Đừng nhầm lẫn giấy vệ sinh và giấy ăn

Hiện nay, tại một số nhà hàng, thậm chí nhiều gia đình có thói quen sử dụng giấy vệ sinh thay thế giấy ăn vì cho rằng, đó cùng là môt loại. Điều này có đúng?

Chị Nguyễn.T.Liên, Xuân Đỉnh, Từ Liêm Hà Nội cho biết, chị vẫn thường xuyên sử dụng giấy vệ sinh để xì mũi, lau miệng cho con vì cho rằng, giấy dùng 1 lần, vừa tiện vừa rẻ. Chị Liên còn đưa ra lập luận: giấy nào chẳng là giấy, thậm chí có những loại giấy vệ sinh cao cấp, chất lượng còn cao hơn những loại giấy ăn thủ công màu mè. Những loại giấy vệ sinh cao cấp rất trắng, mềm, dai hơn hẳn giấy ăn thủ công vừa mủn, thậm chí lau vào còn có bụi giấy để lại trên mặt.

Coi chừng rước bệnh vì sử dụng sai

Có khá nhiều người có cách nghĩ này như chị Liên. Thậm chí, đã xuất hiện trên thị trường những hộp nhựa, inox được thiết kế vừa vặn để chuyển đổi công năng của gói giấy vệ sinh thành giấy ăn.

Một chuyên gia của Bộ môn giấy Xenlulo (Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho biết: đúng là về mặt yêu cầu kỹ thuật khi sản xuất hai loại giấy này là khác nhau, nhưng về nguyên lý sản xuất cơ bản: Thành phần, các phụ gia cho vào là giống nhau. Thế nên người ta mới phân biệt ra hai loại: giấy vệ sinh dùng cho người đi toalet và giấy vệ sinh để lau mặt.

Đừng nhầm lẫn thuật ngữ “Giấy vệ sinh” bởi những sản phẩm giấy vệ sinh có rất nhiều chủng loại. Thực tế hiện nay, rất nhiều cơ sở gia công giấy sử dụng nguyên liệu là giấy tái chế. Với nguồn nguyên liệu này, họ phải sử dụng rất nhiều xút và nước javel để tấy trắng. Chính vì hai hoá chất mà khiến giấy thường mủn, rất dễ để lại bụi giấy khi lau. Đây cũng là đặc điểm nhận dạng giấy kém chất lượng.

TS Nguyễn Hữu Hoan, Viện Hoá học Công nghiệp cho biết: xút và nước javel là hai loại hoá chất phải có qui trình sản xuất nghiêm ngặt, tránh tiếp xúc với da và mắt. Nồng độ trong nước của hai chất này cho phép <0,3mg/l, nếu vượt quá các hoá chất tồn dư có thể gây kích ứng đối với da, niêm mạc và các bệnh về đường tiêu hoá

Không thể gộp chung công năng

Điều khuyến cáo tới tất cả những người tiêu dùng là bất kỳ quy trình sản xuất hay phạm vi sử dụng trong cuộc sống thì giấy vệ sinh và giấy ăn đều có những khác biệt rõ ràng, không nên thay thế sử dụng bừa bãi, đặc biệt là các loại giấy vệ sinh chất lượng kém giả mạo giấy ăn có thể ít nhiều gây nhiều tác hại cho sức khoẻ.

TS Đào Sỹ Sành, Viện trưởng Viện Công nghiệp Giấy và Xenluy lô cho biết: hiện tại, ở Việt Nam việc sản xuất các loại giấy này gần như là cùng một loại giấy nguyên liệu. Điều đó có nghĩa là chất lượng hai sản phẩm này không khác nhau là mấy.Trong khi đó, ở châu Âu, quy định sản xuất từng loại giấy kể trên là rất khác nhau và được kiểm soát chặt chẽ. Việc sản xuất giấy ăn chỉ có thể sử dụng nguyên liệu được lấy từ các nguồn như gỗ, các loại cỏ, trúc, còn việc sản xuất giấy vệ sinh, ngoài việc sử dụng các sợi nguyên liệu thì có thể tận dụng nguyên liệu thu hồi từ các loại giấy in, giấy photo.

Về quy định môi trường sản xuất, tiêu chí chất lượng và tiêu chuẩn vệ sinh của giấy ăn đều nghiêm ngặt hơn giấy vệ sinh rất nhiều. Cần lưu ý: Việt Nam cũng đã có tiêu chuẩn cụ thể về giấy vệ sinh dùng cho toalet và giấy ăn. Chính bản thân TS Sành là người trực tiếp biên soạn những tiêu chuẩn về hai loại giấy này, nhưng ông cho biết “Không hiểu vì lý do gì, ở ta vẫn chưa bắt buộc áp dụng”.

Cách phân biệt hai loại giấy

Bằng mắt thường rất khó phân biệt nguyên liệu làm giấy vệ sinh thông thường và giấy ăn, tuy nhiên, mọi người có thể dựa vào những thủ pháp nhỏ sau đây là có thể phân biệt được ngay.
— Quan sát màu sắc của tờ giấy: Loại giấy tốt vì không chứa ánh huỳnh quang bạc của hoá chất nên trên mặt giấy hơi có chút ánh vàng
— Quan sát xem trên mặt giấy có vết nhơ hay không? Các loại giấy phế phẩm thu hồi thường có nét mực trên đó, sau quá trình tái chế giấy không thể loại bỏ hoàn toàn chúng được, chính vì thế trên mặt giấy có những điểm đen.
— Dùng tay chà xát mặt giấy: nếu như là giấy tái chế thành giấy vệ sinh thì sẽ không còn độ dẻo, vì thế mà hễ kéo là bị rách, sau khi chà xát có những vụn giấy rơi ra.

Liên Cơ (ĐV)