NGÔ THÌ NHẬM

CÚC THU BÁCH VỊNH (2)

(đối thoại với Phan Huy Ích)

Trọng Chánh

BÀI 6.

Nguyên dẫn: Phu Tử nói: “Thơ có thể hưng khởi ý chí, có thể xem xét được sự được mất, có thể tụ tập được mọi người, có thể gây oán thù giận dữ”. Từng nhớ năm trước, hai nhà chúng ta, xướng họa thù tạc, có tới vài chục bài thơ, đều lưu lại làm tài liệu cho nhà mình, đến nay trở thành cuộc đàm đạo đẹp. Bọn ta nay nhân thưởng chén tiết Trùng Dương, nên cảm hứng mà thành thơ. Có lẽ thần thơ có ý xúc động đó chăng? Không thế thì năm tháng lần lửa không lúc nào rãnh mà mở cuộc chơi văn, thật cũng phủ phàng với cái vui thú vô cớ mà tạo hóa đã ban cho chúng ta. Bèn nối vận trước để tả niềm riêng mong được nhận cho.

Đến nay nhà thơ vẫn học theo nếp cũ. Hồ phán thủy vẫn như xưa bốn bề trong suốt. Vui thú tao nhã vui tiếng đàn ca. Cuộc chơi thanh cao nơi cảnh đẹp sông sâu nước cả. Khói nước ngày thường tạm gửi hứng vào đó. Gió thổi mây bay rồi cũng đi theo ánh dương. Tin rằng thú xướng họa hơn hẵn các thú vui khác. Nhưng ý đó phải hỏi bậc cao nhân đã.

VUI THUẬT NỖI LÒNG
Nếp cũ người thơ theo đến nay,
Phán hồ [1] trong suốt tỏ tường bày.
Tiếng đàn ca hát vang vang tiếng,
Sông nước rong chơi cảnh đẹp thay.
Khói nước lòng thường theo hứng gửi,
Gió mây soi bóng ánh dương đầy.
Xướng họa tin rằng hơn mọi thú,
Cần hỏi cao nhân [2] cái ý này.

Nguyên tác phiên âm Hán Việt:

TỰ LẠC HOÀI

Thi thất như kim học khẳng đường,
Phán hồ y cựu triệt phương đường.
Lạc danh giáo hệ huyền ca hưởng,
Du tuấn anh du quýnh lạo chương.
Yên thủy tâm thường liêu thác hứng,
Phong vân đáo để các tòng chương.
Canh thù tự tín hiền tha hiểu,
Thử ý hoàn tu chất đại phương.

BÀI 7.

Nguyên dẫn: Mắt đẹp cười tươi, nhưng vẻ mặt chất phác, lời thêu câu dệt, nhưng tinh thần đọng ở trong lòng. Tóm lại hàng tập hàng thiên cũng không ngoài việc đem lòng để hiểu lòng mà thôi! Cho nên lòng đã hiểu lòng, tất có điều gửi gắm vào sự vật, thổ lộ ra lời nói. Còn như sự vật sở dĩ được gửi gấm,lời nói sở dĩ được thổ lộ, cũng như cá sở dĩ nhảy, chim sở dĩ bay, chỉ có thể nói ra điều mình nói được, mà không thể nói ra những điều không thể nói được. Đúng như lời ông dạy bảo: “Đụng vào máy thi ca, là làm đầu mối của nó thêm kỳ diệu.” Đó cũng là chỗ tương đắc của bọn ta, càng không thể dễ mà nói ra bằng lời được. Bèn nối bài trước, để ghi lại niềm vui trong cuộc chơi này.

Ông từng bày trận bút thật đường hoàng. Đâu phải nghiệt ngã tranh đua với Lã Đường [3]. Chuyện rất hợp ý nhau như chuông chín hồi đã đổ. Vẽ ra thì khó hết ý như cây mọc nghìn cành. Chỉ có tiếng Bồ Đề là có thể giác ngộ [4]. Luôn động tới bầu Thái Cực mới thấy Thái dương [5]. Chỉ có một mình ông là hiểu tôi. Cùng vui cùng cùng một ý nhỏ hồn nhiên.

Ông từng bày bút trận đường hoàng,
Đâu phải tranh đua với Lã Đường.
Ý hợp tâm đầu chuông chín khúc.
Khó mà cây vẽ hết nghìn cành.
Bồ Đề mới có lòng năng giác,
Thái Cực rạng soi bóng thái đương.
Chỉ có mình ông tôi được hiểu,
Cùng vui cùng ý nhỏ hồn nhiên.

Nguyên tác phiên âm Hán Việt:

Công tằng bút trận bố đường đường,
Khắc tước ninh tu tranh Lã Đường.
Thoại đáo đầu cơ chung cửu khấu.
Đồ nan tận ý thụ thiên chương.
Bồ Đề duy hữu thanh năng giác,
Thái Cực thường ư động kiến dương.
Thị ngã tri công chân hiếu ngã,
Lạc hòa dĩ ỵ tiểu cư phương.

BÀI 8.

Nguyên dẫn: Ta làm cuốn Tân Thanh (Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh) cốt là đem chỗ sâu sắc huyền diệu của họ Thích tìm kiếm ra, tóm lại không ra ngoài khuôn khổ của Khổng Phu Tử ta. Xưa những người bàn về đạo lý, thường chê đạo Phật là dị đoan, vì chỉ thấy chỗ khác của nó chứ chưa biết chỗ giống của nó. Bởi vậy khiến phái mặc áo thâm, tự lập muôn hộ riêng đối lập với đạo Nho ta bằng gươm giáo. Khổng Tử nói: “Đạo ta xâu lại làm một.” Xâu như xâu tiền tản mác thành một chuổi. Nghĩ rằng ông cũng đã hiểu rõ ý tôi. Nên xin cho lời tựa trên đầu, đó chính là thứ được gọi là bài văn để chỡ đạo, chớ không phải loại xướng ca thù tạc, nên đâu dám không coi việc quý trọng lời nói làm lệ thường. Kính họa hai bài thơ vần trước đưa sang mong ông chỉnh giúp.

Phật giáo mầu nhiệm đầy nhà thăm thẳm. Không tiếng tăm, chẳng phép tắc trong suốt tự hồ băng. Đạo không có hai đường “không” mà “sắc”. Lời nói đồng lòng bóng tối tự sáng dần. Tam Tổ [6] tu thiền, thiền nhập thế. Lục Cửu Uyên cùng với Chu Hy đời Tống chủ tĩnh, tĩnh sinh dương. Ý đó rất sâu nào ai biết được. Người trong hàng quân tử mới hiểu điều này.

Phật giáo cao sâu mầu nhiệm đường,
Không thanh, không pháp suốt như băng.
Đạo không hai nẽo không mà sắc,
Tiếng nói một lòng tự sáng dần.
Tam Tổ tu thiền thiền nhập thế,
Cửu Uyên lấy tĩnh, tĩnh thành dương.
Sâu xa ý đó nào ai hiểu,
Chỉ có người quân tử biết rành.

Nguyên tác phiên âm Hán Việt:

Kỳ nhất

Phạn giáo huyền thâm cách áo đường,
Phi thanh phi pháp oánh băng đường.
Đạo vô nhị trí không như sắc,
Ngôn hữu đồng tâm ảm tự chương.
Tam Tổ đầu thiền thiền nhập thế,
Cửu Uyên chủ tĩnh tĩnh sinh đương.
Cực thâm để ý thùy tri đắc,
Phí ẩn trung nhân hội thử phương.

BÀI 9.

Có thế gọi là phòng tu cũng có thể gọi là phòng sách. Cỏ hoa lung linh soi bóng trên hồ nước. Ai bảo sư Đại Điên không hiểu đạo lý [7]. Lẽ nào thầy Phật Ấn kém tài văn chương [8]. Muôn nhánh sông Hằng (Gange) cùng đổ về biển. Ngàn hoa núi Thứu [9] đều hướng về ánh mặt trời. Diện mạo trong đó nhờ cả vào bàn tay khéo. Khoanh bằng cái quy (compa) thì thành hình tròn, kẻ bằng cái củ (êke) thì thành hình vuông [10]

Gọi là thiền viện cũng thư phòng,
Hoa liễu soi soi bóng nước trong.
Ai bảo Đại Điên không đạo lý,
Lẽ nào Phật Ấn kém văn chương.
Sông Hằng muôn nhánh trôi về biển,
Núi Thứu ngàn hoa hướng ánh dương.
Mi mắt nẳm trong tay khéo léo.
Khoanh thì tròn trặn, kẻ thì vuông,

Nguyên tác phiên âm Hán Việt:

Kỳ nhị

Khả hộ thiền viên khả thư đường,
Hoa liễu y y kính thủy đường.
Thùy vị Đại Điên phi đạo lý,
Khởi tằng Phật Ấn thiểu văn chương.
Hằng Hà vạn phái đều quy hải,
Thứu Lĩnh thiên hoa tận hướng dương.
Mi mục thử trung bằng diệu thủ,
Quy thành viên thể, củ thành phương.

BÀI 10.

Nguyên dẫn: Mạnh Tử nói: “Người có đức sáng mưu khôn thường lộ ra lúc gặp nạn. Tôi cùng ông lăn lộn sóng gió, nếm đủ gian nguy, luôn luôn gặp tai họa vì danh lợi hảo, nhưng đức sáng mưu khôn, mờ mịt vẫn hoàn toàn mờ mịt. Điều đó bọn ta nên cùng lo lắng, và gắn gỏi lên. Nhẫn có thể đeo tay, nhưng phải đợi có thứ vàng ròng; gương dùng để soi, cần phải loại gương thật tốt. Đó là cái ý sở dĩ tôi gợi nên được, nhưng còn mong ở sự giúp đỡ thiết thực của ông; để được gọi là vàng ròng gương tốt, việc giúp đỡ làm nên nhẫn nên gương ấy thực nhiều. Như được ý phô bày, thật vô cùng mừng rỡ mà thỏa lòng. Kính nối vần trước để ghi lại sự đồng tâm. Bản chính văn Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh, tôi đang chép lại cẩn thận, sớm mai kính nạp.

Thân quý ngàn vàng, từ xưa cấm ngồi đưới thềm. Nguy cơ về thế lợi như ngựa chạy rong trên đưởng. Lời Phật nói chỉ có gương tốt mới soi thấy được. Lời ngả nghiêng đâu dám đùa với từ chương, Quẻ Khảm [11] ra từ hang Nguyệt, quẻ Ly [12] sinh ra Nguyệt. Nước chảy từ suối dương, lửa ở bên ngoài dương. Chỉ bạn ta mới hiểu được ta. Nơi sâu kín không hình dáng, cũng không phương hướng.

Thân quý ngàn vàng không lết đường,
Thế lợi nguy cơ ngựa chạy rong.
Phật thuyết chỉ soi gương tốt thấy,
Lời nghiêng đâu dám giễu văn chương.
Khảm từ nguyệt quẻ Ly sinh nguyệt.
Thủy phát dương sinh Hỏa ngoại dương.
Thấu hiểu ông ta, ông hiểu thấu,
Huyền huyền không thể lại không phương.

Nguyên tác phiên âm Hán Việt:

Thiên kim tự cổ giới thùy đường,
Thế lợi nguy cơ mã dật đường.
Phật thuyết chỉ duy minh tĩnh định,
Chỉ nguy khởi cảm lộng từ chương.
Khảm lai nguyệt quật Ly sinh nguyệt,
Thủy xuất dương tuyền hỏa ngoại dương.
Thức ngã ý trung tu ngã hữu,
Huyền huyền vô thể hựu vô phương.

TS Phạm Trọng Chánh
(còn tiếp)

[1Hồ phán thủy. Giữa hồ có phán cung làm nhà dạy học. Quốc tử giám còn gọi là phán cung.

[2Bậc đại phương theo Trang Tử là người có kiến thức rộng, có tầm mắt nhìn xa trông rộng.

[3Lã Đường tức Thái Thuận (1440-?), người làng Liễu Lâm, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh, giữ chức Sái Phu Tao Đàn Nhị Thập Bát Tú do vua Lê Thánh Tôn làm Nguyên soái. Tác phẩm: Lã Đường Di cảo.

[4Bồ Đề có nghĩa là chính giác.

[5Kinh Dịch cho rằng vũ trụ phát sinh từ Thái Cực sinh ra lưỡng nghi: Âm—Dương. Lưỡng nghi sinh ra tứ tượng (bốn mùa: Xuân hạ thu đông), tứ tượng sinh ra bát quái (8 quẻ, 8 hướng) bát quái sinh ra ngũ hành: Kim mộc thủy thổ hỏa, ngũ hành sinh ra bốn mùa, bốn mùa sinh ra vạn vật. Người xưa cho rằng mặt trời soi sáng cả vũ trụ, vì chưa có điều kiện như các nhà Thiên Văn học ngày nay nhìn thấy có nhiều mặt trời to lớn trong các giải ngân hà khác.

[6vua Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang

[7Đại Điên người đời Đường tu ở Tiều Châu, khi Hàn Dũ bị biếm ra đây, hai người chơi thân với nhau. Đại Điên được Hàn Dũ khen là người thông minh biết đạo lý.

[8Phật Ấn đời Tống tu ở chùa Kim Sơn kết bạn văn chương với Tô Đông Pha.

[9Núi Linh Thứu, nơi Phật từng thuyết giảng kinh Pháp.

[10Người xưa khoanh tròn ví dụ như đào giếng thì đóng cây cọc và dùng sợi dây quay vạch thành hình tròn. Kẻ vuông thì có cây thước thợ đo góc vuông.

[11Trăng: quẻ Khảm. Kinh Dịch: Tượng của quẻ khảm làm nước, làm mặt trăng. Hậu Thiên đồ: Khảm ở phương Bắc nên tượng là nước. Tiên thiên đồ: Khảm ở chính Tây nên trăng mọc ở đó.

[12Quẻ Ly: Thoán từ nói Ly là phụ thuộc, mặt trời mặt trăng phụ thuộc ở trời. Theo Tiên Thiên đồ: Ly là chính đông nên nhật nguyệt phụ thuộc vào đó.