Hàng vào siêu thị, giá đội lên nhiều lần

Hệ thống siêu thị đã trở thành một kênh phân phối hiệu quả khi người tiêu dùng ngày càng tin tưởng lựa chọn hàng hoá được bán tại đây. Tuy nhiên, để hàng hoá có mặt trên các kệ hàng của siêu thị là hành trình không đơn giản, nhất là đối với những doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Chiết khấu 30% thì khó có lãi
Theo một số doanh nghiệp (DN), rất nhiều siêu thị, nếu muốn hàng được bày, DN có hàng phải chi khoảng 50 triệu đồng tiền phí cam kết làm ăn với siêu thị. Đồng thời, các đơn vị phân phối luôn đặt ra mức chiết khấu rất cao, đến 30% giá thành sản phẩm.
Ông Lê Thanh Lâm, Giám đốc Công ty Cổ phần Điện máy Thăng Long cho biết: “Đối với các DN vừa và nhỏ vấn đề quay vòng vốn để sản xuất là rất quan trọng. Nhưng khi đưa hàng vào siêu thị bán thì thường bị đọng vốn khá lâu, phải 2-3 tháng mới lấy được tiền. Trong khi vay ngân hàng để lấy vốn sản xuất thì vẫn phải trả đúng hạn từng ngày”.
Mặt khác, theo ông Lâm, mặc dù chấp nhận số tiền khá cao và thu hồi vốn chậm nhưng để đưa được hàng vào siêu thị cũng không phải dễ dàng: “Khi đặt vấn đề đưa hàng vào siêu thị, chúng tôi từng bị nhiều nơi từ chối thẳng thừng. Còn một vài nơi khác thì đồng ý nhưng với mức chiết khấu rất cao, lên đến 30%. Tuy đồng ý nhưng chờ mãi họ vẫn chưa cho hàng vào”.
Nhiều DN biết với mức chiết khấu ấy thì sẽ khó có thể có lãi những vẫn phải cắn răng chịu vì trong tương lai hệ thống siêu thị có nhiều khả năng thay thế chợ truyền thống nên đây có thể coi là chiến lược phát triển lâu dài.
“Nếu bán hàng ở những kênh khác, chúng tôi có thể thu lời nhiều hơn, nhưng muốn tạo dựng thương hiệu và phát triển lâu dài, ổn định thì buộc phải đưa hàng vào hệ thống siêu thị”, ông Lâm nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Xuân Hoàn, Trưởng phòng QA, Công ty May 10, Hà Nội, cho biết: "Công ty sản xuất chỉ cần 10- 12% lợi nhuận đã quá khó, vậy mà đem hàng vào siêu thị đòi chiết khấu từ 25 - 30%, thì chúng tôi rất khó chấp nhận được. Vì thế sản phẩm của May 10 đành phải chấp nhận bị bật ra ngoài và mở các đại lý riêng của mình tại các khu vực".
Còn theo một nhân viên kinh doanh của Công ty TNHH TM và XNK Đông Nam Á, một DN chuyên nhập khẩu rượu thì, hàng nằm trên kệ của siêu thị đã phải qua rất nhiều khâu trung gian. Mỗi khâu lại phải chi tiền “hoa hồng” hoặc tiền bồi dưỡng. Vì vậy, đến khi hàng được bán đến người tiêu dùng thì giá đã bị đội lên gấp mấy lần so với giá ban đầu.
Khó chen chân vào siêu thị
Trả lời về việc mức phí cao khi đưa hàng vào siêu thị, ông Mạnh Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc Big C cho biết, các siêu thị đề ra mức chiết khấu cao như vậy là do phải gánh quá nhiều chi phí mặt bằng, máy lạnh, nhân viên để tạo nên cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, đồng thời phải tính đến biện pháp giảm giá, khuyến mãi sao cho mức giá bằng hoặc thấp hơn chợ để tăng tính cạnh tranh.
Ngoài ra, nhiều DN bị từ chối hoặc phải mất thời gian chờ câu trả lời từ phía siêu thị, lỗi một phần cũng chính là do các DN vì khi gửi đơn chào hàng chỉ đơn thuần là một bản fax giới thiệu sản phẩm, hãng sản xuất và giá cả. Trong khi đó, cái mà siêu thị quan tâm là một kế hoạch bán hàng hoàn chỉnh, chi tiết bao gồm: các dịch vụ hỗ trợ cho bán hàng, chiến lược cũng như thị phần của mình để siêu thị có thể an tâm hơn khi nhận hàng.
Ngoài ra, theo ông Dũng, nhiều mặt hàng rất hay bị các lỗi về kỹ thuật như: mã vạch với chất lượng in xấu, bao bì lẫn lộn ngày sản xuất và ngày hết hạn sử dụng, trọng lượng không chính xác…
“Không phải là thương hiệu nhỏ thì sẽ khó vào siêu thị hơn các thương hiệu lớn. Các loại mặt hàng đều có khả năng cạnh tranh như nhau miễn là hàng hoá đảm bảo chất lượng và phù hợp với nhu cầu thị trường”.
Ông Dũng lấy ví dụ, trong siêu thị vẫn có các mặt hàng nhỏ như cái khăn mặt, bàn chải đánh răng, tăm tre, túi kẹo lạc… Vì thế không thể nói chỉ các thương hiệu, mặt hàng lớn mới bước chân vào được siêu thị.
Còn bà Đỗ Phương Lan, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội, thì cho rằng, mỗi doanh nghiệp tùy theo khả năng của mình nên chọn những kênh khác nhau để đưa hàng vào hiệu quả, chứ không nên cố gắng dù không có lãi cũng phải vào bằng được siêu thị.
Những DN vừa và nhỏ thì nên chọn cho mình những thị trường bán hàng tại các tỉnh thông qua các đại lý của mình. Người dân ở đây họ chưa quan tâm nhiều đến thương hiệu, vì vậy chỉ cần hàng chất lượng khá, giá cả lại phải chăng thì chắc chắn sẽ thu hút được khách hàng. Và như vậy cũng là cách để xây dựng thương hiệu.
Nếu muốn đưa hàng vào siêu thị chỉ nên gửi một vài mặt hàng để thăm dò thị trường. Như vậy vừa đỡ bị mất một khoản phí “ngầm” khá cao, lại không lo hàng vào siêu thị không bán được.
Nguyễn Yến (http://bee.net)