Di chỉ Vĩnh Yên (Khánh Hoà) và Vườn Chuối (Hà Nội)

Cập nhật: Đông Tỉnh

Di chỉ làng cổ Vĩnh Yên

Di chỉ làng cổ Vĩnh Yên (xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, Khánh Hoà) được Viện Khảo cổ học và Bảo tàng tỉnh Khánh Hoà phát hiện, khảo sát và khai quật lần thứ nhất vào năm 2006. Trong lần khai quật tiếp theo từ tháng 7 đến 12-2009, các nhà khảo cổ học đã tập trung vào khoảng 2.000m2 trong tổng thể 10.000m2, với 34 hố khai quật (mỗi hố rộng 50m2) và phát hiện hàng ngàn hiện vật.

Khai quật khảo cổ tại thôn Vĩnh Yên, tỉnh Khánh Hoà. Ảnh: Nam Cường

Trong đó, ngoài 2.000 hiện vật đồ đá bao gồm công cụ lao động: bàn mài, hòn ghè, hòn đập, hòn kê, rìu đá... còn có 24 hiện vật kim loại như lục lạc đồng, đinh sắt, tiền đồng…, 190 hiện vật gốm như bát bồng, bình, nồi, vò… và trên 10 tấn gốm các loại. Đặc biệt đã phát hiện ở đây hình linga được làm bằng đá thạch anh, khuôn đúc đồ đồng, sắt và một số vòng, khuyên tai bằng đá...

Tại di chỉ cũng đã khai quật được 6 mộ nồi vò và 17 huyệt đất. Nghiên cứu ban đầu xác định cư dân cổ Vĩnh Yên đã sinh sống cách đây từ 2500 – 2000 năm, thuộc hậu kỳ đá mới, sơ kỳ đồng thau... vì ở đây đã xuất hiện nghề thủ công chế tác đồ đá, đúc kim loại và làm đồ gốm.

Di chỉ Vĩnh Yên có sưu tập di tích, di vật khá tương đồng với những di tích, di vật đã được khai quật nghiên cứu ở các di chỉ thuộc văn hoá Xóm Cồn (Xóm Cồn, Văn Tứ Đông, Bình Ba, Bích Đầm…) đồng thời cũng xuất hiện những yếu tố văn hoá đã thấy ở Hoà Diêm. Các nhà nghiên cứu nhận định, rất có thể Vĩnh Yên chính là cầu nối của tuyến phát triển từ văn hoá Xóm Cồn đến Hoà Diêm. Ngoài ra, người cổ Vĩnh Yên không chỉ sống khép kín ở vùng bán đảo cực Đông của Tổ quốc mà đã có mối giao lưu văn hoá, kỹ thuật với các văn hoá vùng hạ lưu sông Mekong, sông Đồng Nai, với các văn hoá vùng Phú Yên, Quảng Ngãi, Bình Định.

V.H. (SGGP)

Di chỉ thôn Lai Xá

Sáng 29/12, có mặt tại gò Vườn Chuối (thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội), PV Báo CAND được PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung - Chủ nhiệm Bộ môn Khảo cổ học Khoa Lịch sử - Đại học KH-XH&NV (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: Sau hai tuần tiến hành khai quật hai hố với diện tích 60m2 tại di chỉ gò Vườn Chuối, kết quả thu được rất khả quan.

Rìu đồng, dao găm đồng và rìu đá thu được trong lòng đất gò Vườn Chuối

Hai tầng văn hoá ở đây là thời đại đồ đồng (văn hoá Đồng Đậu) và văn hoá Đông Sơn. Tầng văn hoá Đồng Đậu còn khá nguyên vẹn với nhiều vật dụng phong phú như rìu đá, trang sức bằng đá, chày bằng đá, vòng đeo tay, khuyên tai bằng các loại đá cứng như đá ngọc, đá đen; một số loại bình gốm, nồi, bát, dọi xe chỉ...

Một số nồi gốm còn nguyên vết muội bám, củi gỗ đang cháy dở còn cả than, cùng một số hố bếp hình lòng chảo... chứng tỏ đây từng là nơi cư trú của cư dân cổ cách đây hơn 3000 năm trước.

Theo PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung, những đồ trang sức bằng đá tại di chỉ này có hoa văn khá đẹp không kém gì đồ trang sức của văn hoá Phùng Nguyên. Về đồ đồng, không có nhiều như đồ gốm, song cũng thu được một số mũi tên đồng, mũi nhọn bằng đồng, nhiều sỉ đồng, một lò đúc đồng cùng các khuôn đúc đồng. Ngoài ra, còn thu được một số hạt gạo cháy, xương động vật...

Hai mộ cổ có niên đại hơn 2.000 năm vừa được phát hiện tại di chỉ gò Vườn Chuối

Đáng chú ý, ở hố khai quật thứ hai, cách bề mặt gò khoảng 30-40cm, đã phát hiện 2 mộ cổ thời kì văn hoá Đông Sơn (cách nay khoảng hơn 2000 năm). Trong đó, 1 mộ hung táng và 1 mộ cải táng.

Mộ hung táng là cốt một người có răng đen, gần như đã hoá hết; đồ tùy táng gồm rìu lưỡi xéo bằng đồng, mũi tên đồng và 1 nồi gốm đặt ở phía dưới chân người. Mộ cải táng, cốt được xếp lại vào một quách gỗ, còn khá nguyên vẹn, sẽ được đưa về lưu giữ để các chuyên gia nhân chủng học nghiên cứu nhằm xác định độ tuổi, giới tính, chủng tộc...

Vui mừng trước kết quả đợt khảo sát, song PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung tỏ ra rất băn khoăn: "Di chỉ gò Vườn Chuối nằm trọn trong dự án khu đô thị Kim Chung của TP Hà Nội. Chúng tôi đã liên hệ với Bảo tàng Hà Nội đề nghị báo cáo thành phố bảo vệ di tích này theo quy định của Luật Di sản văn hoá. Tuy nhiên, cho đến nay chúng tôi chưa nhận được bất cứ hồi âm nào. Trong khi đó, Ban quản lí dự án Khu đô thị Kim Chung ngày 28/12 đã lập đàn cầu siêu để di dời những ngôi mộ quanh khu vực gò Vườn Chuối vào khu nghĩa trang mới, để tiến hành giải phóng mặt bằng. Nếu TP Hà Nội không có biện pháp kịp thời, rất có thể di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối sẽ bị xoá sổ hoàn toàn"

D.H. (CAND)