Luật rừng của các đại công ty dầu khí
Kết quả cuộc điều tra vụ nổ giàn khoan Deepwater Horizon của tập đoàn BP đã khiến dân Mỹ bị sốc khi biết rằng không có sự giám sát nào của nhà cầm quyền Mỹ đối với các giàn khoan dầu khí. Càng sốc hơn khi biết rằng ngành công nghiệp này đang hoạt động với luật riêng do các tập đoàn tự đặt ra.
Sau thế chiến 2, chính quyền Mỹ ngày càng ý thức được rằng dầu lửa sẽ trở thành tài nguyên địa lý – chiến lược lớn. Với sự ủng hộ của công ty Standard Oil (sau đổi thành Mobil Oil Corp., rồi ExxonMobil), và của ông Edward R. Stettinius, cựu ngoại trưởng của Tổng thống Roosevelt, Cộng hoà Liberia lập ra“sổ đăng ký hàng hải mở” đầu tiên của thế giới vào năm 1948. Sổ này được công ty Stettinius Associates-Liberia quản lý từ New York. Sử gia Rodney Carlisle mỉa mai luật hàng hải của Liberia khi đó được Standard Oil “đọc, sửa đổi và chấp thuận”.
Từ Liberia đến quần đảo Marshall
Kế tục Stettinius Inc., công ty International Registries Inc (IRI), trụ sở ở Setton, ngoại thành Washington) biến Liberia thành thiên đường cho các công ty dầu khí. Nhưng đến đầu những năm 1990, do Tổng thống của Liberia, ông Charles Taylor đòi hỏi quá nhiều, IRI ra sức đưa các khách hàng đến hoạt động ở quần đảo Marshall (do Mỹ giám hộ từ năm 1947 và được độc lập vào năm 1986). Trong vòng 15 năm, quần đảo này trở thành một trong những nơi lẩn tránh luật pháp và thuế hàng đầu thế giới.
Năm 2009, có đến 221 tàu chở dầu đăng ký ở quần đảo Marshall, tức gấp bốn lần so với Mỹ. Để có được cờ hiệu dùng trong lưu thông, hay để lập một công ty ở Marshall, không cần phải đến tận nơi mà chỉ phải gửi thư qua bưu điện, gửi fax, hay thư điện tử. Luật hàng hải quốc tế xem các giàn khoan dầu này như tàu bè. Đăng ký một giàn khoan dầu lưu động lớn như Deepwater Horizon (trị giá khoảng 650 triệu USD) thì chỉ phải trả 15.000 USD. Lập một công ty chỉ tốn 650 USD.
Tập đoàn BP có đến 294 chi nhánh được đăng ký ở những nước như Liberia và Marshall. BP thuê giàn khoan Deepwater Horizon của công ty Transocean với giá 1 triệu USD. Cả BP lẫn Transocean đều là khách hàng của IRI. Tuy nhiên, một số lượng đáng kể tàu chở dầu của cả thế giới vẫn tiếp tục được đăng ký ở Liberia. Cờ hiệu của nước này không còn do công ty IRI quản lý nữa, mà do công ty đăng ký quốc tế tàu bè và xí nghiệp của Liberia (LISCR) quản lý. Theo thống kê Review of Maritime Transport 2009 của cơ quan Liên hiệp quốc về hợp tác và phát triển (UNCTAD), tổng trọng tải của các tàu mang cờ hiệu Liberia lên đến hơn 82,4 triệu ton (ton=2,83m3), chỉ thua Panama (183,5 triệu ton), nhưng hơn xa Bahamas (46,5 triệu ton), quần đảo Marshall (42,6 triệu ton), Malte (31 triệu ton)…
Trách nhiệm của chính phủ Mỹ
Người đại diện cho công ty IRI cũng công nhận: “Nếu một giàn khoan lưu động nằm ngoài khơi một nước nào đó, người chủ của nó phải chấp hành các quy định và phải được sự cho phép của nước này”. Thế nhưng, thông qua cuộc điều tra vụ nổ của giàn khoan Deepwater Horizon, dân Mỹ bị sốc khi biết rằng không có sự giám sát nào của nhà cầm quyền Mỹ đối với các giàn khoan dầu. Còn tệ hơn nữa, ông Mike Saucier, giám đốc vùng của cơ quan Quản lý khoáng sản (MMS), khai trước Thượng viện Mỹ là các công ty dầu khí “tự lập ra các tiêu chuẩn mà họ cho là thích đáng”. Ông Saucier cũng đồng ý với nhận định của đại uý Nguyễn Hùng, thuộc lực lượng Bảo vệ duyên hải Mỹ, về cách thức hoạt động của MMS là “được thiết kế theo các tiêu chuẩn của ngành công nghiệp này, được ngành công nghiệp này soạn thảo ra rồi áp dụng mà không có sự kiểm tra của chính quyền Mỹ khi xây dựng cũng như duy trì thực hiện”. Cách đây mấy năm, một cuộc điều tra khác phát hiện MMS miễn cho công ty BP việc tôn trọng các quy định về an toàn.
Chỉ trong vòng hai tháng sau vụ nổ giàn khoan, giá trị cổ phiếu của BP mất đến 48%. Ngày 27.7 vừa rồi, BP công bố dành hơn 32 tỉ USD thanh toán tất cả phí tổn do thuỷ triều đen ở vịnh Mexico gây ra. Thực ra số tiền này còn quá thấp so với các ước tính bi quan nhất: lên đến 50 – 60 tỉ USD! Như ta biết mỗi thùng dầu đổ xuống biển chỉ riêng tiền phạt đã phải trả đến 4.300 USD. Lượng dầu tràn ra vịnh Mexico từ giếng khoan mà BP khai thác ước tính lên đến khoảng 2,2 – 4,3 triệu thùng dầu, cao hơn 17 lần so với lượng dầu tràn ra trong vụ đắm tàu chở dầu Exxon-Valdez ở Alaska! Ước tính tiền phạt mà BP phải trả đã lên đến 9 – 18 tỉ USD.
NGUYÊN THANH (SGTT, theo LE MONDE DIPLOMATIQUE)