Thú chơi đá cảnh ở Việt Nam hiện nay

Đá cảnh, với định nghĩa thật đơn giản là các loại đá được chọn lọc, cùng những tính chất hiếm, lạ, đẹp dùng để chơi và trưng bày để làm cảnh. Thiển nghĩ dùng từ “cảnh” ở đây có vẻ phù hợp hơn hết dành cho những loại đá nói chung mà chúng ta đã và đang từng chơi khắp nơi trong nước.

Trong từ ngữ Nam bộ trước đây, chúng ta có từ “kiểng”và áp dụng vào những thú chơi như “cây kiểng”, “cá kiểng”, “đồ kiểng”… Nhà sưu tập đồ cổ rất nổi tiếng của Việt Nam trước đây ông Vương Hồng Sển đã định nghĩa từ “kiểng” nầy trong những tác phẩm (sách) do ông để lại như: “Thú chơi cổ vật”, “ Phong lưu cũ mới”… qua đó “ kiểng” là những vật thể thú, chim cá, cây cối… dùng để chơi trong thú vui thưởng ngoạn. Trong khi tại các quốc gia khác, người ta đã phân loại, định danh rỏ ràng bằng nhiều tên gọi riêng biệt như “Gongshi hay Qishi”, “Suiseki” hay tại Triều Tiên là “Suseok” hoặc tại các nước phương Tây là “ Viewing stone”, “Artistic stone”, thì tại Việt Nam chúng ta vẫn chưa có một tên gọi chính thức được nhiều người đồng tình. Hiện vẫn còn rất nhiều anh em nghệ nhân đánh đồng ngữ nghĩa của từ “đá cảnh” với tên gọi “suiseki” hay “biseki” của Nhật Bản và Trung quốc. Thậm chí người ta còn tổ chức các cuộc thi đá dưới những tên gọi như “thi đá Suiseki” hay là “những giải Biseki”… đưa đến những ngộ nhận như chơi đá là phải chơi Suiseki để nói đến cách chơi những loại đá nguyên bản và Biseki là cách chơi những loại đá đã được mài nhẳn, đánh bóng. Hoặc để phân biệt, đánh giá thì các anh em nghệ nhân thường có cách nghĩ đơn giản như: Anh nầy thì chơi Suiseki, anh kia thì chơi Biseki với hàm ý cách chơi nầy thì đúng hơn, tốt hơn và cách chơi kia chưa đúng bằng, chưa tốt bằng…

Qua bài viết nầy, chúng tôi xin được mạn phép không dám lạm bàn về những đúng sai, tốt xấu trong những cách chơi hay tên gọi cho từng kỹ thuật chơi của những anh em nghệ nhân và các nhà sưu tập trong nước. Thông qua thời gian, cùng là những người chơi đá như những anh em khác thì xin được góp ý về tên gọi của việc chơi đá của chúng ta hiện nay là “ Đá cảnh”. Từ đá cảnh là một từ ngữ thuần Việt, dễ gọi, gần gũi, được sữ dụng như là một tên gọi chung cho nhiều cách chơi về đá và rất tiện dụng trong việc phân loại để đi đến một hệ thống bền vững và phát triển lâu dài. Thống nhất và áp dụng tên gọi, rất cần sự đồng tình, ủng hộ của các anh em, các nhà sưu tập, các anh chị em nghệ nhân đã chơi lâu năm (rất cũ) hoặc các anh chị em mới tập tành chơi (rất mới) và nếu phân biệt cách chơi để dễ nhận biết thì chúng ta gọi là đá cảnh “nguyên bản” và đá cảnh “chế tác” cho hai loại: để nguyên và đánh bóng. Như vậy cũng rất dễ dàng.

Do phải trải qua nhiều hoàn cảnh, điều kiện rất khó khăn, đất nước Việt Nam chúng ta nhiều năm chìm trong cảnh nô lệ, thuộc địa, chiến tranh triền miên, đói kém kéo dài thì những thú chơi các loại và thú chơi đá nói riêng tuy rằng cũng có một bề dầy lịch sử nhưng dần cũng mai một, thoái trào. Mãi cho đến ngày hoà bình, thống nhất đất nước, kinh tế dần hồi phục, phát triển và khi cuộc sống của nhân dân trong nước đã có chuyển biến tích cực thì các thú chơi cũng dần mở rộng và hưng thịnh. Vào thời điểm hiện tại, phong trào chơi đá cảnh đã phát triển và lan rộng trong phạm vi cã nước và cũng đã hình thành những tên tuổi lớn trong những cách chơi đá cảnh của Việt Nam, họ đã có nhiều cống hiến rất quí báu trong việc gầy dựng và phát triển nghệ thuật chơi đá cảnh tại nước nhà như các anh : Sơn Hải, Trịnh Minh Tân, Bùi Đức Tầm, Võ Viết Hoà, Trần Chính…


Cách chơi và thưởng ngoạn đá cảnh đã được người Việt Nam chúng ta đưa vào nhiều ý tưởng sáng tạo nhưng tựu trung cũng không khác mấy với những cách chơi truyền thống của người Trung quốc và Nhật Bản, nếu không nói rằng hiện nay chúng ta vẫn còn ảnh hưởng rất nhiều với các cách chơi của họ từ bố cục trình bày đến kỹ thuật đặt tên… Trong những điều kiện hạn chế, khác biệt của tính chất vùng miền và môi trường địa chất của từng địa phương, tại nước ta hiện nay xuất hiện nhiều anh, chị, em chơi đá với những cách chơi độc đáo và đặc trưng bằng những loại đá phân bổ trong tự nhiên của nhiều địa phương và đã tạo ra nhiều tác phẩm có giá trị rất cao. Dựa theo các loại đá có sẳn (gần, dể chọn lọc và thu lượm) nên các anh, chị, em thường chọn lọc và sử dụng những loại đá nơi địa phương để chơi. Từ các tỉnh phía bắc trở ra như: Nghệ An, Thanh Hoá, Ninh Bình, Hoà Bình, Yên Bái thì có rất nhiều các loại đá trầm tích như đá vôi có nhiều hình dáng đẹp, lạ và nhiều màu sắc và các loại khoáng vật như Thạch anh, Calcite với nhiều tinh thể trong suốt có giá trị cao. Còn khu vực miền Trung như các tỉnh Quãng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quãng Nam, Quãng Ngãi, Bình Định, Phú Yên thì có rất nhiều các loại đá Magma và biến chất như : Basalt, Granite, Gneiss, Pegmatite ở dạng cuội, có nhiều vân mạch tạo thành những hình ảnh lạ mắt và đẹp rất được các anh em nghệ nhân tại miền Trung ưa chuộng đưa vào các bộ sưu tập cá nhân và mang đi triển lãm ở nhiều nơi trong nước. Các tỉnh từ Khánh Hoà trở vào như Lâm Đồng, Đắc Lắc, Gia Lai, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng nai thì rất nổi tiếng với sự góp mặt của các dòng đá Basalt Thạch anh, Granite và đặc biệt tại Đắc Nông, Bình Phước cùng một số huyện của tỉnh Lâm Đồng như Di Linh, Lâm Hà và thị xã Bảo Lộc thì có những loại như Basalt đen (đá Huyền Vũ) và những Chalcedony, Opal hình dáng đẹp và màu sắc rực rỡ được các anh em nghệ nhân tại địa phương rất thích sưu tầm, trưng bày và mang đi dự thi tại các cuộc thi về đá do công viên văn hoá Tao Đàn tổ chức hàng năm vào dịp tết Nguyên Đán.