Bắc Triều và Lãnh Đạo Địa Phương

Xem mục lục ở sau Lời mở đầu Việt Nam khai quốc

Suốt các thời kỳ được nhắc đến trong chương 3 này, Trung Quốc đã đô hộ Việt Nam vừa không thường xuyên vừa không chính thức. Sự đô hộ ấy đến và đi như nước triều lên xuống vì dân chúng Giao Châu ở nơi biên cương xa xôi chỉ chực chờ nổi dậy tùy theo thế mạnh yếu của bắc triều. Ngay cả khi ở cực điểm của quyền lực, bắc triều cũng chẳng đạt được gì khác hơn là các thoả hiệp hay dung hoà có lợi cho cả đôi bên: bắc triều và thế lực địa phương ở Giao Châu. Cuộc kiểm tra dân số bất thành cùng với việc thất bại trong việc thu thuế ở Giao Châu của bắc triều sau khi nhà Hán sụp đổ đã là những bằng chứng cụ thể cho nhận định trên.

Nhắc lại từ lúc Tần Thủy Hoàng để ý đến miền Nam cho đến sau này, ngoài mục đích chiến lược liên quan đến an ninh biên giới, sự thèm khát chiếm đoạt những đồ xa xỉ quý hiếm đầy rẫy ở Giao Châu đã là động lực chính khiến Trung Quốc luôn dòm ngó Việt Nam. Như sử gia Tiết Tống và nhiều người khác đã viết, ở Giao Châu khó thu thuế, nhưng thuế không phải là lý do để quan tâm nhiều, mà chính là những đồ hàng quý giá và những kho báu sẵn sàng để vơ vét. Do đó chẳng ngạc nhiên khi ngày nay chúng ta biết rất ít về vấn đề thuế má mà bắc triều đã áp đặt lên Giao Châu ngoại trừ một chiếu chỉ duy nhất, ban hành năm 102, miễn ba loại thuế cho huyện Tượng Lâm trong hai năm liên tiếp sau cuộc nổi dậy bất thành ở đó. Chúng ta có thể giả định rằng ba sắc thuế mà huyện Tượng Lâm được miễn nộp ấy đã được thi hành ở khắp Giao Chỉ bộ vì huyện Tượng Lâm, nơi mà ít lâu sau đó nước Lâm Ấp ra đời, là tiền đồn xa nhất của nhà Hán về phương Nam vào lúc đó.

Loại thuế đầu tiên là “thuế hộ khẩu” thay thế cho thuế lao động được áp đặt ở những vùng biên giới nơi mà việc xây dựng các công trình phục vụ mục tiêu phòng thủ chiến lược của bắc triều. Những gia đình giầu có thay vì phải đi lao động thì có thể đóng tiền. Một loại thuế khác là “thuế cắt cỏ” nhằm phục vụ việc khai hoang những vùng đất mới để trồng trọt. Thuế thứ ba là “thuế nhà vườn.” Ngoài ba loại thuế trên không có thêm tài liệu nào nói về các loại thuế cắt cổ khác mà nhà Hán đã áp đặt lên Giao Châu khiến dẫn đến việc nổi loạn vào năm 184.

Nhà Hán suy yếu luôn đi đôi với việc không thể thực thi chính sách thuế má ở Giao Châu. Sĩ Nhiếp đã từng gửi hàng đống phẩm vật sang triều cống nhà Hán và nhà Ngô để thay cho việc phải nộp thuế cho bắc triều. Đối với Ngô triều thì, thay vì thu thuế, họ đã trắng trợn tịch thu các đồ quí hiếm, đòi dâng nộp 30 con công, và bắt trên một ngàn các thợ lành nghề đem về Nam Kinh làm lao động cưỡng bách. Hình thức bóc lột trắng trợn này là một trong những thái độ ngạo mạn của nhà Ngô đã tạo cơ hội cho nhà Tấn lên tiếm quyền sau này.

Khác với nhà Ngô, nhà Tấn can thiệp vào nội tình Giao Châu với chính sách thuế má có vẻ hợp lý hơn. Vào năm 271 nhà Tấn ra lệnh miễn “thuế y phục” ở Giao Châu trong vòng một năm nhưng thực ra việc này chỉ là bề ngoài vì lúc đó Tấn triều còn đang bận bịu ở phương bắc nên chưa bao giờ thực thi được việc thu thuế. Mục đích chính của sắc chỉ miễn thuế này chỉ là để Tấn triều chứng tỏ quyền uy cũng như làm yên lòng dân Giao Châu vì cách hành xử ngang ngược của nhà Ngô trước đó.

“Thuế y phục” rất đặc biệt ở chỗ là nó được áp đặt nhiều hay ít tùy theo đối tượng bị đánh thuế và ý muốn chủ quan của người thu thuế. Thuế này cũng còn tùy theo hành trình xa gần đến kinh đô Tấn và các trung tâm hành chánh địa phương nữa. Về phần các nhà nông sống ở vùng đất trũng ở Giao Châu thì bị bắt đóng thuế theo tỉ lệ “phân định biên giới” được ấn định bằng 1/3 tỉ lệ ở chính quốc. Lụa và bông vải thì phải đóng theo số lượng được ấn định cho mỗi hộ; hộ nào chỉ có đàn bà và trẻ em trai nhỏ thì chỉ phải đóng một nửa. Ngoài thuế này ra, lại còn có hai tỉ giá “thuế man di” dành cho những người ở các khu vực hẻo lánh xa xôi tính theo khoảng cách xa gần từ thủ phủ của Châu tính đi.

Không biết sau khi nhà Ngô đổ thì nhà Tấn có tiếp tục thu “thuế y phục” này không nhưng chính vì những thứ thuế thương mại cắt cổ được ghi trong sử liệu đã là nguyên nhân dẫn đến các cuộc bắc tiến của Lâm Ấp ở giữa thế kỷ 4. Những loại thuế má cắt cổ kể trên bắt nguồn từ lề thói tham ô hối lộ có hệ thống của các quan chức bắc triều nhằm mục đích kiểm soát những ngôi chợ quốc tế béo bở dọc bờ biển Việt Nam vì đó là nguồn quan trọng để họ vơ vét và làm giàu nhanh chóng.

Rất có thể đã có một chính sách thuế đất đặc biệt đối với Giao Châu nhưng không thấy ghi trong sử liệu. Theo nhà sử học Katakura Minoru, mặc dù đất đai lúc đó được phân chia và đánh thuế ở phương bắc có hệ thống, thuế đất đã không được áp dụng ở Giao Châu vì 3 lý do: một là các triều vua có trước nhà Đường, không đủ mạnh để thi hành các chính sách về đất đai ở Giao Châu theo kiểu của họ; hai là hệ thống đất đai của Trung Quốc được căn cứ trên quyền tư hữu và không thể áp dụng rập khuôn ở Giao Châu, nơi mà quyền sở hữu công còn mạnh; ba là, cách thức phân chia đất ở Giao Châu cũng khác phương bắc vì việc chia đất, theo truyền thống ở Việt Nam, vẫn căn cứ theo hình thức làng xã. Ông Katakura có thể đã quá nhấn mạnh đến tầm quan trọng của vấn đề sở hữu cộng đồng mà quên đi một điểm quan trọng khác là những bất động sản của các gia đình có thế lực ở địa phương Giao Châu cũng vượt ra ngoài khả năng thu thuế của bắc triều.

Trên lý thuyết, thuế được áp dụng theo ba loại tùy thuộc vào khoảng cách của vùng đất chịu nộp thuế đối với các trung tâm hành chánh. Theo ông Katakura, người Trung Quốc đánh thuế đất ở Giao Châu không theo một nguyên tắc hay luật lệ nhất định nào cả, mà chỉ là theo một sự tính toán khôn khéo để làm sao thu thuế được nhiều trong những trường hợp đặc biệt – nghĩa là tùy thuộc vào tình hình và thái độ phản ứng ở địa phương.

Chính sách của bắc triều và thực tế quyền bính ở Giao Châu luôn là một thách đố cho các triều đại Trung Quốc, nhất là khi những biến cố ở Giao Châu vượt ra ngoài tầm kiểm soát của các quan chức bắc triều. Nói cách khác, khoảng trống giữa lý thuyết và thực tế được lấp đi bằng số lượng “của cải” nhiều ít “tùy cơ ứng biến” lấy được ở các địa phương bướng bỉnh không thể Hán hoá được ấy. Luôn bực bội vì các quan hệ không thuận thảo với Giao Châu, các quan chức Tấn triều thấy cần phải đẻ ra ra một thứ luật mới để chứng tỏ quyền uy của họ cái gọi là luật “ân xá đặc biệt.”

Cụm từ “ân xá đặc biệt” này lần đầu tiên được dùng bởi các tướng và các quan chức Tấn khi họ đến Giao Châu vào năm 269. Trên lý thuyết, luật này có nghĩa là sự nới rộng luật pháp của bắc triều đến Giao Châu: mọi hành vi “ngang bướng” nếu lần đầu vi phạm thì được tha thứ; lần sau, phải sửa trị theo luật pháp bắc triều. Huỵch toẹt hơn, đó là việc Tấn triều chính thức công nhận giới cầm quyền địa phương để hòng đánh đổi cho việc chính thức hoá việc cai trị của họ ở Giao Châu.

Cuối thế kỷ 5 và đầu thế kỷ 6, các triều vua suy yếu Trung Quốc cứ đơn phương lôi ra áp dụng các “ân xá đặc biệt” này để công nhận các quyền lãnh đạo của các thế lực địa phương ở Giao Châu hòng giữ được quyền hành ngoài mặt mà bắc triều đã “tự phong” cho họ như: vua Nam Tề ban hành ân xá đặc biệt năm 479 để thừa nhận quyền kiểm soát Giao Châu của Lý Thục Hiên; vua Lương ban hành ân xá đặc biệt năm 505 để thừa nhận việc Lý Tắc chèn ép Lý Khai và năm 516 lại ân xá đặc biệt nữa để thừa nhận Lý Tắc đánh bại được sự thách đố của phe Lý Khai.

Những “ân xá đặc biệt” trên rõ ràng cho thấy là ngay cả trong lãnh vực pháp lý bắc triều cũng phải tìm cách tự điều chỉnh cho thích ứng với tình trạng đặc biệt của Giao Châu nơi mà chẳng tồn tại một nền hành chánh thường trực của Trung Quốc, cả về mặt lý huyết cũng như thực tế. Giao Châu ở dưới quyền hoàng triều Trung Quốc đã chẳng có một quy tắc pháp chế gì thì chớ, mà lại còn khiến họ phải có sự sửa đổi tùy theo từng thời kỳ nữa. Điều này được chứng minh từ năm 494 khi bắc triều đã phải sửa đổi quy chế pháp lý của chức Thứ Sử Giao Châu sang một chức vụ mang tính danh dự trong các chiếu chỉ bổ nhiệm của họ.

Sự bất lực trong quyền hành của bắc triều tại Giao Châu vừa là nguyên nhân vừa là hậu quả của sự lớn mạnh của các thế lực địa phương Giao Châu trên con đường tiến tới tự trị và độc lập. Là hậu duệ của các Lạc hầu xưa, những gia đình địa chủ có thế lực ở Giao Châu đã kiểm soát được lợi tức từ những trang trại trù phú ở Bắc Việt Nam. Việc bắc triều không thu được thuế từ những trang trại kể trên một phần là do các gia đình địa phương đã khéo léo ứng xử trong việc bảo vệ nguồn thu nhập của họ.

Lớp địa chủ địa phương ở Giao Châu đã phải tìm mọi cách để đáp ứng tùy theo thời cuộc thăng trầm của các triều đại Trung Quốc. Các thủ lĩnh địa phương này không những tìm cách đứng ngoài tầm ảnh hưởng của văn minh Trung Quốc mà còn, vì vị trí địa lý đặc biệt, củng cố các nét đặc thù về xã hội và văn hoá Việt Nam cộng với việc ngày càng mọc rễ sâu từ các cuộc hôn nhân dị chủng qua nhiều thế hệ giữa Hán và Việt.

Cũng giống như Nhật Bản, Hàn Quốc và những nước khác ở quanh Trung Quốc, Việt Nam tiếp thu văn minh Trung Quốc mà không đánh mất các đặc tính của mình. Mặc dù dưới con mắt của Trung Quốc, những nước kể trên là thuộc bọn “man di mọi rợ” nhưng những người Trung Quốc di cư chỉ cần sống ở Việt Nam một thế hệ hay hơn, dù bên ngoài mặt còn cố giữ vẻ mặt trung thành với những lý tưởng Trung Quốc, nhưng bên trong họ đã bị ảnh hưởng rất nhiều những giá trị văn hoá và lề lối Việt.

Xã hội Việt Nam có nhiều tương phản với xã hội Trung Quốc. Chỉ xét về tục “em trai lấy chị dâu” tồn tại mãi đến thế kỷ 3 và những bằng chứng khác cho thấy người phụ nữ được coi trọng trong xã hội Việt Nam. Bộ luật của triều Lê (thế kỷ 15 đến 18) có nói đến những quyền của người phụ nữ trong hôn nhân, và cả quyền
thừa kế, điều mà luật Trung Quốc không bao giờ cho phép. Vai trò của người phụ nữ trong xã hội Việt Nam lúc nào cũng quan trọng, và quyền tự do tương đối mà người phụ nữ được hưởng đã cải thiện rất nhiều những áp lực theo truyền thống phụ hệ của Trung Quốc. Những người Trung quốc di cư chắc chắn bị ảnh hưởng của văn hoá Việt cũng nhiều bằng những điều họ có thể ảnh hưởng ngược lại, nhất là sau nhiều thế hệ họ lưu trú và có hôn nhân qua lại với người Việt.

Điều đặc biệt là phần nhiều những người Trung Quốc di cư và sau đó ở hẳn lại Việt Nam trong suốt thời gian này là những người thuộc giới thượng lưu. Họ không đến Giao Châu như là những người di cư tầm thường tìm đến một nơi ở mới. Họ đến, mang theo sách vở, nền giáo dục, được triều đình bổ nhiệm, và đôi khi họ lại tự cho là có bổn phận đem văn minh đến cho một vùng biên cương dốt nát. Họ khác với đám quan chức bắc triều đến Việt Nam với ý nghĩ duy nhất là làm giàu mau lẹ rồi trở về Bắc. Gia đình họ Sĩ, họ Đào và họ Đỗ đều là những người trung thành với bắc triều, nhưng đồng thời cũng là những người mọc rễ rất sâu trong xã hội Việt Nam.

Rất gần gũi với người Việt là những người như Lương Thạc, Lý Tiên, Lý Thượng Nhân, Lý Thục Hiên, Phúc Đặng Chi và Lý Khai. Khi nào có thể được là họ sẵn sàng làm ngơ trước thế lực hoàng triều cũ. Qua những cuộc hôn nhân hỗn hợp và sự lưu trú lâu dài, lớp cầm quyền địa phương một mặt hoà mình vào xã hội Việt Nam, một mặt lại dính dáng với thế giới vua chúa bắc phương qua học vấn và những tham vọng của họ.

Khi nhà Hán ở phương bắc sụp đổ, nhiều đại gia đình ở Giao Châu đã nổi lên nắm giữ các vai trò chính trị để khỏi bị xô đẩy vào vòng hỗn loạn bắc triều. Điển hình là gia đình Sĩ Nhiếp người đã đem lại thái bình cho miền Nam bao lâu mà những tranh chấp không giải quyết được ở miền Bắc còn cho phép ông duy trì được hệ thống quyền lực căn bản ở địa phương. Nhưng khi nhà Ngô mạnh lên và thách thức gia đình họ Sĩ, mâu thuẫn lại bùng nổ giữa quyền hành của triều đình với sự an bình tự trị của địa phương. Sự bất ổn do các chính sách bóc lột của Ngô triều và hậu quả do các sự can thiệp của nhà Tấn đều bắt nguồn từ những sự rối ren thời hậu Hán mà rốt cuộc tác động xuống Giao Châu dưới hình thức những yêu sách trái ngược của bắc triều.

Thế kỷ 4 và 5 cho thấy sự đơm hoa kết trái của một chế độ chính trị thích ứng và mang nét đặc thù của xã hội Việt Nam hơn. Ảnh hưởng của các rối loạn sau sự sụp đổ của Bắc Trung Quốc không ảnh hưởng nhiều xuống Giao Châu vì đường xá xa xôi cũng như vì sức mạnh bẩm sinh và tiềm tàng của xã hội Việt. Sự nổi dậy lần đầu tiên của Lương Thạc chứng tỏ sức sống mãnh liệt và khả năng thích ứng của xã hội Việt trước những đổi thay trên đất nước Trung Quốc.

Tuy nhiên kỷ nguyên mới, Lục Triều, đã đem lại nhiều thay đổi ở Giao Châu, nhất là dưới áp lực của các trận chiến tranh với Lâm Ấp. Những gia đình di cư từ phương bắc đã mọc rễ ở Giao Châu, trong số đó nổi tiếng có gia đình họ Đỗ, qua năm thế hệ, đã cai trị Giao Châu suốt 50 năm tới khi nhà Tấn suy tàn. Họ Đỗ đáng chú ý vì lòng trung thành với triều đình Bắc, vì tài cai trị và sự liêm khiết đối với dân chúng. Thời họ Đỗ cũng là thời gian lớp cầm quyền địa phương Giao Châu được tạo lập, củng cố và ngày càng chứng tỏ khả năng tự túc tự cường của mình.

Việc nhà Lưu Tống đánh bại quân Lâm Ấp vào năm 446, mặc dù ngắn ngủi, đã tái lập được vai trò cai trị của nhà Lưu Tống ở nhiều nơi, ngoại trừ Giao Châu vì sức mạnh của lớp cầm quyền địa phương ở Giao Châu bấy giờ đã ngang bằng với sức ép của nền hành chánh bắc triều. Sau đó, Giao Châu tiến tới tự trị vì các lãnh đạo địa phương có thế lực đã nối tiếp nhau duy trì và củng cố cho quan niệm địa phương lãnh đạo.

Chính vì lý do ấy, biên thùy phía bắc của Giao Châu đã được hiệu chỉnh thành ranh giới hiện đại giữa Trung Quốc và Việt Nam. Lằn ranh địa lý này cũng là lằn ranh phân cách hệ thống chính trị của riêng Việt Nam với hệ thống của bắc triều. Từ đó người Việt Nam không còn là một bộ phận của cái ranh giới thẩm quyền vô hình dưới thời Hán và Ngô nữa, cái thẩm quyền mà chỉ căn cứ vào quan niệm của bắc triều hơn là vào nền văn hoá bản xứ. Khi tách Hợp Phố ra và thành lập Việt Châu vào cuối thế kỷ 5, Trung Quốc đã nhận thức rằng lãnh thổ Việt Nam ở xa quá và phi Trung Quốc quá nên không thể cai trị được, và người Việt đã được chính thức công nhận về mặt hành chánh trong địa giới của chính họ.

Mặt khác, các cuộc chiến tranh với Lâm Ấp về sau này lại ấn định biên giới phía Nam là dãy núi Hoành Sơn. Đòi hỏi cương quyết nhất của bắc triều là bắt Lâm Ấp phải luôn giữ khoảng cách và sẽ không tha thứ cho bất kỳ sự đụng chạm nào đến lằn ranh văn hoá. Yêu cầu này đã gây ảnh hưởng rất nhiều đến việc hình thành các nét đặc thù của Việt Nam. Người Việt Nam một mặt phải tập sống trong tình trạng “bị ép thuộc về đế quốc phương Bắc, nhưng lại thuộc văn hoá phương Nam,” một mặt tìm cách dò chừng mức độ kiếm soát của bắc triều đối với Giao Châu. Những mâu thuẫn và tương phản về văn hoá và chính trị do tâm thế và vịa trí địa lý của người Việt đối với các thế lực phương bắc đã hun đúc cho dân tộc Việt Nam một bản năng trường tồn trong việc vận dụng sức mạnh của họ.

Tác giả: Keith Weller Taylor
Chuyển ngữ: Lê Hồng Chương
Source: Damau.org