622 Dai Phung community hall

Đình Đại Phùng

huyện Đan Phượngthời Trầnsông Đáy

Đình Đại Phùng có từ thế kỷ XVII. Thờ 2 vị thành hoàng: thần Tích lịch hoả quang và Vũ Hùng - tướng nhà Trần. Xếp hạng: Di tích quốc gia đặc biệt (2020). Vị trí: 3MR6+CW, đường Thắng Lợi, xã Đan Phượng, H. Đan Phượng, TP Hà Nội. Cách Ga Hà Nội: 23 km (hướng 10h). Trạm bus lân cận: Đd CA TT Phùng (xe 20a, 70a, 70b, 92).

Du khách từ trung tâm Hà Nội có thể lên xe bus các tuyến số 20a, 70a, 70b, 92 chạy theo quốc lộ QL32, qua ngã ba Phùng thì xuống xe rẽ phải đi bộ khoảng 800m sẽ đến chợ Đại Phùng. Đình làng nằm cách chợ chỉ chừng 100m.

Lược sử

Thôn Đại Phùng nay thuộc xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội. Xã nằm bên mé tả ngạn sông Đáy. Đình Đại Phùng thờ thành hoàng thứ nhất là vị nhiên thần Tích Lịch Hỏa Quang (một trong 4 vị thần tứ pháp: Mây, Mưa, Sấm, Chớp). Vị thần này được cả tổng Phùng xưa (gồm 8 làng: Đại Phùng, Phượng Trì, Đông Khê, Đoài Khê, Tháp Thượng, Thụy Ứng, Thu Quế và Thuận Thượng) tôn làm thành hoàng.

Đình Đại Phùng: Ngựa chiến

Đình Đại Phùng thờ thành hoàng thứ hai là Vũ Hùng - một võ tướng có công dẹp bọn giặc quấy nhiễu ở phía tây kinh thành Thăng Long dưới đời vua Trần Nghệ Tông (1370-1372). Khi Vũ Hùng sinh ra thì sau lưng có đường chàm đỏ chia hình 4 ngả nên cha đặt tên tục là Bốn. Sau khi ngài mất, triều đình đã phong tặng danh hiệu Trần triều Trung quân Vũ Hùng đại vương.

Nhân dân tổng Phùng lập đền thờ thành hoàng Vũ Hùng ngay trên mảnh đất ngài từng lập doanh trại. Xung quanh đình còn nguyên những tên gọi cổ như: Ao Đồn, Nha Môn, Ngõ Phủ, Ngã Bốn…

Đình Đại Phùng: Đấu vật

Kiến trúc

Đình Đại Phùng toạ lạc bên cạnh hai hồ nước hình chữ nhật. Mặt đình nhìn về phía tây-bắc qua một sân nhỏ lát gạch. Đầu sân có một giếng cổ do chính tay các nghệ nhân Champa làm vào thế kỷ XVII, đên nay vẫn còn nguyên vẹn. Toà tiền tế xây vào đầu thế kỷ XX, gần đây lại được trùng tu, gồm ba gian hai chái loại nhỏ với bốn hàng cột và bộ vì nóc làm theo kiểu chồng rường.

Toà đại bái có từ thế kỷ XVII, cũng gồm ba gian hai chái nhưng rộng rãi và cao hơn tiền tế. Ban đầu mặt bằng xây dựng của đình đi theo hình “chữ Nhất”, toàn bộ nơi thờ thành hoàng đặt trên gác lửng phía sau 2 cột cái trong ở gian giữa. Tới thế kỷ XIX, dân làng xây thêm phần hậu cung kết nối với đại bái theo kiểu truyền thống hình “chữ Đinh”. Mái đình lợp ngói mũi hài và có độ dốc lớn, bốn góc uốn đầu đao cong vút. Vật liệu gỗ chủ yếu làm từ xoan đào.

Đình Đại Phùng: Tắm tiên

Di sản

Sự giao thoa của văn hoá Champa và văn hoá Việt thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ được thể hiện đan xen ở đình Đại Phùng. Những đề tài chạm khắc ở đây mang đậm nét tính tự do phóng khoáng và nghệ thuật rất cao. Bên cạnh các mảng chạm gỗ, trong đình lại có thêm một số tượng như voi chiến, cô tiên có cánh...

Trong đại bái, các mảng trang trí chạm nổi ở đầu bẩy, đầu kẻ, cốn… thể hiện nhiều cảnh sinh hoạt thời xưa như: ông nghè vinh quy bái tổ, đấu vật, ca hát, múa quạt, chèo thuyền, uống rượu, cô gải khoả thân tắm ở hồ sen bị nhìn trộm, nam đóng khố tán tỉnh nữ mặc váy, v.v.. Ngoài những họa tiết trang trí cây cỏ và động vật như mèo ngậm cá, khỉ leo trèo, hươu, chó chạy, ta còn thấy hình rồng giao tranh với kỳ đà, bầy rồng quấn quít nhau, đùa giỡn với người, rồng uốn lưng cho người cưỡi, rồng đùa thạch sùng...

Đình Đại Phùng: Vinh quy

Ngày 18 tháng Giêng âm lịch là sinh nhật của thành hoàng Vũ Hùng, xưa kia thường tổ chức dâng lễ gồm: trâu, bò, lợn, xôi, rượu… và trình diễn các trò vui chơi, múa hát. Ngày hóa của ngài là 18 tháng 11 âm lịch, khi dâng lễ chỉ có trầu cau, hương hoa tinh khiết.

Năm 1990, đình Đại Phùng đã được Bộ Văn hoá - Thông tin xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Năm 2020, đình lại được Chính phủ nâng lên hạng di tích quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 1954/QĐ-TTg do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ngày 31/12/2019.

Đình Đại Phùng: Quản tượng

Di tích lân cận

©NCCông 2014-2020, Dai Phung community hall