Trang nhà > Gia đình > Truyền thống > Nhà 96A phố Huế
Nhà 96A phố Huế
Thứ Ba 5, Tháng Mười 2010
“Nhà 96 các cháu rất ngoan”
Năm 1959 gia đình tôi chuyển về đây. Khi đó cha tôi - nhà viết kịch Lưu Quang Thuận - đang làm việc ở ban văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam và anh Lưu Quang Vũ của tôi mới hơn 10 tuổi.
Thời gian đầu các hộ gia đình chỉ ở tầng 2, tầng 3. Tầng 1 dùng để đun bếp, khu máy nước và chỗ để xe đạp. Tầng 4 dùng làm câu lạc bộ nghệ sĩ, có sân khấu để biểu diễn, có căngtin bán cà phê, có sàn nhảy... là nơi gặp mặt của giới văn nghệ sĩ ở Hà Nội và cả các nơi khác về. Đặc biệt hồi đó các nhà văn miền Nam tập kết như Nguyễn Quang Sáng, Đoàn Giỏi... thường có mặt ở đó. Nhiều đoàn văn công đã tập dượt tiết mục ở hội trường này. Về sau do nhu cầu cấp bách nên cơ quan hội đã ngăn hội trường thành những căn phòng nhỏ bằng gỗ dán để làm nhà ở cho cán bộ. Vậy là dân số của nhà 96 ngày càng đông vui tấp nập. Lũ trẻ nhỏ chúng tôi lớn lên và được hít thở bầu không khí nghệ thuật ngay từ hồi còn thơ bé.
Do một sự sắp xếp tình cờ nào đó mà nhà 96 có khá nhiều nhạc sĩ tên tuổi: Nguyễn Văn Tý, Văn Ký, Phan Huỳnh Điểu, Ngô Huỳnh, Phan Thanh Nam, Hoàng Nguyễn, Nguyễn Ngọc Thới (nhạc sĩ người Nam Bộ, chuyên sáng tác cải lương, vọng cổ), Phạm Ngữ (thầy dạy đàn ghita của Nhạc viện Hà Nội)... Đó là thời kỳ khó khăn, thiếu ăn thiếu mặc nhưng tiếng đàn, tiếng hát luôn tràn đầy trong khu nhà của chúng tôi.
Tôi không biết bây giờ các nhạc sĩ tập hát cho các ca sĩ và thu âm bài hát ra sao, nhưng ngày đó biết bao lần chúng tôi ngồi bệt dưới sàn nhà hoặc bu đầy ngoài cửa sổ để nghe nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý tập hát cho NSND Thu Hiền, Bích Liên, Kiều Hưng; xem nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu tập Những ánh sao đêm cho ca sĩ Vũ Dậu; nghe nhạc sĩ Ngô Huỳnh say sưa dạy cho con trai mình hát Con kênh xanh xanh; nghe ca sĩ Ái Vân da diết hát bài Nha Trang mùa thu lại về của nhạc sĩ Văn Ký.
Gia đình L.Q.Vũ - X.Quỳnh 1987 (ảnh do tác giả cung cấp)
Thật may là hồi đó mỗi nhạc sĩ trong nhà 96 đều được cơ quan Hội nhạc sĩ cho mượn một cây đàn piano. Cho nên bọn trẻ chúng tôi tuy nhiều đứa nốt nhạc bẻ đôi không biết nhưng cũng không ít lần ngồi vào đàn múa may và tưởng mình là Chopin, Beethoven. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý còn sáng tác riêng cho bọn trẻ trong khu tập thể một bài Nhà ca.
Nhiều năm rồi mà tôi vẫn còn nhớ điệp khúc: Nhà 96 các cháu rất ngoan/mỗi khi lên cầu thang thì đi nhẹ bước/khi xuống bếp lấy nước thì không làm bẩn nhà/ấy thế mới gọi là/là các cháu ngoan/ấy thế mới gọi là/là các cháu ngoan. Bài hát này khi đi biểu diễn văn nghệ ở khu phố đã giành được giải nhất.
Nhà thơ trào phúng Nguyễn Đình, tác giả nhiều bài thơ châm biếm đả kích, cũng là người rất tâm lý. Văn nghệ sĩ thường làm việc đêm, ban ngày muốn nghỉ ngơi thì trẻ con thường đùa nghịch ồn ào. Bảo thế nào bọn chúng cũng không nghe, càng mắng mỏ, dọa nạt chúng càng làm ồn. Nhiều khi chuyện trẻ con đã làm mất lòng người lớn.
Nhà thơ Nguyễn Đình nghĩ ra cách giáo dục bằng “văn học nghệ thuật”. Ông viết lên tấm bảng to trên tường nhà mình câu chuyện Bác Hồ đã quỳ xuống nhấc cái chuông treo trên cầu thang để giữ giấc ngủ cho người cần vụ. Kết thúc chuyện ông làm mấy câu thơ: Quỳ gối nâng chuông cho khỏi động/ Tấm gương cao cả vạn đời soi/Cháu ngoan của Bác Hồ ơi/Nhẹ chân khẽ tiếng cho người nghỉ trưa/Mồm la chân cứ nhảy bừa/Làm người rức óc Bác ưa không nào? Vậy là lũ trẻ con trở nên ngoan hiền đến bất ngờ!
Thời ngọt ngào nơi “ngôi nhà chật”
Các nhà văn, nhà thơ Bùi Huy Phồn (Đồ Phồn), Mạc Phi, Hà Minh Tuân, Bàng Sỹ Nguyên, Nông Quốc Chấn, Hà Mậu Nhai, Trang Nghị, họa sĩ NSND Lương Đống, soạn giả Trần Hữu Trang... người nhiều kẻ ít đều đã là cư dân của nhà 96. Có người chỉ tá túc ở đây một thời gian ngắn. Có người sống ở đây suốt cả đời mình cho đến khi nhắm mắt xuôi tay. Những bậc cầu thang cũ mòn, những hành lang nhỏ hẹp, những ô cửa soi mình trong nắng sớm... vẫn còn lưu giữ những dấu ấn không tàn phai về họ. Ở đây tôi đã nhìn thấy nhà văn Mạc Phi nâng trên tay bộ tiểu thuyết Rừng động mới từ nhà in về còn thơm mùi mực.
Phố Huế đầu thời Pháp thuộc
Tôi cũng đã chứng kiến mấy bà đồng nát gánh hàng chồng sách báo cũ đi ra từ căn phòng của nhà văn Bùi Huy Phồn sau khi ông qua đời một thời gian ngắn. Cũng may là tôi còn kịp chạy theo xin mua lại một vài quyển sách quý xuất bản từ thời trước cách mạng. Ở đây anh em tôi đã cùng nhau tập hát “miền Nam em dừa nhiều, miền Nam em dứa nhiều...” của nhạc sĩ Hoàng Nguyễn. Và cũng đã phải chứng kiến những bi kịch ghê gớm của gia đình ông. Tôi đã nhìn thấy vẻ hoang mang, ngơ ngác trên nét mặt nhà văn Hà Minh Tuân khi ông chuyển về nhà 96 sau khi chia tay người vợ đầu cùng lúc với “tai nạn” quanh tiểu thuyết Vào đời.
Từ sau năm 1975, cư dân nhà 96 thay đổi nhiều. Một số người chuyển vào Sài Gòn sinh sống. Nhiều căn phòng được chuyển nhượng cho người khác. “Cố thủ” ở đó chỉ còn vợ chồng nhạc sĩ Văn Ký và mẹ tôi - bà Vũ Thị Khánh. Cha tôi mất từ năm 1981. Mẹ tôi sống cùng gia đình anh chị Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh. Khi anh chị và cháu Lưu Quỳnh Thơ mất năm 1988, các anh tôi muốn đón bà đến ở cùng nhưng bà không muốn rời xa ngôi nhà - nơi in dấu bao kỷ niệm máu thịt của cuộc đời mình. Chỉ đến khi già yếu bà mới chịu ra đi.
Thỉnh thoảng tôi vẫn về lại nhà 96, bởi ở đó còn một căn phòng nhỏ nằm khuất nẻo trên tầng 3. Đó là nơi Lưu Quang Vũ đã làm bài thơ Nhà chật: Nhà chỉ mấy thước vuông, sách vở xếp cạnh nồi/ Nếu nằm mơ, em quờ tay là chạm vào thùng gạo/Ô tường nhỏ treo tranh và phơi áo/Ta chỉ có mấy thước vuông cho hạnh phúc của mình...
Ngôi nhà 96 không chỉ là tổ ấm của các gia đình nghệ sĩ trú ngụ tại đó mà còn là nơi đón tiếp biết bao nhà văn, nhạc sĩ, họa sĩ, nhà thơ, nhà báo... những người chọn cây bút và việc phụng sự nghệ thuật làm cái nghiệp của cả đời mình. Ngày đó đời sống văn nghệ sĩ thường đạm bạc, nhưng lại vô cùng giàu có vì đông bạn bè. Một tách trà nóng lúc đêm khuya, một ly cà phê buổi sớm. Họ đã chia sẻ cùng nhau bao dự định sáng tạo và những buồn vui ấm lạnh của thế thái nhân tình.
Năm 2000, khi nghe tin nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu được Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, tôi gọi điện vào TP.HCM chúc mừng ông. Từ đầu dây bên kia giọng ông nghẹn ngào xúc động: “Nhà 96 bây giờ ra sao hả cháu, lâu quá rồi không về thăm nhà xưa, nhớ quá!”. Và tôi biết với những người từng sống ở đó, nhà 96 không chỉ là nhà xưa mà đã trở thành ký ức của một thời và mãi mãi.
LƯU KHÁNH THƠ
Xem online : http://hanoipanorama.blogspot.com/