Đô la mất giá, chính sách bảo hộ sẽ quay lại?

Việc đồng USD mất 7% giá trị so với các ngoại tệ khác trong vòng 6 tuần qua đã gây ra chuỗi biến động ngoại hối trên các thị trường quốc tế khiến nhiều người lo ngại về nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến về tỷ giá và tiếp theo là cuộc chiến mậu dịch.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng kinh tế thế giới bị phân chia thành hai khối. Khối thứ nhất bao gồm các nước công nghiệp phát triển (chủ yếu là Mỹ, châu Âu và Nhật Bản) có mức tăng trưởng rất thấp, do tác động của cuộc suy thoái 2008-2009, và đã hạ lãi suất cũng như bơm tiền để kích thích sản xuất. Khối thứ hai bao gồm các nền kinh tế mới nổi có tốc độ tăng trưởng cao và cũng cần xuất khẩu mạnh khi thị trường các nước công nghiệp hoá châu Âu-Mỹ-Nhật Bản đều co cụm.
Tình trạng chia rẽ này làm nảy sinh 3 vấn đề:
— Thứ nhất là sự chuyển dịch luồng vốn tư bản. Trong khối công nghiệp hoá, khi lãi suất được hạ quá thấp và tiền bơm ra quá nhiều khiến giới đầu tư tại đây phải tìm nơi kinh doanh có mức lời cao hơn, luồng vốn tư bản sẽ chảy từ các nước giàu vào các thị trường mới nổi, khiến đồng nội tệ của các thị trường này ở châu Á hay thậm chí Mỹ Latinh đều lên giá.
— Thứ hai là vấn đề tỷ giá ngoại hối: Đồng tiền các nước này lên giá khiến hàng hoá nước họ trở nên đắt hơn và khó cạnh tranh hơn về ngoại thương. Do vậy, nhiều nước can thiệp vào thị trường ngoại hối để chặn đà tăng giá của đồng tiền. Một số nước công nghiệp như Canada, Australia cũng nhảy vào kiểm soát luồng vốn tư bản đó nhằm giữ tốc độ tăng trưởng cao.
— Thứ ba là vấn đề ngoại thương: Khi nước nào cũng muốn tăng cường xuất khẩu và tìm lợi thế tiền rẻ để dễ xuất khẩu, sẽ dẫn tới mâu thuẫn về ngoại thương, tiếp đó là phản ứng bảo hộ mậu dịch (tức là bảo vệ thị trường nội địa khỏi sự bành trướng của hàng ngoại), gây nên hậu quả cuối cùng là luồng giao dịch toàn cầu sẽ suy giảm và kinh tế thế giới suy sụp.
Các nhà phân tích kinh tế thừa nhận rằng có một sự thật mà mọi quốc gia, kể cả Trung Quốc và châu Âu đều phải thấy, đó là yêu cầu “tái lập quân bình toàn cầu".
Các nước mới nổi, kể cả Trung Quốc, cần tiêu thụ nhiều hơn, để mở rộng thị trường nội địa và ít lệ thuộc hơn vào xuất khẩu. Các nước công nghiệp châu Âu-Mỹ-Nhật cần tiết kiệm nhiều hơn, nhập khẩu ít đi, xuất cảng nhiều hơn và phải trả nợ - giảm bội chi và công trái... Sự điều chỉnh lớn lao này đòi hỏi một sự phối hợp quốc tế.
Hội nghị thượng đỉnh G-20 và IMF phải góp phần giải quyết vấn đề này. Nếu không, phản ứng bảo hộ mậu dịch sẽ gia tăng và chiến tranh mậu dịch sẽ khiến cho cả thế giới bị kiệt quệ.

(Theo RFI)

BIẾN ĐỘNG TIỀN TỆ

Tờ Financial Times cho biết, kỳ vọng gia tăng của thị trường về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ bơm thêm tiền vào nền kinh tế nước này trong tháng 11 đã khiến đồng USD liên tục lập đáy mới so với đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc, Franc của Thụy Sỹ và Đôla Australia trong ngày 14/10.
Cùng ngày, đồng bạc xanh cũng đã rớt giá xuống mức thấp nhất trong 15 năm so với đồng Yên và thấp nhất trong 8 tháng so với đồng Euro.
Chỉ số Dollar Index, thước đo sức mạnh của USD so với một rồ tiền tệ, đã giảm xuống mức thấp nhất từ đầu năm trong phiên này.
Một nhà hoạch định chính sách châu Âu đề nghị không tiết lộ danh tính, cho rằng, một đợt nới lỏng cung tiền nữa của FED sẽ bị xem là "vô trách nhiệm" vì giúp hàng hoá xuất khẩu của Mỹ tăng sức cạnh tranh trong khi gây tác động tiêu cực tới các quốc gia khác.
Chiến lược gia tiền tệ Simon Derrick thuộc ngân hàng BNY Mellon của Mỹ thì nhận định: "Ở góc nhìn hẹp, nước Mỹ đang chiến thắng trong cuộc chiến tranh tiền tệ, vì đồng USD yếu sẽ giúp ích cho kinh tế Mỹ, trong khi điều đó có thể gây hại cho những nền kinh tế lớn khác như Trung Quốc, Nhật Bản và châu Âu".
Đà tăng giá của USD hôm qua được thúc đẩy thêm sau khi Cơ quan Tiền tệ Singapore khiến thị trường ngạc nhiên bằng động thái thắt chặt chính sách tiền tệ. Ngày 14/10, Singapore đã nới rộng biên độ tỷ giá đồng Đôla Singapore nhằm cho phép đồng tiền này tăng giá, với mục tiêu là ngăn chặn nguy cơ gia tăng của lạm phát. Với động thái này của cac nhà chức trách ở đảo quốc sư tử, các đồng tiền khác ở châu Á đã tăng giá theo.
Tại một cuộc họp với các quan chức Liên minh châu Âu (EU), Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga Alexei Kudrin đã lên tiếng chỉ trích nước Mỹ và một số quốc gia khác gây ra sự bất ổn tiền tệ toàn cầu. Ông Kudrin cho rằng, một lý do dẫn tới sự biến động mạnh trên thị trường ngoại hối "là chính sách tiền tệ nhằm mục đích kích thích tăng trưởng của một số quốc gia phát triển, mà đi đầu là Mỹ, những nước đang cố gắng bằng cách này để giải quyết những bất cập trong cơ cấu kinh tế của họ".
Do hầu hết được định giá bằng đồng USD, giá các loại hàng hoá cơ bản đều tăng mạnh trước sự trượt giá của USD. Trong phiên giao dịch hôm qua, giá đồng đã có lúc đạt mức cao nhất trong hai năm là 8.490 USD/tấn, giá vàng cũng lập kỷ lục mới ở mức 1.387 USD/oz.
Financial Times nhận định, báo cáo tiền tệ định kỳ 1 năm 2 lần của Bộ Tài chính Mỹ được công bố vào đêm nay (15/10) có thể sẽ làm nóng thêm cuộc tranh cãi về tỷ giá. Tuy nhiên, nhiều khả năng, báo cáo này sẽ không đưa ra cáo buộc Trung Quốc thao túng tỷ giá đồng Nhân dân tệ.
Căng thẳng xung quanh vấn đề tỷ giá liên tục gia tăng trong thời gian gần đây, khi mà các quốc gia liên tục cảnh báo lẫn nhau về việc tìm cách đẩy tỷ giá đồng nội tệ xuống. Từ chỗ tập trung chỉ trích Trung Quốc, một số nước giờ đã bắt đầu quay sang phê phán Mỹ. Thậm chí, hôm 13/10, Thủ tướng Nhật còn lên tiếng cảnh báo cả Hàn Quốc về vấn đề này.
Tuy nhiên, những xáo động lớn hiện mới chỉ diễn ra trên thị trường ngoại hối, vì thị trường chứng khoán đang được lợi từ những kỳ vọng về chính sách nới lỏng định lượng. Giới đầu tư hy vọng rằng, dòng tiền mới sẽ chảy vào thị trường chứng khoán.
Nhân tố kỳ vọng nguồn cung tiền nới rộng và mùa báo cáo kết quả kinh doanh khởi động tốt ở Mỹ đã đưa chỉ số FTSE All World Index của thị trường chứng khoán toàn cầu lên mức cao nhất kể từ vụ sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers vào tháng 9/2008. Từ đầu tháng 7 tới nay, chỉ số này đã tăng 20%.
Ông Robert Parkes, chiến lược gia chứng khoán của HSBC, nhận xét: "Đà tăng của thị trường chứng khoán bắt đầu từ tháng 3 năm ngoái sẽ còn tiếp tục".
Hôm qua, đồng USD đã giảm giá xuống mức 6,6493 Nhân dân tệ/USD, còn 0,9461 Franc Thụy Sỹ tương đương 1 USD, và 0,9993 Đôla Australia "ăn" 1 USD. Tỷ giá USD so với Đôla Canada đã giảm về mức 1 USD = 1 CAD, thấp nhất từ tháng 4.
So với đồng Yên Nhật, USD đã rớt dưới ngưỡng 81 Yên đổi 1 USD, còn so với đồng tiền chung châu Âu, tỷ giá USD là 1,4121 USD/Euro. Chỉ số Dollar Index đã giảm 1% trong phiên 14/10, còn 76,259 điểm, thấp nhất từ tháng 12/2009.
(Theo VnEconomy)