của người võ sĩ, đó là cách sống coi danh dự lớn hơn lợi lộc, “Sống không thể chịu nhục”. Có nghĩa là, thời này, người ta đã có quan điểm về việc nếu phải chịu nhục, thà chết còn hơn, và cũng đã hình thành cách sống với tâm niệm dù có phải hi sinh bản thân, cũng phải bảo vệ được danh dự của gia đình. Cách sống và suy nghĩ như vậy đã trở thành yếu tố chủ đạo chi phối xã hội Nhật Bản với nhiều mức độ khác nhau trong vòng gần 800 năm, đến khi đại chiến thế giới lần thứ hai kết thúc.

Vậy, người vẫn được gọi là “Samurai” như các bạn đã biết, thực sự là những người như thế nào? Theo những gì tôi được biết, đây là cách gọi hay là những từ ngữ được sử dụng để chỉ “nhóm vũ trang” hay “nhóm những người cùng chung một nghề” được gọi chung là “Võ sĩ”, những người gánh vác chính quyền với tư cách là tầng lớp thống trị ở Nhật Bản trong vòng khoảng 260 năm, từ đầu thế kỉ thứ 17, đến khoảng giữa thế kỉ 19, thời kì Edo tại Nhật Bản. Khi nói về “Samurai”, người ta không đơn thuần chỉ một nghề nghiệp, mà muốn chỉ ra cách sống nghiêm khắc với bản thân gọi là “nghĩa vụ của tầng lớp cao quý”, mang hàm ý chỉ những con người có tinh thần trách nhiệm cao vì họ cho rằng mình thuộc tầng lớp lãnh đạo. Họ thường xuyên rèn luyện cả thể lực lẫn tinh thần, và cố gắng học để bồi dưỡng tri thức. Đồng thời, họ coi công việc của những thương nhân lấy việc kiếm tiền làm nghề chính để sinh nhai là một loại nghề nghiệp thấp kém, cũng vì vậy, thời này, ra đời quan điểm nhân sinh đề cao nếp sống nghèo mà vẫn trong sạch. Bộ phim do Hollywood sản xuất “The Last Samurai” - “Võ sĩ đạo cuối cùng”, hơi mang tính viễn tưởng, nhưng trong những bộ phim như “Tasogare Seiheiei” (Tạm dịch là “Những người lính tinh nhuệ buổi chiều tà”), và bộ phim “Một phần của võ sĩ” được thực hiện bởi đạo diễn Yamada Youhei, tôi nghĩ rằng, hình ảnh của những “Samurai” được khắc hoạ rất rõ nét. Nếu các bạn vẫn chưa xem những bộ phim này, tôi khuyên các bạn nhất định nên xem, vì thông qua những bộ phim như thế, các bạn sẽ hiểu được một phần cách sống được cho là lý tưởng của người đàn ông Nhật Bản.

Thực ra, tôi cũng có cái nhìn hơi phê phán đối với cách sống của “Samurai”. Ngay cả trong xã hội Nhật Bản sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, quan điểm cho rằng đây là cách sống mang đậm màu sắc phong kiến, không phù hợp với tư tưởng của chủ nghĩa dân chủ, cũng lên ngôi và chiếm vị trí chủ đạo trong xã hội. Trong cách sống này của các “Samurai”, người ta cũng nhìn thấy cả một thế giới quan mà bối cảnh sau nó là xã hội phân chia giai cấp, cùng quan điểm giá trị tiền cận đại, coi thường giới công thương. Cũng có thể lý luận rằng, trong đó có cảm quan về giá trị luân lý của một con người, song quả thực, cách sống này quá bảo thủ. Với một cách nhìn nhận khác, có thể nói, cách sống theo kiểu “Samurai” được coi như kiểu sống với nền móng là những quy định đối với võ sĩ được đề ra trong “Luật nhà võ” thời kì Kamakura như tôi đã đề cập, và được tô điểm thêm bởi những giá trị quan về luân lý của Khổng giáo, hay thế giới quan theo triết học của Khổng tử, đã được thuần hoá và thanh lọc. Quả thật, cũng có thể nghĩ rằng, nên tiếp tục duy trì lối sống “Samurai” như thế này trong phim ảnh hay các trò chơi điện tử.

Tìm hiểu về văn hoá Nhật Bản

Đến đây, tôi xin chuyển chủ đề sang một nội dung khác, tôi muốn đề cập đến vấn đề văn hoá. Đây sẽ là phần hai trong nội dung buổi nói chuyện của tôi ngày hôm nay. Nói đến văn hoá Nhật Bản, các bạn nghĩ ngay đến điều gì? Phải chăng là các đền chùa, Phật các cổ xưa hay nghệ thuật cắm hoa, nghệ thuật trà đạo truyền thống của Nhật Bản? Hay các bạn hình dung ngay về truyện tranh, phim hoạt hình, thời trang dễ thương hoặc văn hoá Pop Culture hiện đại với tên gọi J-Pops? Hay phải chăng các bạn nghĩ ngay đến màn múa tập thể Yosakoi và điệu hò Hanagasa được diễn tại “Lễ hội hoa Anh đào” tổ chức ở Hà Nội, những “Văn hoá lễ hội” pha trộn giữa truyền thống và hiện đại?

Tôi nghĩ rằng, dù các bạn có hình dung ra bất cứ điều gì, đó cũng vẫn là văn hoá của Nhật Bản, là hình ảnh Nhật Bản đang bước đi, đang phát triển mỗi ngày. Tất nhiên, tôi là một nhà ngoại giao, không phải một chuyên gia về văn hoá, vì vậy, tôi không có ý định nói sâu về “Lý luận văn hoá Nhật Bản” một cách to tát, mà có muốn tôi cũng không thể nói được. Do đó, ở đây, tôi chỉ muốn nêu lên một vài ý kiến cá nhân của mình về ý thức đối với cái đẹp của người Nhật cũng như những đặc trưng mang tính hình thái, là nền tảng trụ cột của văn hoá Nhật Bản.

Trước tiên, tôi sẽ nói về ý thức đối với cái đẹp của người Nhật, hay nói cách khác là nói về việc “Người Nhật nhìn nhận cái đẹp ra sao”. Thưa các bạn sinh viên, các bạn đã từng nghe tới cụm từ “Wabi- sabi” chưa? “Wabi” là từ chỉ sự “mộc mạc”, còn “Sabi” lại mang ý nghĩa thể hiện sự tĩnh lặng, thanh tịnh. “Wabi- Sabi” là những từ luôn xuất hiện khi bàn về ý thức đối với cái đẹp của người Nhật. Nói chung, người Nhật không quen với những thứ loè loẹt, nhiều màu sắc, hay những việc ầm ĩ gây xôn xao, và họ cũng không thấy như thế là đẹp. Ngoài ra, những dạng thức mang tính hình học cũng không phù hợp với sở thích của người Nhật. Đối với người Nhật, vẻ đẹp mà họ cảm nhận được là vẻ đẹp ẩn chứa trong hình ảnh thiên nhiên tồn tại một cách ôn hoà trong thế giới không có quy luật. Mặt khác, có một điều mà có thể các bạn cảm thấy khó có thể hiểu được, đó là, đối với người Nhật “Gian” và “Vô” cũng là hai yếu tố hết sức quan trọng. Cảm giác về nhịp điệu trong cơ thể của người Nhật có những yếu tố thể hiện phản ứng chống lại sự lặp đi lặp lại những âm thanh cách quãng đều nhau, người Nhật thích sự cách quãng không đều một cách mơ hồ, một sự phá vỡ quy luật nhẹ nhàng êm ái. Ngoài ra, người Nhật cũng tìm thấy vẻ đẹp khi trái tim họ phản ứng trước sự tồn tại vừa phải, phù hợp của cái “Vô”, tức là một khoảng không gian không có bất cứ một thực thể nào, thay vì một không gian bị lấp đầy kín. Những khu vườn của Nhật chính là một ví dụ minh hoạ sinh động, nếu các bạn so sánh vườn của Nhật với những khu vườn của Pháp như các bạn đã biết, sẽ thấy ngay sự khác biệt này. Thật ra, tôi muốn sử dụng slide trình chiếu để giải thích cụ thể về điều này, như vậy sẽ dễ hiểu hơn rất nhiều, song đáng tiếc là ngày hôm nay không có các thiết bị cần thiết và chúng tôi cũng chưa chuẩn bị được những dẫn chứng có thể đưa ra như những ví dụ cụ thể cho các bạn. Trước hết, ngày hôm nay, tôi muốn các bạn hãy ghi nhớ từ “Wabi- Sabi” và hai yếu tố “Gian” và “Vô” trong văn hoá Nhật.

Tôi nghĩ rằng, có khá nhiều khác biệt trong ý thức về cái đẹp của người Nhật và người Việt. Tôi cũng thực sự cảm nhận được sâu sắc điều này khi đến thăm chùa chiền ở khắp các nơi trên đất nước Việt Nam. Chùa ở Việt Nam khá nhiều màu sắc, tượng Phật cũng sáng lấp lánh đầy màu sắc thần thánh. Phải chăng các bạn cảm thấy như vậy sẽ tốt hơn đúng không ạ? Đối với người Nhật, chùa chiền phải là nơi thanh tịnh được bao quanh bởi rừng cây, nhà chùa cũng phải có vóc dáng cổ xưa, giữ nguyên hiện trạng từ hồi được dựng nên từ những cây gỗ lâu năm, người Nhật cũng thấy tượng Phật chỉ nên có hai màu đen trắng, không có màu sắc gì khác sẽ phù hợp hơn. Đôi khi, cũng có những bức tượng Phật lấp lánh màu vàng song tôi nghĩ nó không hợp với sở thích của nhiều người Nhật.

Ngoài
ra, nếu nói về âm hưởng, có thể thấy rằng, có vẻ như người Việt Nam thích những nơi có âm thanh lớn hơn là những nơi yên tĩnh vắng vẻ. Người Nhật, khi đi thăm các cơ sở của Việt Nam, hầu hết đều cảm nhận được không khí tương đối náo nhiệt ở những nơi mà họ đến. Tôi cũng từng tham dự rất nhiều sự kiện kể từ khi đến Việt Nam, và thấy rằng, trước khi khai mạc buổi lễ, thường có màn biểu diễn nhạc cụ hay trình diễn ca nhạc kéo dài khoảng 20-30 phút cho đến khi các vị khách ổn định chỗ ngồi. Tôi nghĩ rằng, rất nhiều người Nhật cảm thấy có gì đó hơi lạ với họ khi tiếp xúc với văn hoá này. Ở Nhật, việc chờ đợi lễ khai mạc một cách nhẹ nhàng, yên tĩnh là điều bình thường. Tôi nghĩ đây không phải là vấn đề nền văn hoá nào hay hơn, tốt hơn, mà chỉ là sự khác biệt về cảm giác, là vấn đề về tập quán thói quen.

Tiếp theo, tạm dừng nội dung về quan điểm đối với cái đẹp, tôi xin tiếp tục nói về những đặc trưng mang tính hình thái của văn hoá Nhật Bản. Ở đây, từ khoá mà tôi muốn nhấn mạnh là từ “Sự hoà trộn”. Khoảng 1500 năm trở về trước, khi đạo Phật lần đầu tiên du nhập vào Nhật Bản, người Nhật lúc bấy giờ đã điều hoà để đạo Phật có thể cùng song song tồn tại với đạo Shinto, vốn là tôn giáo cổ xưa của Nhật Bản. Đây có thể coi là sự “Hoà trộn giữa hai tôn giáo Thần giáo và Phật giáo”, và phải nói rằng, người Nhật đã tiếp thu những cái hay của cả hai tôn giáo, biến thể chúng và làm nên một “bản thể hoà trộn” mới. Người Nhật không giỏi trong việc sáng tạo ra những thứ hoàn toàn mới từ xuất phát điểm là con số 0, song lại rất giỏi trong việc tìm ra những điểm ưu việt khi bắt gặp một cái gì đó mới mẻ, và kết hợp nó với những cái đã có để tạo ra một thực thể mới mang cá tính riêng. 140 năm trước, khi thời kì “Samurai-Võ sĩ đạo” khép lại và người Nhật cố gắng xây dựng một quốc gia hiện đại, Nhật Bản đã đưa vào sử dụng rất nhiều những công nghệ sản xuất mới từ nước ngoài, song ngay cả tại thời điểm đó, người Nhật cũng không sử dụng nguyên những kĩ thuật đưa vào, mà thường biến đổi, cải tạo các công nghệ sao cho phù hợp với điều kiện của Nhật Bản. Điều này có nghĩa là, những công nghệ được phát triển tại Âu Mỹ, khi vào Nhật, đã đươc gia công thêm, và ở một khía cạnh nào đó, “đã trở thành những sản phẩm tốt hơn”. Những điều tương tự như vậy cũng diễn ra trong thế giới của văn hoá, từ xa xưa, văn hoá du nhập từ Trung Quốc, Bán đảo Triều Tiên hay Âu Mỹ đã được biến đổi cho phù hợp với cuộc sống tinh thần của người Nhật cũng như ý thức về cái đẹp mang tính Nhật Bản, để rồi, sau nhiều năm tháng, những nền văn hoá đó đã dần dần được “thẩm thấu”. Kịch “No” hay “Kabuki”, hai môn nghệ thuật sân khấu cổ điển của Nhật Bản chính là ví dụ sinh động minh chứng cho điều này.

Tôi nghĩ rằng nền văn hoá Pop Culture đang ở giai đoạn đỉnh cao thịnh vượng tại Nhật Bản hiện nay, cũng có thể nói, mang đặc điểm giống như vậy. Ở Nhật Bản, người ta gọi chung đây là “Nền văn hoá của giới trẻ”, song có thể thấy rõ sự pha trộn hết sức tuyệt vời giữa phong cách Tây Âu và Nhật Bản trong các lĩnh vực âm nhạc, thời trang, phim hoạt hình hay truyện tranh. Về truyện tranh, trong văn hoá Nhật có tồn tại loại “Tranh biếm hoạ (Giga) ” và “Sách có tranh vẽ (Soushi)”, là tranh vẽ có phần chữ thuyết minh, một loại hình văn hoá có từ xa xưa của Nhật Bản (Tranh vui nhộn), và vì vậy, Nhật bản cũng có nền văn hoá riêng tương ứng, song kể từ sau đại chiến thế giới lần thứ 2, truyện tranh vốn cực kì hưng thịnh ở Nhật Bản đã kết hợp với những yếu tố du nhập từ Âu Mỹ, và làm thành một nền “Văn hoá hoà trộn”. Tuy nhiên, cùng với cảm nhận tinh tế của người Nhật, nền văn hoá truyện tranh này đã phát triển nhanh và theo một phong cách riêng biệt, vì vậy, những ảnh hưởng pha trộn từ văn hoá Âu Mỹ đã dần biến mất, hơn thế kể từ năm 1990, “Truyện tranh Manga của Nhật Bản” đã được phổ biến rộng rãi trên khắp thế giới, và gây nên ảnh hưởng lớn lao đến nền văn hoá của các nước Âu Mỹ. Tôi nghĩ phim hoạt hình và các phần mềm trò chơi cũng có chung đặc điểm phát triển như vậy. Tất nhiên, trong nền văn hoá của Nhật Bản, không ít những yếu tố phát triển một cách độc lập, riêng biệt mà không chịu bất cứ ảnh hưởng nào của ngoại quốc. Tiêu biểu cho những yếu tố văn hoá đó là loại tranh khắc hết sức độc đáo của Nhật Bản - Tranh Phù Thế, hết sức hưng thịnh vào cuối thời kì Samurai-Võ sĩ đạo, tức là vào khoảng 150-200 năm trước đây. Phần lớn các tranh phù thế đều là tranh điêu khắc những hoạ tiết phong cảnh hay con người, song phương pháp miêu tả độc đáo, làm nổi bật lên cảm quan 3 chiều của không gian mà không cần đến phương pháp xa gần, là điều thu hút sự chú ý của người Pháp vào nửa cuối thể kỉ 19, và cũng có thể coi là một nguồn động lực giúp tạo ra loại tranh theo trường phái mới, “Trường phái ấn tượng” ở Châu Âu. Tuy nhiên, những trường hợp như thế này quả thực chỉ là ngoại lệ, hầu hết văn hoá Nhật Bản, theo tôi đều là “Văn hoá pha trộn” đạt đến mức đỉnh điểm.

Các bạn sinh viên thân mến, cho đến thời điểm này, trong bài nói chuyện của mình, tôi vẫn chưa cố ý đề cập đến “Văn hoá tinh thần” của Nhật Bản. Có thể nói, đây là một chủ đề lớn mà tôi không thể giải thích hết được trong một bài diễn thuyết kéo dài một tiếng đồng hồ, và bản thân tôi cũng không có khả năng thuyết trình về vấn đề này. Tuy nhiên, vẫn còn chút thời gian, vì vậy, tôi muốn nói thêm một chi tiết nữa về võ sĩ đạo “Samurai” - nội dung ban nãy đã trình bày. Trong người Nhật, có tồn tại một nền văn hoá tinh thần, hay là giá trị quan mưu cầu mọi thứ ở mức tuyệt đối tốt, ở mức hoàn hảo nhất kể cả trong cách sống, cách sản xuất, tạo ra đồ vật hay trong lĩnh vực văn hoá. Những người Nhật như vậy được tôn vinh là “Danh nhân” và được người người kính trọng. Nhật Bản thế kỉ 17 có một võ sĩ đạo tên là Miyamoto Musashi, nhân vật này tìm kiếm sự hoàn hảo trong thực tiễn và lý luận vềkiếm thuật, ông cũng để lại rất nhiều huyền thoại trong lịch sử. Cuộc sống cấm kị những dục vọng đó hợp với phong cách của người Nhật, chính vì vậy, nhân vật này nổi tiếng đến mức không có người Nhật nào không biết đến tên tuổi của ông - Miyamoto Musashi - sau khi ông trở thành nhân vật chính trong tiểu thuyết và bộ phim rất nổi tiếng vào thế kỉ thứ 20. Gần đây, có một số ấn phẩm được xuất bản, giới thiệu về Miyamoto Musashi tại Brazil - đất nước ở vùng Nam Mỹ, và nghe nói, đã trở thành cuốn sách bán chạy nhất (Best-seller). Như vậy, có thể thấy rằng, cách sống của nhân vật này không chỉ phù hợp với phong cách của người Nhật, mà có lẽ còn mang một tính phổ biến toàn cầu nào đó tồn tại trong thế giới ở cả thế kỉ 21 này. Thật ra, tôi rất mong rằng có thể giới thiệu chương trình tài liệu mang tên “Dự án X” tại Việt Nam. Chương trình này do đài truyền hình NHK Nhật Bản phát sóng. Chương trình này có tính truyện, kể về những nhân vật đã tham gia vào quá trình thực hiện một dự án lớn, góp phần phát triển những công nghệ mới tại Nhật Bản vào nửa sau thế kỉ 20, và tôi mong rằng, chương trình có thể khiến người xem xúc động trước hình ảnh những con người đã đối mặt với vô vàn khó khăn để thực hiện được sự nghiệp lớn cho đất nước. Hình ảnh những con người nỗ lực không ngừng từng ngày hướng tới sự hoàn hảo, như là sự tái hiện hình ảnh Miyamoto Musashi thời hiện đại vậy. Chính hình ảnh những người võ sĩ Samurai này, luôn sống trong trái tim của phần lớn nam nhi Nhật Bản, có thể nói, là ví dụ điển hình rõ nét nhất thể hiện văn hoá tinh thần của người Nhật. Vì vậy, rất mong các bạn tìm hiểu về vấn đề này.

Lời kết

Đã gần đến phần kết trong bài nói chuyện của tôi ngày hôm nay. Hôm nay, tôi rất muốn so sánh hơn nữa người Nhật Bản và Việt Nam từ góc độ lịch sử và văn hoá, song rất tiếc là năng lực và hiểu biết của tôi còn hạn chế, chính vì vậy mà bài nói chuyện của tôi toàn về Nhật Bản và người Nhật. Việt Nam cũng có một nền văn hoá rất tuyệt vời, cũng sinh ra nhiều anh hùng lớn. Theo những nhà chuyên môn của Nhật Bản, có rất nhiều điểm tương đồng giữa văn hoá Nhật-Việt. Cả hai nước đều tiếp thu Phật giáo và Khổng giáo từ Trung Quốc, cùng chịu ảnh hưởng của tư tưởng Lão Trang, thói quen sinh hoạt lấy gạo là thực phẩm chính, dùng đũa khi ăn cũng hoàn toàn giống nhau. Hơn thế, đặc điểm ngoại hình bên ngoài như khuôn mặt cũng có nhiều điểm tương đồng, thậm chí có nhiều người mà nhìn bên ngoài không thể phân biệt được là người Nhật hay người Việt Nam. Với ý nghĩa đó, tôi có ấn tượng là Nhật Bản và Việt Nam là hai dân tộc đồng chí có nhiều điểm tương đồng về mọi mặt.

Tuy nhiên, thế giới nội tâm như giá trị quan và văn hoá tinh thần của người Việt và người Nhật liệu có giống nhau không? Ban nãy, tôi đã trình bày về những điểm khác nhau về hình ảnh chùa chiền và cách phản ứng của người Nhật với người Việt trước âm thanh. Trong lĩnh vực hội hoạ, cũng có thể thấy rõ được sự khác nhau về sở thích và phong cách của người dân hai nước. Người Nhật không thích tranh vẽ sặc sỡ, sử dụng nhiều màu sắc, còn người Việt Nam thì không hẳn như vậy, đúng không các bạn. Những bức tranh bán ở các cửa hàng nằm ở khu phố cổ Hà Nội khác nhiều so với phong cách của người Nhật về cả cấu trúc tranh cũng như màu sắc sử dụng trong tranh. Ngoài ra, trong mối quan hệ giữa con người với con người, người Nhật cũng coi trọng Đức tính khiêm tốn, và ưu tiên để sao cho có “sự hoà hợp giữa người với người”, trong khi đó, tôi thấy rằng người Việt Nam rất rõ ràng trong việc khẳng định quan điểm của bản thân, và dường như ưu tiên việc thực hiện, thực thi những quan điểm, dự định của bản thân mình. Ở Nhật, vào đầu thế kỉ thứ 7, những nhà lãnh đạo chính trị thời bấy giờ đã quy định “Không gì quý hơn hoà khí” trong điều 1, Hiến pháp được thảo ra, có nghĩa là, tư tưởng coi trọng sự ôn hoà trong tập thể, tổ chức hơn lợi ích cá nhân được đặt lên trên hết ở đất nước đảo quốc Nhật Bản.

Vậy, hình tượng nhân vật được yêu mến thì như thế nào? Về điểm này, tôi rất muốn hiểu thêm về nhân cách và lối sống của nguyên chủ tịch nước Hồ Chí Minh, vị anh hùng mà người Việt Nam luôn yêu mến,
kính trọng. Trong số các nhân vật lịch sử Nhật Bản, tôi không thấy có ai giống với hình tượng chủ tịch Hồ Chí Minh, nên rất khó so sánh, song tôi nghĩ rằng cũng có rất nhiều người Nhật kính trọng cụ Hồ Chí Minh, một con người sống liêm khiết, yêu đất nước yêu nhân dân, một lòng vì độc lập của nước nhà. Nói đến chủ tịch Hồ Chí Minh, hình ảnh cụ mỉm cười hiền, vây quanh là các cháu thiếu nhi, với thân hình mảnh khảnh, chòm râu dài những năm sau này khi cụ đến tuổi xế chiều, đăc biệt gây ấn tượng sâu sắc đối với tôi, và tôi đã nghĩ rằng phải chăng chính sự hoạt động tích cực của cụ thời trẻ như một nhà chiến lược tài ba hay một nhà chỉ huy quân sự là đặc điểm chính làm nên người lãnh đạo này. Theo những gì tôi được biết, chưa có một nhân vật hoạt động quốc tế trong bối cảnh lịch sử tương tự như vậy ở Nhật Bản, vì vậy, tôi cũng khó có thể so sánh được hai quốc gia về giá trị quan và văn hoá tinh thần, lấy nền tảng là những hình tượng nhân vật được yêu mến.

Cuối cùng, tôi nghĩ rằng nghiên cứu về Việt Nam của người Nhật và nghiên cứu về Nhật Bản của người Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn khởi đầu, những thành quả nghiên cứu chính thức vẫn chưa có. Đặc biệt, về mảng nghiên cứu so sánh văn hoá và giá trị quan của hai nước, tôi được biết là vẫn chưa có thành quả nghiên cứu mang tính học thuật nào. Hầu hết những hiểu biết về hai quốc gia chỉ được ghi chép lại dưới dạng nhật kí du lịch hay các ghi chép về những trải nghiệm trong cuộc sống, mới chỉ giới hạn ở mức “Bình phẩm”. Trường Đại học Ngoại Ngữ-Đại học Quốc gia Hà Nội, trong tương lai, sẽ bắt đầu tiến hành giảng dạy ở trình độ cao học về ngôn ngữ và văn hoá Nhật Bản, vì vậy, tôi rất mong muốn sẽ có thêm nhiều thành quả tốt đẹp hơn nữa trong lĩnh vực nghiên cứu đối chiếu so sánh Nhật-Việt. Đối với lĩnh vực nghiên cứu mang tính học thuật này, dù thế nào cũng không thể thiếu được kiến thức và hiểu biết sâu rộng về ngôn ngữ của cả hai quốc gia, nhưng trường đại học ngoại ngữ-Đại học Quốc gia Hà Nội có thành tích rất cao trong việc giảng dạy ngôn ngữ, chính vì vậy, tôi thực sự mong rằng, Trường có thể lấy đó làm nền tảng để tạo đà mạnh mẽ cho sự phát triển của lĩnh vực nghiên cứu đối chiếu-so sánh.

Xin chân thành cảm ơn các bạn đã chú ý lắng nghe.

Mitsuo Sakaba

TS Ngô Minh Thủy dịch từ tiếng Nhật

Nguồn: http://ici.edu.vn/