Rễ bèo chân sóng (kỳ 1)

Sinh thời, dường như lúc nào nhà văn Vũ Bão (1931-2006) cũng tìm ra chuyện để cười. Ông dí dỏm trong tiểu thuyết Sắp cưới, Thời gian không đợi, Gọi ai lần cuối. Ông cười sảng khoái và cả chua chát trong truyện ngắn Người vãi linh hồn, Người chưa có chiến công, Người không có tên trong từ điển, Phó tiến sĩ không hữu nghị... Ông trào phúng sắc bén trong những thiên phóng sự và hóm hỉnh trong những kịch bản phim Phút thứ 89, Những ngôi sao nhỏ... Trong cuốn hồi ký này, bạn đọc lại thấy Vũ Bão hội đủ tính hài hước của mình trong một văn phong trào phúng, cười đấy mà cũng xót thương đấy, khi ông viết về đời mình, về bạn bè, về đồng nghiệp và cả cái thời thế mà nhà văn đã trải nghiệm.

Hồi ấy, chúng tôi thường gọi thị xã Phủ Lý là thị xã bái vọng. Ngày xưa nhà vua đi tuần du các trấn, các lộ, các thị xã hai bên đường phải bày hương án, các chức sắc trong làng phải chầu chực từ sáng sớm, chờ các chú lính khiêng kiệu vua đi qua, mới vái rạp xuống. Tuy kiệu đã có rèm che, chẳng ai nhìn thấy mặt vua nhưng các chức dịch cùng dân hai bên đường cứ phải úp mặt xuống đất cho đến khi kiệu vua đi đã xa mới dám ngẩng mặt lên. Cái trò rắc rối đó gọi là bái vọng.

Hà Nam là một tỉnh đồng chiêm, mỗi năm chỉ cấy được một vụ ăn chắc. Cả tỉnh lúc ấy mới có một nhà máy điện chạy bằng máy điêden hoạt động từ sáu giờ sáng đến mười một giờ đêm nên xe của các Bộ chỉ chạy vù qua Phủ Lý xuống thành phố Dệt Nam Định, rẽ sang vựa lúa Thái Bình. Anh em chúng tôi vẫn thường kể chuyện tiếu lâm về đoạn đường 21 chạy qua đất Hà Nam: tỉnh Hà Nam không có kinh phí sửa đường nên đoạn đường ấy lắm ổ gà. Người ta gọi những ổ to tướng nằm trên lòng đường là ổ trâu. Tỉnh Hà Nam kêu gọi tỉnh Thái Bình và tỉnh Nam Định góp tiền cùng sửa đoạn đường ấy vì xe ô tô của trung ương, xe chở vật tư, các mặt hàng bách hoá về Nam Định, Thái Bình nhất định phải đi trên đoạn đường 21 ấy. Tỉnh Nam Định và tỉnh Thái Bình cứ gân cổ cãi: “Đoạn đường 21 ấy bị hỏng là do du kích Hà Nam đánh mìn phá xe vận tải quân sự của giặc Pháp. Lĩnh huân chương Chiến Công rồi, bây giờ tỉnh Hà Nam phải bỏ tiền ra lấp những hố mìn ấy đi”. Nói vui trong những lúc chờ cơm đấy thôi chứ thật ra lúc ấy vừa kết thúc chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp, nước ta đã nghèo lại phải thắt lưng buộc bụng dồn tiền lưng, gạo bị đi hàn gắn những vết thương chiến tranh và xây dựng cơ sở ban đầu cho sự nghiệp phát triển kinh tế sau này.

Trong lúc vui chuyện, chúng tôi thường nói thị xã Phủ Lý được xây dựng theo hình mẫu kiến trúc chống chiến tranh nguyên tử: một dãy phố chạy dài theo đường số 1 và một dãy phố vươn theo đê Sông Châu cùng ôm trọn trong lòng một kilômét vuông nhà cấp bốn. Một thị xã phát triển theo chiều dọc, nói dại nói dột, kẻ thù có đánh bằng bom nguyên tử, thị xã Phủ Lý chỉ bị thiệt hại không đáng kể chứ không như hai thành phố Hirôsima và Nagasaki của Nhật, có chiều ngang và chiều dọc gần bằng nhau. Cả thị xã chỉ có mười ngôi nhà gạch: trụ sở Tỉnh ủy, trụ sở Ủy ban Nhân dân, trụ sở Ty Công an, trụ sở Tỉnh đội, trụ sở Ngân hàng, trụ sở Ty Tài chính… còn các cơ quan dân chính lúc ấy vẫn làm việc trong những dãy nhà tranh tre nứa lá.

Tuy be bé, xinh xinh như vậy, thị xã Phủ Lý cũng có một rạp chiếu bóng, một thư viện, một nhà hát nhân dân kiêm nhiệm bãi chiếu bóng ngoài trời, năm nay diễn Vương Quý và Lý Hương Hương đến sang năm lại diễn Lý Hương Hương và Vương Quý. Năm thì mười hoạ, Ty Văn hoá mới mời đoàn ca nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam về trình diễn một tối. Đêm đó thị xã Phủ Lý tưng bừng trong ngày hội: hàng nghìn người đổ về Nhà hát Nhân dân vừa nghe ca nhạc vừa xem mặt các ca sĩ mà bà con mới chỉ nghe tiếng hát qua làn sóng điện. Tỉnh đội tổng kết một năm xây dựng Lực lượng Vũ trang Nhân dân mới có dịp mờâi Đoàn văn công Tổng cục Chính trị về. Quốc doanh chiếu bóng Hà Nam lại ở cuối luồng phát hành nên phim chiếu ở Hà Nội, ba tháng sau mới về chiếu ở Phủ Lý. Vì thế mỗi lần đoàn phát động quần chúng kéo về tổng kết, nhờ toà soạn chúng tôi “chạy” lên Hà Nội, trổ tài ngoại giao, bà con ở thị xã Phủ Lý mới được thưởng thức đàn ngọt hát hay của Đoàn văn công Nhân dân Trung ương, Đoàn nghệ thuật Trung Quốc, và xem một loạt phim mới như Tam đả Bạch Cốt Tinh, Tình yêu là muối của cuộc đời, Tình ca Sibêri, Chúc phúc, Cầu thủ số 5, Cánh buồm đỏ thắm…

Đầu tiên do quan hệ rộng, chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ ngon lành trên cơ sở “hai bên cùng có lợi”: cơ quan có phim hay và các tiết mục hấp dẫn cho cán bộ xem, còn chúng tôi - một người một xe phóng vù về Hà Nội. Từ quen dần dần biến thành lệ, mỗi kỳ tổng kết, toà soạn báo “phát động quần chúng” biến thành cơ quan chuyên trị “cờ, đèn, kèn, trống”, lo việc chăm sóc phần hồn cho các chiến sĩ trên mặt trận chống phong kiến. Thấy chúng tôi làm chạy công chạy việc, Đoàn ủy cho phép chúng tôi rút một số cây văn nghệ lên toà soạn như Trần Đắc sau này là giám đốc Xưởng phim truyện 2, Mai Cát sau này là phóng viên báo Tiền Phong… Chúng tôi cố tìm ra các trò lạ giúp anh chị em vui vẻ học tập: Trần Đắc hàng ngày đọc báo nước ngoài, sưu tầm được chuyện lạ trên thế giới lại lên hội trường kể cho anh chị em nghe. Còn tôi, với cái truyện cổ găm lại từ thời Pháp thuộc, được phân công kể Tam Quốc, Thủy Hử, Tây Du trên hội trường vào những phút thư giãn. Hồi đó chưa có nhà xuất bản nào dám in lại những pho sách quý giá đó nên những buổi kể chuyện Tam Quốc, Thủy Hử, Tây Du luôn luôn thu hút người nghe. Khốn khổ cho cái thân tôi, người nghe càng thích thú bao nhiêu thì đêm ấy tôi cứ phải rặn ra mà nhớ những trang sách tôi đọc ngấu nghiến thời còn đi học. Có hôm Đoàn ủy còn gợi ý cho tôi cố lái câu chuyện và phục vụ công tác giáo dục tư tưởng cho các chiến sĩ sắp tham gia trận Điện Biên Phủ chống phong kiến. Thí dụ khi anh chị em đang thảo luận bài “Giữ vững nếp sống lành mạnh của người cán bộ cách mạng” thì tôi kể chuyện Quan Công cầm đuốc thức suốt đêm canh cho Cam phu nhân và My phu nhân ngủ nơi quán vắng; trong lúc anh chị em đang học bài “Phải nghiên cứu chủ trương chính sách của Đảng trước khi giải quyết công việc”, tôi kể chuyện Quan Công nguyệt hạ chiếu binh thư tìm ra cách đắp đập cho nước sông dâng lên tràn vào doanh trại Bàng Đức. Khi anh em đang thảo luận bài “Chống bệnh chủ quan, mệnh lệnh với quần chúng”, tôi kể chuyện Quan Công dẫn quân sang đánh Đông Ngô, không chịu nghe lời của các tùy tướng, đã ngang nhiên phóng ngựa truy kích địch. Lã Mông giả vờ thua nhử dần Quan Công vào hẻm núi, nơi quân Đông Ngô phục kích. Kết quả Quan Công bị Lã Mông chém chết. Trương Phi thương anh quá, bắt phường thợ may trong một ngày phải may một vạn bộ áo tang để mặc trong lễ tang Quan Công. Nếu sau một ngày không có đủ một vạn bộ, Trương Phi sẽ giết hết phường thợ may. Biết tính nóng như lửa của Trương Phi thế nào cũng giết mình, phường thợ may bèn lẻn vào giết Trương Phi rồi bỏ trốn. Cần nhắc nhở anh chị em nhận rõ âm mưu dụ dỗ, mua chuộc cán bộ, tôi kể chuyện Tam đả Bạch Cốt Tinh trong Tây Du. Cần vạch rõ âm mưu giả nghèo giả khổ của giai cấp địa chủ, tôi kể chuyện Tôn Ngộ Không bị Nhị Lang Thần đuổi. Hết đường chạy, Tôn Ngộ Không phải hoá phép biến thành cái miếu: mồm biến thành cửa, hai chân hai tay biến thành bốn cái cột còn cái đuôi biến thành cây cau mọc sau miếu. Nhị Lang Thần tự dưng mất hút Tôn Ngộ Không, chợt nhìn thấy cái miếu, Nhị Lang Thần suy nghĩ, người ta chỉ trồng cây cau trước miếu, chứ có ai lại trồng cây cau sau miếu. Nhị Lang Thần bèn cầm kích chọc thẳng vào cửa miếu. Bị đâm vào miệng, đau quá, Tôn Ngộ Không phải rùng mình hiện nguyên hình rồi dùng phép đằng vân bay mất.

Cũng may, mỗi đợt tổng kết kéo dài hơn một nửa tháng nên cái kho Tam Quốc, Thủy Hử, Tây Du của tôi vẫn tiếp tục phục vụ chính trị được. Ngoài ra tôi còn cái kho dự trữ Đông Chu Liệt Quốc chưa dùng đến. Sáng nay đồng chí bí thư Đoàn ủy đã nói với tôi: Tình hình rất khẩn trương, các xã trong địa bàn đã chuẩn bị đón Đội về, chúng ta phải xuất quân sớm để kịp kết thúc trận Điện Biên Phủ chống phong kiến trước Kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ 7-5, nhưng một số cán bộ lại muốn về nghỉ phép ít ngày trước đã. Anh hay đọc sách cổ, anh cố sưu tầm xem có chuyện nào góp phần giải quyết tư tưởng cho anh chị em giống như những chuyện ngày trước anh vẫn kể trên hội trường. Tôi ngồi nghĩ mãi chưa tìm trong Tây Du Ký, Tam Quốc, Thủy Hử và cả Đông Chu Liệt Quốc nữa một câu chuyện nào dính dáng đến chuyện ngừng trận đánh để nghỉ ngơi. Bí quá, tôi đành bịa ra một câu chuyện đủ cả vua Tề, đủ cả hoàng thái hậu Chính Tâm, tể tướng Trực Ngôn, đại tướng thống lĩnh đem quân đi dẹp rợ Khiết Đan cứ như chuyện đã xảy ra thời Đông Chu vậy. Chuyện rằng: thám mã hỏa tốc phi ngựa về Tràng An báo tin quân Khiết Đan đang bí mật kéo quân đến biên thùy. Tể tướng Trực Ngôn tâu với vua Tề xin kéo quân lên biên khu đánh phủ đầu, không cho quân Khiết Đan tràn vào Sơn Nam Quan. Gần đến tết rồi các tướng lĩnh không muốn xuất quân, bèn vào tâu với hoàng thái hậu Chính Tâm. Vốn là người thương lính một chiều, hoàng thái hậu sang cung Đại Hoà bàn với vua Tề cứ cho quân lính ăn Tết cái đã, đến mùng bốn xuất quân cũng chưa muộn. Đằng nào quân Khiết Đan cũng phải nghỉ ngơi ăn Tết, ra Giêng chúng mới động binh, bên ta việc gì mà vội. Nhà vua vốn sợ mẹ bèn gọi tể tướng vào bàn. Tể tướng đến cung Đại Hoà đúng vào lúc vua Tề và thái tử Trúc Cương đang dạo chơi trong vườn cam. Tể tướng dâng một hộp đậu, xin thái tử ném vung vào các gốc cam rồi xin thái tử đi nhặt từng hột đậu về nhưng thái tử chỉ nhặt được có nửa hộp thôi. Tể tướng bèn tâu với vua Tề rằng: Nếu hoàng thượng để nguyên đậu trong hộp thì đâu vẫn yên đấy nhưng nếu hoàng thượng vung nắm đậu xuống vườn thì hạt rơi vào chân cỏ, hạt rơi xuống lỗ nẻ, làm sao hoàng thượng thâu về đủ một hộp đậu như trước nữa. Vua Tề lúc ấy mới chịu lời tể tướng là đúng bèn hạ lệnh cho tướng tiên phong sáng hôm sau tiến quân lên biên ải, vượt Sơn Nam Quan đánh thẳng vào doanh trại Khiết
Đan, khiến quân Khiết Đan phải cắm cổ cuộn cờ, khiêng trống tháo chạy.

Đang lúc tôi cố “bịa” chi tiết y như thật thì Đào Xuân Tôn gọi rất to ở ngoài hiên: Hệ ơi, sách của mày được in rồi! Tôi không tin vào tai mình nữa. Có thể Đào Xuân Tôn nói một câu gì đó nhưng đầu óc tôi đang bấn lên với câu chuyện Đông Chu rởm chiều nay phải kể ở hội trường nên tôi đã nghe lầm. Đến khi Đào Xuân Tôn bước hẳn vào trong phòng bảo tôi: sách của mày được in rồi. Tôi nhỏm ngay dậy quên đứt vua Tề, thái tử, hoàng thái hậu, tướng tiên phong, quân Khiết Đan mà hỏi luôn: tin ở đâu? Tôn cười: ởã hiệu sách nhân dân. Tôi cũng cười: chưa nhìn thấy bìa sách, tao chưa tin.

Đào Xuân Tôn đập nhè nhẹ bàn tay vào ngực: chính tao nhìn thấy quyển Làm giời bày trong tủ kính mà mày cũng không tin à. Tôi vặn luôn: tại sao mày không mua lấy một cuốn đem về? Tôn lắc đầu: hiệu sách quốc doanh mở cửa theo giờ hành chính như cơ quan nhà nước, chúng ta nghỉ, cô bán hàng cũng nghỉ. Tao đã xem lại giờ mở cửa “Từ 13 giờ 30 đến 17 giờ 00”. Tôi sốt ruột quá bèn hỏi tiếp: mày có nhìn thấy cái bìa sách như thế nào chưa? Tôn trả lời ngay: một cái khung hình chữ nhật nằm trên nền da cam sọc trắng. Hai chữ Vũ Bão đặt trên đầu, hàng thứ hai là hai chữ Làm giời in thật đậm, hàng thứ ba là dòng chữ Tập truyện ngắn, hàng cuối cùng là năm chữ Nhà xuất bản Văn Nghệ. Tôi vội khua chân tìm đôi dép lốp rồi kéo tay Đào Xuân Tôn ra cửa: thế thì đúng rồi. Tại sao họ in nhanh như thế nhỉ. Mình mới gửi bản thảo có mấy tháng thôi mà. Tôn cười: thế bây giờ mày đã chịu tao chưa?

Hai đứa kéo nhau ra Hiệu sách Nhân dân thị xã Phủ Lý. Cô bán sách đã khoá cửa chính về nhà ăn cơm nhưng không đóng cánh cửa lùa nên đứng bên ngoài, hai chúng tôi vẫn nhìn thấy những cuốn sách bày ngay ngắn trong tủ kính. Tôn khom lưng chọc đầu ngón tay trỏ vào mặt kính, hướng ngón tay về phía ngăn Sách Mới: Làm giời kia nhé. Đúng chưa?

Tôi khom người đưa mắt nhìn qua bốn hàng chữ:

Vũ Bão

Làm giời

Tập truyện ngắn

Văn Nghệ

Tên tác giả, tên tác phẩm thì đúng quá rồi, không còn lẫn với ai được nữa. Tôi nhìn đồng hồ mới 12 giờ 30, còn một tiếng đồng hồ nữa cô bán sách mới ra mở cửa. Nếu Đào Xuân Tôn không kéo tôi ra quán cá phê, tôi còn đứng đấy ngắm cái bìa cuốn sách của mình cho đến lúc cô hàng sách ra bán hàng.

13 giờ 30, tôi kéo Tôn ra hiệu sách.

Tôi xin mua toàn bộ Làm giời đang có ở hiệu sách. Cô bán hàng ngạc nhiên nhìn tôi như muốn hỏi: anh có hâm không đấy, rồi giải thích: sách phải đến tay người đọc, lần này phát hành trung ương gửi về Hà Nam có 50 quyển thôi, em phải bán cho 50 người nên một người không nên mua tranh phần người khác. Tôn cũng lý sự không kém phần sắc bén: thì chúng tôi cũng mua sách cho 50 người chứ cho một mình chúng tôi đâu. Cô bán hàng vẫn nhỏ nhẹ bảo: các anh định mua nhiều phải làm công văn dự trù, số sách này chúng em vào kế hoạch phân phối rồi. Cô vẫn kiên trì trước sau như một, còn Tôn vẫn nhai mãi luận điệu cũ rích. Cuối cùng Tôn phải trỏ vào ngực tôi: em ơi, bây giờ anh phải giới thiệu với em, anh Vũ Bão là người viết ra cuốn sách này. Bạn bè thì nhiều, anh Vũ Bão phải mua biếu mỗi người một cuốn chứ. Có lẽ từ ngày đi bán hàng đến giờ, lần đầu tiên cô mới gặp tình huống oái oăm này nên cứ ớ người ra một lúc rồi mới trả lời được: các anh chờ em vào thỉnh thị đồng chí cửa hàng trưởng cái đã. Tôn nói luôn: các anh sắp đến giờ lên hội trường rồi, em cũng phải bán cho các anh vài cuốn lấy may đã chứ.

Cô bán cho chúng tôi ba cuốn. Tôi rút ngay bút máy tặng Tôn, tặng cô Phong, nữ y tá ở phòng Y tế của Đoàn và tặng… tôi.

Về đến Đoàn, tôi phải lên ngay hội trường để kể chuyện “Đông Chu rởm”. Anh chị em thích chí cười nghiêng ngả. Tôi lủi vào trong phòng đặt ămpli đọc một hơi xong cuốn sách. Lần đầu tiên trong đời tôi được đọc những dòng chữ của chính mình từ trang viết nhảy vào trang in. Những dòng chữ hồn nhiên chuyển tải những suy nghĩ nông cạn về cuộc sống sôi động hôm nay được in chẳng qua là nhà xuất bản chiếu cố đến một người tập viết mới hăm tư tuổi đầu. Tôi không dám so cuốn sách dừng ở bậc cuối cùng này với bất cứ cuốn sách nào. Sách mỏng tang, chưa có gáy, tôi có thể cuộn lại nhét vào túi quần. Bạn bè tôi ở khắp nơi đọc xong những trang viết này sẽ phải tự hỏi: sao thằng Hệ không chờ cho cuốn sách dày dặn hơn một chút nữa rồi hãy đưa in có hơn không?

Vũ Bão