Khoảng cách thế hệ: không đáng sợ, nhưng khó?

Những gì đứa trẻ thấy ở ngoài xã hội chả giống gì những lời cha mẹ dạy nó ở nhà, thậm chí còn trái ngược. Thế hệ ngày càng có khoảng cách xa hơn. Ngay cả ăn uống cũng khác nhau, dù là ăn cùng một mâm cơm.

Nhiều người đang bàn tán về một bài viết của ông Chu Dung Cơ, đại ý: nhà của cha mẹ là nhà của con cái, nhưng nhà con cái không phải là nhà của cha mẹ. Con cái đau ốm cha mẹ lo lắng, cha mẹ đau ốm con cái hỏi thăm được một câu đã là nhiều lắm rồi... Cuối cùng ông nhận định: phải dựa vào chính bản thân và dựa vào tiền để giải quyết vấn đề. Lại có câu chuyện chưa xưa lắm: cha của ông Trần Quốc Hương, nguyên bí thư TƯ Đảng – nhà chỉ huy tình báo – có người mẹ đau ốm, ông đi làm cách nhà 20km nhưng ngày nào cũng đi bộ về chăm nom mẹ. Ông không chỉ đi vài ngày như thế, mà cho tới khi mẹ mất. Chuyện hiếu đễ vượt khó ấy bây giờ không phải đã hết, nhưng người ta ở hoàn cảnh khác, có thể báo hiếu mà không phải cực thân tới như thế.

Những chuyện này người ta kể ra cho thấy cái hay của mỗi thời. Và thời nay cả cái hay lẫn cái dở dường như song hành, có khi cái dở lại kinh khủng vì phạm đến tính nhân văn, tính thiện của con người.

Có người cho rằng nhân loại bây giờ phải dồn sức cho những việc... kỳ lắm, và chi tiết nữa. Có cả một hội nghị bàn về béo phì tổ chức tại Nam Phi với 200 đoàn đại biểu khắp thế giới về dự. Rồi một hội nghị khác có tới 400 đại biểu gồm các nhà quy hoạch đô thị, chuyên gia dịch tễ môi trường, những nhà thiết kế toilet của thế giới họp tại Bắc Kinh bàn về... nhà tiêu, mối đe doạ mới của nhân loại: nó không được nghiên cứu kỹ thì sẽ huỷ hoại môi trường nước! Rồi trái đất ấm dần lên. Rồi chuyện con cá hồi ở Viễn Đông gặp hoạ, bị khai thác quá mức, người ta bắt cá lấy trứng rồi vứt xác cho ô nhiễm. Người Nhật ăn cá hồi, phải đưa cả chuyên gia sang tận nơi kiểm tra để bảo đảm trứng còn nằm nguyên trong túi trứng nối với bộ phận sinh sản của cá...

Thôi thì trăm thứ chuyện, kể ra lắm lại đau cả đầu. Loài người vất vả lắm. Thế nên lối sống cũng thay đổi. Các bậc cha mẹ phải tự đặt câu hỏi: làm thế nào để lớn lên cùng con cái chúng ta? Người mẹ bây giờ cảm thấy rất yếu ớt trong việc dạy dỗ con cái. Thời kỳ những năm 60 cha mẹ độc tài đã qua rồi. Đến những năm 70 cha mẹ đã trở thành bạn của con. Còn bây giờ nhiều vị đang trở thành... nạn nhân của con, đồng thời cũng là “thủ phạm” làm méo mó đứa con mình. Trẻ em bây giờ sống vỉa hè cũng khổ, lao động trước tuổi cũng nhiều, mà những đứa trẻ sống trong sự dư thừa vật chất cũng lắm.

Người ta bảo xưa giáo dục đặt trên nền tảng đạo đức, ngày nay thế giới tiêu dùng như truyền thông, quảng cáo, đồ hiệu, game giải trí... chỉ là một sự kiện kinh tế chứ tính giáo dục rất ít. Những gì đứa trẻ thấy ở ngoài xã hội chả giống gì những lời cha mẹ dạy nó ở nhà, thậm chí còn trái ngược. Thế hệ ngày càng có khoảng cách xa hơn. Ngay cả ăn uống cũng khác nhau, dù là ăn cùng một mâm cơm. Các bậc lão niên không hiểu có gì hấp dẫn con mình đến thế trong chiếc bánh pizza, hamburger; món gà rán biết có phải gà tươi sống, biết nó tẩm ướp cái gì bên trong? Giờ giấc sinh hoạt lại càng ác liệt. Không phải chỉ đơn giản là người già dậy sớm mò mẫm lỉnh kỉnh gây tiếng động làm mất giấc ngủ của thằng con lên mạng chơi game vừa mới chợp mắt lúc 2 giờ sáng. Mà thời gian bây giờ... tít mù khơi, không ai biết chắc lịch sinh hoạt của ai, đi đâu, làm gì, có về ăn cơm hay không...

Kể ra thì nhiều khác biệt lắm, cho thấy độ khó của vấn đề, làm thế nào để có thể hoà hợp giữa người cùng thế hệ đã khó, nói gì đến khác thế hệ. May thay, ông trời còn có một bảo vật để bảo vệ con người, cho họ một miễn dịch: đó là tình yêu thương.

Cậu con trai nhà nọ khi bàn đến chuyện đón cha mẹ già về ở cùng, ba mẹ nói: sợ ba mẹ sinh hoạt khó khăn đau ốm, con bận rộn như thế rồi có ổn không? Ông bà nghĩ tới giai đoạn mình có thể “ị đùn đái dầm” chứ không phải chuyện chơi. Tức là họ nghĩ đến giai đoạn sau khi đã làm con, làm cha mẹ, làm ông bà, nay tới giai đoạn “làm con” của đám con cháu tới nơi rồi. Cậu con trai gắt lên: “Thì ngày xưa ba mẹ nuôi chúng con cũng ị đùn đái dầm, có sao đâu... Ba mẹ tưởng chúng con không có sức chịu đựng quy luật đó hả...”

Ơn trời, cái gắt gỏng quý hoá của đứa con thể hiện tình yêu thương, một đạo lý còn rất sâu sắc bên trong cậu con đầu cắt cua, đeo kính cận, hay biến khỏi nhà, hay nhảy việc...

Thì ra là có thật, các giá trị phương Đông: coi trọng giá trị tinh thần, tìm sự đồng điệu với môi trường xung quanh, đặt cao lợi ích cộng đồng... Hàng bao nhiêu năm xây dựng các giá trị để sống sót, con người sẽ vẫn tìm ra cách giải quyết của mình cho vấn đề khoảng cách thế hệ. Theo cái cách của yêu thương. Không phải là cố tìm cách san bằng khoảng cách, mà là biết chấp nhận sống hài hoà với khoảng cách đó.

NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI (SGTT)