Pianist Lang Lang - thiên tài hay thần tượng phù phiếm?
Lang Lang sinh 1982 tại Liêu Ninh, Thẩm Dương, Trung Quốc
Đã phát hành 5 CD và 1 DVD biểu diễn piano nhạc cổ điển
Một trong 20 nhân vật có sức cải tạo thế giới (theo People)
Người viết bài này có lần được tham dự một buổi trình diễn của Lang Lang tại Nhà hát quốc gia Bắc Kinh. Rất đông phụ huynh đưa con mình đi xem, dù giá vé lên tới 2000 tệ (khoảng 5 triệu VND).
Những cô bé cậu bé 6-7 tuổi, theo dõi vô cùng chăm chú. Một bà mẹ còn thủ thỉ: "Con thấy không, con phải chăm tập đàn mới giỏi như chú Lang Lang được".
Ở Trung Quốc, Lang Lang là một hình mẫu thần tượng hoàn hảo.
Muốn thành thiên tài, đừng mơ có tuổi thơ
Lang Lang là điển hình của "chân lý": muốn thành thiên tài, đừng mơ có tuổi thơ.
3 tuổi, Lang Lang bắt đầu tiếp xúc với phím đàn piano. Tuy nhiên, những ngày đầu tiên, các thầy dạy âm nhạc đều cho rằng Lang Lang thuộc loại không có chút tài năng gì.
Cậu là người Đông Bắc, nơi luôn bị đánh giá thô thiên, chẳng hiểu gì nghệ thuật. Chính Lang Lang cũng thừa nhận: "Piano đem lại cho tôi quá nhiều khổ sở. Suốt ngày cãi nhau với bố, lại bị các thầy cô dè bỉu chê bai".
Thời gian biểu của Lang Lang khi đó là: Đúng 6h sáng, tập đàn 1 tiếng. Trưa học về, tập đàn. Ăn tối xong, lại tập đàn. Mỗi lần có sai sót, cậu phải sửa cho bằng được mới được phép ngủ. Cuối tuần cậu lại phải tham gia các buổi biểu diễn với các thần đồng âm nhạc khác, và luôn bị áp lực phải chơi hay hơn họ.
Thời kỳ ôn luyện thi vào Học viện âm nhạc Trung ương, cậu bé 7 tuổi thậm chí ngồi bên cây đàn 8 tiếng một ngày. Bố Lang Lang cương quyết: "Không thể hiểu một tác phẩm âm nhạc nếu không có kiến thức văn hoá tốt. Để học tốt cả hai, nó phải hy sinh những trò giải trí khác. Đó là lựa chọn bắt buộc".
Ở nhà họ Lang, cậu con duy nhất quá bận bịu, chẳng bao giờ ngó ngàng đến tivi, bố mẹ cậu cũng vì thế để phủ bụi luôn.
7 tuổi, Lang Lang đã tham gia hầu hết các cuộc thi âm nhạc lớn nhỏ, sớm quen với sân khấu và sự cạnh tranh khốc liệt. Ngay cả bây giờ, Lang Lang cũng hầu như không có thời gian rảnh rỗi. Trung bình mỗi năm, cậu có hơn 140 show diễn khắp thế giới, lại thêm hợp đồng thu âm, show quảng cáo.
Thị trường hoá nhạc cổ điển
13 tuổi, Lang Lang giành giải cao nhất trong cuộc thi âm nhạc Tchaikovski và bắt đầu nổi tiếng. 1 năm sau đó, Lang Lang được cấp học bổng tại Học viện âm nhạc Mỹ The Curtis. Sau 3 năm học, cậu ký hợp đồng với công ty biểu diễn IMG, trở thành nghệ sỹ biểu diễn chuyên nghiệp. 17 tuổi, sau sự xuất hiện trong Festival âm nhạc Las Vegas, Lang Lang thành danh ở thị trường Mỹ.
Trong lễ khai mạc Olympic, Lang Lang trình diễn ca khúc Ánh sao làm nức lòng 1,4 tỷ người đang xem truyền hình trực tiếp trên toàn thế giới. Đài TH Mỹ NBC gọi cậu là ngôi sao lớn toàn cầu. Đài quốc gia Đức nói Lang Lang là nghệ sỹ dương cầm thành công nhất thế giới. Cậu sở hữu một ngàn lẻ một danh hiệu "đệ nhất", "duy nhất", kỷ lục đầu tiên.
Không ai nói Lang Lang thiếu tài năng. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến lo ngại về con đường phát triển theo hướng ngôi sao thần tượng của chàng hoàng tử piano này.
Cao Viễn, một nhà phê bình âm nhạc cho rằng, người ta đang tung hô quá mức Lang Lang: "Hai ba ngày diễn một show, đừng nói tập luyện, đến chọn bài, phối hợp với dàn nhạc cũng chẳng thể làm tử tế". Đối với những người khó tính với âm nhạc cổ điển, phong cách của Lang Lang quả là không được lòng họ.
Bá Thông, một nhà phê bình khác khắt khe: "Cảm giác Lang Lang vẫn còn mang kiểu dân gian vào nhạc cổ điển".
Chê bai nhiều nhất, vẫn là việc cậu ngày càng thị trường hoá âm nhạc cổ điển. Một phóng viên tên Tiết Đồng, trên tờ Xinhua, thẳng thắn viết: "Nghe Lang Lang đàn, không cảm thấy rung động tâm can. Anh ta chơi đàn đấy, nhưng hoàn toàn trống rỗng, chỉ có dùng cách biểu diễn để che lấp nhược điểm".
Một người hâm mộ trên diễn đàn tieba.baidu.com cho rằng: "Lang Lang đang dần mất đi cảm giác chơi đàn vì tình yêu âm nhạc đơn thuần, chơi nhạc từ con tim của mình. Cậu ta diễn quá".
Cuộc chiến với Lý Vân Địch
Những tranh cãi về tài năng của Lang Lang đã kéo theo một cuộc chiến khác, với Lý Vân Địch.
Lang Lang, Lý Vân Địch, Triệu Dận Dận là 3 nghệ sỹ piano nổi tiếng nhất Trung Quốc hiện nay. Lý Vân Địch và Lang Lang bằng tuổi nhưng hình tượng lại đối lập nên dễ bị mang lên bàn cân.
Thực ra bản thân người trong cuộc chưa bao giờ lên tiếng chính thức về nhau. Cuộc chiến Lang - Lý âm ỉ trong giới hâm mộ và báo chí nhiều hơn. Trước sự "nhiệt tình" của báo chí, bố của Lý Vân Địch cũng phải phát biểu: "Tôi thấy rằng không cần thiết phải mang 2 người ra so sánh như vậy" .
Lang Lang được xem như thiên tài của các show bán vé, còn Lý Vân Địch là thiên tài của các cuộc thi. Sau giải thưởng Tchaikovski, Lang Lang hầu như chưa có giải thưởng chuyên môn giá trị nào. Cậu bận bịu với vô vàn kế hoạch biểu diễn, quảng cáo. Họ Lý lại âm thầm tầm sư học đạo, đến năm 2002 mới tốt nghiệp Học viện âm nhạc Đức, bắt đầu ký hợp đồng biểu diễn.
Trên diễn đàn tieba.baidu.com, một nick có tên Đôi cánh trên băng cho rằng: "Xét thực tài, Lý Vân Địch hơn Lang Lang nhiều, chỉ có điều ít cơ hội toả sáng hơn Lang Lang" . Trong suy nghĩ của nhiều người, đẳng cấp của Vân Địch "sang trọng" hơn Lang Lang.
Tuy nhiên, Lang Lang vượt qua Vân Địch về khoản kiếm tiền. Chọn Lang Lang biểu diễn trong đêm khai mạc Olympic Bắc Kinh 2008, có lẽ những nhà tổ chức cũng thừa hiểu, anh chàng đẹp trai được phương Tây gọi là "tấm danh thiếp của Trung Hoa" kia có sức hấp dẫn hơn hẳn họ Lý nhút nhát, mặt mũi bặm trợn.
Năm 2006, Lang Lang khiến người hâm mộ kinh ngạc khi thông báo đầu quân về công ty biểu diễn hàng đầu Mỹ Columbia (CAMI). Đây cũng là công ty quản lý Lý Vân Địch. Thiên hạ lại được dịp khơi lại cuộc chiến Lang - Lý. Tờ Hoàn Cầu giật tít cho sự kiện này là: "2 kẻ tử thù bỗng thành đồng môn".
Bản chất cuộc chiến Lang - Lý, chẳng khác gì mâu thuẫn giữa Tiểu Ngư Nhi và Hoa Vô Khuyết (nhân vật trong Tuyệt đại song kiều - Kim Dung), cứ phải một mất một còn mà chẳng hiểu vì sao.
Nhìn lại "hiện tượng Lang Lang" (mà mới đây còn được gọi là "Hiệu ứng Lang Lang), với riêng tôi, vẫn không thể phủ nhận rằng anh là nghệ sỹ đi đầu, tạo nên cuộc cách mạng về việc thưởng thức nhạc cổ điển trong công chúng.
Phá bỏ bức tường định kiến về nghệ sỹ châu Á, tự tin đứng trên thị trường thế giới, vì thế, Lang Lang vẫn tiếp tục có lý do để kiêu ngạo.
Lưu Phương Mai (TVN)