Bí ẩn của những chiếc sọ người bằng pha lê

Cuộc phiêu lưu mới nhất của Indiana Jones trên màn ảnh là “Indiana Jones và vương quốc của chiếc sọ pha lê”. Quả thật đạo diễn Steven Spielberg và nhóm các kịch tác gia của ông rất nhạy bén trong việc đưa lên màn ảnh những câu chuyện giật gân đã bị quên lãng trong lịch sử.

Bởi vì truyền thuyết về những chiếc sọ người bằng pha lê không phải do Hollywood bịa ra mà là có thật. Nguồn căn của huyền thoại đó là tác phẩm “Bí ẩn của những chiếc sọ người bằng pha lê” mà tác giả là 2 phóng viên của đài BBC. Các tác giả này cho biết rằng bí ẩn về những chiếc sọ đó bắt nguồn từ một truyền thuyết xa xưa của thổ dân da đỏ. Theo câu chuyện này, có đến 13 chiếc sọ pha lê chứ không chỉ 1. Mười ba chiếc sọ trong suốt, to bằng sọ người và sẽ ban phát một quyền năng phi thường cho ai sở hữu được chúng. Theo 2 tác giả, những người tạo nên các tuyệt tác nghệ thuật đó đã mã hoá bên trong sọ những thông tin quý báu về nguồn gốc, điểm cuối và số phận của nhân loại. Tóm lại là người nào có được 13 chiếc sọ đó sẽ điều khiển cả thế giới.

Tất nhiên cho đến nay chưa có ai khẳng định là đã nắm giữ được bí mật đó. Tuy nhiên người ta đã tìm thấy 12 chiếc sọ pha lê trên khắp thế giới. Đặc biệt nhất là chiếc sọ có biệt danh “chiếc sọ bị trù ếm”. Nó được tìm thấy trong một cuộc khai quật tại Belize vào thập niên 20, rất giống một chiếc sọ người chết. Chỉ còn thiếu những đường rãnh giữa các phần xương khác nhau là nó rất hoàn hảo. Nhưng biệt danh của nó không chỉ do vẻ ngoài trông như thật mà nhân thân của người đã tìm ra nó cũng rất đáng chú ý. Frederick Mitchell-Hedges có máu phiêu lưu và đã trải qua phần lớn cuộc đời để rong ruổi khắp thế giới.

Frederick Mitchell-Hedges ra đời năm 1882, ông rời nước Anh năm lên 17 tuổi để sang định cư tại Mỹ. Tại đấy ông kiếm sống tại các sòng bạc. Sau khi đã gom góp được một số vốn liếng, ông sang Mêhicô để thử thời vận. Rủi thay lúc ấy đất nước này đang có nội chiến và ông bị phe cách mạng Pancho Villa bắt giam. Sau đó ông được trả tự do và lao vào niềm đam mê của mình : khảo cổ học.

Bước chân phiêu lưu đưa ông đến Belize, tại thành phố cổ Lubaantun của người Maya. Cùng đi theo ông là cô con gái nuôi Anna, và chính cô đã tình cờ dẫn dắt ông theo vết tích của chiếc sọ pha lê. Trước khi qua đời năm 100 tuổi, Anna đã kể lại câu chuyện trong quyển nhật ký của cô.

Mọi chuyện bắt đầu vào buổi xế trưa ngày sinh nhật lần thứ 17 của cô. Muốn cho ngày ấy là ngày không thể nào quên, cô đã tự đưa ra một thách thức : trèo lên đỉnh của kim tự tháp cao nhất trong khu phế tích Lubaantun. Khi lên đến nơi, cô ngây ngất đứng ngắm quang cảnh tuyệt mỹ chung quanh vang râm ran tiếng bầy khỉ chơi đùa và tiếng côn trùng rả rích. Bất chợt cô bị chói mắt vì một làn ánh sáng mạnh mẽ chiếu ra từ bên trong kim tự tháp.

Anna tin rằng ánh sáng đó phát ra từ một kho báu được cất giấu. Khi trơ về trại, cô kể lại với cha và sáng sớm hôm sau ông phái nhiều người đến kim tự tháp. Công việc thật gian nan. Anna kể lại rằng phải mất nhiều tuần mọi người mới phá được một lối vào đủ rộng. Và Anna Mitchell-Hedges được vinh dự là người đầu tiên đi vào bên trong kim tự tháp. Cô được thòng dây thả xuống. “Khi xuống tới dưới, tôi thấy có gì đó phản chiếu ánh sáng đèn. Tôi cầm lấy nó và bỏ vào trong áo để bảo quản nó rồi gọi người ta kéo tôi lên” - Anna kể lại. Khi lên đến mặt đất, mọi người không thể tin vào mắt mình : đó là một chiếc sọ người tuyệt đẹp bằng pha lê !

Một chiếc sọ thật đẹp, và cũng đặt ra một câu hỏi nhức nhối : làm thế nào mà người Maya có thể tạo ra nó một cách tinh xảo như thế ? Chỉ cần nhìn hàm răng : nó rất đều đặn, được gọt giũa kỹ lưỡng. Còn bề mặt chiếc sọ mịn láng như da trẻ con. Lại càng phi thường hơn khi người ta so sánh chiếc sọ với những đồ vật cổ xưa bằng pha lê. “Theo tôi biết thì người Maya không hề chế tạo đồ vật bằng pha lê. Các món đồ bằng pha lê cổ xưa nhất được tìm thấy là của người Aztèque, và đa số là những viên ngọc nhỏ có đường nét không đều đặn” - chuyên gia về các nền văn minh Trung Mỹ Claude Baudez cho biết.

Cũng dễ hiểu, vì vào thời ấy thổ dân Trung Mỹ phải làm bằng tay và chỉ có các công cụ bằng đá. Những máy móc có thể mài giũa pha lê chỉ đến Tân Thế giới vào đầu thế kỷ 16 theo chân những người châu Âu. Do vậy, muốn chế tạo “chiếc sọ bị trù ếm” bằng tay, các nghệ nhân Maya phải mất nhiều năm, thậm chí phải tiếp nối công việc qua nhiều thế hệ. Tóm lại là công việc sẽ rất khó khăn, thậm chí là không thể được. Đến mức một số người tin rằng những chiếc sọ đó chỉ có thể được làm ra bởi những sinh vật ngoài hành tinh.

Thật ra sự việc đó quá tuyệt vời đến mức trở nên đáng ngờ. Điều đầu tiên khiến người ta nghi hoặc, đó là dòng họ Mitchell-Hedges đã giữ kín câu chuyện quá lâu trước khi công bố ra trong quyển tự thuật của nhà phiêu lưu vào năm 1954, tức gần 30 năm sau.

Quả là một sự kín đáo đáng ngạc nhiên. Hơn thế nữa, ông ta chỉ nhắc đến sự kiện một cách sơ sài. “Tôi có lý do để không tiết lộ bằng cách nào tôi đã có được chiếc sọ đó. Nó có tuổi ít nhất 3.600 năm và theo truyền thuyết, nó được vị đại pháp sư của người Maya sử dụng để thực hành các nghi thức bí truyền. Người ta đồn rằng khi ông dùng chiếc sọ để thư ếm ai, chắc chắn người đó phải chết” - Frederick Mitchell-Hedges biện bạch. Sau cùng ông ta nói rằng sẽ giành cho con gái quyền nói rõ hơn. Và cô đã làm như thế nhiều năm sau khi cha cô qua đời. Khoảng thời gian chờ đợi đó càng khiến nhiều người cho rằng có điều gì đó khó tin. Và phóng viên Joe Nickell đã mở cuộc điều tra về “chiếc sọ bị trù ếm” và tìm thấy một tài liệu rất đáng chú ý. Đó là một bài viết trên chuyên san nhân chủng học “Man” lần đầu tiên nhắc đến chiếc sọ đó vào năm 1936. Bài viết không hề nhắc đến tên Mitchell-Hedges nhưng lại cho biết rằng chiếc sọ đó thuộc sở hữu của một nhà chơi đồ cổ ở Luân Đôn : Sydney Burnett.

Nhiều bằng chứng khác sau đó được phát hiện thêm và cuối cùng sự thật đã được phơi bày : gia đình Mitchell-Hedges không hề tìm thấy chiếc sọ pha lê trong kim tự tháp ở Lubaantun mà đã mua lại nó từ nhà chơi đổ cổ kia.

“Vấn đề không chỉ liên quan đến “Chiếc sọ bị trù ếm” mà cả những chiếc sọ pha lê khác. Không có chiếc sọ nào được tìm thấy trong những cuộc khai quật khảo cổ được kiểm tra một cách khoa học cả. Chúng thuộc về một nhà sưu tập tư nhân hay một bảo tàng” - chuyên gia Claude Baudez cho biết. Những chiếc sọ đó có sớm nhất là vàonửa sau của thế kỷ 19. Chẳng hạn như chiếc sọ tại British Museum ở Luân Đôn đã được các chuyên gia giám định và kết luận rằng có dấu vết mài giũa của máy móc. Như thế rõ ràng là nó không thể được làm ra bởi các nền văn minh cổ ở Trung Mỹ.

Thế là huyền thoại về những chiếc sọ pha lê đã bị sụp đổ. Thật ra chúng đã được các nghệ nhân châu Âu hay Mêhicô làm ra cách đây chưa đến 200 năm. “Nên biết rằng kỹ nghệ làm hàng giả rất phát đạt tại Mêhicô vào khoảng năm 1860. Đó là thời kỳ mà đạo quân của Napoleon III tiến vào Mêhicô, và nhiều quân nhân muốn trở về nước với một vật lưu niệm của cuộc viễn chinh” - Claude Baudez giải thích. Thế thì truyền thuyết về những chiếc sọ pha lê chỉ là một sự bịa đặt để khoác một tấm màn huyền hoặc cho lịch sử Trung Mỹ cổ đại. Và những chiếc sọ đó là sản phẩm giả cổ được làm cách đây chỉ 2 thế kỷ. Tội nghiệp cho Indiana Jones...

MINH LUÂN, khoahoc.net (theo S&V Junior)