Một sai sót cần đính chính,

1. Bài viết mới nhất của Nguyễn Tôn Hiệt, nhan đề “Ngô Tự Lập không chỉ ‘kín đáo’ đạo văn của Brent Hayes Edwards, mà còn công khai đoạt văn của Alain Guillemin!” sẽ rất công bằng và chính xác, nếu không có một uẩn khúc.

Uẩn khúc đó là: đoạn văn in đậm được ông Hiệt gọi là “đoạn nhập đề” mà ông trích dẫn để bắt đầu các phân tích của mình (“Nguyễn Ái Quốc được coi là một trong những nhà văn Pháp ngữ Việt Nam không những sớm nhất mà còn thành công nhất” – Đó là đánh giá của giáo sư Alain Guillemin, chuyên gia hàng đầu của Pháp về Văn học Pháp ngữ Việt Nam”) thật ra không phải là của tôi. Đó là đoạn do Ban biên tập Tiền phong thêm vào. Bài viết của tôi chỉ bắt đầu từ đoạn in không đậm “Văn học Việt Nam, ngoài bộ phận viết bằng tiếng Việt (dùng chữ Nôm hoặc chữ Quốc ngữ), và bộ phận viết bằng chữ Hán, còn có một bộ phận ít được biết đến: văn học viết bằng tiếng Pháp…” (Cũng tương tự như vậy, dòng chữ “Hướng tới kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1990 – 19/5/2010)” trên bài viết “Cha đẻ của văn học viễn tưởng Việt Nam” là do BBT báo Văn nghệ Công an thêm vào).

Các báo Việt Nam, khi in bài, thường viết một đoạn tóm tắt, hoặc lấy một câu mà họ cho là quan trọng đưa lên đầu bài, in đậm, nhằm mục đích hướng dẫn hoặc thu hút sự quan tâm của bạn đọc. Rất nhiều trường hợp, lời mào đầu như vậy bị sai lạc so với bài viết. Trong bài báo của mình, tôi viết:

“Bên cạnh đó, theo tôi (tức là theo Ngô Tự Lập), Nguyễn Ái Quốc cũng phải được coi là một trong những nhà văn Pháp ngữ Việt Nam không những sớm nhất mà còn thành công nhất.”

Đáng lẽ, trong đoạn mào đầu, Tiền phong phải viết: “Nguyễn Ái Quốc xứng đáng được coi là một trong những nhà văn Pháp ngữ Việt Nam không những sớm nhất mà còn thành công nhất” – Đó là đánh giá của Ngô Tự Lập” thì họ lại gán luận điểm đó vào miệng giáo sư Alain Guillemin.

Tôi phát hiện ra sự nhầm lẫn này hơi muộn, vì khi đó tôi đang bận làm luận án ở Hoa Kỳ, mà Tiền phong lại không phải tờ báo mạng tôi đọc hàng ngày. Khi mới phát hiện ra, tôi cảm thấy khá bức xúc. Bởi vì gán cho GS. Guillemin những điều ông không nói, dù do vô ý, là điều bất nhã, thậm chí xúc phạm. Nhưng vì sự việc xảy ra đã khá lâu, và với kinh nghiệm làm việc với báo chí Việt Nam, tôi biết rằng đòi họ sửa chữa những lỗi như vậy trong những số báo cũ là rất khó. Tôi đành chỉ than thở với bè bạn.

Cách đây chừng nửa năm, biết một nhà nghiên cứu ở Sài Gòn trích dẫn câu mào đầu nói trên, tôi đã nhắn chị đính chính lại. Không chỉ thế, tôi cũng cố gắng thông báo với Tiền phong. Ít bữa trước khi có bài viết của ông Hiệt, tôi đã gửi thư cho Tiền phong qua mục “Ý kiến bạn đọc” (ngay dưới bài viết nói trên) và đề nghị họ đính chính. Cho đến nay tôi vẫn chưa nhận được trả lời. Cũng trước khi có bài của ông Hiệt, trong một phiên bản khác của bài thứ ba trả lời ông Hiệt mà tôi gửi cho talawas, tôi cũng đã lưu ý sự cố này. Tiếc rằng talawas đã không đăng, vì cho rằng nó chỉ là một phiên bản khác của ý kiến mà tôi đã đăng trên Tiền vệ. Nếu talawas đăng, ông Hiệt đã không phải mất công sức và thời gian để viết một bài dài như vậy.

Nhân đây, dù sao tôi cũng xin cảm ơn ông Hiệt đã vô tình tạo cho tôi cơ hội để nói rõ về sơ suất đáng tiếc của Tiền phong. Một lần nữa tôi chính thức đề nghị Tiền phong đính chính lại đoạn mào đầu của bài viết thành:

“Nguyễn Ái Quốc xứng đáng được coi là một trong những nhà văn Pháp ngữ Việt Nam không những sớm nhất mà còn thành công nhất” – Đó là đánh giá của Ngô Tự Lập”.

2. Đọc những bài của Nguyễn Tôn Hiệt, mà bây giờ tôi được biết chính là Hoàng Ngọc-Tuấn, tôi thấy rằng chúng tôi không có chung một ngôn ngữ.

Khác với tôi, ông Hiệt dường như không phân biệt “Tính viễn tưởng” (kể chuyện tương lai) với “Tính tiên tri” (đoán đúng sự vật). Vì thế, ông hỏi tôi tại sao không đưa tên Trạng Trình vào. Theo cách nhìn của tôi, Sấm Trạng Trình có tính tiên tri, nhưng không phải là truyện viễn tưởng, càng không phải là truyện viễn tưởng hiện đại.

Cũng vì phân biệt hai khái niệm trên, khi ông hỏi tôi “tại sao trong bài “Trả lời Nguyễn Tôn Hiệt”, Ngô Tự Lập lại cho rằng tất cả các bài viết về “tính tiên tri” của truyện “Giấc ngủ mười năm” trong năm 2008 và 2009 đều lặp lại ý kiến của Ngô Tự Lập?” Tôi đã và xin trả lời lại: Về tính viễn tưởng của truyện này, ai đọc cũng thấy ngay, vì nó kể chuyện tương lai. Nhưng về tính tiên tri (Trần Lực đoán rằng cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc vào khoảng 1956-1957), cho đến năm 2005, tôi chưa thấy ai nói. Mãi đến năm 2010, nhờ ông Hiệt, tôi mới biết rằng đã có một tác giả là Xuân Vũ, từng viết về điều đó trong một tác phẩm nào đó tôi chưa được đọc. Tuy vậy, khi trả lời ông Hiệt, tôi đã rất cẩn thận khi dùng chữ “lặp lại”. Lý do là mặc dù những tác giả ông dẫn ra, trừ Xuân Vũ mà tôi chưa biết, tuy nói đến tính tiên tri của truyện “Giấc ngủ mười năm” sau tôi, tôi không có bất cứ bằng chứng nào để nói rằng họ đã đọc bài viết của tôi. Sự lặp lại có thể do họ độc lập phát hiện ra, và khi đó tôi không thể quy kết rằng họ vay mượn ý của tôi.

3. Mặc dù tính viễn tưởng của truyện “Con người biết mùi hun khói” không có gì mới đối với một học sinh miền Bắc như tôi, trong bài viết, khi trích dẫn Hayes Edwards, tôi nêu rất rõ ràng ý kiến của ông về tính viễn tưởng: “Con người biết mùi hun khói, đúng như Hayes Edwards nhận định, là một truyện ngắn đặc sắc về nhiều mặt. Trước hết (mặt đặc sắc thứ nhất – NTL) là tính quốc tế – tác phẩm của một người Việt Nam được bắt đầu bằng lời đề tặng một người Algeria…

Nhưng độc đáo nhất (mặt độc đáo thứ hai) là tính viễn tưởng…

Xin các bạn lưu ý đến cách viết của tôi: “đúng như Hayes Edwards nhận định, là truyện ngắn đặc sắc về nhiều mặt”, “Trước hết là…”, và “Nhưng độc đáo nhất là…”. Việc xuống dòng ở đây chỉ nhằm giúp độc giả đỡ mệt.

Trong bài viết “Cha đẻ của văn học viễn tưởng Việt Nam”, vì đoạn dẫn ngắn hơn, tôi không xuống dòng: “Đúng như Giáo sư Hoa Kỳ Brent Hayes Edwards đã nhận định trong “The Shadow of Shadows, và tôi cũng đã viết trong bài “Nguyễn Ái Quốc và văn học Pháp ngữ”, đây là một truyện ngắn đặc sắc về nhiều mặt. Trong đó, độc đáo hơn cả (là) tính viễn tưởng…”

Rõ ràng là cả hai trường hợp tôi đều nhắc đến ý kiến của Brent Hayes Edwards về tính viễn tưởng của truyện ngắn “Con người biết mùi hun khói”.

4. Ông Nguyễn Tôn Hiệt viết: “Ngô Tự Lập nói “ai cũng biết đó là một truyện viễn tưởng”. Thế nhưng, trước năm 2005, chưa từng có cuốn sách Việt ngữ nào nói rằng truyện “Con người biết mùi hun khói” là truyện viễn tưởng. Đến năm 2003, Hayes Edwards mới phát hiện rằng truyện “Con người biết mùi hun khói” là truyện viễn tưởng đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc [The story is Nguyen Ai Quoc’s first—and to my knowledge, only—effort at futuristic speculative fiction.] Đến năm 2005, sau khi đọc bài của Hayes Edwards, Ngô Tự Lập mới viết ra rằng truyện “Con người biết mùi hun khói” là truyện viễn tưởng đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc!’

Trong bài, tôi đâu có phát hiện rằng “Con người biết mùi hun khói” là truyện viễn tưởng đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc. Khi biết bài này, tôi xuất phát từ câu hỏi: ai là người Việt Nam đầu tiên viết truyện viễn tưởng? Người đó có thể là bất kỳ ai, có quan điểm chính trị và đạo đức như thế nào, và viết truyện viễn tưởng để làm gì.

Dựa vào những kiến thức được học trong trường phổ thông, vào những nghiên cứu của các học giả, trong đó có Brent Hayes Edwards mà tôi trích dẫn rõ ràng trong bài, tôi đưa ra giả thuyết: “Con người biết mùi hun khói” có lẽ là truyện viễn tưởng hiện đại đầu tiên CỦA VIỆT NAM, và tác giả của nó có lẽ là cha đẻ của thể loại này.

Giả thuyết này có thể đúng hoặc sai, bạn đọc có thể chỉ ra rằng ai đó đã viết truyện viễn tưởng trước Nguyễn Ái Quốc, nhưng đó là vấn đề khác. Việc có ai viết trước tôi về tính viễn tưởng của truyện ngắn này không những không hề ảnh hưởng, mà còn củng cố thêm giả thuyết của tôi.

Ngô Tự Lập 19/07/2010

http://www.talawas.org/?p=22450