Lê Minh Nhựt

Mối tình thứ tư

Lê Minh Nhựt

Tháng mười, bấc trở ngọn. Đi xe ngoài đường sáu mươi cây số một giờ da thịt giống như được phủ một lớp nước đá mỏng tang, không lạnh lắm chỉ vừa đủ rờn rợn người, vừa đủ dựng đứng những sợi lông trên cánh tay.

Quán tươm tất nằm lùi sâu trong con hẻm nhỏ, có lẽ vì thế nên ít khách vãng lai mà chỉ toàn là mấy gương mặt quen thuộc đến cũ mèm. Quán cà phê nhưng chẳng bao giờ mở nhạc. Khách đến quán mọi lúc đều nghe điệp khúc tranh luận đến phát ngán giữa cô chủ quán sắp bước qua ngưỡng băm và con nhỏ tiếp viên mặt non choẹt búng ra sữa mới mười sáu tuổi. Cô chủ lúc nào cũng ca cẩm chuyện con nhỏ mặc áo để lộ đôi vai trần trắng đến nhức mắt và diện những chiếc váy ngắn cũn cỡn trên đầu gối. Còn con nhỏ mười sáu tuổi luôn luôn trả lời một cách ương bướng rằng: Tại sao lại không?

Có lẽ đây cũng là lý do để quán không bao giờ mở nhạc, mà để dành không gian cho cuộc tranh luận bất tận về vai trần và váy ngắn. Vậy mà mấy vị khách cũ mèm kia như lại thích nghe, thích đến độ họ vừa lim dim đôi mắt, gật gù cái đầu, nhịp nhịp mũi giày như đang thưởng thức một bản nhạc trữ tình. Đánh cược một ăn mười rằng họ đã nghiện điệp khúc vai trần và váy ngắn. Giống như nghiện vị cà phê đắng nghét trộn nhiều bắp rang ở quán này khó lòng mà dứt ra được.

Con nhỏ mười sáu tuổi đến quán gần được một năm. Lúc đó nó ốm nhách đen thui, lơ ngơ láo ngáo trước đầu hẻm. Ai hỏi thì nó trả lời: Bị mẹ ghẻ dắt lên đây rồi bỏ lại. Mọi người trong quán cười cái rần: Bộ tưởng tụi này dễ dụ khị lắm hả nhóc? Giả nai để tìm cơ hội chôm chỉa chớ gì?

Lúc đó con nhỏ khóc ròng như mưa bấc. Chỉ có cô chủ sắp bước qua ngưỡng băm là tin lời nó, vì cô ta cũng vừa bị tình phụ lần thứ ba. Một người bị tình phụ, một kẻ bị mẹ bỏ rơi đồng cảnh ngộ nên dễ cảm thông.

Con nhỏ được nhận vào quán phụ việc kể từ đó và cũng từ đó quán được khách gọi tên là quán "đời tôi cô đơn". Lỡ mà có gặp khách sầu lữ thứ thì chắc dám ôm nhau nhảy xuống sông tự vẫn cho rồi vì buồn thấy mồ tổ, sống làm gì.

Con nhỏ mười sáu tuổi bây giờ đã đỏ thịt thắm da, mô đen ngất trời mây, coi tướng nó còn giống chủ hơn cả cô chủ sắp bước qua ngưỡng băm. Bà mẹ kia nếu gặp lại chắc phải hít hà tặc lưỡi tiếc đứt ruột vì phải chi ráng nuôi nó thêm vài tháng nữa cho thành như bây giờ rồi gả cho Đài Loan đếm tiền mỏi tay. Ừa, lỡ mà có gặp lại bả chắc tui chém bả mỏi tay quá!- Con nhỏ mười sáu liếc mắt đong đưa với khách. Nhưng mà đừng có dại đụng vô nó, có lần nó dám tát một ông khách dê xồm vì tội sờ mó lung tung, nó còn la toáng lên rằng: nó mới mười sáu tuổi non, đụng vô ở tù mười năm là cái chắc.

Cô chủ quán những lúc ấy bộ mặt buồn xo ngồi trong góc quán ngó ra chỗ con nhỏ mười sáu, thầm ước ao phải chi mình được như nó, thế nào mình cũng phản ứng như vậy nhưng vừa phải và tế nhị hơn để khách đỡ quê, bữa sau còn lui tới nữa.

Sau những lúc ấy, thế nào giữa cô chủ và con nhỏ cũng diễn ra cuộc tranh luận quyết liệt về chủ đề vai trần - váy ngắn như thế này:

Cô chủ:
— Tại mày lúc nào cũng vai trần - váy ngắn mát mẻ quá nên khiêu khích đàn ông!

Con nhỏ mười sáu gân cổ lên:
— Tại thằng đó dê xồm chớ có thấy gì đâu, không tin để con cúi xuống cho cô dòm thử!
— Vú mày bằng trái cau, có gì mà dòm. Cô chủ trề môi nhưng mắt lại liếc vào khe ngực của con nhỏ rồi cô len lén nhìn lại mình và thở dài áo não lắm.
— Sao cô? Đẹp ngon lành không cô? Con nhỏ hớn hở.
— Ối ngon lành cái con khỉ mốc, con nít hỉ mũi chưa sạch mà bày đặt. Ngày mai dẹp bộ đồ đó cho tao nhờ.

Cô chủ phẩy tay làm con nhỏ cụt hứng. Thế nào ngày mai nó cũng kiếm một bộ ngắn hơn bữa nay để chọc tức và điệp khúc ấy được lặp lại một cách tự nhiên ngay giữa quán làm khoái trá cái lỗ tai của mấy gã khách đang ngồi đồng trong quán. Những gã này thầm nghĩ: Có lẽ cô chủ đang ghen với con nhỏ mười sáu tuổi vì nó mỗi ngày một tươi hơn hớn cứ diễu qua diễu lại trước mặt, còn cô chủ thì ngày càng giống như tàu lá rũ, khách đến quán chẳng thèm nói với cô một lời xã giao khách sáo mà cứ bu chung quanh con nhỏ mười sáu y chang như lũ ruồi đánh hơi được mùi đường cát trắng. Cô ta chắc là cũng muốn tống khứ con nhỏ đi cho khuất mắt nhưng lại sợ quán mất khách, đói nhăn răng nên thành ra cứ giữ nó lại và ngày nào cũng ca cẩm về vai trần và váy ngắn.

Một ngày, cô chủ buồn hiu hắt khi phát hiện con nhỏ có bồ. Thằng bồ chừng đâu trạc tuổi nó, mặc đồ hip hop, cử chỉ bộ dạng sành điệu lắm. Hai đứa choàng vai bá cổ ngay giữa thanh thiên bạch nhật, giữa biết bao con mắt tò mò hau háu của bọn khách đàn ông. Thằng này mới đến quán uống cà phê vài ba ngày là cùng, vậy mà đã thành bồ bịch. Thiệt tao không hiểu nổi mày nghĩ gì trong đầu, coi chừng nó chán rồi xù, ở đó mà khóc cha khóc mẹ! Trằn trọc lăn lóc tới khuya, cô chủ mới khẽ khàng nói với con nhỏ.
— Mệt cô quá! - con nhỏ gắt, nó xoay lưng lại phía cô chủ, nằm nghiêng về một phía kéo mền trùm kín đầu. Hơi đâu mà lo chi chuyện xa xôi, có yêu thì cứ yêu, chừng nào chán thì bỏ!

Cô chủ chưng hửng. Chưng hửng vì không biết ai dạy cho nó cái suy nghĩ lạ lùng như vậy. Chưng hửng vì cô ngờ ngợ rằng mình hình như đã lạc hậu so với con nhỏ cả thế kỷ. Chừng nào chán thì bỏ. Phải chi cô suy nghĩ được như nó thì bây giờ đỡ khổ hơn biết mấy. Có lần con nhỏ làm một phép tính cho cô chủ, nó tính: trung bình cô mất bốn năm để yêu và một năm để quên một mối tình. Tổng cộng là năm năm, nhân với ba lần gãy gánh như vậy phí mất mười lăm năm. Cô phung phí thời gian quá, thời buổi bây giờ chớ đâu có phải mấy chục năm về trước đâu. Cứ điệu này đến lúc chết cô ôm một cục tổ bố. Cô chủ hỏi nó: Cục gì mậy? Nó cười hì hì: Cục hận tình chớ cục gì! Kiếm đại thằng cha nào giàu sụ rồi nhảy vô xài tiền cho nó đã cái thân, ở đó mà đi tìm mối tình chung, không có đâu cô ơi!

Lúc đó cô chủ tưởng đâu nó nói trời nói đất cho vui, ai dè bây giờ nó làm thiệt vậy mới chết. Thằng bồ của nó là dân cậu ấm cô chiêu chính hiệu, con một của ông giám đốc doanh nghiệp tư nhân đang ăn nên làm ra trong tỉnh. Cô còn lạ gì cái thằng phá gia chi tử này, nó đã từng dắt một đứa con gái khác ở ngoài đầu hẻm đi bụi tuốt Đà Lạt ăn ngủ mấy tháng trời, tới khi con nhỏ kia mang ba lô ngược mới ló đầu về nhà năn nỉ ông bà già giải quyết hậu quả giùm. May phước cho nó là bên gia đình con nhỏ kia cũng là dân có tiền, có địa vị sợ mất thể diện nên dàn xếp êm thấm nếu không thì bây giờ chắc thằng đó đang nằm trong tù vì dụ dỗ trẻ vị thành niên. Bây giờ thì nó lại ngựa quen đường cũ đây mà, lại còn thay đổi khẩu vị nữa, chán con gái ở thành thị nên chiếu tướng vô con nhỏ ở nhà quê mới lột xác được vài tháng ở cái quán này. Xui xẻo cho con nhỏ quá chừng. Bây giờ thì con nhỏ đã lậm bùa mê thuốc lú của thằng đó rồi, dễ gì mà rứt nó ra cho được, cứng rắn với nó quá dám nó bỏ đi với thằng kia thì cũng như dâng cừu non cho sói. Cô chủ nghĩ ngợi hồi lâu rồi định kể cho nó nghe về mấy cuộc tình với những người đàn ông của mình nhưng con nhỏ đã thở đều đặn ra chiều ngủ say lắm rồi. Nhìn gương mặt không trang điểm của nó cô chủ lại chạnh lòng. Phải chi cô lập gia đình với người đàn ông đầu tiên của mình thì giờ này biết đâu con của cô đã cỡ tuổi của nó rồi. Cô nhẹ nhàng đặt một nụ hôn lên trán nó, lần đầu tiên cô thấy con nhỏ còn khờ khạo quá chừng.

Một bữa nọ, cô chủ thấy con nhỏ lúi húi soạn lại mấy bộ quần áo cũ hồi nó mới lên trên này, mấy bộ đồ nhăn nheo từ trước đến nay nó cất trong tủ, chẳng khi nào để mắt tới. Thấy lạ, cô hỏi:
— Mày tính đem đi đâu vậy?

Con nhỏ vuốt ve mấy bộ đồ cũ, giọng nhẹ hều:
— Con đem ra ủi rồi mặc lại!
— Trời đất, mày mặc mấy bộ đồ đó khách ai mà dám vô quán nữa! Cô chủ lại chưng hửng.
— Không, con mặc để về quê! Bà già bệnh hổm rày, hồi sáng gặp người quen nhắn tin cho hay. Chắc là không qua khỏi! Con nhỏ sụt sịt chừng như muốn khóc.
— Ủa, không phải mày nói gặp bà mẹ ghẻ kia là chém mỏi tay hay sao mà bây giờ lại về dưới?
— Nói là nói vậy chớ dầu gì con cũng từng gọi bả bằng mẹ, về gặp mặt bả lần cuối coi như trả nghĩa. Thôi, cô ở lại mạnh giỏi, con về dưới một thời gian.

Nói rồi con nhỏ thay bộ đồ hở vai ra mặc vào bộ đồ cũ hồi nó mới lên, quảy chiếc cặp sờn rách lên vai, xoay một vòng trước mặt cô chủ rồi nhoẻn miệng cười:
— Sao cô? Bây giờ trở lại gái quê chưa cô?
— Ờ, giống rồi đó. Còn thằng bồ của mày có đi theo về dưới trình diện bà con láng giềng không?

Con nhỏ cười ngất:
— Con cho nó de rồi cô ơi! Cái thằng nó tính con ngon ăn lắm, hôm bữa rủ đi mướn khách sạn tính lụm con, bị con đạp cho mấy đạp rồi xù luôn. Bữa sau thấy nó chở con nhỏ khác, ôm eo cứng ngắc.

Cô chủ nghe nó nói mà cứ ngớ người ra vì giọng nó không có vẻ gì là thất tình cả, không giống như cô cứ sau mỗi lần chia tay một cuộc tình là lại khóc đến cạn nước mắt, xọp xẹp đờ đẫn cả năm ròng. Yêu iếc gì mà lạ lùng vậy trời?! Nhưng vậy mà lại hoá ra may mắn cho nó, hỉ mũi chưa sạch mà bày đặt yêu đương lung tung.
— Con về dưới rồi ở trên này cửa nẻo buổi tối nhớ khoá cẩn thận nghen cô, coi chừng mấy ông dê xồm ở trong hẻm. Con thấy mấy thằng chả thèm cô chảy nước miếng. Cô còn bén lắm đó! Bước lên xe nó còn ngoái lại dặn dò cô chủ y như người đã lọc lỏi chuyện đời nhưng lại bằng cái giọng pha trộn không giống ai. Cô chủ cố bật cười để giấu đi một nỗi buồn đang nhen nhóm lên trong mình, lại một cuộc chia tay nữa, tuy không giống như những lần trước nhưng mối tình này cũng khó mà nguôi ngoai. Đời người là những cuộc chia tay – không biết ai đó đã nói câu này, nhưng sao lại vận đúng vào cô chủ quán cà phê nơi con hẻm nằm trong lòng thành phố nhỏ.

Cô chủ quán "đời tôi cô đơn" lúc này sao thấy bèo quá, chắc lại bị bồ đá nữa? Không phải bị bồ đá mà là cổ vừa chia tay mối tình thứ tư của mình. Với thằng cha nào vậy? Không phải thằng cha mà là con nhỏ mười sáu tuổi! Trời đất, vậy cô ta chuyển hệ hả? Chẳng gì cả, đơn giản đó là một
mối tình giữa hai người cô đơn, vậy thôi. Cỡ như ông thì không hiểu nổi phụ nữ đâu!

Cô chủ nghe hình như có tiếng của mấy vị khách cũ mèm thì thầm trong góc quán về chuyện của mình, về mối tình thứ tư gì đó. Cô ngẩng đầu lên, nhưng tuyệt nhiên chẳng thấy ai. Quán vắng tanh vắng ngắt, chỉ có một ông khách ngồi ở chiếc bàn đặt khuất sau mấy chậu cây kiểng thỉnh thoảng len lén nhìn cô rồi mỉm cười một cách khó hiểu.

Không hiểu sao, cô chủ lại quay vào trong buồng, mở tủ lấy một bộ váy mặc vào và soi trước gương. Trong gương là một người khác đang chăm chú nhìn cô. Vai trần và váy ngắn. Đẹp cũng ác liệt đâu thua gì con nhỏ mười sáu tuổi kia.
— Gió bấc thì gió bấc, lạnh thì lạnh nhưng lại sao không thể vai trần, váy ngắn?
— Ừ nhỉ, tại sao không?

Ngoài đường, gió bấc không còn lạnh nữa!

Lê Minh Nhựt (Cà Mau)