CPI tháng 10 lại tăng kỷ lục

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2010 đã tăng 1,05%, con số vừa được Tổng cục Thống kê công bố. Đây là mức tăng kỷ lục trong vòng 15 năm qua, giai đoạn từ năm 1995 – 2009. Và vấn đề lại được đặt lên bàn để "mổ xẻ": vì sao CPI tháng 10 lại tăng kỷ lục như vậy?

Tăng do bị tác động mạnh bởi các sự kiện lớn

Mặt bằng giá mới trong tháng 10 được thiết lập từ các nhân tố ảnh hưởng vi mô và vĩ mô cũng như mất cân bằng cục bộ. Ở nguyên nhân thị trường bị ảnh hưởng mạnh từ những sự kiện kinh tế - xã hội lớn của đất nước.

Cụ thể, CPI tháng 10 tăng còn có sự đóng góp đáng kể tăng CPI của TP Hà Nội (tăng 1,22%, cao hơn mức tăng bình quân cả nước) khi nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. Hàng triệu người đổ về Hà Nội đã làm cho nhu cầu về dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tăng mạnh, đẩy giá nhóm này lên cao chóng mặt. Trong khi việc cấm đường cũng gây cản trở nhất định tới vận chuyển nhu yếu phẩm cho khu vực nội thành, khiến giá lương thực, thực phẩm cũng được “đà” tăng cao.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, có đến 10/11 nhóm hàng tăng giá. Nguyên nhân chính khiến CPI tháng 10 vẫn duy trì ở mức trên 1% là sự tăng giá của những nhóm giáo dục và hàng ăn, dịch vụ ăn uống. Nhóm hàng có chỉ số lớn nhất, hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng trung bình 1,32%. Trong đó, lương thực tăng nhiều nhất với 1,89%; tiếp đến là thực phẩm 1,22%. Hai nhóm mặt hàng tăng đẩy giá ăn uống ngoài gia đình cũng tăng theo 1,03%.

Ngoài ra, lũ lụt tại miền Trung vừa làm tăng giá lương thực tại các tỉnh này, vừa cắt đường vận chuyển ra Bắc khiến một số tỉnh cũng xuất hiện tình trạng tăng giá mạnh mặt hàng lương thực… Cũng như việc cung ứng hàng hoá từ khu vực này cho thị truờng là không thể.

Trước đó, Ông Nguyễn Đức Thắng Vụ trưởng Vụ Giá (Tổng cục Thống kê) đã nhiều lần cảnh báo, nếu thiên tai, lụt lội tại miền Trung dẫn đến cắt đường thông thương giữa hai miền Nam-Bắc có thể đẩy giá lương thực, thực phẩm lên cao tại các tỉnh, thành phố phía Bắc.

Thêm vào đó, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn đã đem lại những hiệu quả tốt trong việc kích cầu mua sắm của người dân địa phương các tỉnh thành. Đây là một trong những nhân tố ảnh hưởng lớn đến chỉ số giá tiêu dùng của nền kinh tế quốc dân.

Sự biến động của hệ thống tài chính - tiền tệ

Ngân hàng Nhà nước, rồi Hiệp hội Ngân hàng đã liên tiếp có những động thái mạnh mẽ kêu gọi các ngân hàng cắt giảm lãi suất. Và bước đầu một số ngân hàng điều chỉnh lãi suất giảm, đó là tín hiệu tích cực thức đẩy việc trung chuyển tiền – hàng tiền.

Ngoài ra, giá hàng hoá thế giới cũng tăng lên trong tháng 10, các mặt hàng nằm trong rổ CPI như sữa, sắt thép, phân bón, gas, xăng dầu… đều phụ thuộc vào nhập khẩu và chịu ảnh hưởng từ giá USD. Cộng thêm với việc VND mất giá so với USD khiến giá nhiều loại hàng hoá trong nước liên quan đến nhập khẩu buộc điều chỉnh giá bán. Có những khoảng thời gian giá USD đã chạm mốc 1USD/20.000đ. Nguyên nhân này không chỉ tác động đến giá cả hàng hoá, nguyên liệu mới nhập khẩu mà ảnh hưởng cả giá bán ra của hàng hoá tồn kho từ giai đoạn trước.

Thêm vào đó, nhìn nhận về xu hướng giá trên thế giới những tháng cuối năm, nhiều chuyên gia dự báo thị trường trong nước cũng cho rằng chỉ riêng áp lực tăng giá đôla trong thời gian qua cũng trở thành gánh nặng cho các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên, vật liệu nhiều mặt hàng như sữa, sắt thép, phân bón, thức ăn gia súc, gas, xăng dầu... Đây đều là những mặt hàng nằm trong rổ CPI. Theo quy luật, chỉ số giá tiêu dùng các tháng cuối năm sẽ tăng cao do nhu cầu hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng trong các dịp lễ, tết.

Ngoài các chỉ số và tác động của hệ thống tài chính - tiền tệ, thì ghi nhận đột biến lớn nhất thuộc về nhóm giáo dục, chỉ với khoảng 40 tỉnh, thành phố tăng giá học phí, CPI nhóm này đã tăng tới trên 12% vào tháng trước. Trong tháng 10, với một phần các tỉnh còn lại tiếp tục “rút kinh nghiệm” các địa phương đi trước thì chắc chắn, nhóm giáo dục sẽ còn tác động đáng kể vào chỉ số giá chung tháng này.

Do vậy, để đảm bảo tăng trưởng bền vững, Chính phủ nên tập trung vào các biện pháp và chính sách tài khoá tăng cường và tiếp tục chính sách thắt chặt tiền tệ cũng như tiến hành các biện pháp mà qua đó có thể gây tác động xấu tới thị truờng. Và cần ngay những hàng rào “bình ổn giá” hạn chế CPI tăng quá cao sẽ có nguy cơ lạm phát trong những tháng cuối năm tiếp theo.

Nguyễn Thắng (Tamnhin.net)