Sơn Táp - sống tha hương và viết về quê nhà

Sinh ra ở Trung Quốc, hiện sống tại Pháp và đam mê văn học Nhật, tâm hồn Sơn Táp là nơi hội tụ và chắt lọc những sắc màu đa văn hoá. Nữ nhà văn trẻ, với những trang viết ấn tượng cũng đang từng bước chinh phục thế giới rộng lớn.

Sơn Táp, tên thật là Diêm Ni, đã sống nửa đời người tại Pháp, trong cộng đồng văn học ngày càng trải rộng ra khi Trung Quốc mở cửa hội nhập với thế giới 3 thập kỷ trước đây.

Cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của Sơn Táp - Thiếu nữ đành cờ vây - đoạt giải thưởng Goncourt danh giá của Pháp và đã được dịch sang tiếng Anh nhưng chưa từng được xuất bản bằng tiếng Trung.

Nhưng tác phẩm mới nhất của cô - Shall We Meet in Tokyo at Four in the Morning? (Chúng ta sẽ gặp nhau tại Tokyo lúc 4 giờ sáng?) được ra mắt lần đầu tiên không phải bằng tiếng Pháp mà là tiếng Nhật. Đây là một sản phẩm hợp tác giữa cô và Richard Collasse, người đứng đầu chi nhánh Channel Pháp tại Tokyo.

"Tôi thích sống cuộc sống của một người tha hương. Lối sống của một người nước ngoài ở bất cứ nơi đâu bạn đến cuối cùng rồi cũng thích hợp với tôi bởi nó giúp tôi rèn luyện thái độ cởi mở và khả năng thích ứng”, nhà văn tâm sự.

Những người nước ngoài theo cô “có thể hiểu được nỗi đau của người dân ở đất nước mà họ đặt chân đến, hiểu được cả những phản ứng nhiều khi là thiếu logic”.

Cũng giống như nhiều nhà văn Trung Quốc viết bằng ngôn ngữ nước ngoài như Đới Tư Kiệt - tiếng Pháp, Cáp Kim - tiếng Anh, Sơn Táp hầu như sáng tác bằng tiếng Pháp, ngoại trừ tập thơ đầu tiên được cô viết bằng tiếng mẹ đẻ hồi 10 tuổi.

Sự cảm thông đó biểu hiện rõ nét khi cô khai thác đề tài cuộc xung đột với Nhật Bản - một vấn đề đặc biệt nhạy cảm với người Trung Quốc - nơi những ký ức về cuộc xâm lấn hung bạo của người Nhật vẫn còn hằn lên rất sâu đậm trong tâm trí người dân.

Thiếu nữ đánh cờ vây, xuất bản năm 2001, là câu chuyện tình yêu bi kịch giữa một thiếu nữ Trung Quốc trẻ trung và một sĩ quan Nhật tại Mãn Châu - nơi người Nhật đóng quân trong cuộc xâm chiếm Trung Quốc năm 1931.

Sơn Táp cho biết, cô ngưỡng mộ Nhật Bản bởi đất nước này là nơi đặc biệt thành công trong việc “gìn giữ truyền thống, bảo tồn tự nhiên và tạo lập những kỷ luật khắc nghiệt”.

Nhà văn tự nhận mình là người hâm mộ cuồng nhiệt những võ sĩ đạo samurai trung cổ và tinh thần thượng võ của họ. Cô nói: Nhật Bản đem đến cho tôi nguồn cảm hứng mạnh mẽ trong cuộc sống thường nhật và đó là niềm đam mê xuất phát từ con tim, không bị ràng buộc bởi lý lẽ.

"Cá nhân tôi không cảm thấy thù hận gì với Nhật Bản. Tôi lên án chiến tranh, nhưng tôi không lên án Nhật Bản. Trung Quốc mang những vết sẹo sâu sắc từ cuộc chiến với người Nhật nhưng hoà bình không bao giờ là thứ không thể thực hiện”, nhà văn bày tỏ.

Trong những năm gần đây, Sơn Táp đang dần chuyển hướng viết về thời kỳ lịch sử Trung Quốc gắn liền với cuộc đời mình. Shall We Meet in Tokyo at Four in the Morning? là câu chuyện về tuổi thơ của chính bản thân nhà văn được kể lại qua hình thức những lá thư giữa cô và Collasse - một người bạn sống lâu năm tại Nhật.

Cũng như những người cùng thời, thế hệ ông bà và bố mẹ Sơn Táp ít nhiều chịu hệ lụy từ cuộc Đại cách mạng Văn hoá. Cô cùng gia đình sang Pháp từ 1989 và định cư ở đó cho đến nay.

Trước đây, Sơn Táp từng rất ngần ngại khi đụng chạm đến khoảng thời gian này trong lịch sử Trung Quốc. “Tôi hiểu họ. Đó là lý do tại sao tôi từng không muốn viết về cuộc đời tôi và những câu chuyện đau lòng này”, nhà văn nói.

"Nhưng bây giờ tôi nghĩ đó là việc mình nên làm. Ở tuổi này, tôi đã có đủ sự trưởng thành nhất định để tự vạch ra những ranh giới”, nhà văn khẳng định.

Theo AFP