Nào cùng thi, xem ai... to hơn!

Hoạ sĩ Lê Thiết Cương nói về những kỷ lục ...to của Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội vừa tổ chức.

— Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội vừa rồi, anh ấn tượng nhất điều gì?

Lê Thiết Cương: Tôi thấy một điều rằng, người Việt mình đang phát một căn bệnh, mà bệnh này có chiều hướng càng ngày càng nặng: Thích phô trương, cụ thể là thích... to!

Báo chí đã phê phán chán chê chuyện bình rượu to nhất, rồi đổ nước lã vào uống, và rước lên tận Đền Hùng, rồi chuyện bánh dày khổng lồ nhân mút xốp. Nay dịp Đại lễ lại rộ lên đủ thứ, từ thiết kế thời trang làm cái áo dài có đuôi áo dài trăm mét, lọ độc bình Bát Tràng cao 3,4m, tranh lụa "Cội rễ ..." gì đó, tốn tới 1,3 tấn chỉ thêu, cờ hội trăm mét phủ kín cả mặt một cái khách sạn... Cái gì cũng thật to, người nào cũng kỷ lục. Vô nghĩa khủng khiếp!

Nói thật, tôi chỉ thấy đó là sự dốt nát, thùng rỗng kêu to, đầy tính hình thức. Đó là căn bệnh phổ biến nhất hiện nay ở người Việt chúng ta. Do 2 nguyên nhân: Thứ nhất làm to là để tiêu tiền; thứ hai, làm to vì tâm lý thích oai để che đi sự ngu dốt.

Nhưng nhớ nhé, đó là căn bệnh người Việt hôm nay. Về sự "rỗng", người Việt ngày xưa không thế. Các tác phẩm của cha ông chúng ta không ’kỷ lục’ như bây giờ, nhưng rất tinh tế.

Cái thất bại lớn nhất của người Việt cổ, người Việt trước đây mà thích to, đó là chùa Keo (Thái Bình), xây từ thế kỷ 17 với 7, 8 tầng mái. Đó là ngôi chùa to nhất nước còn lại cho đến ngày nay, nhưng lại xấu nhất, tay nghề kém nhất. Còn không bao giờ người Việt thích to. Chỉ có người Việt bây giờ thích to, thích cái gì cũng phải hoành tráng. Mở tờ báo nào ra cũng thấy toàn là kỷ lục.

Đây phải thấy là một nỗi đau của chúng ta. Thường kém cỏi, thường không có văn hoá thì bao giờ cũng phải kiễng lên để chứng tỏ ta cao. Mà chứng tỏ bằng cách dễ nhất là làm to, lấy to làm son phấn tô vẽ cho mình, vì làm cái to thì dễ hơn làm cái nhỏ mà hay, mà đẹp, mà tinh xảo.

Tôi thấy so với thời chiến tranh, thời bao cấp - sau 50 năm - mặt bằng văn hoá Việt Nam bây giờ tụt đi 3 bậc, phải mất hơn 100 năm nữa may ra mới bằng lại được cách đây 50 năm.

Đây là hệ quả của cái gốc văn hoá ’rỗng’ và tự ti. Giống như người tự ti vì lùn quá, cứ phải cố kiễng lên cho bằng người khác.

Vin những cái cớ to quá!

— Nói như vậy có bi quan quá không? Ngoài những điều đó ra, hẳn Đại lễ phải có những mặt đáng ghi nhận?

Thật ra nếu tôi là một nhà chính trị thì tôi cũng phải tổ chức một Đại lễ như thế thôi. Vì mặt bằng chung như vậy thì mình cũng không thể lo cho tốt hơn được. Nhưng nói như vậy thì quá... tiêu cực..

Có lẽ tích cực nhất mình nên nhìn nhận rằng: Trong những cái đang nhếch nhác, nhem nhuốc bộc lộ ra trong 10 ngày lễ hội chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, cái dở, cái tiêu cực đó lại trở thành tốt ở chỗ: Thôi thì nó báo động cho mình biết, bây giờ đã đến lúc nước Việt phải nhìn nhận và sửa lại mình, sửa lại đời sống văn hoá của mình.

Cái mặt trái đó phải được coi là một động lực, vì nếu không có nó, như thế để mà thấy cái sự kém cỏi thì mới tự sửa cho mình được. Nói tích cực là làm rồi biết mình kém chỗ nào mà khắc phục.

Ngay việc tổ chức Đại lễ này nọ, rầm rĩ, cuối cùng cũng vẫn trở lại căn nguyên bệnh "thích to", thích thành tích vốn rất "thâm niên" trong xã hội. Phô trương, ầm ĩ, hoành tráng, nhưng thực chất là bên trong chẳng được chuẩn bị, chẳng có gì, chiều sâu văn hoá không có.

Đấy, ngay cái việc mấy cái phim chào mừng Đại lễ ầm ĩ, chính là một ví dụ nhãn tiền về điều tôi vừa nói. Phô phang ầm ĩ, cố đấm ăn xôi, trong khi chẳng được chuẩn bị gì, trong tay chẳng có gì. Tôi cũng không hiểu tại sao cứ đến ngày lễ lại làm phim rồi ra những kết quả như thế.

— Ý anh đề cập đến phim ’Lý Công Uẩn - đường tới thành Thăng Long’ vừa "làm mưa gió" trên báo chí?

Hôm trước có dịp ngồi với Vũ Đức Tùng - người đã quay phim Đừng đốt, tôi hỏi: "Trong giới các ông, người ta nghĩ như thế nào". Anh Tùng nói: Ngay từ đầu đã cãi nhau như "mổ bò" khi biết Nhà nước đầu tư tiền làm phim "chào mừng".

Phim đó mời rất nhiều chuyên gia của nước mình, nhưng cuối cùng Trung Quốc nhận may trang phục theo bản vẽ của mình, họ lại sửa đi, và thế là cuối cùng hoàn toàn trông như phim Trung Quốc.

Trong thời điểm hiện nay, khi chưa có một ngành nghiên cứu về những điều đó thì chắc chắn nó sẽ chỉ ra những sản phẩm như thế thôi.

Loại trừ chuyện tiêu tiền của nhà nước, loại trừ việc cẩu thả, giả sử có một ê kíp làm phim gồm những người có cái tâm to nhất nước với điện ảnh, với nước nhà và cụ thể trong hoàn cảnh này là phim lịch sử, thì cũng không nên làm.

Không cứ có điện ảnh thì phải có phim hoạt hình, phim thời sự, tài liệu, phim truyện rồi phim lịch sử thì ông mới là một nền điện ảnh lớn. Có hàng nghìn cách để giới thiệu lịch sử đất nước mình với người dân bình thường, không nhất thiết phải qua điện ảnh.

— Đó là chuyện ai cũng biết, nhưng thay đổi nó thì...

Nguyên nhân thì ai cũng đã nói. Tôi cũng không nói lại việc lấy cái cớ đó để tiêu tiền nhà nước. Quan trọng là không ai dám phản đối việc dựng tượng đài một nhà lãnh đạo, không ai dám phản đối việc làm một tác phẩm điện ảnh ’hoành tráng’ để chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội chẳng hạn.

Những cái cớ đó nó quá to. Những ai muốn lợi dụng cái việc đó để lấy tiền Nhà nước dễ quá. Đó là sự tiêu tiền bất hợp pháp một cách hợp pháp nhất.

Nhưng điều đó hàng nghìn người đã nói. Bệnh cũ cộng thêm bệnh mới ’thích to’ nữa, càng ’hợp pháp’ hơn, ngang nhiên hơn và đáng buồn hơn!

Đan Thiềm thực hiện (TVN)