Nguyễn Chế Nghĩa (1265-1341)

Nguyễn Chế Nghĩa sinh năm 1265 trong một gia đình có danh vọng ở làng Cuối, xã Cối Xuyên, huyện Trường Tân, lộ Hồng Châu (nay là thành phố Hải Dương). Ông từ nhỏ đã có sức khoẻ lạ thường, giỏi cỡi ngựa và sử dụng giáo dài: thiên văn, binh pháp đều tinh thông, lại thích ngâm vịnh và làm thơ.

Cuối năm 1287, có tin quân Nguyên sắp sang đánh nước ta, Nguyễn Chế Nghĩa được Hưng Đạo Vương cử dẫn một đạo quân lên tổ chức phòng tuyến chặn giặc dài hơn 100 dặm - từ ải Nội Bàng đến núi Kỳ Cấp ở Lạng Sơn. Khi quân Nguyên tạm chiếm Thăng Long, ông tổ chức dân binh đêm đêm đánh vào trại giặc, đã chỉ huy trận phục kích giặc ở đầm lầy cạnh đồng đay làng Kiêu Kỵ, diệt 300 địch.

Khi ta tổng phản công, Nguyễn Chế Nghĩa đem quân tham gia trận đánh lớn trên sông Bạch Đằng. Ông cùng Phạm Ngũ Lão đánh tan một cánh quân, giết tướng giặc là Trương Quân ở ngay cửa ải Nội Bàng.

Do lập công xuất sắc, Nguyễn Chế Nghĩa được vua Trần phong tước Nghĩa Xuyên công và gả con gái yêu là công chúa Ngọc Hoa.

Nguyễn Chế Nghĩa là tướng tài, thuộc hàng quốc thích, đứng đầu ban võ, có lúc kiêm cả Lễ bộ Thượng thư. Khi tuổi cao, ông dâng sớ xin về nghỉ ở quê nhà, mãi mới được vua chấp thuận. Tại Cối Xuyên, ông vui sống cuộc đời bình dị, lập chợ Cuối để dân tiện mua bán và lập giáo trường để rèn dân binh. Có thể vì vậy mà bọn xu nịnh hãm hại ông ? Sử cũ chép: Bình sinh, Nguyễn Chế Nghĩa là người thẳng thắn, quyết không khoan nhượng với bọn nhũng nhiễu hại dân. Một lần, dự triều hội dâng kế giữ nước an dân, trên đường về Cối Xuyên, ông bị ám hại, mất ở quán Ninh Kiều (Cầu Nành) thuộc đất Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm. Hôm đó là ngày 28-8 âm lịch.

Cảm mến đức lớn của bậc công thần, dân Kiêu Kỵ tôn ông làm thành hoàng và lập đền thờ ông từ đó.

Đền Kiêu Kỵ có cảnh quan đẹp. Tam môn xây kiểu chồng diêm 2 tầng 4 mái, bên phải có 2 cây đề cổ thụ bốn mùa tỏa bóng; bên trái là hồ nước hình chữ nhật, thả hoa súng… Cùng với 32 sắc phong thần của triều Lê và triều Nguyễn, ở đền còn có 3 cỗ long ngai, ba bài vị sơn son, hai cỗ khám thờ tổ nội, tổ ngoại và đồ tế khí như bát bảo, chấp kích, gươm…

Ở làng Cối Xuyên cũng có đền thờ và lăng mộ Nguyễn Chế Nghĩa. Lăng nằm trên gò đất cao bên hồ nước, xây 2 tầng 8 mái, chính giữa đặt bát hương đá và một bia đá tạo năm Canh Thìn (1880) đời Tự Đức ghi danh tính, quê quán của thần. Năm 2003, người làng Cuối ở thành phố Hải Dương góp tiền mua 10 tấn đồng đúc tượng Nguyễn Chế Nghĩa, phu nhân và con trai là Thái tử Sùng Phúc. Năm 2004, 800 người làng sống ở quê và các tỉnh đóng góp 320 triệu đồng dựng tòa trung đường rộng 220m2. Dân làng còn cung tiến cửa võng, hoành phi, câu đối.

Kỷ niệm 663 năm ngày mất, 15 năm ngôi đền thờ ông được xếp hạng cấp quốc gia, vừa qua dân làng Cối Xuyên đã mở hội lớn tưởng niệm Nguyễn Chế Nghĩa và lễ khánh thành tòa trung đường.

Tên ông được đặt cho một phố nhỏ nối phố Trần Hưng Đạo và phố Hàm Long, Hà Nội.