Việt Nam được xếp vào khối các nước BRIC mới

Theo tin ngày 9-12-2009 của website businessinsider.com, sau đó được các website china.com.cn (Mạng Trung Quốc) và ce.cn (Kinh tế Trung Quốc) dẫn lại:
Vừa qua các báo đài nước ngoài đưa tin: Ngoài 4 nước Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc thuộc khối BRIC [1], trong 10 năm tới sẽ có 6 quốc gia khác cũng được dư luận thế giới quan tâm, đó là: Mexico, Australia, Việt Nam, Indonesia, Nigeria và Nam Phi (South Africa). Khối 6 quốc gia này được gọi là MAVINS (ghép bởi chữ cái đầu của tên 6 nước) Các nước này có tài nguyên khoáng sản phong phú, được lợi nhiều trong tăng trưởng kinh tế toàn cầu, lại thêm đông dân và đất rộng nên có tiềm lực phát triển lớn. Ngoài ra còn 5 quốc gia khác chưa đạt tiêu chuẩn nước BRIC, trong đó có Hàn Quốc và Pakistan.
1. Mexico
Mexico đang trở thành một nền kinh tế lớn. Trước đây Goldman Sachs đầu tiên đã liệt Mexico vào 1 trong 4 nước BRIC nhưng sau đó vì thấy nước này “quá phát triển” nên loại ra. Để trở thành nước phát triển, Mexico còn cần đi một quãng đường dài. Hiện nay GDP bình quân đầu người chỉ có 14300 USD (Mỹ: 47500 USD). Ngoài ra tầng lớp trung lưu Mexico đang tăng lên về số lượng, tăng trưởng dân số cũng duy trì ở mức lành mạnh, hiện có 110 triệu dân, dự kiến năm 2020 lên tới 125 triệu, năm 2050 đạt 148 triệu người. Giáp giới với Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, Mexico đang cố thu hẹp khoảng cách về thu nhập đầu người với Mỹ.
2. Australia
Là một trong những nước có ảnh hưởng lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu, Australia có nguồn khoáng sản giàu nhất thế giới, đồng thời ngành chế tạo và dịch vụ rất phát triển, đất rộng. Trên lý thuyết, nếu giải quyết được vấn đề thiếu nước, thực hành chính sách di dân và hạ giá thành đất đai nhằm tăng số dân thì sẽ có ngày Australia trở thành một nước Mỹ thứ hai.
3. Việt Nam
Không nghi ngờ gì nữa, sự phát triển của Việt Nam sẽ trở thành câu chuyện nóng sốt nhất trong 10 năm tới. Phỏng theo mô hình phát triển của Trung Quốc, Việt Nam nhanh chóng thực hiện chính sách tự do hoá kinh tế. Nông sản phẩm phong phú cộng thêm sản lượng dầu mỏ khá cao, Việt Nam không bỏ phí thời gian, nhanh chóng phát triển ngành chế tạo, nâng cao giá trị gia tăng. Ngoài ra Việt Nam có số dân đông, hiện nay đã vượt Đức và Pháp, dự kiến đến 2050 sẽ vượt Nhật. Sự phát triển nhanh chóng của Việt Nam là điều dĩ nhiên.
- GDP tiềm tàng năm 2010 tính theo giá USD hiện nay: 550 tỷ USD (3,8% GDP Mỹ)
- GDP tiềm tàng năm 2050 tính theo giá USD hiện nay: 3600 tỷ USD (25% GDP Mỹ)
Nguồn: CIA World Factbook, U.S. Census Bureau, GDP and GDP per capita using purchasing power parity
4. Indonesia
Tuy mấy chục năm qua sống dưới chế độ chính quyền quân sự, tham nhũng lớn nhưng Indonesia hiện nay là một nền kinh tế phát triển nhanh. Nước này có 240 triệu dân, vượt tổng số dân Đức, Anh, Pháp cộng lại, là một trong các nền dân chủ lớn nhất toàn cầu. GDP bình quân đầu người mới có 3900 USD nhưng tiềm lực phát triển lớn. Nếu mức sống nâng cao tới tiêu chuẩn như Mexico thì GDP sẽ gấp hơn 3 lần hiện nay. Ngoài ra nước này có nguồn khoáng sản phong phú, về địa lý lại gần Trung Quốc và Ấn Độ.
5. Nigeria
Là nước đông dân nhất châu Phi và cũng thuộc loại đông dân trên thế giới, trước năm 2050 vẫn duy trì được mức tăng dân cao, dự kiến có thể đạt 264 triệu người vào năm 2050. Tuy hiện nay kinh tế Nigeria mới ở giai đoạn bắt đầu phát triển nhưng không ai có thể coi thường người khổng lồ này. Nigeria đang đẩy mạnh tự do hoá kinh tế, chuyển từ một quốc gia chính quyền quân sự sang quốc gia dân chủ. Trữ lượng dầu mỏ của Nigeria rất phong phú, ngoài ra thị trường trong nước có tiềm năng phát triển lớn.
6. Nam Phi
Nước này vừa có cơ cấu kinh tế hiện đại hoá vừa giàu tài nguyên khoáng sản, đồng thời chiếm một vị trí địa lý rất ưu việt là ở mỏm cuối châu lục Đen. Tuy là nền kinh tế thành công nhất châu Phi, đã giành được một số thành tựu kinh tế nhưng Nam Phi còn cách các nước phát triển một khoảng cách khá xa. Cho dù một phần dân chúng đã đạt được mức sống ngang với các nước phát triển song còn ngót một nửa dân sống dưới mức nghèo. Nam Phi sẽ dựa vào nguồn khoáng sản phong phú để giúp kinh tế toàn cầu tăng trưởng. Là cửa ngõ vào châu Phi, sau đây Nam Phi sẽ trở thành trung tâm tài chính của châu lục này, đây là một điểm thu hút sự chú ý của giới đầu tư quốc tế.
Nguyên Hải
Nguồn:
- http://intl.ce.cn/zgysj/201001/08/t20100108_20763809.shtml
- http://fpts.com.vn/EN/News/Domestic-News/Economic-Financial-News/2009/12/3B9C468B/
Chú thích
[1] Khái niệm BRIC do Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs (Mỹ) đưa ra. BRIC là từ ghép chữ cái đầu của tên 4 nước Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc – tức 4 nền kinh tế tăng trưởng nhanh và có vai trò quan trọng đối với kinh tế toàn cầu. BRIC hiện chiếm 40% dân số và 25% GDP toàn cầu. Đến năm 2050, BRIC sẽ chiếm 4 trong 6 nền kinh tế lớn nhất thế giới (thứ tự: Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Brazil và Nga).
Trong báo cáo công bố ngày 3-12-2009, Goldman Sachs dự kiến kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,1% trong năm 2009 và 8,2% trong năm 2010. Con số 5,1% gần sát với con số tăng trưởng thực tế 5,32% do chính phủ Việt Nam công bố – điều này cho thấy sự đánh giá kinh tế Việt Nam của Goldman Sachs là tương đối chính xác.