Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Giáo dục > Sư phạm > Phúc Ông Tự truyện

Phúc Ông Tự truyện

Thứ Tư 11, Tháng Tư 2007

Cuốn sách "Phúc ông tự truyện" kể lại toàn bộ cuộc đời Yukichi Fukuzawa với những nỗ lực không mệt mỏi để mang lại thành công cho cuộc cải cách Canh tân Minh Trị (1868) ở Nhật Bản.

FUKUZAWA YUKICHI (1835-1901) sinh tại thành phố Osaka, trong một gia đình Samurai cấp thấp. Đến năm 1837, cha ông qua đời đột ngột ở tuổi 44. Cuộc sống khó khăn, ông phải giúp gia đình và cho mãi đến năm 14 tuổi mới được đến trường. Không chỉ dừng lại ở một nhà tư tưởng, Fukuzawa đã bắt tay làm rất nhiều việc, từ mở trường dạy học, lập tờ báo, dịch sách để hướng những đề xuất, ý tưởng, giải pháp của mình vào đông đảo người dân và trí thức Nhật Bản, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển nhanh chóng về nhận thức, hành động và phát triển của người dân cũng như đất nước Nhật Bản.

Sau thất bại trong Thế chiến thứ hai, mặc dù giới nghiên cứu có thể có những nhìn nhận lại về F. Yukichi, nhưng cần khẳng định một điều rằng không một nhà tư tưởng nào lại có ảnh hưởng sâu và rộng đến xã hội Nhật Bản cận đại hơn ông! Trong quá trình chuyển đổi nước Nhật Bản phong kiến biệt lập trở thành một thành viên thực sự của thế giới, Fukuzawa giữ vai trò như một nhà lãnh đạo và như nhiều sử gia đã bình luận, chính ông đã “mở mắt” cho cả xã hội Nhật Bản, đã đào tạo ra những giáo viên tài giỏi cho thế hệ tương lai. Ông là người đã mạnh bạo giải thích cho đồng bào mình những tư tưởng ẩn sau những bằng chứng vật chất thịnh vượng của văn minh phương Tây. Fukuzawa xứng đáng là một trong những nhà thiết kế nước Nhật Bản tư bản chủ nghĩa.

Ngoài "Phúc ông tự truyện", còn có cuốn "Khuyến học" được Fukuzawa viết trong thời gian 1872-1876. Đây không phải là tác phẩm đồ sộ và sâu sắc nhất của ông, nhưng lại là tác phẩm có ảnh hưởng rộng rãi nhất đến công chúng Nhật Bản. Khi mới được in lần đầu, cuốn sách này có một số lượng phát hành kỷ lục là 3,4 triệu bản, trong khi dân số Nhật Bản thời đó chỉ khoảng 35 triệu người. Chỉ riêng điều đó đã cho thấy đây thực sự là cuốn sách gối đầu giường của mọi người dân Nhật trong thời kì Duy tân. Và kể từ đó đến nay, cuốn sách này đã được tái bản liên tục, chỉ tính từ năm 1942 đến năm 2000, riêng nhà xuất bản Iwanami Bunko cũng đã tái bản đến 76 lần.

Trong cuốn sách "Khuyến học", Fukuzawa Yukichi đề cập đến tinh thần cơ bản của con người và mục đích thực thụ của học vấn. Với các chương viết về sự bình đẳng, quyền con người, ý nghĩa của nền học vấn mới, trách nhiệm của nhân dân và chính phủ trong một quốc gia pháp trị... cuốn "Khuyến học" đã làm lay chuyển tâm lý người dân Nhật Bản dưới thời Minh Trị. Với tuyên ngôn "Trời không tạo ra người đứng trên người và cũng không tạo ra người đúng dưới người", Fukuzawa Yukichi đã gây kinh ngạc và bàng hoàng - như "không tin vào tai mình" - cho đa số người dân Nhật Bản vốn bị trói buộc bởi đẳng cấp, thân phận, quen phục tùng, phó mặc và e sợ quan quyền suốt hàng trăm năm dưới chính thể phong kiến Mạc phủ. Ông khẳng định mọi người sinh ra đều bình đẳng và nếu có khác biệt là do trình độ học vấn. Về học vấn, Fukuzawa Yukichi phê phán lối học "từ chương" và nhấn mạnh Nhật Bản phải xây dựng nền học vấn dựa trên "thực học". Nền học vấn thực học phải gắn liền với cuộc sống hàng ngày, phải dựa trên tinh thần khoa học, tinh thần độc lập, tính thực dụng. Việc tiếp thu văn minh phương Tây phải có chọn lọc. Và quan điểm xuyên suốt cuốn sách là "Làm thế nào để bảo vệ nền độc lập Nhật Bản" trong bối cảnh các cường quốc phương Tây đang muốn biến toàn bộ châu Á thành thuộc địa.


Đoạn trích dưới đây, lấy từ hồi ký "Phúc ông tự truyện" (NXB Thế giới, P.T. Giang dịch 2005) kể về chuyến đi đến Mỹ năm 1860 của ông.

Lênh đênh trên biển mãi cũng có ngày cập bến San Francisco. Vừa đến nơi thì những nhân vật quan trọng của địa phương đã ra mãi tận tàu và bày tỏ sự hân hoan chào đón chúng tôi. Đó mới chỉ là bước đầu của sự nghênh đón. Người xem trên bờ đông nghịt.

Từ đó phát ra tiếng súng đón chào đoàn chúng tôi. Mà họ bắn thì chúng tôi cũng phải bắn lại để đáp lễ, nhưng xung quanh điều này cũng có một chuyện buồn cười.

Anh Katsu Rintarō[1] có quyền chỉ huy sau ngài thuyền trưởng Kimura, nhưng vốn là người không quen tàu bè, sóng gió, nên trong suốt chuyến đi lúc nào anh cũng khật khừ như người ốm, không thể ra khỏi phòng riêng của mình. Nhưng khi tàu cập bến, anh khỏe lại và điều hành mọi việc ra dáng một người chỉ huy. Khi đó đã xảy ra sự tranh cãi về chuyện nổ súng đón chào. Theo ý của anh Katsu, chúng tôi không thể nổ súng đáp lễ được. Vì không bắn lên còn hơn là đáp lại một cách vụng về. Lập tức, anh Sasakura Tōtarō[2], người chịu trách nhiệm về kỹ thuật lái tàu khăng khăng:

- Làm gì có chuyện không dùng được! Để tôi bắn cho mà xem!
- Vớ vẩn! Các cậu bắn được thì tớ xin nộp đầu cho các cậu!

Bị đùa lại như thế, nhưng anh Sasakura không chịu và nhất quyết, dù thế nào cũng sẽ bắn để đáp lễ, nên ra lệnh cho thủy thủ lau chùi lại đại bác, chuẩn bị sẵn sàng thuốc nổ, cầm đồng hồ cát tính giờ. Kết quả là đã nổ súng đáp lễ giòn giã. Thế là anh Sasakura tỏ vẻ huênh hoang: “Tôi đã làm mọi việc đầu xuôi đuôi lọt rồi. Vậy thì cái đầu của anh Katsu sẽ là của tôi! Nhưng vẫn đang trong chuyến đi, còn nhiều việc phải làm, thôi thì tạm thời cứ cho tôi gửi tạm trên người anh Katsu đã nhé!”.

Anh nói thế làm cả tàu cười rần rần. Nhưng nói gì thì nói, chuyện nổ súng đón chào quả thực là rất tuyệt vời!

Sự đón tiếp tận tình

Sau khi đến Mỹ bình yên vô sự, chúng tôi được người Mỹ tiếp đón chu đáo và hết lòng, đến mức tôi nghĩ không thể có cách đối đãi nào hơn thế nữa. Thử đặt vào địa vị của người Mỹ, có lẽ họ nghĩ thế này: Người Mỹ đến Nhật và lần đầu tiên người Nhật đã buộc phải mở cửa. Từ chuyến đi đến Nhật của ông Perry[3], thì năm thứ tám sau đó chính những người Nhật này đã đi tàu đến được đất nước của mình, nên họ cho đó như việc những học trò tốt nghiệp từ trường của mình ra đã đuổi kịp được mình. Chỉ còn nước chưa nói ra rằng, chính mình là người đã mở màn mà thôi. Thế nên họ nâng niu người Nhật lên lòng bàn tay, cẩn thận, làm sao không để phải gặp bất kỳ khó khăn gì.

Chúng tôi vừa đến San Francisco đã có người mang xe ngựa đến đón và tạm thời cho nghỉ ở một khách sạn trong thành phố. Ở khách sạn đó không hiểu là người của tòa thị chính hay ở đâu mà thấy những quan chức đứng đón chào đông kín. Rất nhiều kiểu, hết sự tiếp đón này đến sự tiếp đón khác. Ngay vùng phụ cận của San Francisco là Mare Ireland có một cảng dành riêng cho hải quân và họ cho chúng tôi mượn chỗ ở đó cho tàu Kanrin-maru đỗ. Họ bảo tàu của chúng tôi bị hỏng hóc trên đường đi, nên sẽ đem về xưởng để sửa giúp.

Trong thời gian ở Mỹ, chuyện ăn ở thì khỏi phải nói, ngoài ra việc gì họ cũng lặng lẽ lo cho chúng tôi. Những người Nhật mà trước hết là thủy thủ, không quen ăn đồ Âu, thực sự không phải là đồ ăn Nhật thì không ăn được, nên định sẽ tự mình lo chuyện ăn uống. Nhưng họ biết rất rõ rằng người Nhật thích ăn cá và ngày nào cũng mang đến. Hoặc như người Nhật thích tắm bồn nước nóng thì ngày nào họ cũng chuẩn bị bồn tắm cho. Đại thể là như thế. Mare Ireland vốn không phải là thành phố, nên thỉnh thoảng họ lại rủ chúng tôi đi San Francisco chơi. Chúng tôi mà lên tàu đi thì lần nào họ cũng hướng dẫn đến tận khách sạn và ở đó lại được đón tiếp rất long trọng.

Ngạc nhiên vì thảm trải

Tất thảy mọi thứ ở Mỹ đều lạ đối với chúng tôi. Chẳng hạn như xe ngựa, vì đó là lần đầu tiên chúng tôi nhìn thấy chúng trong đời. Người ta buộc ngựa vào xe và biến thành một phương tiện đi lại, điều đó cũng có thể hiểu được, nhưng lúc đầu chỉ nhìn qua thì không thể đoán ngay ra như thế. Cứ thấy cửa mở ra và người bước vào là ngựa chạy, nên chúng tôi mới vỡ lẽ ra đấy đúng là xe do ngựa kéo thật. Vỡ lẽ ra được điều ấy mà vui mừng như thể phát hiện được một điều mới lạ vậy.

Người Nhật thường đeo hai thanh kiếm lớn, nhỏ, đi dép lót vải gai. Đến khi được người Mỹ hướng dẫn vào khách sạn thì ôi thôi thảm trải khắp từ trong đến ngoài! Thảm đó ở Nhật nhà nào sang lắm cũng chỉ dám bỏ tiền ra mua một tấm hình vuông cỡ 1 shun[4] để làm những thứ như ví đựng tiền hay bao đựng thuốc lá mà thôi, chứ đâu có dám dùng thứ hiếm như vậy mà trải ra sàn rộng đến những 8 Jō (Điệp) hay 10 Jō[5]. Hơn thế, còn giẫm giày lên đó mà đi thì quả thực là ngạc nhiên không để đâu cho hết.

Nhưng người Mỹ cứ để nguyên giày đi lại trên đó, nên chúng tôi cũng cứ nguyên dép như thế mà bước lên. Vừa bước vào thì họ dọn rượu ra. Tôi thấy lạ nhất là khi mở Champagne, rượu mở ra lại kèm theo một âm thanh khủng khiếp. Trong cốc rượu lại có cái gì đó nổi lên mà chúng tôi không tài nào hiểu nổi. Cũng không thể nghĩ được rằng, đó là vào dịp tháng 3, tháng 4, trời nóng, nên người ta phải cho đá vào để uống. Trước mặt mỗi người chúng tôi đều đặt cốc. Để tôi tả lại cảnh khi mọi người uống rượu đó. Người Nhật chúng tôi trước hết đều cho cái thứ nổi lềnh bềnh ấy vào miệng, người thì giật mình vội phun ra, người lại không nhổ ra mà nhai rau ráu trong miệng và cuối cùng cũng hiểu đó chính là đá!

Đến lượt tôi định hút một điếu thuốc, nhưng không có đĩa đựng thuốc cũng không có gạt tàn. Khi đó, tôi đã châm bằng lửa của lò sưởi.(Thực ra trên bàn có lẽ có để diêm, nhưng tôi nào có biết diêm là gì, nên đã châm thuốc bằng lửa lò sưởi). Vì không thấy có gạt tàn thuốc, không có chỗ vứt mẩu thuốc hút thừa và tôi đã lôi giấy trong tay nải ra, nhả mẩu thuốc vào trong giấy đó, cẩn thận vo tròn, vặn chặt lại để lửa khỏi bén ra rồi cho vào dưới tay áo. Một lát sau, khi định hút sang điếu khác thì tôi giật nảy mình vì thấy khói bốc lên từ trong tay áo! Tôi không biết phải làm sao nữa, vì đã cố dập mà lửa từ mẩu thuốc vẫn bén ra đến giấy gói.

Chú thích

[1] Katsu Rintarō (1823-1899) là Hatamoto của Mạc phủ. Cuối thời Mạc phủ Edo, ông đã đàm phám với Saigō Takamori và đã mở được cửa thành Edo mà không hề phải đổ máu. Thời Minh Trị, ông đã kinh qua nhiều trọng trách như nghị viên kiêm Tư lệnh trưởng Hải quân...

[2] Sasakura Tōtarō (1830-1875), người vùng Uraga, học về kỹ thuật hàng hải ở Nagasaki và đã từng giảng dạy về kỹ thuật này.

[3] Mathew Calbraith Perry (1794- 1858), Đô đốc Hải quân người Mỹ, được coi là cha đẻ của tàu chạy bằng hơi nước. Năm 1852, ông được bổ nhiệm làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền kiêm Tư lệnh hạm đội Đông Ấn. Năm sau ông cùng quân hạm gồm 4 tàu cập cảng Uraga (Shizuoka) và trao tối hậu thư của Tổng thống Mỹ , yêu cầu Nhật bản mở cảng thông thương. Năm 1854, ông cùng hạm đội 7 tàu cập vào vịnh Edo và yêu cầu ký kết “Hiệp ước thân thiện Mỹ- Nhật”, sau này còn buộc Nhật Bản mở cảng Shimoda và Hakodate.

[4] Shun (Thốn) là đơn vị đo chiều dài, khoảng 3,03cm. Một tấm thảm vuông cạnh 1 Shun, tức có diện tích 3,03cm×3,03cm=9,1809cm2. Xem thêm chú thích 87.

[5] Jō là từ để chỉ kích cỡ của một tấm chiếu trải nhà của người Nhật. Sàn nhà người Nhật thường được trải bằng những tấm chiếu và tương ứng với số tấm đó sẽ tính được diện tích mặt bằng. Jō có nhiều loại khác nhau. 8 Jō là khoảng từ 11,5m2 đến 14,5m2. 10 Jō có diện tích khoảng từ 14,4m2 đến 18m2.


Xem online : Xây danh dự cho dân tộc Việt