Người Trung Quốc nhận thức về tổng sản phẩm quốc nội GDP

Dư luận Trung Quốc cũng như thế giới đang xôn xao bàn luận về việc năm 2009 nền kinh tế Trung Quốc đã nhanh chóng tiến lên vị trí thứ 3 toàn cầu và chắc chắn trong năm nay sẽ vượt Nhật chiếm ngôi thứ 2, dự kiến năm 2030 sẽ vượt nốt Mỹ nhảy lên vị trí nhất thế giới. Điều mọi người quan tâm hơn cả là sự “đổi ngôi” ấy sẽ dẫn đến những biến chuyển chính trị, quân sự nào trên vũ đài quốc tế. Các báo Trung Quốc phấn khởi đăng một loạt bài viết có đầu đề đại để như “30 năm nữa Trung Quốc và Mỹ sẽ đổi vai trò cho nhau”, “Con bướm đang đập cánh tại Trung Quốc” ...Trong một cuộc điều tra mới đây, hơn một nửa nhà kinh tế Trung Quốc cho rằng năm nay kinh tế nước họ sẽ tăng trưởng từ 9 đến 10%, hơn một phần ba cho rằng sẽ vượt 10%.

Đúng là GDP Trung Quốc đang tăng trưởng liên tiếp với tốc độ cao nhất thế giới và các dự đoán nói trên không có gì sai cả. Vừa qua Cục Thống kê nhà nước Trung Quốc công bố: tổng sản phẩm quốc nội (tức GDP) năm 2009 của nước này đạt 33.535,3 tỷ Nhân Dân Tệ, tăng 8,7% so với năm 2008. Theo tỷ giá hối đoái hiện nay (1 Nhân Dân Tệ = 0,1466 USD; chú ý: phương Tây luôn cho là Trung Quốc đang cố kìm thấp tỷ giá đồng Nhân Dân Tệ) con số đó tương đương 4916,275 tỷ USD, suýt soát bằng GDP Nhật Bản.

Nhưng sự tăng trưởng ấy sẽ đem lại hiệu quả thực chất ra sao? – điều này còn là một dấu hỏi lớn. Một số người Trung Quốc có đầu óc tỉnh táo đã cảnh báo đồng bào họ chớ nên say sưa tới mức mụ mẫm với con số GDP đã và sẽ đạt được, với viễn cảnh cái ngày Trung Quốc “mở mày mở mặt”, “nói gì làm nấy” ... mà nên chú ý tới các yếu tố khác quan trọng hơn. Đó là chất lượng GDP (cụ thể là các yếu tố cấu tạo nên tổng giá trị sản phẩm quốc nội) và GDP bình quân đầu người. Đấy là chưa nói về cái giá đã phải trả cho sự tăng trưởng vượt bậc GDP, nhất là cái giá trên lĩnh vực xã hội.

Nhà bình luận quân sự nổi tiếng Trung Quốc – đại tá không quân Đới Húc mới đây nhắc lại một số sự kiện lịch sử liên quan tới GDP: năm 1840 GDP của Trung Quốc thời nhà Thanh chiếm 33% GDP toàn cầu, gấp 6 lần GDP nước Anh. Thế mà Trung Quốc lại bị các cường quốc châu Âu xâu xé. Quân đội triều đình nhà Thanh có hơn 1 triệu binh sĩ, thế mà bị 4000 lính viễn chinh Anh Quốc đánh cho đại bại, tới mức phải ký Hiệp ước Nam Kinh (8-1842) nhục nhã, nhận bồi thường cho nước Anh 21 triệu đồng bạc trắng. Năm 1894 dù đã bị các nước phương Tây xâm lược nửa thế kỷ, GDP của Trung Quốc vẫn lớn gấp 9 lần GDP của Nhật, thế mà trong cuộc chiến tranh Trung-Nhật năm ấy (còn gọi là Chiến tranh Giáp Ngọ) Trung Quốc vẫn thua to, bị Nhật chiếm mất 2 đảo Đài Loan, Bành Hồ và phải bồi thường cho Nhật 200 triệu lạng bạc. Như vậy GDP lớn không có nghĩa là quốc lực lớn.

Ngược lại, hiện nay GDP nước Mỹ chỉ chiếm 1/3 GDP toàn cầu mà vẫn là nước mạnh nhất thế giới. Vì sao vậy? Đó là do chất lượng GDP tốt. Cấu tạo ngành nghề làm nên GDP nước Mỹ gồm toàn những ngành quan trọng như hàng không, du hành vũ trụ, máy tính, công nghệ sinh học, đóng tàu, chế tạo máy, nông nghiệp hiện đại... Ưu thế quân sự số một thế giới của họ là nhờ vào các ngành đó.

GDP của Nhật cũng gồm các ngành công nghiệp ô tô, điện tử... toàn là những thứ quan trọng đặt nền tảng cho vị trí cường quốc số 2 thế giới của họ.

GDP nước Nga hiện nay cũng gồm các ngành chế tạo máy, công nghiệp hàng không, công nghiệp hạt nhân. Cho nên cho dù GDP Nga chỉ bằng nửa Trung Quốc nhưng thế giới vẫn coi họ là cường quốc. Đó cũng là nền tảng để nước Nga tất nhiên sẽ phục hưng.

GDP Trung Quốc đời nhà Thanh thì toàn là những thứ vớ vẩn như trà, tơ tằm, đồ sứ. Còn GDP các nước phương Tây hồi ấy là tàu chiến, đại bác. Chiến tranh là sự choảng nhau về chất lượng GDP của hai bên, chứ không phải là số lượng GDP; Trung Quốc đời nhà Thanh có GDP lớn hơn đối phương mà khi đánh nhau vẫn thua là vì thế.

17.6.2009, hàng nghìn dân Shishou phản đối làm khách sạn Yonglong phải đóng cửa. Photo: Ou Zhihang, giải khuyến khích WPP 2009.

GDP Trung Quốc hiện nay na ná như đời nhà Thanh, cấu tạo chủ yếu của GDP là nhà đất, dệt may. Đới Húc cho rằng ngành kinh doanh nhà đất giờ đây là nơi mà tư bản độc quyền trong nước liên kết với tư bản quốc tế cướp bóc tài sản của nhân dân Trung Quốc.

Ông Bạc Hy Lai (nguyên Bộ trưởng Thương mại, nay là Bí thư Thành uỷ thành phố Trùng Khánh trực thuộc Trung ương) từng nói một câu có tính hình ảnh về hàng xuất khẩu của Trung Quốc: “800 triệu cái quần mới đổi được một chiếc máy bay Âu Mỹ.” 800 triệu cái quần chất lại chiếm hết một quảng trường lớn, thế mà chỉ đủ đổi lấy một chiếc máy bay. Lại còn rượu, thuốc lá, đồ chơi nữa, GDP của Trung Quốc rặt là những của ấy, trong chiến tranh chúng không thể chuyển thành sức mạnh quốc phòng được. Sao có thể mang đồ chơi đi choảng nhau với người ta?

Cho nên giả thử xảy ra chiến tranh thì Trung Quốc sẽ làm thế nào? Lại “Dùng xương máu của chúng ta dựng nên bức trường thành của chúng ta” (một câu trong quốc ca Trung Quốc) chứ gì nữa! – Đới Húc viết.

Hiện nay tất cả máy bay chiến đấu của Trung Quốc đều dùng động cơ do nước ngoài chế tạo. Máy bay J-10 (Tiêm kích-10) dùng động cơ phản lực của Nga, máy bay Phi Báo (Con báo bay) dùng động cơ của Anh. Máy bay cảnh báo sớm EL76 vốn là máy bay của nước ngoài. Rất nhiều tàu chiến lớn của Trung Quốc đều dùng động cơ nước ngoài chế tạo. Sau đây vài năm nữa công nghiệp hàng không Trung Quốc sẽ đạt giá trị sản lượng một nghìn tỷ Nhân Dân Tệ (147 tỷ USD). Nhưng ngay cả đến cái động cơ mà còn chẳng làm được thì giá trị ngành công nghiệp cả nghìn tỷ ấy có gì hữu dụng, có ý nghĩa gì? Nếu chưa làm chủ được những công nghệ quan trọng nhất mà chỉ đơn thuần theo đuổi GDP thì sẽ chẳng có ý nghĩa gì hết.

Trên tờ Quảng Châu Nhật báo, tác giả Đảng Kiến Quân vạch rõ: cần nhận thức được tính phiến diện của chỉ tiêu GDP khi đánh giá thực lực của một quốc gia. Năm nay GDP Trung Quốc vượt Nhật, xếp thứ 2 toàn cầu; nhưng điều đó không có nghĩa là Trung Quốc cũng đứng thứ hai về quốc lực tổng hợp, tức thứ hai về sức mạnh khoa học kỹ thuật, sức mạnh quân sự và sức mạnh mềm.

Dĩ nhiên, GDP vượt Nhật là một chuyển biến quan trọng trong so sánh lực lượng hai nước, điều đó không thể không ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa hai nước; Trung Quốc càng có lý do để thực thi một chính sách ngoại giao tự tin hơn trước. Song cần đặc biệt chú ý chớ nên khuếch đại sự thay đổi so sánh lực lượng ấy, càng không được quá lạc quan thậm chí mù quáng, dẫn đến sự thoát ly thực tế trong chính sách ngoại giao. GDP không phải là chỉ tiêu quan trọng nhất, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc còn kém xa Nhật.

Trên vũ đài quốc tế, cái quyết định địa vị của một quốc gia không phải là GDP mà là quốc lực tổng hợp. Người Trung Quốc cần giữ đầu óc tỉnh táo trước việc GDP nước mình tăng trưởng nhanh và vượt nước khác. Cần thấy rõ tính hạn chế của chỉ tiêu GDP, có như vậy mới đánh giá khách quan, đúng đắn về sức mạnh thực sự của Trung Quốc và so sánh lực lượng quốc tế – tác giả kết luận.

Trong cuộc họp báo công bố số liệu GDP Trung Quốc năm 2009, Cục trưởng Cục Thống kê Trung Quốc Mã Kiến Đường nói: “Dù GDP Trung Quốc xếp thứ mấy trên thế giới đi nữa nhưng GDP bình quân đầu người vẫn xếp thứ hạng sau 100. Tình hình cơ bản của Trung Quốc vẫn là người đông, vốn mỏng, tương đối thiếu tài nguyên, lắm người nghèo.”

Cuối năm ngoái Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc công bố Sách Vàng Tình hình quốc tế năm 2010. Sau khi nghiên cứu đánh giá quốc lực tổng hợp của 11 quốc gia lớn trên thế giới (gồm G7 và 4 nước khối BRIC), Sách Vàng đưa ra bản xếp hạng quốc lực tổng hợp của 11 nước như sau: Mỹ, Nhật, Đức, Canada, Pháp, Nga, Trung Quốc, Anh, Ấn Độ, Ý và Brazil, tức là Trung Quốc xếp thứ 7.

Đó là những nhận định tương đối khách quan về Trung Quốc.

Nguyễn Hải Hoành tổng hợp