Vì sao lãi suất có dấu hiệu tăng?

Sau khi quay trở lại cơ chế lãi suất thoả thuận, tính công khai minh bạch trên thị trường và thanh khoản ngân hàng được cải thiện rõ rệt, cung cầu vốn đi dần vào thế ổn định, tạo điều kiện để bình ổn mặt bằng lãi suất.

Tuy nhiên gần đây, lãi suất huy động có dấu hiệu nhích dần lên. Một số ngân hàng công bố mức lãi suất tiết kiệm vượt trên “mức sàn” 11,5%, đây đó xuất hiện trở lại các hình thức khuyến mãi, huy động kỳ hạn siêu ngắn như trước đây, đẩy lãi suất thực vượt quá 12%/năm.

Thực tế nghịch lý này khiến nỗ lực giảm mặt bằng lãi suất cho vay dường như trở nên khó khăn hơn, ngược với mong muốn của Chính phủ, thậm chí làm tăng thêm sự hoài nghi đối với tiến trình tự do hoá lãi suất theo cơ chế thoả thuận, mặc dù cơ chế này đã chứng minh được vai trò không thể thay thế của nó trong việc điều tiết có hiệu quả quan hệ cung cầu vốn.

Vấn đề quan trọng là cần bình tĩnh và nhận diện đúng nguyên nhân tình hình để có hướng xử lý. Một số câu hỏi được đặt ra: Biểu hiện tăng lãi suất như đã đề cập liệu có phải là xu hướng chủ đạo của thị trường trong thời gian tới? Phải chăng có vướng mắc ở chỗ do chưa tạo ra môi trường thuận lợi để lãi suất vận hành thông suốt, hoặc do khả năng phối hợp cơ chế chính sách từ cấp điều hành vĩ mô chưa thực sự hợp lý?

Sự khập khiễng trong việc phối hợp các công cụ chính sách

Trước hết, cần đánh giá đúng tác động của lạm phát (CPI) trong thời gian qua đối với mức độ kỳ vọng về lạm phát - nhân tố quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp đến diễn biến lãi suất trên thị trường. Kết thúc quí 1-2010, chỉ số lạm phát tăng khá cao 4,14%, bình quân tăng 1,38%/tháng và chiếm quá nửa chỉ tiêu điều hành cả năm. Tình hình này đã tạo ra áp lực lớn đối với mục tiêu bình ổn kinh tế vĩ mô, buộc Chính phủ phải ra nghị quyết yêu cầu thực hiện một loạt giải pháp đồng bộ và quyết liệt nhằm kiềm chế lạm phát.

Kết quả tích cực thấy rõ, chỉ số giá hai tháng liên tiếp (4 và 5) đều tăng thấp hơn dự báo (0,14% và 0,27%). Thay vì tiếp tục gia tăng những nỗ lực kiểm soát giá cả, qua đó gởi đi những thông điệp tích cực nhằm củng cố lòng tin của thị trường, Chính phủ lại cho điều chỉnh chỉ tiêu lạm phát cả năm lên 8%, cao hơn mức phê duyệt của Quốc hội là 7%. Không rõ động thái này có tác dụng “phòng vệ” cho Chính phủ đến đâu trong điều hành chính sách, nhưng thực tế đã gây ra phản ứng tâm lý ngược, làm gia tăng mức lạm phát kỳ vọng cũng như tâm lý thiếu tự tin vào giá trị đồng tiền Việt Nam - vốn dĩ đang ở trạng thái “mất giá dài dài” kể từ năm 2008 cho đến nay.

Cách ứng xử này rõ ràng không có lợi cho tỉến trình giảm dần lãi suất, thậm chí làm bộc lộ “mâu thuẫn đan xen” trong tư duy điều hành, bởi vì nếu xét trên phương diện hiệu ứng lan toả thì tác động công phá của việc “gia tăng kỳ vọng lạm phát” sẽ lớn hơn nhiều lần so với tuyên bố “quyết tâm kiềm chế lạm phát” đã được thực thi khá quyết liệt trước đó. Đây thực ra chỉ là một trong số rất nhiều ví dụ về sự khập khiễng trong quá trình phối hợp các công cụ chính sách điều hành nói chung.

Trách nhiệm của hệ thống ngân hàng

Tất nhiên sẽ là phiến diện nếu không làm rõ trách nhiệm của chính hệ thống ngân hàng, cả Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các ngân hàng thương mại, đối với những biến động lãi suất trong thời gian gần đây. Ngoài những nguyên nhân đã được dư luận đề cập và phân tích (xem lại bài Lãi suất: trong thấp ngoài cao trên TBKTSG số ra ngày 27-5-2010), còn có một nguyên nhân quan trọng là do một số ngân hàng vẫn chạy theo lợi nhuận đơn thuần, dựa dẫm vào mô hình kinh doanh tín dụng theo kiểu “đầu tư cơ hội”.

Cụ thể: tiêu chí cho vay dễ dãi/quay vòng vốn nhanh/lãi suất thoả thuận cao/tập trung vốn vào lĩnh vực nhạy cảm như đầu cơ bất động sản, lướt sóng chứng khoán, khuyến khích tiêu dùng, tăng trưởng tín dụng nóng... Cách kinh doanh này tiềm ẩn những rủi ro khó lường về khả năng thanh toán và đạo đức nghề nghiệp, cho dù đối lập hoàn toàn với tôn chỉ kinh doanh chuyên nghiệp, nhưng vẫn đang được tận dụng tối đa để đáp ứng các “nhu cầu khả dụng” vốn dĩ rất đa dạng trên thị trường, đồng thời là “đầu ra lý tưởng” để tiêu hoá khối lượng vốn “đầu vào lãi suất cao”.

Trong bối cảnh chính sách quản lý nhà nước về đất đai và tài sản tài chính còn tồn tại nhiều bất cập và kẻ hỡ để có thể lợi dụng lũng đoạn trục lợi, vô hình trung, cách thức kinh doanh như vậy dễ dàng biến ngân hàng trở thành bạn đồng hành với những khuyết tật của cơ chế chính sách, càng làm gia tăng thêm sự bất ổn đối với nền kinh tế.

Chưa nên có phản ứng thái quá

Tuy nhiên cũng cần bình tĩnh để nhìn nhận đúng cục diện thị trường hiện nay. Hiện tượng kinh doanh theo kiểu “ăn xổi ở thì”, gây rối thị trường, tất yếu sẽ không có tương lai và chắc chắn không thể là bộ phận có tác động khuynh đảo thị trường.

Hiện tại, NHNN vẫn đang phát huy tốt vai trò trụ cột trên thị trường tiền tệ ngắn hạn, thanh khoản vẫn ở mức dồi dào, đặc biệt những ngân hàng thương mại có uy tín vẫn đang thực thi nhiều chính sách khách hàng có hiệu quả và trên thực tế lực lượng này vẫn đang chiếm thị phần chi phối. Chính vì vậy không cần thiết phải hốt hoảng hoặc có những phản ứng thái quá trước những diễn biến mang tính cục bộ do lãi suất huy động ở một số ngân hàng đang có dấu hiệu bị đẩy lên.

Có thể khẳng định một điều rằng, ở thời điểm này đại đa số các doanh nghiệp làm ăn bài bản, có uy tín, đã và đang thụ hưởng sự ứng xử đúng mức (cơ hội tiếp cận vốn/ lãi suất/ phí dịch vụ...) mang tính cạnh tranh rất cao từ các ngân hàng. Đây chính là nhân tố quan trọng về lâu dài sẽ góp phần dẫn dắt thị trường vốn đi dần vào thế ổn định hợp lý, loại trừ dần các biểu hiện tiêu cực.

Bên cạnh việc điều hành có hiệu quả thị trường liên ngân hàng, NHNN cũng cần mạnh dạn mở rộng thêm kênh tái cấp vốn trực tiếp đến những ngân hàng thương mại đáp ứng được các tiêu chí an toàn, cạnh tranh lành mạnh, kinh doanh có hiệu quả và có trách nhiệm với cộng đồng, thông qua đó góp phần động viên các nỗ lực tham gia bình ổn thị trường vốn và lãi suất.

Bản thân các doanh nghiệp cũng nên chủ động phát huy “quyền lựa chọn ngân hàng phục vụ” cho riêng mình, biết cân nhắc lợi hại để thiết lập quan hệ đối tác chiến lược trong giao dịch ngân hàng, điều này không những giúp doanh nghiệp tối ưu hoá được các khoản mục chi phí kinh doanh mà còn gián tiếp tạo ra sức ép cạnh tranh để sàng lọc, nâng cao chất lượng và uy tín của hệ thống ngân hàng thương mại nói chung.

Tâm Dân (TBKTSG)