Hoang sơ biển Đại Lãnh

Cách TP Tuy Hòa, Phú Yên chừng 40km về phía Nam, mũi Đại Lãnh với vẻ đẹp hoang sơ đang là điểm đến của nhiều du khách ưa khám phá, tận hưởng sự hùng vĩ của thiên nhiên. Đây cũng là một trong những nơi đón ánh mặt trời đầu tiên trên dải đất hình chữ S.

Mũi Đại Lãnh hay còn gọi là mũi Điện, mũi Nạy hay mũi Diều thuộc địa phận thôn Phước Tân, xã Hòa Tâm, Đông Hòa, Phú Yên. Nằm ở tọa độ địa lý 12.53’48” độ vĩ bắc và 109.27’06” độ kinh đông, nơi đây được xác định như là một trong những điểm cực đông trên đất liền đón ánh bình minh sớm nhất. Điểm đặc biệt của địa danh này là ở chỗ nó như một ngọn núi, lại giống một hòn đảo vì có một suối nước ngọt tách nó ra khỏi đất liền, nhưng thực chất nó lại là đất liền...

Vũng Rô

Từ đèo Cả, đến khu vực cảng Vũng Rô, du khách sẽ thăm quan di tích lịch sử “Tàu không số” Vũng Rô, nghe kể chuyện về những chuyến vận tải hàng và vũ khí trên những chiếc tàu không số của hải quân Việt Nam từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Sau đó, tiếp tục hành trình khoảng 10km trên tuyến đường vừa được nâng cấp, mũi Đại Lãnh ẩn hiện một vẻ đẹp huyền bí tựa như viên ngọc chiếu sáng long lanh giữa biển khơi. Từng được xếp vào top 10 bãi biển đẹp nhất Việt Nam, vùng biển Đại Lãnh hiền hòa vẫn giữa nguyên vẻ hoang sơ với bãi cát trắng mịn, nước biển trong xanh.

Bãi Môn

Điểm đến đầu tiên của hành trình là ngọn hải đăng sừng sững trước biển. Anh Nguyễn Văn Lập, hướng dẫn viên bản địa cho biết, vào mùa hè, khách đến đây khá đông, mùa đông vắng hơn nhưng thường là những người đam mê khung cảnh tuyệt đẹp và muốn ở lại đón bình minh. Để lên ngọn hải đăng, du khách sẽ phải lội qua suối Lim. Vào mùa nước cạn, việc lội qua suối khá đơn giản nhưng cứ mưa to, nước suối dâng cao khiến không ít đoàn phải quay lại đợi nước rút.

Ở mũi Đại Lãnh, biển đêm tuyệt đẹp. Bình minh Đại Lãnh còn diệu kỳ hơn khi mặt trời xuất hiện. Biển ửng hồng rồi rực rỡ với muôn ánh hào quang chiếu rọi lên nền trời xanh thẫm. Những ghềnh đá dưới chân núi phủ đầy ánh sáng. Và phía bên kia, bãi biển nhỏ lăn tăn gợn sóng, yên bình. Những dòng suối nước ngọt bắt nguồn từ trên núi chảy xuống, quanh năm mát lạnh, nằm ẩn mình trong rừng dương xanh ngắt, tạo nên khung cảnh nên thơ và quyến rũ.

Đến Đại Lãnh không thể không ghé bãi Môn. Chính sự dịu dàng của biển xanh, cát trắng, độ dốc thoải và làn nước trong đã tạo nên bãi tắm có một không hai của miền Trung. Phía tây bãi tắm có một suối nước ngọt, len lỏi qua từng vách đá và tán cây rợp mát của khu rừng nguyên sinh đèo Cả, chảy qua bãi tắm rồi đổ nước ra biển, dòng nước ngọt nơi đây rất trong và mát.

Hải đăng Đại Lãnh

Từ bãi Môn nhìn lên bán đảo mũi Đại Lãnh là ngọn hải đăng cao chót vót, đứng trầm mặc như một lâu đài cổ. Hải đăng mũi Đại Lãnh được người Pháp xây năm 1890 gồm khối nhà cao 5m với diện tích 320m2, dưới nền nhà có bể ngầm chứa nước mưa, trần nhà đặt hệ thống pin mặt trời để cung cấp năng lượng để hải đăng chiếu sáng và điện sinh hoạt cho những người gác ngọn hải đăng này. Ngọn hải đăng màu xám, cao 27m so với nền tòa nhà và 110m so với mặt nước biển, là nơi phát tín hiệu ánh sáng đi xa 27 hải lý. Bên trong hải đăng là cầu thang gỗ 110 bậc bóng loáng. Leo lên đỉnh hải đăng sẽ thấy cả một vùng biển trời bao la. Cảm giác hấp dẫn nhất khi đến với ngọn hải đăng là được theo chân những người gác nơi đây. Ban đêm, ánh trăng vằng vặc, soi rõ dải cát trắng mịn và những con sóng vỗ về khiến ai một lần ghé đến sẽ không thể quên một Đại Lãnh xinh đẹp, hoang sơ hiếm có. Giám đốc Sở VH, TT và DL Phú Yên Trần Quang Nhất cho biết, mũi Đại Lãnh và cảnh quan xung quanh sẽ là một trong những điểm đến hấp dẫn du khách trong Năm Du lịch Quốc gia duyên hải Nam Trung bộ năm 2011 tổ chức tại Phú Yên.

Linh Vũ (NLĐ)