Nobel y khoa và vật lý 2010: IVF và Graphene

Công nghệ IVF gây khó cho Vatican

Đại Hội đồng Nobel tại Viện Karolinska (Stockholm, Thụy Điển) quyết định trao Giải Nobel 2010 về "sinh lý học hoặc y khoa" cho ông Robert Edwards về công lao của ông trong việc phát triển lĩnh vực “thụ thai trong ống nghiệm” (IVF).

R.Edwards là một chuyên gia về sinh lý học quê ở Manchester, năm nay 85 tuổi. Ông khởi sự nghiên cứu IVF rất sớm, từ những năm 1950. Chính ông đã phát triển phương pháp lấy trứng từ cơ thể phụ nữ, để trứng thụ tinh bên ngoài cơ thể, rồi sau đó, cấy vào tử cung.

Vào tháng Bảy năm 1978, Louise Brown của nước Anh trở thành em bé đầu tiên ra đời nhờ phương pháp có tính đột phá này. Từ đó khoảng 4 triệu trẻ em trên khắp thế giới đã được sinh ra nhờ IVF.

Tiếc rằng người hợp tác với Edwards trong suốt giai đoạn này là nhà giải phẫu người Anh Patrick Steptoe (1913-1988, ảnh bên) đã qua đời.

Công trình của Edwards và Steptoe từ đầu đã làm dấy lên một cuộc tranh luận về tính đạo đức của IVF. Toà Thánh Vatican chống đối chương trình IVF vì nó liên quan tới việc tách rời chuyện thụ thai với “quan hệ vợ chồng”, và vì thủ tục IVF thường đưa tới việc phá hủy những trứng dự phòng đã lấy ra từ cơ thể người phụ nữ, nhưng không dùng đến.

Ngay ngày 5-10, theo đài Vatican, Liên hiệp quốc tế các bác sĩ công giáo cũng đã ra thông cáo về "sự kinh hoàng" đối với việc trao giải này. Đức Cha Ignazio Carrasco de Paula, Chủ tịch Hàn Lâm Viên Toà Thánh Sự Sống, bầy tỏ lo ngại và phân vân trước sự kiện giải thưởng Nobel Y Khoa được trao cho Edwards.

Vụ tranh cãi liên quan tới IVF vẫn tiếp tục trong khi cuộc tranh luận giờ đây tập trung vào việc ai là người có quyền dùng công nghệ này. Một số chuyên gia nêu nghi vấn: liệu có nên đặt ra một giới hạn về tuổi tác đối với những cặp nam nữ muốn có con qua phương pháp IVF, liệu có nên trả tiền cho các phụ nữ hoặc những người đàn ông hiến tặng trứng và tinh trùng hay không, và liệu các cặp đồng tính có hội đủ điều kiện để tham gia chương trình hay không.

Tại Pháp, các cặp đồng tính nữ không được phép sử dụng tinh trùng của người hiến tặng. Tại Anh, phụ nữ không được trả nhiều hơn 384 đôla để hiến trứng của mình. Đức và Ý cả hai nước đều cấm việc đông lạnh phôi đã thụ tinh.

Ông Christer Hoog, một thành viên của ủy ban Giải Nobel Y Khoa, đã nhắc nhở: “Đây là một phương pháp có hiệu quả. Nó được quy định theo những hướng dẫn nghiêm ngặt về đạo đức và những cuộc nghiên cứu dài hạn đã chứng minh rằng những đứa trẻ sinh ra qua phương pháp IVF, cũng mạnh khoẻ như những đứa trẻ khác.”

Graphene một vật liệu đầy hứa hẹn

Năm 2004 tiến sĩ Andrei Geim cùng cộng sự Konstantin Novoselov tại ĐH Manchester, đặt mảnh than chì lên miếng băng keo, dán hai đầu băng keo lại với nhau, rồi mở băng keo... Cứ dán băng keo rồi mở ra, mỗi lần như thế, mảnh than chì được tách ra từng lớp, mỏng dần, mỏng dần... Rồi họ nhúng lớp than chì vào silicon, và thu được lớp than chì mỏng nhất, có độ dày của 1 nguyên tử carbon! Một khám phá vĩ đại từ một suy nghĩ đơn giản đến mức khó tưởng tượng này, được tạp chí uy tín American Physical Society gọi là “Scotch Tape” (băng keo).

Andre Geim

Andre Geim sinh năm 1958 tại Sochi (Liên Xô cũ), học Vật lý ở Moskva và bảo vệ luận án tiến sĩ tại Viện Vật lý chất rắn Chernogolovka năm 1987. Sau một thời gian nghiên cứu ở Anh và Đan Mạch, năm 1994, ông trở thành giáo sư thỉnh giảng của Đại học Nijmegen (Hà Lan) và từ năm 2001 dạy tại Đại học Manchester (Anh).

10 năm trước, Andre Geim đã nhận phần thưởng Ig Nobel cho những công trình khoa học có tính hài hước hay có những khía cạnh gây ngạc nhiên. Đó là một con ếch bay được bằng lực từ. Công trình này được ông thực hiện khi đang làm việc tại Đại học Nijmegen (Hà Lan) cùng cộng sự Michael Berry từ Đại học Bristol (Anh).

Tiến Sĩ Geim giải thích, bằng mắt thường người ta không thể nhìn thấy graphene, chỉ có các loại kính hiển vi điện tử tối tân nhất mới có thể "nhìn" và đo được độ dày này. Công trình nằm ở chỗ đo đạc và xác định đặc tính của graphene.

Người ta không thể xếp graphene vào bất cứ chủng loại vật liệu nào hiện hành. Graphene mỏng chỉ bằng một phần triệu của loại giấy in báo thông thường. Cũng không thể gọi graphene là kim loại hay chất bán dẫn, mặc dù, nó cứng hơn kim cương; dẫn điện và nhiệt cực kỳ tốt.

Sẽ có “Thung lũng graphene” thay cho “Thung lũng Silicon”?

Ứng dụng đầu tiên của graphene là một chiếc transistor bán dẫn có độ dày 1/10 nanomét và chỉ bằng 1/4 kích thước transistor bán dẫn nhỏ nhất làm bằng vật liệu silicon. Loại transistor này không cần phải làm mát và có thể được kích hoạt bằng một điện tử duy nhất.

Transistor bán dẫn làm bằng graphene có tốc độ đóng-mở nhanh gấp 100 lần loại transistor “nhạy” nhất hiện nay. Điều này có nghĩa là nếu máy tính điện tử dùng transistor graphene sẽ có tốc độ tính toán nhanh gấp bội các loại “siêu máy tính” dùng transistor silicon hiện nay.

Konstantin Novoselov

TS Konstantin Novoselov sinh 1974 tại Nizhny Tagil (Liên Xô cũ). Chỉ trong 10 năm từ 1998 đến 2008, nhà vật lý trẻ này đã có tổng cộng 49 công trình khoa học được đăng trên tạp chí nổi tiếng Physics and Materials Science.

Các nhà khoa học cho rằng trong tương lai, graphene nhiều khả năng sẽ thay thế silicon và nước nào tạo ra được một “thung lũng graphene” như Thung lũng Silicon ở Mỹ, nước đó có thể vươn lên dẫn đầu trong các công nghệ của tương lai. Đó cũng là lý do vì sao các nhà khoa học trên khắp thế giới đang chạy đua trong việc nghiên cứu tìm các ứng dụng graphene.

Theo các nhà khoa học, graphene có khả năng làm tăng tốc độ xử lý của chip máy tính hiện tại lên mức 500 đến 1000 Ghz.

Một trong những tưởng tượng lãng mạn nhất của nhân loại, đó là nối Trái đất và các trạm không gian bằng 1 loại thang máy. Từ đó, không cần dùng phi thuyền mỗi lần muốn lên trạm không gian. Vật liệu nào có thể dẻo dai đến mức chịu đựng được chiều dài trên 35.000 km?

Một sợi dây thép dài 28km sẽ tự đứt nếu nó được treo theo phương thẳng đứng, trong khi một sợi dây graphene chỉ đứt trong điều kiện tương tự ở độ dài trên 1000km. Trong giới khoa học, hiện có người đang tính chuyện làm một chiếc “thang máy” bằng chất liệu graphene nối liền trái đất với vệ tinh. Mỗi năm NASA dành ra khoảng 1 triệu USD làm giải thưởng cho các cuộc thi về công nghệ liên quan đến Thang máy Không gian.

Đông TỉnhD.Anh (BEE) tổng hợp