Tiến hay lùi đúng lúc cũng là yêu nước

Với sự trưởng thành của nhà nước pháp quyền, dân chủ, lắng nghe ý nguyện của nhân dân; giải phóng tri thức, chấp nhận phản biện khách quan, ai có lỗi hãy nhận lỗi, lỗi nhỏ thì sửa. Có tiến lên hay lùi xuống đúng lúc cũng là yêu nước.

Ngũ Hành

Theo triết học cổ Phương Đông (ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực hoạt động của người Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên, Singapore...), tất cả vạn vật đều phát sinh từ năm nguyên tố cơ bản và luôn luôn trải qua năm trạng thái được gọi là: Mộc, Hoả, Thổ, Kim và Thủy. Năm trạng thái này, gọi là Ngũ hành.

Học thuyết Ngũ hành diễn giải sự sinh hoá của vạn vật qua hai nguyên lý cơ bản còn gọi là Tương Sinh và Tương Khắc.

Luật tương sinh: Tương sinh có nghĩa là giúp đỡ nhau để phát triển. Đem ngũ hành liên hệ với nhau thì thấy 5 hành có quan hệ xúc tiến lẫn nhau, nương tựa lẫn nhau. Trong luật tương sinh của ngũ hành còn bao hàm ý nữa là hành nào cũng có quan hệ trên hai phương diện: Cái sinh ra nó và cái nó sinh ra.

Luật tương khắc: Tương khắc có nghĩa là áp chế lẫn nhau. Sự tương khắc có tác dụng duy trì sự cân bằng, nhưng nếu tương khắc thái quá thì làm cho sự biến hoá trở thành bất thường. Trong tương khắc, mỗi hành cũng lại có hai mối quan hệ: Cái khắc nó và cái nó khắc.

Trong mối quan hệ Sinh thì Mộc sinh Hoả; Hoả sinh Thổ; Thổ sinh Kim, Kim sinh Thủy, Thủy sinh Mộc.

Trong mối quan hệ Khắc thì Mộc khắc Thổ, Thổ khắc Thủy, Thủy khắc Hoả, Hoả khắc Kim, Kim khắc Mộc. (nguồn: Wikipedia);

Ấy là vũ trụ quan. Ngày nay, những quan niệm này vẫn còn nguyên giá trị khoa học và nhân văn; dù vẫn mãi còn là siêu hình, bí ẩn với nhiều người.

Ngũ phiền

Với nhân sinh quan, theo giáo lý nhà Phật có năm phiền não là: Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi làm cho con người u mê, ngu trí không đến được thế giới trí tuệ và minh triết.

Người xưa (Phương Đông) mong có vua hiền, trong khi người Phương Tây thường ca ngợi Đức Vua anh minh (sáng suốt). Có gì chung trong câu chuyện này?

Phải trở lại sâu hơn với lịch sử, người xưa còn nói "Ác như vua dốt". Làm vua, không thể lấy cái hiền của người bình thường, dĩ hoà vi quý xuê xoa để thủ quyền, thủ lợi. Những sai lầm của đức vua thường gây nên những tai hoạ trong dân chúng, các quyết sách ảnh hưởng đến trăm họ, hoặc lầm than hoặc hoan ca, thế nên, khi vua anh minh cũng chính là vua hiền vậy. Về chỗ này Đông - Tây đều đồng nhất.

Người xưa cũng nói: đã làm vua, đừng dính vào Ngũ phiền!

"Không nên Tham (cho nhà mình) vì toàn bộ quốc gia là của ngài rồi; Không nên Sân (giận) ai vì tất cả thần dân đang ở dưới ngài rồi; Không nên Si (mê cuồng), mất hết lý trí theo đuổi những mục tiêu không thể lý giải bởi tồn vong của quốc gia dựa vào sự tỉnh táo của ngài; Không nên Mạn (cao ngạo), bởi đức khoan dung chính là cách tốt nhất tạo nên nội lực của ngài; Không nên Nghi (ngờ vực) kẻ sỹ vì dẫu họ có tinh khôn cũng chỉ để giúp ngài thôi! Tránh xa Ngũ phiền, huệ năng sẽ mang lại cảm hứng, niềm tin cho quốc dân mới chính là thiên mệnh của ngài".

Và Ngũ Hành nào đang "hành" chúng ta

Trong Năm 2010 quả là một năm sôi động, buồn có, vui có nhưng có lẽ từ tháng sáu đến nay có quá nhiều điều phải bàn, những câu chuyện mà những người có tâm thế ngoài cuộc như chúng tôi cũng bị cuốn vào vì an nguy của xã tắc. Ngẫu nhiên, các vấn đề này lại tương ứng với thuyết Ngũ Hành nói trên, chỉ khác một chút là 5 sự kiện này đang "hành" chúng ta:

Hành Mộc: sự kiện Doanh nghiệp nước ngoài thuê đất rừng với khoảng 340.000 ha, giá 1 ha bằng 10 bát phở (từ đây gọi là Dự án Mộc);

Hành Hoả: sự kiện Dự án đường sắt cao tốc với dự kiến 56 tỷ USD bị Quốc hội "bác" (từ đây gọi là Dự án Hoả);

Hành Thổ: sự kiện Quy hoạch chung Hà Nội với "sáng kiến dời đô" và tiêu hủy đất nông nghiệp kỷ lục (từ đây gọi là Dự án Thổ);

Hành Kim: sự kiện các dự án Bô xít ở Tây Nguyên, quả bom nổ chậm bùn đỏ lơ lửng treo trên đầu dân tộc (từ đây gọi là Dự án Kim);

Hành Thủy: sự kiện Vinashin với khoảng 86.000 120.000 tỷ đồng tiền ngân sách (thuế dân) đang chìm theo làn nước lạnh; (từ đây gọi là Dự án Thủy);

Vậy có điểm gì chung trong các sự kiện này?

Từ những chủ trương đúng đắn

Khách quan và công bằng, các dự án trồng rừng, hiện đại hoá hệ thống giao thông, quy hoach phát triển, hoàn thiện đô thị thủ đô, khai thác tài nguyên làm giầu cho đất nước, phát triển kinh tế biển đều là những chủ trương đúng đắn và cần thiết cho quốc kế dân sinh; Thế nhưng...

Chấp hành, thực thi theo cách "sinh con rồi mới sinh cha"

Vấn đề luôn là ai, ở đâu, bao giờ và như thế nào!

Các dự án, đồ án này (thuộc lĩnh vực kinh tế ngành) dường như đều được chấp hành và thực thi theo kiểu biện hộ tiền đề có trước, với trình tự lộn ngược. Quá trình nghiên cứu, chuẩn bị thường vội vã, phần nào cảm tính, phiến diện, thiếu kỹ lưỡng.

Lựa chọn tư vấn yếu kém về năng lực, phẩm chất; chủ đầu tư thiếu trung thực, thiếu hiểu biết, chủ quan, ỷ thế, cao ngạo và vô cảm. Quy trình làm việc lỏng lẻo, tùy tiện, khép kín từ việc nghiên cứu, lập dự án cho đến thẩm định, thực thi, không có khả năng tự kiểm soát, không tạo điều kiện cho những tư vấn phản biện độc lập, khách quan. Cho đến khi...

Quản lý kiểu "giật mình"

Giật mình với 10 (hay 18) tỉnh cho người nước ngoài thuê rừng đầu nguồn, giáp biên giới với tổng diện tích đất dự kiến sử dụng của các dự án này là 342.000ha (diện tích lớn hơn toàn bộ Hà Nội mở rộng 333.447ha). Theo thống kê của Chính phủ, đến nay, tổng số tiền nộp ngân sách nhà nước của 8 dự án trồng rừng có vốn đầu tư nước ngoài là 24,65 tỉ đồng (!!!).

Giật mình vì con số nợ của tập đoàn Vinashin 86.000 hay 120.000 tỷ VND (4,5 hay 6 tỷ USD) bằng 5% GDP và chắc sẽ lớn hơn giá trị thặng dư quốc gia.

Giật mình vì các dự án mua tàu mà sau một đêm đã biến thành sắt vụn.

Giờ đây, người dân vẫn tự hỏi nhau: bằng cách nào mà một núi tiền như vậy, với chỉ trong vòng vài ba năm có thể hoá phép ảo thuật hô biến mất?

Tư duy kiểu "bỗng dưng"

Bỗng dưng phải làm đường sắt cao tốc trong khi hệ thống giao thông đường sắt toàn quốc chưa được quy hoạch, hệ thống đường bộ có nơi chưa có cầu, trẻ em phải leo dây đi học. Bỗng dưng cần một hệ thống đường sắt cao tốc xa xỉ 56 tỷ USD ngay chỉ để cho hành khách giàu có sử dụng mà không cần có sự đồng bộ của toàn hệ thống giao thông. Với số tiền này chắc toàn bộ hệ thống giao thông đường sắt, đường bộ trên toàn quốc sẽ được hiện đại hoá, kinh tế sẽ phát triển đồng đều mọi vùng miền. Sau đó, có làm đường sắt cao tốc cũng chưa muộn.

Bỗng dưng có "sáng kiến dời đô" lên Ba Vì, bỗng dưng thôi, mà chẳng cần lý do. Bỗng dưng phải có trục Thăng Long (nay là Hồ Tây - Ba Vì) mà lại phải thẳng tắp. Bỗng dưng bỏ khu Tây Hồ Tây - vùng đất thiêng liêng của dân tộc (lẽ ra phải dành làm nơi dự trữ cho Trung tâm Chính trị - Hành chính quốc gia) cho doanh nghiệp nước ngoài.

Bỗng dưng "cùng một quy mô dân số đô thị chúng ta lại phải sử dụng một quỹ đất gấp 4 lần các đô thị thủ đô tốt nhất thế giới, trong khi hiệu quả sử dụng đất lại thấp hơn hàng chục, hàng trăm lần" (Quy hoạch Hà Nội: Chín chắn hay Xốc nổi? - TVN).

Bỗng dưng đề xuất chuyển đổi một quỹ đất nông nghiệp khổng lồ (với quỹ đất đô thị do quy hoạch đề xuất là 1.270 km2; từ nay đến năm 2030 Hà Nội sẽ phải thu hồi 1.089,5 km2 đất, chủ yếu là đất nông nghiệp, đất lúa) sang quỹ đất xây dựng đô thị mà không quan tâm tới biến động xã hội hay nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội, Liên hợp quốc về an ninh lương thực. Bỗng dưng "Hội đồng thẩm định quốc gia" trình Chính phủ để phê duyệt ngay trong tháng 11 đồ án này mà không cần luận cứ về phát triển, xác định quy mô đô thị, không cần bản đồ sử dụng đất sát với thực tế, bất chấp quy hoạch đang "thiểu năng về kinh tế xã hội", không cần công khai thông tin, trả lời công luận, chưa đạt được sự đồng thuận với các cơ quan góp ý kiến phản biện và với đại đa số nhân dân.

Bỗng dưng cần khai thác Bô xít ở Tây Nguyên ngay cả khi chưa nghiên cứu đầy đủ hệ thống giao thông vận tải, nguy cơ về an ninh, môi trường, văn hoá của khu xung yếu quốc gia như thế nào. Bỗng dưng khẳng định các hồ chứa bùn đỏ là an toàn, chỉ an toàn về lý thuyết thôi, trong khi, trên thực tế khi đặt hồ chứa trong thung lũng, với lưu vực tụ thủy tự nhiên chưa cần chấn động địa chất mà chỉ cần lũ tràn, mưa lớn đã có thể gây thảm hoạ ô nhiễm toàn bộ khu vực rồi. Bỗng dưng triển khai gấp dự án mà không cần biết hiệu quả kinh tế thực tế lỗ lãi ra sao (theo các chuyên gia, chắc chắn lỗ nặng, nếu tính đủ chi phí).

Vậy, Mộc có sinh Hoả không?

Không biết lũ lụt, hạn hán, thiếu điện có liên quan đến các dự án trồng rừng lơ lửng này hay không nhưng Dự án Mộc (các dự án cho nước ngoài thuê trồng rừng với giá 180.000 VND/ha tức khoảng 10USD/ha bằng 10 bát phở/ha) với thu nhập cho nhà nước như tình hình hiện nay (khoảng 1,2 triệu USD/năm) cần phải 46.666 năm dành dụm mới làm được đường sắt cao tốc (Dự án Hoả cần vốn đầu tư 56 tỷ USD); Thế là Mộc không thể sinh Hoả được rồi!

Hoả có sinh Thổ không?

Đất đai công thổ, nhưng đất đai lại có hạn, với một đất nước mà đa số dân cư nông nghiệp, hiện nay do chưa được quan tâm đúng mức rất nhiều nơi, nông dân đã bỏ ruộng hoang hoá. Nông nghiệp, nông thôn - tiềm năng chưa khai thác hết, lẽ ra chúng ta phải đầu tư hiện đại hoá cho khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân phát triển đồng đều làm nền tảng ổn định xã hội, có được hậu phương vững chắc để triển khai hiện đại hoá với trình độ cao hơn.

"Ham tăng trưởng", "bỏ quên" thế mạnh nông nghiệp; chính sự sốt ruột và hình thức mà "Tàu cao tốc" Hà Nội - Hạ Long đắp chiếu là một ví dụ. Nếu dự án Hoả (Dự án đường sắt cao tốc) được triển khai sẽ hút hết nguồn vốn thặng dư quốc gia trong vòng 10 năm có
lẻ. Thế là Hoả không sinh Thổ được rồi!

Thổ có sinh Kim không?

Và, dự án Thổ (tức Quy hoạch Hà Nội) chứa đựng nguy cơ bằng tất cả các dự án "Ngũ hành" khác cộng lại "Quy hoạch không căn cứ vào quỹ đất thực tế có thể huy động vào xây dựng đô thị, thể hiện sự hợp hiến, hợp pháp của cách tính theo Luật đất đai, Nghị quyết của Quốc hội, trong đó có các điều khoản về bảo tồn đất nông nghiệp, đất lúa, các vùng phải bảo tồn khác, các khu vực phải bảo vệ, vùng thoát lũ". "Quỹ đất quá lớn sẽ thu hút các nguồn lực thay vì đầu tư sản xuất kinh doanh, các nhà đầu tư lại tập trung vào bất động sản. Điều này sẽ làm triệt tiêu động lực sản xuất kinh doanh, tăng chi phí đầu tư lên.

Một sự gia tăng cho vay tín dụng vào những lĩnh vực phi sản xuất sẽ dẫn tới một cuộc khủng hoảng kinh tế và chặn đứng việc cấp tín dụng cho phát triển khu vực khác. Bong bóng bất động sản sẽ phá vỡ toàn bộ hệ thống tài chính ngân hàng. Điều này sẽ hủy hoại, làm suy yếu năng lực cạnh tranh, phát triển của quốc gia"; (Quy hoạch để an dân hay "chuốc lấy" nguy cơ? - TVN).

Dự báo, quy mô của khủng hoảng kinh tế, xã hội từ quy hoạch này sẽ còn lớn gấp nhiều, nhiều lần Vinashin vì không chỉ đơn thuần là chuyện tiền bạc. Khủng hoảng xã hội từ thừa đất đô thị, thiếu đất nông nghiệp sẽ tạo hiểm hoạ cho chính thể và an ninh lương thực. Mặt khác, gấp gáp với kế hoạch sử dụng đất khổng lồ như vậy, cơ hội làm chủ không thuộc về người Việt, không nói đến thế hệ sau mà ngay từ bây giờ chúng ta sẽ trở thành kẻ tha hương trên chính mảnh đất đã sinh ra mình. Thế là Thổ không sinh Kim được rồi!

Kim có sinh Thủy không?

Dự án Kim với việc tính toán khai thác khoáng sản với công nghệ lạc hậu, cự ly vận chuyển xa, hạ tầng không đồng bộ sẽ dẫn đến nguy cơ phải bù lỗ hoặc không hiệu quả nếu tính đến tổn thất môi trường, cơ hội và nguồn lực. Khai thác Bô xít (với công nghệ và trình độ quản trị như hiện nay) dù ít dù nhiều, trước mắt hoặc lâu dài đều dẫn đến hủy hoại nguồn nước, hủy hoại sinh thái lưu vực sông Đồng Nai và phụ cận. Vừa tốn tiền vừa ô nhiễm, an ninh bị đe doạ. Đồng bằng Bắc bộ nguy cơ mất vì xây dựng đô thị, Đồng bằng Nam bộ nguy cơ mất vì bùn đỏ bô xít. Thế là Kim không sinh Thủy được rồi!

và Thủy có sinh Mộc không?

"Vinashin đã trút lên vai đồng bào mình món nợ không dưới 100.000 tỷ đồng, món nợ mà một tỉnh có thu khoảng 1.000 tỷ đồng một năm phải làm quần quật không mua sắm, không ăn uống, xây dựng gì trong suốt một thế kỷ mới có thể trả được" - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết nói (Quyết liệt truy trách nhiệm vụ Vinashin - VNN).

"Sự suy sụp của Vinashin như một sự cố trong lịch sử tập đoàn. Hệ quả tác động sâu rộng không chỉ về kinh tế mà còn về xã hội, chẳng những làm suy yếu tiềm lực quốc gia mà còn làm suy giảm niềm tin của công chúng đối với Chính phủ" (Dân trí).

Chỉ với một chút tiền tiêu đúng chỗ thôi, chúng ta đã không phải mất đất rừng cho nước ngoài thuê; hãy đặt con số 24,65 tỷ VND và 130.000 tỷ VND (có lẽ không bằng số lẻ số nợ và thất thoát của Vinashin). Chỉ với 5-10% số tiền kia, kế hoạch 5 triệu ha rừng trồng sẽ được hoàn thành mà không cần có người nước ngoài tham gia chiếm hữu, người dân có việc làm, chương trình xoá đói giảm nghèo sẽ được thực hiện ngoạn mục; an ninh quốc phòng được giữ vững. Văn hoá các dân tộc vùng sâu vùng xa sẽ được bảo tồn, thiên tai giảm thiểu, đồng bào Miền Trung không phải thường xuyên gồng mình vì bão, lũ; lòng tin vào Đảng vào Chính phủ sẽ được củng cố. Giá như.... Vậy mà, Thủy tiêu lấn tiền của Mộc, góp phần gia tăng lạm phát. Thế là Thủy không sinh Mộc được rồi!

Vậy là, chúng ta đã làm đảo lộn cả vũ trụ theo quan niệm người xưa: trong khi mối quan hệ Khắc thì Mộc vẫn khắc Thổ, Thổ vẫn khắc Thủy, Thủy vẫn khắc Hoả, Hoả vẫn khắc Kim, Kim vẫn khắc Mộc; thì mối quan hệ Sinh Mộc lại không sinh Hoả; Hoả không sinh Thổ; Thổ không sinh Kim, Kim không sinh Thủy, Thủy không sinh Mộc nữa.

Làm trái quy luật tự nhiên chúng ta đã tự đẩy mình vào thế bí, tụt hậu. Các sai lầm của những dự án nêu trên khiến cho Ngũ Hành chuyển hoá thành ra Ngũ Phiền!

Câu hỏi được treo lên: Tại sao cả năm dự án "Ngũ Hành" đều thuộc lĩnh vực kinh tế ngành? Những vấn đề của các dự án này có thật do trình độ yếu kém hay còn ẩn hoạ nào khác?

Tương Sinh - Tương Khắc

"Hiện tượng tương sinh, tương khắc không tồn tại độc lập với nhau. Trong tương khắc luôn có mầm mống của tương sinh, trong tương sinh luôn có mầm mống của tương khắc. Do đó vạn vật luôn luôn tồn tại và phát triển". (nguồn: Wikipedia)

Trong thực tế còn một quy luật khác: Tương phản - Tương sinh; Tương đồng - Tương khắc. Tương đồng - Tương khắc: Khi người dân im lặng, báo chí chỉ nói một chiều, a dua, ve vuốt. Quốc hội luôn nhất trí với Chính phủ (tức tương đồng), cái giống nhau sẽ triệt tiêu lẫn nhau, đấy là cội rễ của sai lầm.

Tương phản - Tương sinh: Không khí dân chủ, chấp nhận lắng nghe các ý kiến trái chiều một cách cầu thị, khi người dân tự tin bày tỏ quan điểm, trí thức phản biện chân thành phải coi là điềm lành, may mắn; một Quốc hội mạnh, nghiêm khắc, thực sự là cơ quan quyền lực của dân, do dân và vì dân, không dĩ hoà vi quý; một Chính phủ có trí tuệ, gương mẫu trong thực thi pháp luật, thực hiện các mục tiêu quốc gia một cách trong sáng, không vì lợi ích cục bộ, cá nhân, nhóm; không mắc bệnh hình thức, nóng vội mới là cơ sở để quốc gia phát triển.

Ngũ Hành (các yếu tố vũ trụ, quy luật tự nhiên) có mối quan hệ tương sinh với chúng ta hay không tùy thuộc vào thái độ của người dân, trách nhiệm của Quốc hội và năng lực của Chính phủ để năm dự án kiểu "ngũ hành" nêu trên không quay trở lại "hành" chúng ta nữa.

Từ giã Ngũ phiền

Với sự trưởng thành của nhà nước pháp quyền, dân chủ, lắng nghe ý nguyện của nhân dân; giải phóng tri thức, chấp nhận phản biện khách quan. Ai có lỗi hãy nhận lỗi, trước hết hãy tự xử theo năng lực, bản lĩnh văn hoá của chính mình. Có tiến lên hay lùi xuống đúng lúc cũng là yêu nước. Được như vậy, hy vọng chúng ta sẽ hài hoà với Ngũ Hành và chia tay với Ngũ Phiền.

Và chúng tôi tin, như Nguyễn Trãi đã viết trong Bình Ngô Đại cáo:

"Càn khôn bĩ rồi lại thái
Nhật nguyệt hối rồi lại minh
Ngàn năm vết nhục nhã sạch làu
Muôn thuở nền thái bình vững chắc
Âu cũng nhờ trời đất tổ tông linh thiêng đã lặng thầm phù trợ".

Phác Nguyên (TVN)