Những chiếc máy phát

Ảnh trên: Triển lãm Columbian

1893, chỉ một năm sau khi Samuel Insull đến Chicago, thành phố tổ chức hội chợ lớn nhất thế giới từ trước tới nay – Triển lãm Columbian – để kỷ niệm bốn trăm năm chuyến đi của Christopher Columbus đến Thế Giới Mới. Được xây dựng trên một khu rộng 633 mẫu Anh (hơn 250 hecta) [1] bên bờ Hồ Michigan, khu hội chợ tạo nên một thành-phố-trong-một-thành-phố rất ngoạn mục, gồm các phòng triển lãm trang trí kiểu tân cổ điển, các trưng bày của hàng chục nước và hàng trăm doanh nghiệp, và ở giữa là một vòng đu quay cao 265 phút (gần 80 m) [2] lần đầu tiên được chế tạo. Trong thời gian 5 tháng mở cửa, Hội chợ thu hút hơn 27 triệu khách tới thăm – tương đương gần một nửa số dân của Hoa Kỳ vào lúc đó.

Triển lãm Columbian là một tượng đài cho tư tưởng phát triển công nghệ. Nó chào mừng những tiến bộ trong công nghiệp, giao thông, và nghệ thuật, nhưng trên hết, nó chào mừng sự xuất hiện của điện như một động lực khuấy động xã hội. Nhà tổ chức sự kiện viết đó là chủ đích “để làm cho khu Hội chợ Thế giới và những ngôi nhà trở thành một thí dụ khuếch trương của tiến bộ đạt được về điện.” Một nhà máy hơi nước, xây dựng ở tầng ngầm, đã tạo ra nguồn năng lượng 24 ngàn mã lực, gần ba phần tư trong số đó là để phát sinh dòng điện. Trong thời gian trưng bày, triển lãm đã tiêu thụ lượng điện ba lần nhiều hơn so với phần còn lại của thành phố Chicago.

Điện đã cấp nguồn năng lượng cho đường sắt và thuyền, vận hành các cầu thang máy, điều khiển các đài phun nước, và hiện bảng quảng cáo về các máy móc thiết bị mới nhất. Phần lớn nguồn điện còn được dùng để thắp cả trăm ngàn bóng đèn rực rỡ, những đèn hồ quang, và ống đèn neon chiếu sáng “Thành Phố Trắng,” như tên khu hội chợ đã được gọi lúc đó. Một khách tới thăm đã mô tả quang cảnh của hội chợ ban đêm với những lời hoa mỹ: “Ánh sáng yếu ớt đóng khuôn những chiếc cổng và những mái nhà như những chùm sao, rải khắp các lâu đài kiêu kỳ với những giọt lửa bốc cháy rớt xuống, đính bầu trời đen kịt vào thành phố trắng thần tiên, và ghim nền thành phố vào chiếc hồ đen mênh mông với những chiếc đinh bằng vàng.” Chùm tia của chiếc đèn rọi, ông viết, “nở hoa tới thiên đường cho đến khi biến thành ánh sáng linh thiêng từ hướng mắt mê ly do những ngón tay của một vị thần hay của niềm tin trinh trắng trỏ tới.” Một khách thăm khác, L. Frank Baum, sững sờ với quang cảnh hội chợ, đã biến nó thành nguồn cảm hứng cho Thành phố Ngọc Lục Bảo trong cuốn sách Sự kỳ diệu của Oz ông viết năm 1900.

Một trong những điểm thu hút nhất của của hội chợ là toà Lâu đài Điện. Trải rộng hơn năm acre rưỡi, ngoài Tháp Ánh sáng cao 80 phút do Thomas Edison chế tạo, nó còn có hàng trăm trưng bày với các thiết bị điện mới nhất, bao gồm cả những chiếc “xe kéo không có ngựa” chạy bằng pin. Một Henry Adams kinh hoàng đã dành trọn hai tuần lễ để khám phá những vật quý của Triển lãm Columbian. Cái làm ông thích thú nhất là được thấy trưng bày của các máy phát điện – hai chiếc máy phát 800 kilowatt của General Electric, những chiếc máy lớn nhất thời đó, và hàng chục máy phát hiện đại nhất của Westinghouse. Ông nhớ lại trải nghiệm này trong cuốn tự truyện Sự rèn luyện của Henry Adams. “Nấn ná thật lâu bên những chiếc máy phát,” ông viết, “bởi chúng quá mới, và đã mang lại cho lịch sử một thời kỳ mới.” Cảm nhận những chiếc máy này “sẽ cho kết quả là nguồn năng lượng vô giá và vô tận cho thế hệ tới,” Adams biết chúng sẽ làm thay đổi đất nước và thế giới. Ông thấy mình tầm thường nhỏ bé trước những chiếc máy phát, và sự vĩ đại của chúng cũng làm ông bồn chồn. Cái mà “giai đoạn mới” của lịch sử sẽ mang tới, ông hiểu rõ, nằm ngoài hiểu biết và thậm chí ngoài tầm kỉểm soát của chúng ta: “Năm 1893, Chicago lần đầu tiên đã đặt câu hỏi liệu người Hoa Kỳ có biết họ sẽ đi tới đâu.”

Trích từ “Thành phố trắng“, chương Năm trong cuốn “Chuyển Đổi Lớn” của [Nicholas Carr]. Chuyển ngữ: Vũ Duy Mẫn

(Theo blog Duy Mẫn)

[1arce – khoảng 0,4 hecta

[2foot – đơn vị đo chiều dài Anh bằng 0,3048 m