Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Gia đình > Truyền thống > Trường phái Hà Nội

Trường phái Hà Nội

Thứ Bảy 2, Tháng Mười 2010

Một số nét ước lệ là bản sắc văn hóa Hà Nội có thể thấy qua những tác phẩm mỹ thuật: Khéo léo, tế nhị - Tinh tế thâm thúy - Trung dung bảo thủ - Ngại mâu thuẫn cực đoan. Cũng có thể hiểu rằng những đặc sắc thẩm mỹ đó làm mỹ thuật ta có một ‘trường phái Hà Nội’.

"Đám cưới nhà quê"

Đám cưới nhà quê. Nguyễn Gia Trí

a. Khéo léo tế nhị

Kỹ thuật sơn mài Nguyễn Gia Trí là tuyệt khéo. Bức Hoa Phù Dung hay các bức Vườn xuân với các cô tân thời áo dài được vẽ với những nét uốn lượn cũng rất khéo. Nét lượn của Nguyễn Gia Trí là những điệu múa lúc nhanh lúc chậm, những khúc nhạc réo rắt. So với Lê Quốc Lộc hay Kim Đồng… thì ‘khéo léo hơn’ do đó ‘Hà Nội’ hơn!

Hoài cố hương

Hoài cố hương. Lê Phổ

Hai thiếu nữ trong vườn và các tranh thiếu nữ tượng trưng - phi thời gian của Lê Phổ rất tế nhị trong biểu cảm, các cung bậc tình cảm của tác giả được thể hiện như cánh hoa quỳnh đang từ tốn xòe ra và tỏa hương trong đêm. Nguyễn Phan Chánh không khéo léo như Lê Phổ nhưng còn tế nhị hơn khi mô tả tình cảm con người trong đời thực, một cách hiện thực, không lãng mạn hay tượng trưng: Chơi ô ăn quan, Cô hàng xén, Lên Đồng… như những lời tâm sự đối thoại ân cần nhất. So với Mai Trung Thứ, Nguyễn Thụ, Kim Bạch… sẽ thấy hai danh họa này ‘Hà Nội’ hơn.

Chơi ô ăn quan. Nguyễn Phan Chánh

b. Tinh tế thâm thúy

Nguyễn Tư Nghiêm thâm thúy. Bùi Xuân Phái, Tô Ngọc Vân tinh tế. Ở Nguyễn Sáng, Hoàng Trầm, Trần Lưu Hậu có những cái mạnh, cái đẹp khác, không thâm trầm như thế. Phố Hà Nội năm 46 của Bùi Xuân Phái so với các tranh chiến tranh khác có cảm xúc tinh tế hơn. Thiếu nữ của Tô Ngọc Vân và cả các ký họa kháng chiến của ông trở nên ‘mẫu mực’ được ưa thích vì hết sức tinh tế. Nếu so với tranh Văn Đa, Quang Thọ, Nguyễn Hiêm… sẽ thấy ông ‘Hà Nội’ hơn.

Thiếu nữ bên hoa huệ, sơn dầu 1943

Thiếu nữ bên hoa huệ. Tô Ngọc Vân

c. Tính trung dung

Trong giao tích văn hóa, hội họa Pháp Trần Văn Cẩn, và phần lớn các họa sĩ Trường Mỹ thuật Đông Dương đã làm làm được chuyện thần tình giống như cà chua, bắp cải ở Tây sang được luộc ăn chấm với nước mắm dầm trứng, nước luộc đánh cà chua. Một món đặc Việt Nam, rất ngon mà người phương Tây chưa hề biết đến. Một kiệt tác ẩm thực Hà Nội. Nguyễn Tiến Chung như món quê dung hòa khẩu vị thành thị và nông thôn. Thiếu nữ, Chùa Phổ Minh của Nguyễn Sáng dung dị hòa hợp không gây cấn và vì thế ta thấy chúng ‘Hà Nội’ hơn Kết Nạp Đảng… và Thành đồng Tổ quốc của chính ông hay Trái tim và nòng súng của Huỳnh Văn Gấm (cũng quê Nam Bộ) chứa nhiều xung đột mâu thuẫn lộ liễu mà các họa sĩ Hà Nội cho là ‘hơi cương kiểu cải lương’.

Em Thuý. Sơn dầu 60x45cm. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Em Thúy. Trần Văn Cẩn

Ba đặc điểm trên cũng sẽ được thấy rõ khi ta xem tác phẩm của các thế hệ sau.

Mục đồng - tranh sơn dầu

Mục đồng. Thành Chương

Người mẹ chiến sĩ của Đỗ Sơn, Hà Nội của tôi của Lương Xuân Đoàn, Thương binh về làng của Đặng Thị Khuê… khác hẳn tranh cùng đề tài của các họa sĩ phương Nam. Những đàn bà không đầu của Nguyễn Quân, Thành Chương với những tranh có vẻ đồ họa lập thể hoặc sơn mài của Lý Trực Sơn khác với khỏa thân của Nguyễn Trung, Nguyễn Phước, Đinh Cường hay tranh ‘triết lý’ của Bửu Chỉ nhiều.

Tình cảm. Sơn dầu

Tình cảm. Hà Trí Hiếu

Tranh Hà Trí Hiếu, Đặng Xuân Hòa, Lê Thiết Cương… đối diện với tranh Hoàng Tường, Hứa Thanh Bình, Nguyễn Tấn Cương cũng vậy.

Loạt máy VT82, 83 chế tạo tiếp theo tại Nghĩa Đô. Photo ©NCCông 1983

Đèn dầu. Lê Thiết Cương

Lê Quảng Hà với các tranh quá mạnh mẽ, quá gây cấn và khiêu khích, vừa biểu hiện vừa siêu thực vì thế được ngay cả những người rất thích tranh của anh coi là ‘lạ với Hà Nội’! v.v. Những thí dụ nêu trên chỉ để minh họa, không có giá trị xếp thứ hạng hay đánh giá nào của tác giả.

Ngày nắng. 2004

Ngày nắng. 2004 Lê Quảng Hà

Tuy nhiên ‘trường phái Hà Nội’ trong hội họa chỉ theo nghĩa hội tụ người tứ xứ và khác biệt với hội họa các vùng văn hóa khác chứ không phải là một trường phái đúng nghĩa được xây dựng bởi một nhóm nghệ sĩ cực đoan gắn kết với nhau bởi một thế giới quan riêng, một nhận thức luận nhất quán, hay một phương thức ứng xử xã hội, một hệ ngôn ngữ thể hiện triệt để, mới chưa từng có… Đó là bởi ‘trường phái’ theo đúng nghĩa của nó đã là một sự cực đoan, một khối mâu thuẫn mà tính trung dung của văn hóa Hà Nội không dễ chấp nhận. Vì vậy tôi muốn nói rằng: Nếu có một ‘Trường phái hội họa Hà Nội’ thì cũng có nghĩa là ở đó không có trường phái thực thụ nào cả!

Họa sĩ Nguyễn Quân (TS)