Lý Phật Tử và Tỳ Ni Đa Lưu Chi

Xem mục lục ở sau Lời mở đầu Việt Nam khai quốc


Chùa Dâu (Pháp Vân) xây vào thế kỷ thứ 3

Nhìn lại những truyền thống bản xứ có từ thời thượng cổ mà Triệu Quang Phục đã tìm cách khôi phục và bổ túc thêm thì chiều hướng văn hoá ở Giao Châu dưới thời kỳ Lý Phật Tử được xem như là thời Phật Giáo đầu tiên được Việt Nam hoá. Một thế kỷ trước đó, hoàng đế Cao của nhà Tề (479-482), người rất sùng đạo Phật, đã loan báo ý định gửi những phái bộ truyền đạo Phật từ Trung Quốc xuống Giao Châu nhưng Tăng Thiện, một nhà sư gốc Trung Á, đã khuyên vua Nam Tề rằng:

“Đất Giao Châu đã đang tiếp xúc với Ấn Độ. Giáo lý của Phật chưa được truyền đến kinh đô Tề của ta mà hai chục công trình Phật Giáo đã được xây dựng ở Luy Lâm, Giao Châu với hơn 500 người quy y và thuộc làu làu 15 pho kinh Phật rồi… Như vậy gửi những phái bộ truyền đạo đến đó là không cần thiết. Thay vào đó chúng ta nên gửi các quan chức đến để thanh sát những chùa chiền, tu viện tại đó…”

Đây là thông tin duy nhất còn lưu lại nói về tình trạng Phật Giáo Việt Nam giữa thời Sĩ Nhiếp cho đến thế kỷ 6. Rõ ràng là Phật Giáo đã đạt được một vị trí vững vàng trong dân chúng Việt Nam thời đó.

Thế kỷ 6 là thời kỳ đặc biệt sáng sủa cho sự phát triển của Phật Giáo ở Việt Nam. Việc các khuynh hướng Phật Giáo ở Ấn Độ và Trung Quốc được hội nhập và phát triển một cách dễ dàng và sốt sắng ở Việt Nam là bằng chứng của sự trưởng thành và nghị lực của Phật Giáo Việt Nam. Chúng tôi đã nói đến kiểu tượng Phật Long Môn với nét điêu khắc được coi như là bằng chứng về việc Phật Giáo Trung Quốc du nhập và phát triển tại Việt Nam vào thời Lý Bí. Cũng có nhiều bằng chứng khác cho thấy mối liên quan trực tiếp hơn về việc tiếp xúc giữa Phật Giáo Trung Quốc và Việt Nam vào thế kỷ thứ 6.

Dưới triều đại Trần Bá Tiên (557-589), chưởng môn đời thứ 3 của giáo phái Thiên Thai là Trí Nghi (538-597) đi thuyết pháp, viết kinh và tìm cách hệ thống hoá giáo lý nhà Phật. Mang tính chiết trung và không nhất thống trong phương pháp nhưng những chủ thuyết của giáo phái Thiên Thai vẫn lan tràn rất nhanh trong dân giã Việt Nam. Tuy nhiên giáo thuyết này lại chẳng tạo ảnh hưởng được giai cấp cầm quyền Việt Nam nếu đem so sánh với môn phái ngồi trầm tư mặc tưởng mà tiếng Phạn gọi là Dhyana, tiếng Trung Quốc gọi là Ch’an, tiếng Nhật gọi là Zen và tiếng Việt gọi là Thiền.

Thiền đã du nhập vào Trung Quốc từ một nhà sư Ấn Độ tên là Bồ Đề Đạt Ma. Nhà sư này đã du hành đến Trung Quốc và ở lại Thiếu Lâm Tự trong nửa phần đầu thế kỷ thứ 5. Phần lớn những gì nói về đức Bồ Đề Đạt Ma đều là huyền thoại cả. Tương truyền rằng sau này một đệ tử của đức Đạt Ma là Tuệ Khả lại truyền giáo lý lại cho nhà sư Tăng Xán. Trong thời kỳ Phật Giáo bị ngược đãi dưới triều hoàng đế Vũ (561-577) của Bắc Chu, tu sĩ Tăng Xán phải ẩn náu trên một ngọn núi ở Hồ Nam.

Năm 574, một người đạo Bà La Môn từ miền Nam Ấn Độ tên là Tỳ Ni Đa Lưu Chi tức Vinitaruci du hành đến miền Bắc Trung Quốc. Đem hết tuổi trẻ và tâm huyết vào việc nghiên cứu Phật Giáo ở Tây Ấn Độ nhưng chưa thành chánh quả, Tỳ Ni Đa Lưu Chi quyết đi tầm sư học đạo thêm nữa. Trên đường đi ông đã tới ngọn núi mà Tăng Xán ẩn náu và đã bái Tăng Xán làm sư phụ. Sau đó Tăng Xán khuyên Tỳ Ni nên tiếp tục du hành về phương Nam vì tình hình bất ổn ở phương Bắc, và nhất là sự ngược đãi Phật Giáo đang hoành hành ở đó. Xuôi nam Tỳ Ni Đa Lưu Chi đến Quảng Châu và được một người tôn sư trọng đạo là Trần Quân Cảo, Đô Đốc Quảng Châu từ 576 đến 578, che chở. Trong thời gian lưu lại Quảng Châu Tỳ Ni đã dịch hai cuốn kinh Phật từ tiếng Phạn sang tiếng Trung Quốc. Sau khi Trần Quân Cảo qua đời thì Quảng Châu lại trở nên hỗn loạn. Chính vì thế mà năm 580 Tỳ Ni Đa Lưu Chi lại một lần nữa xuôi Nam đến Giao Châu và tìm được nơi ẩn náu tại chùa Pháp Vân ở Luy Lâu, một trong bốn ngôi chùa đã được xây từ thời Sĩ Nhiếp. Suốt 14 năm trụ trì tại chùa Pháp Vân cho đến khi ông viên tịch tại đó vào năm 594, Tỳ Ni Đa Lưu Chi đã dịch thêm cuốn kinh thứ 3 và thu hút được nhiều đệ tử thọ giáo. Trong số các đệ tử mà ông quý mến nhất có nhà sư Pháp Hiển là người được ông truyền lại hết sở học mà ông lãnh hội được trước đó ở Tây Ấn Độ cũng như từ nhà sư Tăng Xán.

Sư Pháp Hiển, gốc ở Chu Diên và mang họ Đỗ. Việc Pháp Hiển có phải là hậu duệ của Đỗ Tuệ Độ, người đã cai trị Việt Nam hồi thế kỷ 4 và 5, hay không thì không rõ. Cũng cần biết rằng thiền pháp đã được đưa vào Việt Nam trước khi Tỳ Ni Đa Lưu Chi đến Giao Châu, vì trước đó Pháp Hiển đã tu tập và đạt chánh quả với Quán Duyên, một thiền sư khác cũng ở chùa Pháp Vân. Tuy nhiên Pháp Hiển lãnh hội được cái “tinh hoa và cao siêu” của thiền pháp phần chính là từ đức Tỳ Ni. Sau khi đức Tỳ Ni Đa Lưu Chi viên tịch, Pháp Hiển cho xây ngôi chùa Chung Thiên trên núi Tu, khoảng 20 dặm về phía Tây Bắc thành Luy Lâu thuộc Bắc Ninh hiện nay. Pháp Hiển Thượng Sĩ viên tịch năm 626, sau khi đã truyền thụ thiền pháp cho hơn 300 đệ từ tất cả những gì Pháp Hiển đã học được từ thiền sư Quán Duyên và nhất là từ Sư Tổ Thiền Tông Phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi.


Tượng A di đà chùa Phật Tích, thời Lý (Bản sao ở Viện Bảo tàng Lịch sử VN)

Việc du nhập Thiền Tông Phái một giáo phái mới, việc chấp nhận một vị sư phụ là người nước ngoài, việc xây dựng một ngôi chùa mới, và việc tụ tập bao nhiêu sư sãi sẽ không thể thực hiện được nếu không có một môi trường ủng hộ tôn giáo. Thêm vào đó còn cần một cộng đồng có đủ tư cách để giữ chân được một vị sư phụ đến từ nước ngoài, và đủ trưởng thành để đáp ứng và tiếp thu được sự hướng dẫn và dạy bảo của sư phụ người Ấn Độ ấy. Và trên hết cần phải có một lãnh tụ sùng đạo và có thực quyền để có thể bảo đảm điều kiện thái bình ở trong nước. Lý Phật Tử chính là một lãnh tụ như thế. Tên của ông là Phật Tử, tức con Phật, đã phần nào nói lên điều này. Thật ra chưa chắc ông đã dùng đến tên ấy cho đến mãn đời vì có giả thuyết cho rằng Lý Hữu Vinh, viên “Thứ Sử Giao Châu”, mà năm 583 đã tiến voi triều cống nhà Nam Trần chính là Lý Phật Tử. Lý Hữu Vinh có thể là một tên khác mà Lý Phật Tử đã dùng thời gian triều cống voi nhà Nam Trần, lý do phải dùng tên khác vì ông không muốn tiết lộ tên thật cho Trung Quốc biết vì sự bất trắc của thời đại mà cũng có thể là vì kế sách ngoại giao. Chắc vì thế mà trong cảnh hỗn loạn đánh dấu cuộc chuyển tiếp quyền hành từ nhà Trần sang nhà Tùy năm 580-590, Lý Phật Tử được sử sách Trung Quốc gọi là Lý Xuân. Lý Bí đã đặt tên nước là Vạn Xuân nên trong thời gian rối ren ấy, tên họ của Lý Phật Tử có lẽ đã được ghép với tên nước Vạn Xuân để thành Lý Xuân chăng?

Với ba chục năm dài trị vì, sử liệu Việt Nam đã tôn vinh Lý Phật Tử như một người có công rất lớn trong việc làm sáng tỏ được bối cảnh chính trị thời gian đó bằng việc tạo cơ hội cho Thiền Tông Phái du nhập và phát huy tại Việt Nam khi đức Tỳ Ni Đa Lưu Chi, người khai xướng thiền phái này, du hành xuống miền Nam để tìm một môi trường thái bình yên ổn có thiện cảm với Phật Giáo. Cũng như trong các thời kỳ trước đó, mỗi khi có binh biến hoặc thay đổi triều đại ở Trung Quốc, Việt Nam lại được hưởng một thời kỳ thái bình và thịnh vượng dưới sự lãnh đạo của các lãnh tụ địa phương tài đức. Chính môi trường ủng hộ tôn giáo như đã nói ở trên đã lôi cuốn đức Tỳ Ni Đa Lưu Chi, khiến ông có thể yên tâm sáng lập được một tông phái mới ở Việt Nam mang tên ông. Phái Tỳ Ni hay còn gọi là Thiền Tông Phái là phái thứ nhất trong ba tông phái Thiền Phật Giáo chính trong lịch sử Việt Nam. Ba tông phái Phật Giáo Việt Nam này [Thiền Tông, Tịnh Tông, và Mật Tông] đã đóng vai trò quan trọng trong thời kỳ độc lập sơ khai và kéo dài mãi cho tới thế kỷ 13.

Tác giả: Keith Weller Taylor
Chuyển ngữ: Lê Hồng Chương
Source: Damau.org