Murakami

Một mình Toni Takitani (3)

Murakami

Còn lại cho Toni Takitani chỉ là một núi những bộ áo quần cỡ số 7 chất đầy một căn phòng. Cả giày cũng có đến gần hai trăm đôi. Anh chẳng biết phải làm gì với số áo quần và giày ấy. Anh không muốn khư khư ôm giữ mãi những vật dụng của vợ, nên đồ trang sức thì đã gọi bạn hàng đến tùy họ rao giá mà cho họ lấy đi. tất và đồ lót thì đã thu nhặt mà cho vào lò đốt trong vườn. Chỉ có áo quần và giày của nàng thì số lượng quá lớn nên đành tạm để đấy. Đám tang vợ đã xong, anh thu mình lại trong phòng áo quần của vợ, suốt từ sáng đến tối, ngồi ngắm đăm đăm đám áo quần chen chúc chật chội tràn ngập căn phòng.

Mười ngày sau đám tang vợ, Toni Takitani gửi đăng trên nhật báo một quảng cáo tìm người giúp việc. Cần phụ nữ cỡ áo số 7, chiều cao khoảng 1 thước 61, chân giày cỡ số 22, lương cao bổng hậu. Số lương anh trưng lên có thể nói là cao hơn mức thông thường nhiều nên đã có tất cả mười ba phụ nữ tìm đến văn phòng của anh ở Minami Aoyama để được phỏng vấn. Trong số đó, năm người rõ ràng là đã nói láo về kích thước. Trong tám người còn lại, anh đã chọn một cô gái có thể hình gần với vợ anh nhất. Cô ấy ở khoảng trên hăm lăm tuổi, mặt mũi không có gì đặc sắc. Cô mặc áo sơ mi trắng trơn và chiếc váy bó sát màu xanh biển. Áo quần và giày của cô trông sạch sẽ, nhìn kỹ thì thấy có phần hơi cũ.

Toni Takitani bảo cô ta: “Công việc thì chẳng có gì khó cả. Mỗi ngày từ chín giờ sáng đến năm giờ chiều thì ở văn phòng tiếp nhận điện thoại, thay tôi đi nộp bản thảo minh hoạ hay đi lấy tư liệu, và sao chụp giấy tờ. Chỉ có thế thôi. Duy phải nhận một điều kiện. Sự thực là vợ tôi vừa mất, quần áo còn để lại vô số ở nhà. Phần lớn là quần áo mới hoàn toàn, hoặc gần như thế. Làm việc ở văn phòng này thì thay vì mặc đồng phục của sở làm, tôi muốn cô mặc những trang phục vợ tôi để lại ấy. Chính vì thế mới ra điều kiện tìm người về kích cỡ áo quần và giày. Tôi hiểu điều kiện này nghe có vẻ kỳ dị. Hẳn là cô nghi ngờ có chuyện gì đây. Chính tôi cũng hiểu được điều ấy. Tuy nhiên, tôi không có tà ý gì cả. Chỉ vì tôi cần thời gian để quen với sự thật là vợ tôi đã mất. Nghĩa là tôi phải tự điều chỉnh từ từ theo với áp suất không khí ở chung quanh tôi đây. Thời gian điều chỉnh ấy rất cần cho tôi. Trong thời gian ấy, tôi muốn cô mặc trang phục của vợ tôi bên cạnh tôi. Làm như thế, tôi tin là chính tôi sẽ dần dần có cảm giác thực là vợ mình đã mất, không còn ở trên đời này nữa”.

Cô gái cắn môi, cố suy nghĩ cho kịp về điều kiện làm việc nghe có vẻ kỳ quái. Mà đúng là chuyện kỳ quái thật. Nói cho đúng thì những lời Toni Takitani nói ấy, cô không hiểu được cốt lõi là thế nào. Người vợ vừa mới mất là điều cô hiểu được. Bà ấy để lại thật nhiều y phục là điều cô cũng hiểu được. Thế nhưng tại sao trước mắt ông ấy mình phải mặc áo quần của bà ấy để làm việc văn phòng thì cô không hiểu cho trọn được. Thông thường thì những chuyện như thế này, chắc là có gì đấy bên trong. Nhưng ông này trông có vẻ không đến nỗi là người xấu. Nghe lối nói chuyện của ông ta thì biết. Có thể vì mới mất vợ mà sinh ra quẫn trí, nhưng cũng không có vẻ là mẫu người có thể vì chuyện như thế mà làm hại đến người khác. Vả lại, nói gì đi nữa, mình cũng đang cần việc làm. Suốt mấy tháng nay đã tìm việc mãi mà chưa có. Tháng sau thì hết trợ cấp thất nghiệp rồi. Đến nước ấy thì ngay cả tiền thuê nhà cũng đã khó. Chỗ làm cho lương cao đến mức này có lẽ từ đây về sau mình cũng không gặp được lần nào nữa.

“Em xin vâng”. Cô nói. “Sự tình chi tiết thì em khó mà hiểu cho thấu đáo, nhưng em nghĩ có thể làm đúng được những gì ông đã bảo. Nhưng mà, trước nhất, ông có thể cho em xem những y phục ấy được không?”. “Tất nhiên là được thôi”. Toni Takitani đáp. Rồi đưa cô về nhà mình, cho cô xem hàng đống y phục. Trừ các tiệm bách hoá ra, cô chưa từng thấy một nơi nào nhiều áo quần đến thế. Mà bộ áo quần nào trông cũng thật là tốt và đắt tiền. Kiểu dáng cũng không chê vào đâu được. Quả là một quang cảnh choáng mắt, đến làm cô nghẹt thở. Vô cớ mà ngực cô đập thình thịch. Cô cảm thấy có gì đấy giống như nỗi hưng phấn dục tình.

Toni Takitani bảo cô thử xem có vừa không, rồi bước ra, để cô lại trong phòng. Cô lấy lại bình tĩnh, cầm lên vài bộ áo trong tầm tay, mặc thử. Thử cả giày nữa. Áo quần và giày ấy thật vừa vặn, cứ như là đã được đặt làm cho chính cô vậy. Cô cầm lấy từng chiếc áo quần mà ngắm. Đầu ngón tay vuốt nhè nhẹ, mũi hít mùi hương. Cả trăm bộ áo quần đẹp đẽ sắp hàng la liệt trước mắt. Bất chợt nước mắt ứa tràn mắt cô. Cô không sao ngăn được dòng nước mắt ấy tuôn trào không dứt. Khoác lên mình y phục của người đàn bà vừa mất, cô tức tưởi khóc không thành tiếng. Cho đến một hồi lâu sau, Toni Takitani trở lại xem tình hình, hỏi cô vì sao mà khóc. “Em không biết”. Cô lắc đầu nói. “Từ trước đến nay, chưa bao giờ thấy được nhiều y phục tuyệt đẹp đến thế này, có lẽ vì thế mà bấn loạn lên. Xin ông tha lỗi”. Cô nói, và lấy khăn tay thấm nước mắt.

“Nếu được thì mong cô đến văn phòng bắt đầu làm việc từ ngày mai”. Toni Takitani nói, giọng bình thản nghiệp vụ. “Tạm thời, cô chọn lấy áo quần và giày đủ cho một tuần lễ mà mang về”.

Cô gái thận trọng chọn lấy áo quần đủ cho sáu ngày làm việc. Chọn giày cho hợp với áo quần ấy. Rồi xếp vào một va li lớn. Toni Takitani bảo cô lấy thêm áo khoác phòng khi trời lạnh quá. Cô chọn chiếc áo khoác màu xám bằng len có vẻ ấm áp. Chiếc áo nhẹ như lông chim. Từ khi sinh ra đến nay, cô chưa từng cầm lên tay thứ áo khoác nào nhẹ đến như thế.

Cô gái đã về rồi, Toni Takitani vào phòng áo quần của vợ, đóng cửa lại, thẫn thờ lặng ngắm đám áo quần vợ mình đã để lại một hồi lâu. Anh không hiểu tại sao cô gái ấy đã khóc khi thấy những áo quần này. Anh thấy đám áo quần như những hình bóng vợ mình đã để lại. Những hình bóng cùng cỡ số 7 ấy xếp chồng lên nhau la liệt từng dãy, hay buông thõng từ những móc áo. Cứ như là treo lên những hàng mẫu chọn lọc sưu tập từ vô hạn (ít ra cũng là vô hạn trên lý thuyết) những khả năng tính hàm chứa trong hiện hữu của con người.

Những chiếc bóng ấy ngày xưa đã đính vào thân thể của vợ anh, đã truyền hơi ấm lên thân thể nàng. Những chiếc bóng đã chuyển động đồng bộ với vợ anh. Thế mà giờ đây, những gì có trước mắt anh thì đang mất dần sức sống, từng khắc từng khắc úa héo đi, chỉ còn là một đám những chiếc bóng tàn tạ thê thảm. Chỉ còn là những áo quần cũ kỹ không mang một ý nghĩa nào cả. Anh nhìn một hồi thì cảm thấy khó thở. Vô số sắc màu vươn lên uốn lượn nhảy múa trong không gian như phấn hoa bay bám vào mắt, tai và mũi anh. Những viền rua, nút áo, cầu vai, túi giả, đăng ten, dây nịt... ham hố hút không khí càng lúc càng loãng đi đến kỳ dị. Đám long não phong phú để ngừa sâu bọ ấy, đã toả mùi ngập ngụa như vô số côn trùng có cánh đang vỗ những tiếng vô thanh. Đột nhiên, anh ý thức được rằng mình đã căm hận đám y phục này từ trước đến nay. Anh tựa người vào tường, khoanh tay và nhắm mắt lại. Cô độc tẩm dần lên thân thể anh như một lớp nước xốt đen thẫm ấm áp. Anh thầm nghĩ tất cả đã chấm dứt rồi. Có làm gì đi nữa, mọi chuyện cũng đã xong cả rồi.

Anh gọi điện thoại đến nhà cô gái, bảo cô thôi hãy quên chuyện việc làm này đi. Anh nói: xin thứ lỗi, nhưng mà công việc ấy không còn cần nữa. Cô gái kinh ngạc, hỏi: thưa có chuyện gì đến nỗi thế. Anh đáp: sự tình thay đổi đột ngột, xin lỗi cô. Áo quần và giày cô đã mang về nhà ấy, xin tặng cô tất cả. Cả va li ấy nữa. Mong cô quên chuyện này đi, và xin đừng nói với ai. Cô gái chẳng hiểu được chuyện gì ra chuyện gì, nhưng có hỏi đáp thêm nữa cũng phiền toái mà chẳng đi đến đâu, nên nói: “Em xin nghe theo ông” rồi cắt điện thoại.

Cô thấy giận tức Toni Takitani một lúc lâu. Nhưng sau đó, đã cảm thấy có lẽ kết cuộc như thế lại tốt hơn. Ngay từ đầu đã nghi là chuyện có vẻ kỳ quái rồi. Mất việc ấy cũng tiếc thật, nhưng mà thế nào rồi cũng sẽ có dịp khác.

Cô đem mấy bộ áo quần lấy từ nhà Toni Takitani ra vuốt thẳng thớm từng chiếc một rồi treo ngay ngắn vào tủ áo, và xếp giày vào ngăn đựng giày. Bên cạnh những bộ mới này, đám áo quần và giày cũ của cô đã có từ trước, trông cũ kỹ thảm hại đến sững sờ. Cảm thấy như chúng đã được tạo ra bằng những vật liệu hoàn toàn ở một thứ nguyên khác thành một loại vật chất khác hẳn. Cô cởi áo quần mặc đi phỏng vấn xin việc, treo vào móc, thay vào quần bò áo thun, rồi ngồi xuống sàn phòng, uống lon bia đã lấy từ tủ lạnh ra. Nhớ đến núi áo quần trong phòng trang phục của nhà Toni Takitani, cô thở dài. Cô nghĩ: sao mà nhiều áo quần đẹp đến như thế. Chao ôi, ngay cả căn phòng chứa áo quần ấy đã rộng hơn cả căn chung cư cô đang ở này rồi. Bao nhiêu áo quần ấy mua được chắc hẳn đã tốn nhiều thì giờ và tiền bạc lắm. Mà người ấy đã mất đi rồi. Bỏ lại cả một phòng đầy áo quần cỡ số 7. Không biết chết đi bỏ lại bao nhiêu là áo quần tuyệt đẹp đến thế thì có cảm giác như thế nào nhỉ?

Bạn bè của cô thừa biết cô nghèo, nên khi gặp cô mặc trang phục mới và đẹp ấy, ai cũng sửng sốt. Bộ áo quần nào cũng là hàng có nhãn hiệu, cao giá và sang trọng. Ai cũng tra hỏi xem làm cách nào, từ đâu mà cô có được những bộ áo quần như thế. Cô chỉ lắc đầu, đáp: đã hứa với người ta rồi nên không thể cho biết được. Mà có cho biết đi nữa, đằng nào thì các bạn cũng chả tin đâu.

Toni Takitani cuối cùng rồi cũng phải gọi tiệm bán áo quần cũ để họ thu mua cả. Chẳng được bao nhiêu. Nhưng thế nào cũng được. Đối với anh, có cho không để họ mang tất cả đi còn được nữa là. Cứ mang cả đi chỗ nào thật xa để mắt anh không còn thấy lại chúng một lần nào nữa.

Căn phòng chứa áo quần ngày trước, anh để trống như thế một thời gian dài. Thỉnh thoảng anh lại vào trong phòng ấy, chẳng để làm gì, chỉ thờ thẫn một mình. Anh ngồi xuống sàn phòng, đăm đăm nhìn tường phòng hàng giờ. Hình bóng của người chết như vẫn còn nguyên đấy. Nhưng tháng năm trôi qua, dần dần anh không còn nhớ lại được những gì đã có ở đấy nữa. Ký ức về mùi và màu sắc ở đấy cũng đã biến đâu mất tự lúc nào.

Ngay cả cảm xúc thật rõ nét ngày trước, cũng đã lùi dần ra ngoài biên giới của ký ức. Ký ức mờ dần đi sau những lần biến dạng, như giọt sương lung lay trong gió, từ từ thay đổi hình dạng. Như bóng của bóng hình ngày xưa. Pha lẫn vào trong đó, chỉ có thể là cảm giác trống vắng còn lại của những gì đã một thời tồn tại ở đấy. Có khi ngay cả khuôn mặt của vợ mình, anh cũng không hình dung được nữa. Vậy mà thỉnh thoảng, anh lại nhớ đến ngày trước có cô gái xa lạ đã khóc tức tưởi khi nhìn áo quần vợ anh để lại trong căn phòng này. Anh nhớ đến khuôn mặt không có gì đặc sắc của cô gái, và đôi giày tráng men đã cũ của cô. Tiếng nấc nghẹn thầm lặng của cô sống lại trong ký ức. Anh chẳng muốn nhớ lại những thứ ấy. Nhưng chúng vẫn lén lút sống lại. Biết bao nhiêu điều đã quên bẵng đi rồi, vậy mà kỳ lạ thay, chỉ chuyện cái cô gái, đến tên cô anh còn không nhớ nổi, thì lại không thể nào quên được.

Hai năm sau khi vợ anh mất, bố anh, Takitani Shozaburo chết vì ung thư gan. Ung thư đấy, nhưng lại chẳng đau đớn gì mấy, và nằm bệnh viện cũng không bao lâu. Hầu như ngủ một giấc mà chết. Trong ý nghĩa đó thì ông cũng thật may mắn.

Ngoài một ít tiền mặt và cổ phần chứng khoán, Takitani Shozaburo không để lại bao nhiêu tài sản. Thứ còn lại đáng kể chỉ là chiếc kèn yêu quý của ông và bộ sưu tập khổng lồ đĩa nhạc Jazz cũ. Những đĩa nhạc ấy được Toni Takitani xếp vào các thùng giấy của hãng chuyên chở giao hàng tận nhà, chất vào trong căn phòng trống lúc trước dùng để chứa áo quần của vợ anh. Những đĩa nhạc toả mùi hăng khắp phòng nên thỉnh thoảng đến kỳ lại phải mở toang mấy cửa sổ để thông khí. Ngoài những lần đó ra, anh không bước vào phòng ấy nữa.

Cứ thế một năm trôi qua. Ôm giữ mãi núi đĩa nhạc ấy trong nhà đã trở thành phiền toái quá. Thỉnh thoảng, chỉ nghĩ rằng chúng còn đấy cũng đã khiến anh khó thở quá rồi. Có khi, anh chợt mở mắt giữa khuya rồi chẳng ngủ lại được nữa. Ký ức không còn rõ ràng, nhưng vẫn hiển nhiên tồn tại ở đấy với trọng lượng không thể phủ nhận được.

Anh gọi tiệm bán đĩa nhạc đến bảo cho giá. Vì có nhiều đĩa nhạc quý đã tuyệt tích từ lâu, nên được giá rất cao, có thể mua được một chiếc xe hơi cỡ nhỏ. Điều đó đối với anh thì sao cũng được.

Núi đĩa nhạc ấy biến mất, lần này thì quả thật Toni Takitani chỉ còn trơ trọi một mình.

Murakami

Phạm Vũ Thịnh dịch